Đức Tâm, Trọng Nghĩa
Bài đăng ngày 31/05/2008 Cập nhật lần cuối ngày 15/09/2008 17:43 TU
Trung Quốc đang âm thầm xây dựng một căn cứ hải quân hiện đại ở Tam Á, trên đảo Hải Nam, đủ sức tiếp nhận 20 tiềm thủy đỉnh nguyên tử và 6 hàng không mẫu hạm. Bí mật này đã bị tạp chí quốc phòng Jane's Intelligence Review (Anh) tiết lộ vào tháng 04/2008. Nhờ căn cứ này, quân đội Trung Quốc sẽ có thể dễ dàng kiểm soát vùng Biển Đông và các tuyến hàng hải trong khu vực, đồng thời cạnh tranh với hạm đội Thái Bình Dương của Hoa Kỳ. Cùng với giáo sư Carl Thayer, Học viện Quốc phòng Úc và Ngô Vĩnh Long, Đại học Maine, Hoa Kỳ, RFI đã tìm hiểu thêm về căn cứ Tam Á.
Từ giữa năm 2002, giới nghiên cứu về quốc phòng Trung Quốc đã bắt đầu được nghe nói đến căn cứ hải quân ngầm trong lòng đất mà Bắc Kinh cho xây dựng ở thành phố Tam Á, vùng cực nam đảo Hải Nam. Thế nhưng phải chờ đến gần đây thì tầm mức trọng yếu của căn cứ này mới được biết đến một cách cụ thể nhờ vào một loạt ảnh chụp từ vệ tinh, nêu bật các công trình đã và đang được xây dựng ở đấy.
Từ giữa năm 2002, giới nghiên cứu về quốc phòng Trung Quốc đã bắt đầu được nghe nói đến căn cứ hải quân ngầm trong lòng đất mà Bắc Kinh cho xây dựng ở thành phố Tam Á, vùng cực nam đảo Hải Nam. Thế nhưng phải chờ đến gần đây thì tầm mức trọng yếu của căn cứ này mới được biết đến một cách cụ thể nhờ vào một loạt ảnh chụp từ vệ tinh, nêu bật các công trình đã và đang được xây dựng ở đấy.
Trong số ra ngày 15/04/2008, tạp chí Jane's Intelligence Review của Anh đã phân tích các tấm ảnh vệ tinh nói trên trong bài viết mang tựa : Tiết lộ bí mật về Tam Á, căn cứ hải quân nguyên tử mới của TQ.
Theo chuyên gia phân tích Richard D. Fisher Junior, tác giả bài báo, thì Tam Á là một căn cứ quan trọng có thể dùng cho loại tầu ngầm nguyên tử 094 thuộc thế hệ mới của TQ, có khả năng mang tên lửa đạn đạo có đầu đạn hạt nhân. Tháng 12/2007, hải quân TQ đã đưa chiếc tiềm thủy đỉnh nguyên tử 094 đầu tiên của họ về căn cứ này. Hàng không mẫu hạm hay các loại tàu khác có khả năng tung lực lượng tác chiến đi xa cũng có thể đặt bản doanh tại Tam Á.
Điểm đáng lưu ý, theo chuyên gia Fisher Jr, là việc xây dựng căn cứ hải quân ở Hải Nam tiến hành song song với xu hướng TQ bành trướng về mặt quân sự tại vùng quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, thực tế cũng được các phóng ảnh vệ tinh khác ghi nhận.
Theo tác giả bài báo trên tờ Jane’s Intelligence Review, việc Bắc Kinh tăng cường tiềm lực hải quân ở vùng duyên hải phiá Nam nằm trong một chính sách có từ hàng chục năm nay, nhằm áp đặt chủ quyền TQ trên phần lớn khu vực Biển Đông, đồng thời kiểm soát các tuyến lưu thông hàng hải đi qua eo biển Malacca, có giá tri thiết yếu không chỉ cho TQ mà còn cho các nước Đông Á khác như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan…
Bản doanh cho tầu ngầm nguyên tử và hàng không mẫu hạm
Về căn cứ hải quân Tam Á đang xây dựng, hầu hết các nhà quan sát đều nhấn mạnh đến tính chất hiện đại, kích thước to lớn và đặc biệt là phần ngầm dưới đất của cơ sở này.
Theo giáo sư Carl Thayer, chuyên gia về Châu Á tại Hoc Viện Quốc Phòng Úc, hiện thỉnh giảng tại trường Đại Học Ohio Hoa Kỳ, thì tương quan lực lượng quân sự ở vùng Biển Đông và Thái Bình Dương có khả năng thay đổi một khi công trình được Bắc kinh hoàn tất :
Khi căn cứ hải quân Tam Á hoàn tất, cục diện chiến lược sẽ có thay đổi quan trọng vì cơ sở này sẽ cho phép quân đội TQ vươn xuống Biển Đông và vươn ra Thái Bình Dương. Một phần căn cứ xây ngầm dưới lòng đất gây khó khăn cho việc theo dõi.
Tầu ngầm nguyên tử TQ sẽ có điều kiện tuần tra và tấn công từ những vị trí khó phát hiện sâu dưới lòng biển ngoài khơi Hải Nam nếu Bắc Kinh phát triển được năng lực tác chiến cần thiết. Hiện thời, người ta chưa rõ là bao nhiêu trong số 5 chiếc tầu ngầm nguyên tử của TQ sẽ đặt bản doanh tại Tam Á.
Các hoạt động xây dựng hiện nay chứng tỏ rằng Tam Á sẽ trở thành một căn cứ quân sự trọng yếu với nhiều tác động trên cán cân lực lượng trong khu vực. TQ có thể lưu trữ tại đấy một phần đáng kể các loại tên lửa răn đe hạt nhân có thể phóng đi từ tầu ngầm.
Các loại tiềm thủy đỉnh nguyên tử chiến lược hiện đại nhất của TQ hiện chưa hoàn toàn có khả năng tác chiến, nhưng khi điều đó xẩy ra thì mỗi chiếc có thể mang theo 12 hỏa tiễn đạn đạo bắn đi từ dưới biển. Loại tầu ngầm này còn có uy lực mạnh mẽ hơn nữa nếu TQ thành công trong việc trang bị nhiều đầu đạn hạt nhân cho mỗi chiếc tên lửa.
Căn cứ vào các hoạt động xây dựng, kết hợp với sự kiện một chiếc tiềm thủy đỉnh loại 094 của TQ đã có mặt ở đấy vào cuối năm ngoái, ta có thể suy đoán rằng căn cứ này sẽ là bản doanh của các loại tầu ngầm nguyên tử có khả năng phóng đi các loại hoả tiễn liên lục địa. Tiềm thủy đỉnh nguyên tử 094 thuộc thế hệ thứ hai là phương tiện vũ khí có sức công phá mạnh nhất của Hải quân TQ.
Theo bộ quốc phòng Mỹ thì từ nay đến năm 2010, sẽ có thêm năm chiếc tầu ngầm loại đó đi vào hoạt động.
Sự xuất hiện của căn cứ hải quân to lớn Tam Á ở Hải Nam, măc nhiên giúp quân đội TQ xuống sát vùng Biển Đông. Hơn nữa, khi được thiết kế thành một hải cảng dùng cho hàng không mẫu hạm hay các phương tiện tung quân đông đảo và nhanh chóng đến các chiến trường xa xôi, căn cứ này sẽ rất lợi hại trong chiến lược hướng Nam của Bắc Kinh.
Điều này, theo giáo sư Thayer, là một mối đe doạ tiềm tàng cho các nước Đông Á khác, đặc biệt là các nước đang có tranh chấp chủ quyền với Bắc Kinh tại vùng quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa như Philipines, Malaysia, Brunei, Đài Loan và lẽ dĩ nhiên là Việt Nam.
Việc xây cất các cầu tầu và bến cảng cho thấy là căn cứ hải quân Tam Á sẽ có khả năng tiếp nhận các loại tàu lớn kể cả các chiến hạm và hàng không mẫu hạm. Công trình xây dựng căn cứ ở đảo Hải Nam được TQ tiến hành song song với công việc xây dựng sân bay trên đảo Phú Lâm (Woody Island) thuộc quần đảo Hoàng Sa, củng cố các cơ sở đã đặt trên đảo Chữ Thập (Fiery Cross Reef) cũng như duy trì chiến hạm ở khu vực đảo Đá Vành Khăn (Mischief Reef). Cả hai đảo này đều thuộc Trường Sa.
Qua các công việc kể trên, TQ sẽ tăng cường năng lực yểm trợ cho các đòi hỏi chủ quyền của họ tại Biển Đông, cũng như bảo vệ các tuyến hàng hải thiết yếu xuyên qua eo biển Malacca và Singapore. Một khối lượng lớn năng lượng mà TQ nhập về đi qua ngã này.
Cũng như vậy, TQ cón có khả năng đe dọa các tuyến hàng hải thiết yếu đối với Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan, Các nước này cũng bị lệ thuộc vào các con đường biển đó.
Ngoài ra, với căn cứ Tam Á, TQ sẽ có năng lực tung các đạo quân viễn chinh xuống vùng Biển Đông và thu ngắn đáng kể các tuyến tiếp tế hậu cần. Hải quân TQ được hiện đại hoá là một thách thức và là một mối đe dọa tiềm tàng cho mọi quốc gia Đông Nam Á.
Song song với bành trưóng quân sự tại Biển Đông
Như giáo sư Thayer vừa trình bày ở trên, ý đồ của TQ tại vùng biển Đông càng lúc càng rõ. Bài viết trên tờ Jane’s Intelligence Review đã dựa trên cứ liệu ảnh vệ tinh để chứng minh tiến trình TQ dần dần tăng cường tiềm lực quân sự tại Biển Đông, Tiến trình này khởi đầu từ việc chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa rồi một số hòn đảo ở Trường Sa, sau đó biến các nơi này thành bàn đạp yểm trợ các chiến dịch quân sự của TQ khi cần thiết.
Bài báo ghi nhận :
Sau khi chiếm được quần đảo Hoàng Sa vào năm 1974 từ tay chính quyền miền Nam Việt Nam lúc bấy giờ, Quân đội TQ đã đặt căn cứ lớn nhất của họ trong khu vực trên đảo Phú Lâm ( Woody Island). Vào cuối thập niên 90, Bắc Kinh đã cho xây tại đấy một phi đạo dài 2600 mét, có khả năng tiếp nhận tạm thời mọi loại chiến đấu cơ hay chiến đấu-oanh tạc cơ của TQ. Những hình ảnh vệ tinh mới nhất còn cho thấy đảo Phú Lâm đã có thêm một chiếc cầu tầu dài 350 thước và nhiều ngọn tháp mới có thể dùng để đặt thiết bị viễn thông hay radar. Mặt khác, một số nguồn tin báo chí chưa được kiểm chứng cho biết là Quân đội TQ đã thiết lập một căn cứ tình báo viễn thông trên Đảo Hòn/ Đá Tháp (Rocky).
Còn tại quần đảo Trường Sa, vào năm 1988, sau những trận hải chiến ngằn ngủi, TQ đã chiếm cứ 6 hòn đảo từ tay Việt Nam. Một số hạ tầng cơ sở quân sự và vận tải đã được Bắc Kinh xây dựng trên các hòn đảo này.
'Hình ảnh vệ tinh chụp tháng 12/2007 cho thấy là đảo Chữ Thập (Fiery Cross Reef) nơi đặt cơ sở lớn nhất của Quân Đội TQ ở vùng quần đảo này, đã có một công trình kiến trúc dài 116 mét, rộng 90 mét, với một phần lộ thiên hình vuông,cạnh dài 34 mét. Kích thước này đủ làm bãi đáp cho trực thăng Change Z-8, loại lớn nhất của Hải Quân TQ. Khoảng sân rộng này cũng có thể dùng cho việc đặt các dàn phóng hỏa tiễn địa đối hải, điều khiển từ vệ tinh, phi cơ hay chiến hạm.
Tại vùng Trường Sa, Bắc Kinh cũng đã chiếm lấy đảo Đá Vành Khăn (Mischief Reef) từ tay Philippines vào đầu năm 1995. Các phóng ảnh vệ tinh ghi nhận hai cơ sở kiên cố, cho thấy rằng TQ đã tăng cường sự hiện diện của họ trên đảo Mischief và sử dụng nơi này làm địa bàn yểm trợ các chiến dịch hải quân.
Theo hình ảnh chụp vào tháng 12/2007, các công trình đó hoàn toàn có thể được dùng cho các dàn phóng tên lửa phòng không hay trạm truyền thông tần số cao. Trên ảnh, người ta cũng thấy ba chiếc tàu quân sự ở đảo Mischief. Đây là bằng chứng về khả năng nơi này có thể cung cấp chỗ tạm trú và hậu cấn cho một đơn vị hải quân nhỏ của TQ.
Mục tiêu dùng quân sự khống chế vùng Biển Đông
Trong bối cảnh như vừa kể, việc TQ tăng cường tiềm lực nguyên tử và hải quân tại Tam Á phản ánh ý chí của Bắc Kinh, muốn kiểm soát khu vực một cách chặt chẽ hơn.
Theo giáo sư Ngô Vĩnh Long tại Đại Học Maine (Hoa Kỳ), từng nghiên cứu về hải quân TQ, thì chiến lược hướng Nam của TQ từng được thể hiện rõ nét qua sự kiện Hạm Đội Nam Hải của họ là đơn vị hải quân hùng hậu nhất.
Chủ lực hùng hậu nhất của hải quân TQ nằm trong Nam Hải Hạm Đội. Trong số 57 tiềm thủy đỉnh của TQ, 32 chiếc tối tân nhất thuộc về Nam Hải Hạm Đội. Theo thông tin mới này thì ở Tam Á, TQ đã làm hầm trong núi có thể chứa 20 tiềm thủy đỉnh nguyên tử. Như vậy rõ ràng chiến lược của TQ là đi về phiá biển Đông của Đông Nam Á cho đến tận đảo Guam và Ấn Độ Dương.
Ngoài ra, căn cứ ở Hải Nam có thể tiếp nhận 6 hàng không mẫu hạm. Hiện nay TQ đang sửa một hàng không mẫu hạm của Nga, nhưng trong 4, 5 năm tới, họ sẽ có 6 chiếc, tức là 2 hạm đội hàng không mẫu hạm nằm trong Nam Hải Hạm Đội. Ngoài ra, còn có tầu đổ bộ, tầu khu trục, tầu đặt mìn, và tầu cao tốc để đưa quân đến những vùng TQ muốn.
Với bản doanh đặt ngay đảo Hải Nam, TQ có thể tung lực lượng ra Biển Đông rất nhanh, có thêm máy bay để yềm trợ nếu họ muốn chiếm đóng những hòn đảo như ở Trường Sa chằng hạn. Tại vùng Biển Đông, TQ phải đưa máy bay đến thật nhanh chóng thì mới có thể bảo vệ được lực lượng thủy quân lục chiến họ tung ra để chiếm cứ vùng này. Tất cả các lữ đoàn thủy quân lục chiến của TQ, từ 10 đến 12 ngàn người. đều nằm trong Nam Hải Hạm Đội.
Theo giáo sư Ngô Vĩnh Long, căn cứ Tam Á ở đào Hải Nam có tầm quan trọng cực lớn trong chính sách của TQ nhắm vào Đông Nam Á.
Vào năm ngoái, có tin là TQ đã đặt Trường Sa và Hoàng Sa trực thuộc Hải Nam. Điều này lại càng khẳng định chiến lược của Bắc Kinh là bành trưóng về phía Nam và sang Ấn Độ Dương. Từ căn cứ Tam Á, TQ có thể đưa quân rất dễ dàng đến các quốc gia Đông Nam Á quanh Biển Đông.
Khu vực này là huyết mạch của TQ, cũng như của tất cả các nưóc Đông Á, bởi vì đây là đuờng thông thương với châu Phi, với các nưóc vùng Vịnh, dầu hỏa nhập vào TQ đều đi ngang qua đây, vì vậy Bắc Kinh muốn có sức mạnh hải quân để bảo vệ đuợc đuờng chuyển vận này.
Thách thức cho Hoa Kỳ
Theo giáo sư Ngô Vĩnh Long, hải quân TQ đóng ở Tam Á cũng là một thách thức đối với hạm đội Thái Bình Dương của Hoa Kỳ .
Đây là một thách thức rất lớn, bởi vì hiện nay tàu ngầm tối tân nhất của TQ ở trong vùng Nam Hải, tức là vùng Biển Đông. Loại tầu này đi rất là êm, ví dụ như năm ngoái, nó bám theo chiến hạm Mỹ, đến tận Guam để thử khả năng phát hiện tàu ngầm của Mỹ tinh vi đến độ nào. Khi đến sát gần thì Mỹ mới thấy đươc.
TQ dùng tàu ngầm vì loại này có thể bắn tàu trên mặt nưóc, nhất là hàng không mẫu hạm của Mỹ một cách rất dễ dàng. Đây là chiến lược mà TQ gọi là phủ định, theo đó, không những họ dùng tàu ngầm, mà còn sử dụng vũ khí chống vệ tinh, để diệt các vệ tinh Mỹ, làm cho Mỹ bị « mù ». Mà khi bị mù rồi thì Mỹ không thể tiếp viện cho các nước, hay các nơi mà TQ đánh chiếm.
Giáo sư Long giải thích thêm về hai mặt trong chiến lược phủ định :
Một là dùng tàu ngầm tối tân mà Mỹ không thể phát hiện, đến gần rồi bắn chìm các hàng không mẫu hạm của Mỹ. Bây giờ Mỹ có 11 chiếc hàng không mẫu hạm, trong lúc TQ chưa có chiếc nào, và trong 5,6 năm tới, họ mới có 2 hạm đội tức là 6 hàng không mẫu hạm. Trước mắt thì TQ không thể nào đối phó với Mỹ được, cho nên phải dùng tới tầu ngầm. Ngoài ra các tiềm thủy đỉnh này có thể bắn hoả tiễn tầm xa trên mười nghìn cây số cho nên có thể từ Hải Nam bắn tới phần lớn những khu vực ở Bắc Mỹ.
Mặt thứ hai xuất phát từ việc chiến thuật của Mỹ thường nhờ vệ tinh để cho thông tin. Hiện nay TQ đã chế tạo ra vũ khí có thể bắn rơi vệ tinh. Khi vệ tinh bị bắn rơi, kể như quân đội Mỹ bị mù, trong vài tiếng hay vài ngày, Khi đó, TQ có thể chiếm đóng những hòn đảo ví dụ như ở Biển Đông, ở khu vực Đông Nam Á hay là ở các chỗ khác mà Mỹ không thể trở tay kịp. Khi TQ chiếm đóng xong thì sự việc đã rồi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét