Hai nhân vật trong nhóm cố vấn thương mại của Trump có quan điểm cứng rắn với Trung Quốc. Bộ trưởng Ngoại giao mà Trump đề cử cũng đòi cấm TQ tiếp cận các thực thể trên biển Đông.
Thái độ cứng rắn của chính quyền sắp tới ở Mỹ đối với Trung Quốc đã mở ra khả năng đối đầu giữa hai bên về mọi mặt, từ an ninh cho tới thương mại và không gian mạng. Tuy nhiên, những dấu hiệu mâu thuẫn lại cho thấy sự bất định, đặt ra câu hỏi, liệu Tổng thống đắc cử của Mỹ Donald Trump đã chuẩn bị tới mức nào để đối đầu với Bắc Kinh.
Phát ngôn cứng rắn
Nhắc tới biển Đông - một trong những khu vực có nguy cơ trở thành điểm nóng - Ngoại trưởng mà Trump đề cử Rex Tillerson đã thực sự thách thức Bắc Kinh khi kêu gọi cấm Trung Quốc tiếp cận các thực thể nhân tạo mà nước này xây dựng trái phép trên tuyến đường thuỷ chiến lược của thế giới.
Một cố vấn trong nhóm chuyển tiếp của Trump nói với Reuters rằng, ông Tillerson không có ý đề xuất chính quyền mới của Mỹ phong toả đường biển - một động thái có khả năng châm ngòi nguy cơ đối đầu vũ trang với Trung Quốc, điều mà chính quyền mới của Mỹ không mong muốn.
Tuy nhiên, một quan chức khác được uỷ quyền đại diện phát ngôn cho nhóm chuyển tiếp của Trump lại phản đối quan điểm trên và khẳng định, ông Tillerson "không hề nói nhầm" khi nhắc tới biển Đông.
Trump vẫn chưa tiết lộ những thành viên cấp cao trong đội ngũ cố vấn an ninh quốc gia với dày dạn kinh nghiệm trong khu vực. Điều này khiến một số nhà phân tích phải đặt câu hỏi, liệu chính quyền mới của Mỹ có đủ khả năng và chuyên môn để biến "lời nói" về một chính sách châu Á mạnh mẽ hơn thành "hành động".
Trong khi đó, Trump đã bổ nhiệm hai nhân vật có quan điểm cứng rắn về Trung Quốc vào đội ngũ cố vấn thương mại của mình - học giả Peter Navarro và Robert Lighthizer, cựu quan chức thuộc chính quyền Reagan.
Các cố vấn của Trump đã bác bỏ những ý kiến lo ngại cho rằng chính sách của họ là mạo hiểm và có thể sẽ phản tác dụng. Họ nhấn mạnh rằng một lập trường "hoà bình thông qua sức mạnh" sẽ khiến chính sách của Mỹ có sức nặng hơn ở khu vực sau nhiều thập kỷ không được đầu tư nguồn lực đúng mức.
Trump và các ứng viên nội các của mình cũng cam kết sẽ tăng cường sức ép lên Trung Quốc để kiềm chế chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên, bao gồm cả khả năng áp "cấm vận phụ" lên các cơ quan của Trung Quốc vi phạm lệnh cấm đối với Triều Tiên.
Lập trường không thống nhất
Khác với Bộ trưởng Ngoại giao do Trump đề cửa, lựa chọn của Trump cho vị trí Bộ trưởng Quốc phòng lại có vẻ cẩn trọng hơn. Tướng về hưu James Mattis không ủng hộ tuyên bố của ông Tillerson về biển Đông.
Khi được hỏi về vấn đề này, ông Mattis cho rằng Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng và Bộ Tài chính Mỹ cần cùng nhau đưa ra một chính sách toàn diện trước các hành động của Trung Quốc. "Chúng tôi sẽ không xem xét một chiến lược chưa hoàn thiện hoặc không thống nhất", ông Mattis nói.
Những thông điệp đầy mâu thuẫn này cho thấy chính quyền sắp tới của Mỹ đang chật vật để tìm ra hướng đi cho một trong những chính sách ngoại giao quan trọng nhất đối với Trump, người đã nhiều lần công kích Trung Quốc.
Tính đến thời điểm hiện tại, phản ứng của Bắc Kinh cho thấy họ vẫn đang chờ xem Trump sẽ hành xử như thế nào khi chính thức nhậm chức.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho hay, cơ quan này không biết ý của Tillerson là gì khi ông đưa ra tuyên bố liên quan tới biển Đông. Tuy nhiên, báo Trung Quốc đã thẳng thừng cảnh báo, để cấm Trung Quốc tiếp cận các thực thể trên biển Đông, Mỹ sẽ phải "gây chiến".
Dù có nhiều tín hiệu mâu thuẫn về chính sách, nhóm chuyển tiếp có vẻ đang đạt tiến triển về các kế hoạch nhằm xây dựng lực lượng hải quân ở Đông Á để đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Theo nguồn tin của Reuters, một số phương án như đưa tàu sân bay thứ hai tới khu vực, triển khai thêm tàu khu trục, tàu ngầm, các hệ thống phòng không và mở rộng hoặc bổ sung các căn cứ mới ở Nhật Bản và Australia đang được cân nhắc.
Họ cũng đang xem xét khả năng thiết lập các hệ thống tấn công tầm xa ở Hàn Quốc. Trump cũng cam kết sẽ tăng số lượng tàu hải quân lên 350 chiếc.
Tuy nhiên, vấn đề quan trọng - Trump sẽ làm thế nào để chi trả cho hoạt động này - thì nhóm chuyển tiếp của ông vẫn chưa thể làm rõ, nhất là trong bối cảnh Mỹ vẫn còn nhiều kế hoạch chi tiêu khổng lồ khác.
http://soha.vn/reuters-chinh-quyen-moi-cua-ong-trump-da-san-sang-toi-muc-nao-de-cung-ran-voi-trung-quoc-20170115142500029.htm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét