Thứ Ba, 26 tháng 4, 2011

'Chiến binh' tiêu biểu của tác chiến phi đối xứng

Sự phát triển ồ ạt của công nghệ thông tin, truyền thông khiến quân đội các nước 
trên thế giới hiểu quá rõ về nhau.

Ngoài bầu khí quyển có hàng ngàn chiếc vệ tinh đang ngày đêm theo dõi nhất cử nhất động trên mặt đất. Bên trong bầu khí quyển cũng có hàng ngàn chiếc máy bay trinh sát, từ có người lái đến không có người lái vẫn ngày đêm xăm xoi từng mét vuông trên mặt đất.


Bất kỳ sự di chuyển quân sự nào trên quy mô lớn đều bị phát hiện từ sớm bởi các phương tiện trinh sát trên không, từ xa. Khi đó, một cuộc chiến tranh quy ước đồng nghĩa với những tổn thất cực kỳ to lớn cho cả đôi bên. Rõ ràng một cuộc chiến tranh quy ước rất khó xảy trong chiến tranh hiện đại.


Thêm vào đó, sự mở cửa các nền kinh tế và thương mại hóa toàn cầu khiến các nước xích lại gần nhau hơn, ràng buộc và phụ thuộc lẫn nhau. Bất kỳ cuộc khủng hoảng nào đều ảnh hưởng đến các nước khác, nếu là nước nhỏ sẽ ảnh hưởng ở tầm khu vực. Nếu là nước lớn như Mỹ ảnh hưởng sẽ lan cả thế giới.


Trong bối cảnh đó, một thuật ngữ quân sự mới xuất hiện “chiến lược tác chiến phi đối xứng”, sử dụng cách đánh bất ngờ, nhằm tiêu hao lực lượng sinh lực của đối phương. Tạo thuận lợi về mặt chính trị hay tạo thêm tiếng nói trong các cuộc đàm phán.


Một trong những yêu cầu quan trọng và có ý nghĩa quyết định là các hệ thống vũ khí phục vụ cho chiến lược tác chiến phi đối xứng phải đảm bảo được các yêu cầu: Hỏa lực mạnh, chi phí thấp, dễ sử dụng, tính linh hoạt cao trong vận chuyển và dễ dàng để ngụy trang.


Hiện nay, dù là quốc gia có sức mạnh quân sự thuộc loại hàng đầu thế giới nhưng Nga vẫn chú trọng phát triển các hệ thống vũ khí cho chiến lược này. 


Các hệ thống vũ khí của Nga có thể không tinh vi bằng các hệ thống cùng loại của phương Tây, tuy nhiên, chi phí rất phải chăng là đặc điểm hấp dẫn các đối tác. Đối phó với chiến lược tác chiến phi đối xứng là rất khó khăn, nhiều nước trên thế giới xem chiến lược này là một thách thức mới của thế kỷ 21. 


Đã có rất nhiều sự dịch chuyển trong cơ cấu tác chiến để đối phó với chiến lược tác chiến phi đối xứng. Sẽ rất tốn kém và vất vã để tìm ra một lời giải cho bài toán “chiến lược tác chiến phi đối xứng”.


Dưới đây, là hai "chiến binh" tiêu biểu của chiến lược tác chiến phi đối xứng:


Họ súng chống tăng cá nhân RPGHọ súng chống tăng cá nhân RPG thực sự khiến giới quân sự phương Tây đau đầu. Với hỏa lực rất mạnh, những biến thể hiện đại như RPG-29 hoàn toàn có thể tiêu diệt bất cứ loại tăng nào hiện có. 


Điểm nổi bật của loại vũ khí này là rất dễ sử dụng, chỉ cần vài hướng dẫn sơ bộ, bất kỳ người lính nào đều có thể làm chủ khí tài này. (>> xem thêm)


Trong khi đó, họ súng chống tăng cá nhân này lại rất cơ động, dễ dàng vận chuyển bằng tay hoặc giấu trong các xe dân sự.
Súng chống tăng cá nhân RPG-29 là một vũ khí cực kỳ hiệu quả trong chiến lược tác chiến phi đối xứng.
Đặc biệt, đơn giá cho họ súng chống tăng cá nhân RPG cũng rất phải chăng, bất kỳ quốc gia nào đều có thể sở hữu RPG với số lượng lớn. Thậm chí với những tổ chức khủng bố như Al-Queda, hay Taliban, du kích Lebanon, Hezbollah luôn bị các chế tài về tài chính vẫn có thể sở hữu loại vũ khí này.


Một phép so sánh đơn giản, để trang bị hệ thống phòng vệ chủ động APS Rafale Trophy ASPRO-A cho các xe tăng Merkava 4 tiêu tốn một khoản kinh phí từ 350,000-500,000 USD. 


Trong khi đó, theo thông tin từ trang warface, đơn giá cho họ súng chống tăng RPG khoảng 500 USD cho ống phóng và 300 USD cho tên lửa. Hệ thống APS Trophy có hiện đại đến mấy cũng khó lòng mà bảo vệ được chiếc xe tăng trước nhiều quả đạn tên lửa đến cùng lúc. 


Nếu bắn cùng lúc 10 quả RPG tiêu tốn 3000 USD, hoàn toàn có thế tiêu diệt được chiếc Merkava 4 trị giá hàng triệu đô là. Xét về mặt kinh tế thì đây chính là điểm mạnh của tác chiến phi đối xứng, tiêu tốn kinh phí ở mức tối thiểu song vẫn đạt được hiệu quả cao về mặt chiến lược.


Hay như hệ thống đánh chặn tên lửa và đạn cối Iron Dome của Israel, mỗi quả đạn tên lửa Tamir có đơn giá lên đến 50000 USD. Nếu đem để đánh chặn một quả đạn pháo thông thường xem ra quá lãng phí, hiệu quả tác chiến không cao.


Họ súng chống tăng cá nhân RPG tỏ ra cực kỳ hiệu quả trong môi trường tác chiến đô thị, là nỗi ám ảnh cho lực tăng thiết giáp đối phương. 


Họ tên lửa diệt hạm Club (NATO gọi là SS-N-27)


Sự ra đời của hệ thống tên lửa chống hạm siêu âm này, đặt các tàu chiến của NATO vào tình trạng báo động cao.


Tên lửa 3M-54 có tầm bắn lên đến 300km, mang đầu đạn nặng 220kg hoàn toàn có thể tiêu diệt bất cứ mục tiêu nào. Tên lửa có thể tấn công tàu chiến mặt nước hay các căn cứ trên đất liền gần bờ biển.


Đặc điểm kỹ thuật nổi bật của 3M-54 là có quỹ đạo bay kiểu “zic-zắc” rất khó để đánh chặn, pha cuối của tên lửa có tốc độ lên đến gần Mach 3. Tên lửa được dẫn đường kết hợp giữa dẫn đường quán tính và radar chủ động.
Sự linh hoạt trong bố trí tác chiến biến Club thành một vũ khí tiêu biểu cho chiến lược tác chiến phi đối xứng.
Thế nhưng, yếu tố làm nên sự nguy hiểm của họ tên lửa diệt hạm Club là sự linh hoạt trong bố trí tác chiến.


Họ tên lửa chống hạm Club có thể được bố trí trên các bệ phóng trên tàu chiến mặt nước, tàu ngầm, máy bay và quan trọng hơn cả là khả năng bố trí bên trong các container đựng hàng hóa thông thường. Biến thể bố trí bên trong các container này có thể đặt bất cứ nơi đâu, trên xe tải, trên tàu hỏa, hoặc trên các tàu biển chở hàng hóa thông thường.


Việc phát hiện ra các container chứa Club là cực kỳ khó khăn, nếu sử dụng các biện pháp trinh sát bằng hình ảnh. Rất khó để nhận ra đâu là container chứa Club và đâu là container thông thường.


Ngay cả trong trường hợp sử dụng các khí tài trinh sát ảnh nhiệt, nếu container chứa Club ở trạng thái nằm yên không hoạt động, cũng rất khó để phát hiện ra.


Trong trường hợp phóng từ container hàng hóa, tên lửa sẽ được nạp mục tiêu và dẫn đường ban đầu thông qua các phương tiện khác như trạm radar bờ biển, từ trực thăng, hay từ tàu chiến khác trong khu vực. Ở pha cuối tên lửa kích hoạt radar chủ động và lao đến mục tiêu mà không cần sự trợ giúp của các phương tiện dẫn đường khác.


Chi phí và hiệu quả 
Với trường phái và quan điểm tác chiến của phương Tây và NATO là dùng sức mạnh hỏa lực hủy diệt con người, cơ sở vật chất, áp đảo tinh thần và ý chí của đối phương. Chiến tranh Việt Nam la một ví dụ, khi Mỹ cho máy bay B-52 ném bom rải thảm khắp nơi, dường như Lầu Năm Góc không quan tâm là hiệu quả phá hoại như thế nào miễn là khuất phục được tinh thần người Việt Nam. Tuy nhiên, nếu xét riêng từ góc cán cân kinh tế, việc ném những quả bom có giá hàng trăm, hàng ngàn USD để phá hoại với hiệu quả không rõ ràng là vô cùng tốn kém.


Gần đây, trong chiến dịch không kích của NATO vào Libya, mỗi quả tên lửa Tomahawk, tên lửa hành trình Storm Shadown có đơn giá trên dưới cả triệu USD được phóng đi để tấn công các mục tiêu trị giá vài ngàn USD thậm chí là vài trăm USD. Chỉ trong một tuần đầu tiên không kích, NATO đã tiêu tốn 600 triệu USD, trong khi đó tiềm lực quân sự của ông Gaddafi suy giảm không như mong đợi của phương Tây. Thậm chí, chiến thuật bảo tồn sức mạnh quân sự của ông Gaddafi khiến NATO "giở võ mồm" gọi đó là "không quân tử".


Trong khi đó, một ống phóng RPG-29 và quả đạn có chi phí khoảng 800 USD, nếu sử dụng hợp lý có thể hạ gục 1 chiếc xe tăng Merkava có giá tới 4,5-5 triệu USD. Ngay cả khi phải tăng số lượng RPG-29 để bắn cháy 1 chiếc Merkava, mức giá vẫn còn "hời".


Chi phí không đi đôi với hiệu quả, đó là lý do giải thích cho sự thất bại về mặt chiến lược của NATO trên những mặt trận như Iraq, Afghanistan và bây giờ là Libya. Chi phí phải chăng, hiệu quả tác chiến tối ưu đó chính là phương châm mà chiến lược tác chiến phi đối xứng đang hướng tới.

Quốc Việt (tổng hợp)


Nguồn: http://quocphong.baodatviet.vn/Home/QPCN/Chien-binh-tieu-bieu-cua-tac-chien-phi-doi-xung/20114/142625.datviet

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét