Công ty NPK của Nga tuyên bố vừa chuyển giao cho Việt Nam 4 trạm giám sát thử nghiệm tên lửa.
Việt Nam mua tên lửa phòng không Akash Ấn Độ
Theo giới truyền thông Ấn Độ, Việt Nam đang đàm phán về hợp đồng mua sắm hệ thống phòng không "Akash" của nước này. Theo giới chuyên gia quân ssự, giá thành một quả đạn Akash chỉ dưới 500.000 USD, nên việc mua sắm các hệ thống này sẽ có giá trị cao về tính kinh tế.
Tờ Times of India dẫn nguồn tin từ giới quốc phòng nước này hôm 10/1 cho biết, hai bên đang xúc tiến các cuộc đàm phán để đạt được một tầm nhìn chung. “Thương lượng về Akash tương đối dễ dàng bởi vì 96% hệ thống tên lửa này là của Ấn Độ" - nguồn tin cho biết.
Việt Nam mong muốn không chỉ nhận được tên lửa phòng không "Akash", mà còn bày tỏ ý định tiếp cận công nghệ thông qua việc thành lập xí nghiệp hợp tác sản xuất. Phía Ấn Độ cũng thích cách tiếp cận từng bước, bắt đầu với việc phân phối các sản phẩm hoàn chỉnh.
Times of India nhấn mạnh, Ấn Độ và Việt Nam trong những năm gần đây đều rất quan tâm đến việc xây dựng quan hệ hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng, xuất phát từ những quan ngại chung về sự gia tăng ảnh hưởng và mức độ đầu tư khổng lồ cho quân sự của Trung Quốc.
Ngoài ra, tờ báo Ấn Độ còn cho biết, trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Manohar Parrikar cũng tuyên bố rằng, Việt Nam cũng quan tâm đến việc mua sắm tên lửa hành trình "BrahMos" do liên danh BrahMos Aerospace của Nga và Ấn Độ hợp tác sản xuất.
Nhưng theo nguồn tin của Times of India, để đạt được tiến bộ về dự án này sẽ khó khăn hơn so với tên lửa phòng không Akash, bởi vì "BrahMos" có 60% các thành phần cấu kiện của Nga.
Việt Nam đã nhận 4 hệ thống giám sát thử nghiệm tên lửa của Nga và đàm phán mua sắm tên lửa phòng không Akash của Ấn Độ
|
Được biết, hệ thống phòng không Akash được Ấn Độ phát triển từ nguyên mẫu 2K12 Kub (SA-6 Gainful) của Liên Xô, đây là tổ hợp tên lửa phòng không lục quân, với nhiệm vụ bảo vệ đội hình tiến quân của các sư đoàn cơ giới, do vậy nó sử dụng khung gầm xe bánh xích GM-575 có tính việt dã cao.
Hiện tại Akash đang được Ấn Độ chế tạo theo 2 biến thể chính, phiên bản dành cho không quân đặt trên khung gầm xe tải bánh lốp và phiên bản lục quân sử dụng khung xe tăng chiến đấu chủ lực T-72 hoặc xe chiến đấu bộ binh BMP hoán cải.
Hiện nay, Việt Nam đang thiếu những hệ thống phòng không đảm nhận nhiệm vụ bảo vệ các sư đoàn lục quân trên chiến trường trước sự tấn công của trực thăng hay cường kích, thậm chí là cả tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo, tên lửa không-đối-đất và các thiết bị bay không người lái
Mỗi hệ thống Akash gồm một bệ phóng, một đài chỉ huy, radar điều khiển đa dụng và một hệ thống hỗ trợ mặt đất. Mỗi xe chở hệ thống Akash gồm 3 giá phóng tên lửa với 3 quả nạp sẵn, đảm nhận bảo vệ vùng không phận rộng 62 x 62 km.
Tên lửa điều khiển cao tần sử dụng đầu đạn 55kg, với tốc độ tối đa lên tới Mach 2,5, có khả năng tiêu diệt các mục tiêu di động ở cự li đến 30km, ở độ cao 18km. Nét nổi bật nhất của tên lửa Akash là động cơ phản lực ramjet giúp nâng cao độ chính xác trong khi giá thành sản xuất rẻ hơn.
Hệ thống Akash được trang bị radar giám sát 3D Rajendra có thể theo dõi 64 mục tiêu cùng lúc, có thể đồng thời tiêu diệt 12 mục tiêu, có khả năng hoạt động ổn định và chống lại hệ các thống chế áp điện tử của đối phương.
Việt Nam nhận 4 trạm giám sát tên lửa Sazhen-TA
Một thông tin đáng quan tâm là ngày 10/1, giới truyền thông Nga dẫn nguồn tin từ nhà sản xuất của Nga là công ty Hệ thống thiết bị chính xác NPK cho biết, bốn trạm giám sát tên lửa cơ động mang tên Sazhen-TA đã được họ cung cấp và triển khai tại Việt Nam.
Các chuyên gia Nga cũng đào tạo đồng nghiệp Việt Nam làm việc với thiết bị và tham gia khởi động hệ thống quan sát tại thao trường, thử nghiệm nghiệm thu hệ thống giám sát-theo dõi Sazhen-TA kểu cơ động, cho phép đo đạc trực quan các vụ thử nghiệm tên lửa.
"Chúng tôi đã thực hiện công tác lắp đặt vận hành và đưa vào khai thác bốn trạm đo đạc kinh vĩ và giám sát quỹ đạo 14Sh27 - tức tổ hợp quang học-điện tử cơ động Sazhen-TA" - thông báo trên trang web của công ty nêu rõ.
Hệ thống giám sát-theo dõi di động Sazhen-TA cho phép xác định khởi điểm phóng, vẽ quỹ đạo bay, cung cấp tham số đo đạc và góc tới của đối tượng thử nghiệm trong phạm vi dải phổ tần số có bước sóng khả kiến và dải sóng hồng ngoại.
Hơn nữa, chúng được thiết kế để mô phỏng lại các giai đoạn bay của tên lửa với phạm vi theo dõi tối đa lên tới 1.000 km.
Thông tin về việc Việt Nam mua sắm 4 trạm đo đạc này được coi là bất ngờ, vì trước đó hầu như không ai biết về tổ hợp giám sát-đo đạc các vụ phóng tên lửa này, tính năng của nó cũng hết sức bí ẩn.
Cận cảnh trạm giám sát tên lửa cơ động 14Sh27 Sazhen-TA
|
Hãng thông tấn Nga TASS đã đặt ra những câu hỏi rất lớn về sự bất ngờ của thương vụ đặc biệt này.
Liệu trong thời gian sắp tới Việt Nam sẽ thử nghiệm những tên lửa mới tự sản xuất hay là để giám sát các vụ phóng tên lửa xung quanh? Và tại sao Việt Nam mua tận những 4 tổ hợp để làm gì, trong khi nếu thử nghiệm tên lửa thì chỉ cần 1-2 bộ là đủ? - tờ báo Nga viết.
Cũng có những bình luận đã liên hệ sự việc Ấn Độ chính thức tuyên bố sẽ chuyển giao công nghệ tên lửa Akash và trợ giúp từng giai đoạn cho tới khi Việt Nam tự sản xuất được trong nước với sự kiện Nga bàn giao cho chúng ta 4 trạm giám sát tên lửa 14Sh27 Sazhen-TA.
Một số chuyên gia cho rằng, sự xuất hiện của Sazhen-TA ít nhiều liên quan đến dự án hợp tác về công nghệ tên lửa phòng không Akash và tên lửa hành trình BrahMos. Tuy nhiên, đây là những tên lửa có tầm phóng rất thấp so với khả năng giám sát trong phạm vi 1000km của Sazhen-TA.
Do đó, đây vẫn là câu hỏi chưa có lời đáp về mục đích sử dụng 4 hệ thống này. Hiện Bộ Quốc phòng Việt Nam cũng chưa đưa ra thông báo chính thức về thông tin của giới truyền thông Nga và Ấn Độ.
http://baodatviet.vn/quoc-phong/binh-luan-quan-su/viet-nam-mua-4-tram-giam-sat-ten-lua-hien-dai-3326861/?paged=2
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét