Nguồn: “How competing claims to the Falklands/Malvinas compare“, The Economist, 15/09/2015.
Biên dịch: Trần Tuấn Minh | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp
Một trong những nhà lãnh đạo ngoại quốc đầu tiên chúc mừng Jeremy Corbyn về việc ông được bầu làm lãnh đạo Công Đảng của Anh vào ngày 12 tháng 9 là Cristina Fernandez de Kirchner. Bà tổng thống của Argentina đã đăng lời chúc mừng ông Corbyn trên tài khoản Twitter của Chính phủ như sau: “một người bạn lớn của khu vực Mỹ Latinh, người đã chia sẻ, trong tình đoàn kết, đòi hỏi của chúng tôi về quyền bình đẳng và chủ quyền chính trị”. Ở đây bà Tổng thống muốn ám chỉ đến tranh chấp chủ quyền lâu đời giữa Anh Quốc và Argentina đối với Quần đảo Falkands, hay còn gọi là Malvinas theo cách gọi của người Tây Ban Nha, nằm cách bờ Đông của Nam Mỹ khoảng 480 km. Cả Anh Quốc và Argentina đều tuyên bố chủ quyền đối với Quần đảo này. Thật bất thường đối với một chính khách Anh Quốc khi ông Corbyn lập luận rằng quần đảo này nên được quản lý chung bởi hai nước. Như vậy, tuyên bố chủ quyền của hai quốc gia này có gì khác và giống nhau?
Vào năm 1982, chính quyền độc tài quân sự của Argentina lúc bấy giờ đã xâm chiếm quần đảo trên trong một nỗ lực tuyệt vọng nhằm nâng cao sự ủng hộ của người dân ở trong nước. Anh Quốc đã lấy lại được quần đảo sau một cuộc chiến kéo dài 10 tuần trong đó có 649 binh lính Argentina và 255 quân nhân Anh đã thiệt mạng, cùng 3 cư dân quần đảo Falkands. Thất bại về mặt quân sự đã dẫn đến sự phục hồi nền dân chủ ở Argentina. Chính phủ mới lên cầm quyền đã từ bỏ việc sử dụng vũ lực nhưng vẫn theo đuổi những tuyên bố ngoại giao nhằm đòi lại chủ quyền đối với những hòn đảo này. Bà Fernandez đặc biệt rất sốt sắng đối với vấn đề này.
Argentina có hai lập luận chủ yếu sau. Thứ nhất, theo Bộ Ngoại giao nước này, vào năm 1833, Anh Quốc đã “chiếm một cách phi pháp quần đảo trên và trục xuất những nhà chức trách người Argentina”, đồng thời ngăn chặn sự cư trú và sinh sống của người Argentina tại đây. Thứ hai, Argentina cho rằng Anh Quốc đang hành xử như một chính quyền thực dân và đi ngược lại Hiến chương Liên Hợp Quốc.
Anh Quốc phủ nhận cả hai lập luận trên, và cho rằng không có gì để đàm phán. Anh cho rằng họ đã chiếm đóng một cách liên tục và hợp pháp quần đảo Falklands kể từ năm 1833 và rằng những cư dân trên quần đảo có quyền tự quyết căn cứ theo Hiến chương Liên Hiệp Quốc.
Quần đảo này đã được các thuỷ thủ người Pháp, Tây Ban Nha, và Anh Quốc chiếm đóng một cách không liên tục vào thế kỷ thứ 18, tuy nhiên lại không có cư dân nào sinh sống thường xuyên tại đây kể từ năm 1806 đến năm 1826. Vào năm 1820, chính quyền độc lập vừa mới hình thành của Liên Hiệp các Tỉnh vùng Sông Plate, tiền thân của nước Argentina ngày nay, tuyên bố đã kế thừa chủ quyền đối với các hòn đảo này từ tay người Tây Ban Nha. Tuyên bố trên bị cả Anh Quốc và Hoa Kỳ phản đối. Chính quyền Buenos Aires (Thủ đô của Argentina) đã bổ nhiệm một Thống đốc tại khu vực này vào năm 1829, nhưng việc thiết lập một khu định cư nhỏ ở đây đã bị xóa bỏ bởi một tàu chiến của Hoa Kỳ hai năm sau đó; trong khi người kế nhiệm ông bị sát hại bởi một nhóm các phạm nhân người Argentina. Anh Quốc sau đó đã chiếm đóng quần đảo này vào năm 1833 và tuyên bố đây là một phần của thuộc địa Anh, đồng thời cho người Scotland và xứ Wales tới đây định cư.
Ngày nay, Falklands đã trở thành một phần lãnh thổ hải ngoại của Anh Quốc với 2.932 cư dân, một vài trong số các hộ dân này đã sinh sống tại khu vực này hơn 7 thế hệ. Nền kinh tế Falklands đã được thúc đẩy bằng việc cấp giấy phép đánh bắt cá và khai thác dầu khí. Vào tháng 3 năm 2013, chính quyền Falklands đã tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về địa vị chính trị của lãnh thổ này, trong đó 99,8% số người bỏ phiếu ủng hộ nguyên trạng của quần đảo. Không nước nào sẽ thay đổi quan điểm của họ trong tương lai gần.
- See more at: http://nghiencuuquocte.org/2015/10/04/tranh-chap-anh-argentina-quan-dao-falklands-malvinas/#sthash.ce4QHgZ0.dpuf
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét