Đầu những năm 90, PLA rất cần các tổ hợp phòng không để thay tên lửa phòng không của Trung Quốc có các tính năng tương tự như S-75 đã lạc hậu.
Các cuộc đàm phán giữa Bắc Kinh và Matxcova về việc Trung Quốc mua các tổ hợp tên lửa phòng không hiện đại được triển khai từ năm 1991.
Sau khi tổ hợp S-300P được giới thiệu tại Triển lãm hàng không Matxcova năm 1992, đến năm 1993, Trung Quốc bắt đầu tiếp nhận các (phiên bản xuất khẩu) tổ hợp này.
Trung Quốc đặt mua 4 tiểu đoàn S-300PMU trị giá 220 triệu đô la. Trước khi nhận tên lửa, mấy chục sỹ quan PLA và các nhân viên dân sự đã được tập huấn tại Nga.
Trong năm 1993, đã có 32 tổ hợp phóng (bệ phóng) xe kéo 5P85T và xe kéo KrAZ -265V, mỗi tổ hợp phóng có 4 ống phóng mang tên lửa có điều khiển 5V55U và từ 4 đến 8 tên lửa nữa (cho mỗi tổ hợp phóng) đã được chuyển giao cho PLA.
Năm 1994, Nga lại cung cấp thêm 120 quả tên lửa để phục vụ bắn huấn luyện và tập trận. Mỗi tổ hợp có thể tiêu diệt 6 mục tiêu trên không ở cự ly đến 75 km – mỗi mục tiêu sử dụng 2 tên lửa.
Các tiểu đoàn tên lửa S-300 PMU mua của Nga được bố trí bảo vệ các mục tiêu hành chính – công nghiệp và quân sự lớn của Trung Quốc.
Năm 1994, Trung Quốc lại ký với Nga một hợp đồng mua 8 tiểu đoàn tên lửa đã cải tiến S-300PMU1 trị giá 400 triệu đôla.
Theo hợp đồng này, Nga cung cấp 32 tổ hợp phóng 5P85SE/DE trên xe bốn cầu MAZ-543M cùng 196 tên lửa 48N6E.
Các tên lửa đã cải tiến có hệ thống dẫn đường radar bán chủ động với cự ly bắn lên đến 150 km. Một nửa giá trị hợp đồng được thành toán bằng phương thức “hàng đổi hàng” (Trung Quốc cung cấp hàng tiêu dùng cho Nga), nửa còn lại – bằng ngoại tệ.
Năm 2001, Trung Quốc ký tiếp với Nga một hợp đồng bổ sung trị giá 400 triệu đô la mua 8 tiểu đoàn S-300PMU -1 với 32 bệ phóng và 198 tên lửa 48N6E. Các tiểu đoàn mới mua này được triển khai ở khu vực gần eo biển Đài Loan và quanh Bắc Kinh.
Năm 2003, Trung Quốc đề xuất đặt mua S-300 PMU2 (cải tiến). Nước này đặt hàng 64 tổ hợp phóng 5P85SE2/DE2 cùng 256 tên lửa phòng không có điều khiểu 48N6E2. Các tiểu đoàn đầu tiên đã được chuyển giao vào năm 2007.
Tổ hợp cải tiến này có thể đồng thời tiêu diệt 6 mục tiêu trên không ở cự ly 200 km và ở độ cao (tối đa) 27 km. Sau khi tiếp nhận S-300 PMU2, Trung Quốc lần đầu tiên có khả năng (hạn chế) đánh chặn các tên lửa đạn đạo ở cự ly 40 km.
Theo các nguồn số liệu của Nga, tổng cộng PLA đã nhận từ Nga 4 tiểu đoàn S-300PMU, 8 tiểu đoàn S-300PMU1 và 12 tiểu đoàn S-300PMU2. Mỗi tiểu đoàn có 6 tổ hợp phóng. Như vậy, Trung Quốc đã mua 24 tiểu đoàn S-300PMU/PMU1/PMU2 (tổng cộng 144 tổ hợp phóng).
Sau khi tích lũy kinh nghiệm khai thác S-300 P, Trung Quốc đề nghị Nga cho sản xuất theo giấy phép các tổ hợp này trên lãnh thổ Trung Quốc.
Tuy nhiên, phía Nga do cũng đã rút kinh nghiệm sâu sắc trong việc “hợp tác cùng sản xuất” Su-27 nên không chấp nhận và các kỹ sư Trung Quốc bắt đầu tự thiết kế các tổ hợp tên lửa phòng không.
Mặc dù vậy, tổ hợp tên lửa phòng không HQ-9 (HongQi-9) Trung Quốc tự chế tạo có rất nhiều điểm giống S-300P. Hàng loạt các đặc điểm kết cấu và giải pháp kỹ thuật của S-300 P đã được các kỹ sư Trung Quốc ứng dụng khi thiết kế HQ-9 (HongQi-9). Tuy nhiên, nói HQ-9 là nhân bản hoàn toàn của S-300 P cũng không thực sự chính xác.
HQ-9 sử dụng tên lửa có kích thước khác với tên lửa của S-300P, sử dụng radar điều khiển ăng ten mạng pha CJ-202. Tổ hợp phóng đặt trên xe địa hình bốn cầu cũng do Trung Quốc sản xuất.
HQ-9 Trung Quốc có tầm bắn tối đa gần 125 km, độ cao tiêu diệt mục tiêu tối đa 18.000m, tối thiểu là 25 m, cự ly tiêu diệt các mục tiêu đạn đạo từ 7km đến 25km ở độ cao từ 2.000m đến 15.000m.
Một lữ đoàn HQ-9 (Trung Quốc) có 6 tiểu đoàn, mỗi tiểu đoàn có xe chỉ huy và radar điều khiển riêng. Tiểu đoàn có 8 tổ hợp phóng, cơ số tên lửa sẵn sàng phóng là 32 quả.
Phiên bản xuất khẩu của tổ hợp này là FD-2000 đã thắng các tổ hợp Patriot của Mỹ, S-400 của Nga và Aster của Châu Âu trong một cuộc đấu thầu mua sẵm của Thổ Nhĩ Kỳ.
Tuy nhiên, do có sức ép rất mạnh của Mỹ, kết quả cuộc đấu thầu này bị hủy bỏ.
Hiện nay, một phiên bản cải tiến từ HQ-9 là HQ-9A đang được sản xuất hàng loạt. HQ-9A có hiệu suất tác chiến cao hơn nhờ các thiết bị điện tử và lập trình được hoàn thiện.
Có thông tin là Trung Quốc đã chế tạo và đưa vào trang bị tổ hợp HQ-15 (có chuyên gia cho rằng đó là phiên bản sao chép từ S-300PMU-1 của Nga). Nhưng hiện chưa có dữ liệu đáng tin cậy nào khẳng định thông tin này.
Ngay từ năm 1991, Trung Quốc lần đầu tiên cho giới thiệu tổ hợp tên lửa phòng không tầm trung HQ-12 tại Triển lãm Le Bourget (Pháp). Công tác thiết kế tổ hợp này được triển khai từ giữa những năm 1980 nhằm thay thế HQ-2.
Tuy nhiên, công tác nghiên cứu thiết kế bị trì hoãn nhiều lần và mãi đến năm 2009, tổ hợp này mới được “trình làng”, - một số đại đội HQ-12 đã tham gia Lễ duyệt binh kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
Đến thời điểm hiện tại , đã có gần 10 tiểu đoàn HQ-12 tham gia trực chiến.
Có lẽ tổ hợp tên lửa phòng không tầm trung tự thiết kế HQ-16 của Trung Quốc là thành công hơn cả. Theo các chuyên gia Nga, các kỹ sư Trung Quốc khi thiết kế HQ-16 đã sao chép nhiều giải pháp kỹ thuật hiện đại của cả S-300 P và "Buk-M2" của Nga.
Tên lửa của HQ-16 nặng 328 kg, tầm bắn 40 km. Tổ hợp phóng tự hành có 4-6 tên lửa trong các container vận chuyển – phóng. Radar của tổ hợp có thể phát hiện mục tiêu ở cự ly 150 km.
Hiện đã có một số tiểu đoàn tên lửa kiểu này được bố trí tại các trận địa ở các khu vực Tây Nam Trung Quốc.
Tổ hợp này có thể tiêu diệt các máy bay của không quân chiến thuật và không quân chiến lược, máy bay lên thẳng yểm trợ hỏa lực và các thiết bị bay điều khiển từ xa.
Đảm bảo đánh trả có hiệu quả các đợt không kích ồ ạt của các phương tiện tấn công đường không trong điều kiện bị chế áp điện tử mạnh.
Nó cũng thể được sử dụng trong các điều kiện thời tiết khác nhau. HQ-16 là tổ hợp đa kênh. Các phương tiện hỏa lực của nó có thể bắn đồng thời 6 mục tiêu, mỗi mục tiêu có thể sử dụng đến 4 quả tên lửa.
Trong trang bị của Bộ đội tên lửa Trung Quốc có 110 đến 120 tổ hợp tên lửa phòng không với gần 700 tổ hợp (bệ) phóng. Tính theo tiêu chí này, Trung Quốc chỉ thua Nga (Nga có gần 1.500 tổ hợp phóng).
Tỷ lệ các tổ hợp tên lửa phòng không hiện đại (trong tổng số các tổ hợp tên lửa phòng không) của PLA đang tăng lên. Gần đây có thông tin là tại Cuộc triển lãm hàng không – vũ trụ tại Chu Hải vừa qua, Trung Quốc đã nhận được sự đồng ý về nguyên tắc từ phía Nga về việc nước này (Nga) sẽ cung cấp các tổ hợp tên lửa phòng không S-400 mới nhất.
Hiện hai nước đang đàm phán mua (bán) từ 2 đến 4 tiểu đoàn S-400, mỗi tiểu đoàn có 8 tổ hợp phóng. Phía Trung Quốc yêu cầu được cung cấp đầy đủ thông tin về tính năng kỹ- chiến thuật của tổ hợp này.
Nếu được cung cấp S-400, Trung Quốc có thể kiểm soát không phận không chỉ của Trung Quốc, mà còn không phận vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) và trên các đảo Sensaku của Nhật Bản.
Phần lớn các tổ hợp tên lửa phòng không tầm xa và tầm trung của PLA được triển khai dọc bờ biển Trung Quốc. Khu vực duyên hải là nơi tập trung phần lớn các xí nghiệp – nhà máy và đóng góp đến 70% GDP của Trung Quốc
http://soha.vn/bao-nga-noi-su-that-ve-ten-lua-phong-khong-s-300-s-400-hq-9-trung-quoc-20170103085235927.htm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét