Giới phân tích Trung Quốc tự tin khoe chiến thuật hiệu quả đối phó với Mỹ-Nhật và đe dọa “bóp nghẹt” một loạt nước trong khu vực.
Trung Quốc tự kỷ ám thị
Trang mạng “sina.com.cn” vừa có bài viết cho rằng chủ nhân của Nhà Trắng dù là Barack Obama hay là Donald Trump thì chiến lược cốt lõi là kiềm chế Trung Quốc - “tái cân bằng châu Á-Thái Bình Dương” - đều không thay đổi. Điều khác nhau chỉ nằm ở sách lược và chi tiết hành động cụ thể.
Động thái của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và tân Tổng thống Mỹ Donald Trump thời gian gần đây cho thấy mối quan hệ đồng minh Mỹ-Nhật không bị suy yếu mà ngược lại càng được tăng cường.
Thủ tướng Nhật Bản Abe gặp ông Trump tại Tòa tháp Trump, New York hồi tháng 11/2016 khi ông Trump chưa nhậm chức Tổng thống Mỹ |
Giới phân tích Trung Quốc nhận định mũi tiến công chính của Mỹ nhằm vào Trung Quốc trong thời gian tới sẽ là Biển Đông và eo biển Đài Loan. Điều này được biểu hiện thông qua những động thái mới đây của…Nhật Bản.
Đó là chuyến công du của Thủ tướng Shinzo Abe tới 3 quốc gia Đông Nam Á và Australia. Tại Philippines, nhà lãnh đạo Nhật Bản đã cam kết viện trợ cho nước này tới hàng nghìn tỷ yên. Giới phân tích Trung Quốc gọi đây là đòn “ngoại giao tiền bạc” và Nhật Bản “đành bỏ ra vốn liếng” nhằm “kích động” lại vấn đề Biển Đông.
Trung Quốc nhận định rằng trong thời gian tới, Mỹ và Nhật Bản rất có thể có sự phân công ở Biển Đông như sau: Mỹ có thể thường xuyên cử tàu chiến, máy bay đi quanh Biển Đông, Trung Quốc và Mỹ hoàn toàn có khả năng xảy ra đối đầu thậm chí là đối kháng ở khu vực này; Nhật Bản tiến hành “ngoại giao tiền bạc” ở xung quanh và tích cực tạo cớ cho Mỹ.
Ngoài tấn công Trung Quốc ở Biển Đông, Mỹ và Nhật Bản sẽ khuấy đảo vấn đề eo biển Đài Loan.
Tàu của lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines được đóng tại Yokohama, Nhật Bản |
Tờ báo Trung Quốc đe dọa rằng những bước đi của Mỹ và Nhật Bản sẽ gây phiền phức nhưng sẽ không thật sự làm tổn thương Trung Quốc, thậm chí còn khiến Trung Quốc hạ quyết tâm sử dụng vũ lực.
Theo đó, Trung Quốc không ngồi chờ Mỹ và Nhật Bản tấn công mà chủ động bằng cách cử phi đội máy bay quân sự bay qua “chuỗi đảo thứ nhất” quanh Đài Loan tiến vào Biển Đông, cử tàu sân bay Liêu Ninh đi qua Đài Loan đến Biển Đông, đồng thời điều động các máy bay ném bom của hải quân tới vùng biển Nhật Bản.
Giới phân tích Trung Quốc đề xuất mở rộng chiến thuật từng được sử dụng là dùng vấn đề biển Hoa Đông để giảm áp lực cho vấn đề Biển Đông. Tương tự, trong thời gian tới sẽ đưa vấn đề eo biển Đài Loan tới vùng biển Nhật Bản để giải quyết, vấn đề giữa Trung Quốc và Mỹ về Tây Thái Bình Dương có thể đưa tới Trung Đông giải quyết.
Theo giải thích của giới chuyên gia Trung Quốc, chiến thuật này có nghĩa là khi bị tấn công, Trung Quốc không những không đối phó bị động ở một phía, mà chủ động đáp trả vào điểm yếu của đối phương.
Các tàu của Trung Quốc và Nhật Bản đối đầu tại khu vực quần đảo Senkaku |
Ví dụ, khi Trung Quốc chủ động gây áp lực lên Nhật Bản ở ngay trong vùng biển của nước này thì các vấn đề Biển Đông hay eo biển Đài Loan được cho là sẽ tự nhiên giảm nhiệt.
Bên cạnh đó, giới phân tích Trung Quốc cũng tự tin rằng ở vùng biển Nhật Bản, Trung Quốc có sự trợ giúp của Nga và cả Triều Tiên khiến cho cuộc đọ sức có thể cân bằng.
Viễn cảnh được mở ra là một khi Trung Quốc và Nga đạt được sự đồng thuận hơn nữa ở vùng biển Nhật Bản, nếu Nhật Bản tìm cách đưa THAAD vào nước mình, Trung Quốc và Nga có thể xây dựng mạng lưới phòng thủ tên lửa ở Đông Bắc Á, nút trọng yếu của mạng lưới bao gồm bốn hòn đảo phương Bắc của Nhật Bản.
Việc gây áp lực cho Nhật Bản được đánh giá là sẽ truyền tới Mỹ. Khi áp lực này biến thành Trung Quốc và Nga đối phó với Mỹ và Nhật Bản, cục diện sẽ rất có lợi cho Trung Quốc, có lợi cho việc phân hóa sức lực của Mỹ-Nhật, làm suy yếu ảnh hưởng của hai nước này ở Biển Đông và eo biển Đài Loan.
Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc |
Bên cạnh đó, Trung Quốc có thể chủ động tấn công ở cả Trung Đông, mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực này. Khi tình hình Trung Đông phức tạp hơn thì áp lực đối với Trung Quốc ở phía Tây Thái Bình Dương tự nhiên sẽ giảm đi.
Giới phân tích Trung Quốc cho rằng Trung Đông là cốt lõi quyền lực địa chính trị toàn cầu của Mỹ. Nếu Trung Quốc cùng với Nga can thiệp sâu vào khu vực này thì càng có lợi cho việc nắm được quyền phát ngôn trên thế giới.
Tờ báo Trung Quốc đe dọa rằng trong cuộc đọ sức Trung-Mỹ, những đối tượng có thể bị “bóp nghẹt” nhiều khả năng sẽ là Đài Loan, tiếp theo là Hàn Quốc. Ngay cả Nhật Bản và “một số quốc gia nào đó” liên quan tới Biển Đông đều có khả năng trở thành đối tượng bị bóp nghẹt trong cuộc đọ sức Mỹ-Trung.
http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/trung-quoc-khoe-chien-thuat-doa-bop-nghet-nhieu-nuoc-3327762/?paged=2
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét