“Đây là thời điểm thích hợp cho Singapore – giống như Philippines - vạch ra một lộ trình mới, một hướng đi mới trong chính sách đối ngoại của mình. Chính sách đối ngoại hiện nay của Singapore chỉ còn phù hợp với cảm xúc của những người hoài cổ, còn với tương lai thì cần phải tỉnh táo – trái tim chỉ dành cho quá khứ, còn khối óc thì phải dành cho tương lai”.
Có thể thấy rằng, Singapore là một trong những trụ móng quan trọng nhất đối với Mỹ khi xoay trục đối ngoại về Châu Á – Thái Bình Dương, bởi đảo quốc sư tử này được xem là nơi thể hiện sự đối trọng về lợi thế cũng như lợi ích của hai cường quốc Trung – Mỹ tại địa bàn chiến lược mới của Washington.
Singapore luôn bị xem là gần Mỹ hơn gần Trung, vì vậy khi chính sách đối ngoại của Singapore thay đổi theo chiều hướng ngược lại thì có thể nhận diện việc xoay trục của Washington đã thất bại. Bởi lẽ “móng cũ đã nhổ mà móng mới không xây được” thì Washington mất cả thế và lực khiến cho đối thủ có thể vô hiệu hóa các nước đi của mình. Có chủ quan quá không?
Sai lầm không thể sửa chữa của Mỹ tại khu vực Đông Nam Á thời hậu Chiến tranh Lạnh
Có thể thấy rằng, sau khi người Pháp và người Anh rút khỏi khu vực Đông Nam Á thời hậu Thế chiến II, người Mỹ đã có một sự thay thế hoàn hảo tại khu vực này. Đỉnh cao ảnh hưởng của Mỹ tại Đông Nam Á và Nam Thái Bình Dương là trong những năm 1960 của thế kỷ 20. Nhiều hiệp định được ký kết đã tạo ra những quan hệ đồng minh quan trọng, đối tác chiến lược giữa Mỹ với nhiều quốc gia trong khu vực.
Từ Thái Lan, Phillipines đến New Zealand, Australia đã một thời là đồng minh không thể thiếu của Mỹ khi hiện thực hóa đối trọng với ảnh hưởng của Liên Xô và Trung Quốc tại đây. Và chính điều đó đã tạo ra địa chính trị định hình cho chiến lược đối ngoại của các quốc gia tại Đông Nam Á, trong đó có Singapore.
Singapore chọn đường lối đối ngoại độc lập ngay sau khi thành lập vào năm 1965, mà cụ thể là tham gia Phong trào Không liên kết để đảm bảo tính trung lập của mình trong thời Chiến tranh Lạnh. Tuy nhiên, Singapore đã chọn kết nối ngoại giao ngay với Hoa Kỳ, song lại là thành viên cuối cùng trong ASEAN thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc vào tháng 10.1990.
Do vậy, cho dù tiêu chí làm bạn với tất cả các quốc gia luôn được xem là một trong những tiêu chí nền tảng cho việc xây dựng chiến lược đối ngoại của Singapore, nhưng đảo quốc này luôn bị xem là quá gần với Mỹ và không thân thiện với Trung Quốc. Vì vậy quan hệ Mỹ - Singapore được xem là một trong những trụ móng quan trọng của Mỹ tại Đông Nam Á và Nam Thái Bình Dương.
Tuy nhiên, có “một thay đổi quan trọng đã diễn ra vào năm 1992, khi Mỹ rút khỏi căn cứ hải quân tại vịnh Subic của Phillipines, một căn cứ quân sự lớn nhất của Mỹ tại châu Á – Thái Bình Dương, bên cạnh các căn cự tại Okinawa và đảo Guam. Đây là thời kỳ Liên Xô vừa tan rã và Mỹ thể hiện sự thống soái của mình. Song Mỹ đã sai lầm”, theo The Straits Times.
Tờ báo Singapore cho rằng sai lầm của Washington thể hiện ở chỗ xem thường sự trỗi dậy của Trung Quốc thông qua việc thực hiện các cải cách kinh tế của nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình. Sai lầm đó xuất phát từ thực tế là quy mô nền kinh tế Trung Quốc những năm 1990 còn rất nhỏ.
Nhưng “đến nay, sau 25 năm của sự sai lầm đó là vai trò giữa Mỹ và Trung Quốc tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương đã bị đảo ngược. Mỹ đang suy giảm ảnh hưởng về kinh tế và mất vị thế về chính trị, mà nguyên nhân quan trọng là do tập trung vào cuộc chiến chống khủng bố cũng như tác động bởi sự toàn cầu hóa với nước Mỹ. Trong khi đó Trung Quốc ngày càng gia tăng sức mạnh quân sự và kinh tế cũng như ảnh hưởng về chính trị”, The Straits Times bình luận.
Mỹ đã thực sự mất ảnh hưởng tại khu vực Đông Nam Á và Nam Thái Bình Dương?
The Straits Times cho rằng, không phải vì Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Singapore và là nguồn lớn nhất về du lịch của Singapore nên không thể để cho quan hệ Singapore – Trung Quốc xấu đi và có thể xem đây là lý do phải hiệu chỉnh lại vai trò của Singapore tại khu vực châu Á -Thái Bình Dương, mà nguyên nhân là bởi Mỹ.
Theo tờ báo Singapore thì một thực tế hiện nay đã và đang diễn ra cho thấy vai trò và tầm ảnh hưởng của Mỹ tại khu vực Đông Nam Á và Nam Thái Bình Dương đã bị hạ thấp. Washington không thể xây dựng trụ móng tại địa bàn mới và ngày càng trở nên thất thế trước Bắc Kinh. Dù có sự đổi thay quyền lực tại Washington song dường như việc xoay trục của Mỹ đã thất bại.
“Cả Thái Lan và Philippines, hai đồng minh quân sự quan trọng của Mỹ, đã tái kiểm định chính sách đối ngoại của mình bằng việc gần gũi hơn với Trung Quốc. Trong khi đó cả Campuchia, Lào và Myanmar đều muốn hội nhập kinh tế chặt chẽ hơn với Trung Quốc. Malaysia cũng xích gần Bắc Kinh hơn Washington”.
Hiện nay chỉ còn Indonesia là thành viên ASEAN thể hiện quan điểm độc lập và cứng rắn với Trung Quốc, song những động thái của Jakarta không làm Bắc Kinh quá bận tâm. Điều đó một phần là khi Indonesia càng quyết liệt thì ASEAN càng dễ phân rã, một phần do Jakarta không phải là đồng minh hay đối tác chiến lược của Washington.
“Trong khi đó kinh tế Trung Quốc phát triển nóng với hai con số liên tục trong hơn hai thập kỷ từ năm 1992 đến năm 2014. Điều đó khiến cho Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất, nhì của mỗi thành viên ASEAN và nhiều nước trên thế giới. Dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc luôn vượt quá 3 nghìn tỷ USD, sức mạnh kinh tế của Trung Quốc đã thực sự che khuất Hoa Kỳ”, The Straits Times bình luận.
Còn nhớ trong một buổi nói chuyện tại Đại học Harvard năm 2015, cựu Thủ tướng Australia Kevin Rudd đã nhận định rằng, Washington phải sẵn sàng đối mặt với một thực tế là phải chia sẻ lợi ích và tầm ảnh hưởng với Bắc Kinh tại khu vực châu Á. Hoa Kỳ không thể phủ nhận vai trò ngày càng lớn của Trung Quốc tại khu vực này.
Còn Giáo sư Hugh White, nghiên cứu chiến lược tại Đại học Quốc gia Australia thì đặt vấn đề: “Khi căng thẳng chiến lược gắn liền với châu Á ngày càng rõ ràng hơn khiến cho các nước nhỏ và trung bình trong khu vực phải đối mặt với một lựa chọn khắc nghiệt. Đó là một sự lựa chọn phức tạp, hoặc rời xa Mỹ để tránh đối đầu với Trung Quốc, hoặc đứng về phía Mỹ thách thức với Trung Quốc. Vậy chọn Mỹ hay chọn Trung?”, theo The Straits Times ngày 27.9.2016.
Có thể thấy rằng, khi Singapore không muốn làm xấu quan hệ với Trung Quốc thì có nghĩa mối quan hệ Singapore – Hoa Kỳ không thể bình thường như trước đây được nữa, trong khi mối quan hệ này được xem là nền tảng quan trọng cho việc xoay trục của Washington từ Đại Tây Dương và Địa Trung Hải về châu Á – Thái Bình Dương.
Thực tế này chứng tỏ vị thế vai trò của Mỹ tại khu vực Đông Nam Á và Nam Thái Bình Dương đã thật sự suy giảm và qua đây cũng có thể nhận diện việc xoay trục chiến lược đối ngoại của Washington dưới thời chính quyền Obama đã thất bại. Vấn đề tiếp theo như thế nào, có lẽ khi tân Tổng thống Trump vào Nhà Trắng thì mới có thể đoán biết, chúng ta cùng chờ xem.
http://motthegioi.vn/the-gioi-c-79/ho-so-c-122/bao-singapore-dong-nam-a-truoc-cau-hoi-chon-my-hay-trung-quoc-53818.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét