Đêm 01/01/2017, đúng vào ngày đầu năm, 35 nhân viên ngoại giao Nga cùng gia đình bị Mỹ trục xuất, khẩn cấp lên máy bay về nước. Đây là một biện pháp ngoạn mục nhằm trả đũa sự kiện mà Washinton gọi là "bàn tay can thiệp" của Nga vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.
Vì sao tổng thống Obama lúc sắp hết nhiệm kỳ đã mạnh tay với Matxcơva ? Do đâu tổng thống Putin từ chối leo thang căng thẳng ? Đâu là mục tiêu chiến lược của điện Kremlin ?
RFI đặt câu hỏi với hai nhà phân tích Pháp :
- Giáo sư Anne Deysine, chuyên gia về Hoa Kỳ.
- Nhà nghiên cứu Jean-Sylvestre Mongrenier, thuộc Viện nghiên cứu Địa Chính Trị Pháp và Học viện Thomas More (Bruxelles).
Mitt Romny, ứng cử viên tổng thống Mỹ năm 2012, là nhân vật chính trị hiếm hoi đã dự báo nước Nga là mối đe dọa nguy hiểm nhất cho Tây phương. Vào thời điểm đó, tổng thống Obama đang bận tâm với chính sách « chuyển trục » về Á châu hầu đối phó với Trung Quốc. Vladimir Putin được cả thời gian và không gian để hành động, vực dậy cuộc chiến tranh lạnh với một số phương tiện tinh vi khó chống đỡ.
Theo các cơ quan tình báo Mỹ, chính các sở mật vụ Nga là tin tặc cung cấp tài liệu cho Wikileaks đánh phá cựu ngoại trưởng Mỹ, gây khó khăn cho ứng cử viên Hillary Clinton trong nhiều tuần lễ, mất lợi thế so với Donald Trump.
Matxcơva đã lập tức bác bỏ những lời cáo buộc của tổng thống và tình báo Mỹ. Lên án Washington « vu khống để trả thù các thất bại ngoại giao », ngoại trưởng Serguei Lavrov đề nghị trục xuất 35 nhà ngoại giao Mỹ hoạt động tại Nga để trả đũa. Tuy nhiên, tổng thống Vladimir Putin từ chối « leo thang ». Cho dù không phải là hai nước thù địch, nhưng Mỹ và Nga gần như là đối thủ trên nhiều hồ sơ quốc tế từ Ukraina cho đến Syria.
Được chương trình « Giải mã » của RFI đặt câu hỏi liệu cuộc khủng hoảng ngoại giao Mỹ-Nga sẽ tạm dừng lại ở đây, nhà nghiên cứu Jean-Sylvestre Mongrenier, Viện nghiên cứu Địa Chính Trị Pháp và Học viện Thomas More (Bruxelles) giải thích :
Jean-Sylvestre Mongrenier : Căng thẳng thường xuyên xảy ra trên vùng Baltic và Hắc Hải giữa Nga và các nước Tây phương. Máy bay quân sự Nga nhiều lần xâm nhập không phận các quốc gia thành viên của NATO. Những vụ xâm nhập này xảy ra nhiều hơn, từ khi nổ ra khủng hoảng tại bán đảo Crimée của Ukraina, bị Nga sáp nhập vào năm 2014.
Tại sao tổng thống Nga không trục xuất nhân viên ngoại giao Mỹ ? Bởi vì, trước hết, Putin thích sử dụng chiến thuật « bất đối xứng » (judo) để đánh bóng uy tín và thứ hai ông Putin đặt cược vào tổng thống mới của Mỹ cũng như bảo đảm cho quan hệ tương lai hai nước khi Donald Trump nhậm chức.
Tuyên bố « không rơi vào chiếc bẩy ngoại giao vô trách nhiệm », tổng thống Nga Vladimir Putin từ chối « gây khó khăn » cho các nhà ngoại giao Mỹ làm việc tại Nga. Phản ứng có tính toán này mang ý nghĩa gì ?
Giáo sư Anne Deysine : Đúng vậy, ông Putin đáp trả rất khôn khéo. Tổng thống Nga biết rằng những biện pháp trừng phạt mà tổng thống Obama ban hành đã quá trễ và sẽ không hiệu quả bao nhiêu : hai điệp viên bị truy nã, hai cơ quan bình phong bị đóng cửa… thế thôi. Ông Putin không chơi đòn « ăn miếng trả miếng » là để bắn tiếng với tổng thống Obama là « anh đã hết thời, không đáng cho tôi phải bận tâm ». Ba tuần nữa « you » không còn là tổng thống.
Thế nhưng vì lý do sâu xa nào mà tổng thống Obama vào lúc sắp hết nhiệm kỳ lại mạnh tay với Matxcơva ?
Bởi vì tổng thống Obama muốn vạch một đường ranh đỏ cảnh báo người kế nhiệm Donald Trump không được quay ngược lại trên một số hồ sơ. Những biện pháp trừng phạt, trục xuất trong những ngày cuối năm ghi dấu ấn quan hệ Mỹ-Nga vào thời khắc này và nhắc nhở người kế nhiệm phải thận trọng không được manh động.
Ai muốn nghĩ sao cũng được, nhưng sự thật đúng là có một nhóm người, có thể không nhận lệnh trực tiếp từ điện Kremlin, đã làm thay đổi cục diện bầu cử tổng thống Mỹ. Đó là sự thật. Mục đích của họ là gì ? Để đánh phá uy tín của nền dân chủ Hoa Kỳ ? Để giúp cho Donald Trump đắc cử, bởi vì Trump là một anh hề dễ bị thao túng ? Hay vì Putin không muốn một nhân vật như Hillary Clinton khó tính với Nga làm tổng thống Mỹ, nên làm cho bà thất cử ?
Điều chắc chắn là một cường quốc ngoại bang đã can thiệp vào cuộc bầu cử này, và đây là chuyện nghiêm trọng.
Theo tình báo Mỹ, chủ ý của Nga phá hoại « nền dân chủ » Hoa Kỳ bằng một chiến dịch tuyên truyền bóp méo thông tin và loan tin thất thiệt.
Tuy nhiên, không phải là lần đầu tiên nước Mỹ bị tin tặc tấn công. Nhiều lãnh vực khác từ kinh tế, thương mại đến ngân hàng từng là nạn nhân của chiến tranh mạng. Nền dân chủ Mỹ cũng không phải là mục tiêu đánh phá duy nhất của Kremlin và cũng không phải là lần đầu tiên mật vụ Nga FSB và an ninh quân đội GRU ra tay, nhưng vụ này cho thấy gì ?
Chuyên gia Jean-Sylvestre Mongrenier : Không, tin tặc không phải là chuyện mới mẻ nhưng rõ ràng đây là một vụ tấn công có hệ thống. Cái mới là vụ này cho thấy Nga sử dụng « chiến tranh phối hợp » cùng lúc trên nhiều lãnh vực. Nga không giới hạn sử dụng « chiến tranh phối hợp » để tấn công Mỹ mà dùng chiến thuật này để tấn công cả tây phương. Người ta nghi ngờ Matxcơva đã bắt đầu can thiệp vào cuộc bầu cử sắp tới tại Đức và Pháp.
Chiến tranh mạng, xâm nhập hệ thống vi tính các nước Tây phương, gây nhiễu thông tin giúp ngầm cho tổ chức chính trị hoặc cá nhân có chủ trương tuyên truyền dân túy được xem là vũ khí của Nga làm suy yếu Liên Hiệp Châu Âu và Hoa Kỳ. Các cơ quan tình báo Tây phương gọi chiến lược này là « chiến tranh hợp thể ». Tại châu Âu, ngày 21/11/2016, « trung tâm » đối đầu với loại chiến tranh không tiếng súng này được thành lập tại Helsinki, thủ đô Phần Lan, qua một mạng lưới chuyên gia khắp địa cầu.
Tây phương thụ động hay phản ứng trễ ?
Giáo sư Anne Deysine : Không, Tây phương không thụ động. CIA đã tiết lộ đang chuẩn bị kế hoạch trả đũa vụ can thiệp của Nga. Chính tổng thống Obama cũng tuyên bố sẽ đáp trả bằng chiến tranh mạng. Chúng ta cần biết là nước Nga ngày nay là một cường quốc khu vực bị suy yếu rất nhiều, cho dù tổng thống Putin muốn phục hồi uy thế một nước Đại Nga tương đương với Liên xô cũ.Ông Putin không có phương tiện trong tay để yểm trợ cho sức mạnh quân sự. Quân đội Nga tuy mạnh, nhưng chưa đủ. Matxcơva phải dựa vào các cơ quan mật vụ, chuyên gia tin tặc và vị thế thành viên thường trực ở Hội Đồng Bảo An. Nhưng chiếc ghế ở Hội Đồng Bảo An chỉ được sử dụng một cách rất tiêu cực bằng quyền phủ quyết. Ngoài các vũ khí này, mật vụ, tin tặc và quyền phủ quyết, ông Putin không có một phương tiện nào khác. Nếu nhìn vào danh sách các nước nạn nhân tin tặc của Nga, thì chúng ta thấy danh sách khá dài : Latvia, Ba Lan, Ukraina và chắc chắn là có Đức và Pháp.
Quan hệ Mỹ-Nga không được cải thiện trong hai nhiệm kỳ của tổng thống Mỹ Barack Obama không phải là không có lý do. Theo chuyên gia Anne Deysine , Washington bị mối đe dọa của Trung Quốc ở châu Á làm phân tâm. Trong giới lãnh đạo Mỹ, chỉ có thượng nghị sĩ Mitt Romny, khi ra tranh ghế tổng thống với Barack Obama vào năm 2012, tiên đoán rằng nước Nga của Putin mới là mối đe dọa của Hoa Kỳ. Thế nhưng lời cảnh báo này bị giới truyền thông, cũng như tổng thống Obama chê cười, và rơi vào quên lãng. Vì sao Tây phương không thấy trước nước cờ của chủ nhân điện Kremlin ?
Chuyên gia Jean-Sylvestre Mongrenier : Bởi vì ông Putin có một dự án địa chính trị rõ ràng nhìn về tương lai với quyết tâm phục thù, quyết tâm mở hồi thứ ba của cuộc chiến tranh lạnh mà Tây phương ngỡ là đã tàn. Tây phương không nhìn thấy ý đồ của tổng thống Nga ở những năm đầu của thập niên 2000-2010. Mãi cho đến 2007, qua diễn văn của tổng thống Putin tại Hội thảo An ninh tại Berlin thì Tây phương mới biết. Khi tổng thống Obama đắc cử thì Washington muốn cải thiện bang giao với Matxcơva qua chính sách « xóa bài làm lại » hay « tái khởi động ». Nhưng theo tôi, Hoa Kỳ không thấy rõ tâm lý phục thù của chủ nhân điện Kremlin. Trong khi Tây phương chỉ xem ông Putin là « người bạn khó tính, khó chơi » và nghĩ rằng cứ tiếp tục giao thiệp với chủ nhân điện Kremlin thì một ngày nào đó anh bạn khó chơi này sẽ dung hoà được với Tây phương. Do vậy, Tây phương mới không để cho Gruzia, Ukraina gia nhập NATO, rồi mời Nga tham gia vào hồ sơ Afghanistan, Iran …
Thật ra thì từ thập niên 1990, trước khi NATO đón nhận các thành viên Đông Âu thì đã xảy ra một số vụ xung khắc với Nga ở Gruzia và Moldavia với nước Nga của Boris Yeltsin, chứ không chờ đến khi Putin lên cầm quyền.
Do vậy, thật là điều sai lầm khi nói Putin chỉ phản ứng lại vì bị Tây phương lấn áp. Chỉ có phe Tây phương đã đánh giá thấp, không thấy chiến lược phục hận của Matxcơva.
Khi xảy ra khủng hoảng Ukraina, Tây phương lại tưởng lầm những động thái diệu võ dương oai của Putin là nhằm treo giá để mặc cả trên bàn thương lượng. Phải chờ đến khi Nga sáp nhập bán đảo Crimée, lúc đó Tây phương mới nhìn nhận cuộc chiến tranh lạnh mới đã mở màn.
***
Vừa rồi là phân tích của hai chuyên gia Anne Deysine và Jean-Sylvestre Mongrenier về cuộc khủng hoảng trong quan hệ Mỹ-Nga sau vụ tin tặc và trả đũa ngoại giao.
Tổng thống Obama kêu gọi Pháp và Đức, hai quốc gia đồng minh có bầu cử trong năm nay phải cảnh giác. Tại Paris, khi trả lời câu hỏi của báo chí về khả năng ứng phó của Pháp, bộ trưởng quốc phòng Jean- Yves Le Drian cho biết trong năm qua, đơn vị chống chiến tranh mạng của Pháp đã phá vỡ 24.000 vụ tấn công. Tuy chưa tìm thấy dấu tích của một chiến thuật khuynh đảo chính trị như trường hợp nước Mỹ nhưng bộ trưởng quốc phòng Pháp kêu gọi « đề cao cảnh giác » trong bối cảnh bầu tổng thống vào tháng 5 năm nay.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20170112-tay-phuong-tung-chu-quan-truoc-tran-do-phuc-hoi-dai-nga
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét