Việt Nam và Trung Quốc cam kết 'kiểm soát bất đồng và tăng cường hợp tác' trong vấn đề Biển Đông, thông cáo chung được đưa ra hôm thứ Bảy trong chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói.
Sau các trao đổi 'thẳng thắn', hai nước đồng ý "kiểm soát bất đồng trên biển, không có hành động làm phức tạp, mở rộng tranh chấp, bảo vệ hòa bình và ổn định ở Biển Đông", theo nội dung thông cáo.
Trong các tuyên bố công khai, các lãnh đạo Trung Quốc và Việt Nam thường nói về lợi ích chung trong mối quan hệ bạn bè, láng giềng 'truyền thống', nhưng những tuyên bố chủ quyền trên biển đã trở thành nguyên do chính gây căng thẳng giữa hai nước trong những năm gần đây.
Trong thông cáo chung, hai bên cũng đồng ý tiếp tục thực hiện 'toàn diện và hiệu quả' Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và hướng tới việc thống nhất, sớm xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
'Thành công to lớn'
Nội dung thông cáo cho thấy cả hai bên tin rằng chuyến đi của ông Nguyễn Phú Trọng đã "đạt thành công to lớn" trong việc nâng cao sự tin cậy chính trị giữa hai bên, thắt chặt quan hệ hữu nghị truyền thống, củng cố quan hệ đối tác chiến lược hợp tác toàn diện, và đóng góp vào hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực, Tân Hoa Xã nói.
Hồi tháng Chín 2016, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói với Thủ tướng Việt Nam trong chuyến thăm của ông Nguyễn Xuân Phúc tới Bắc Kinh rằng các lợi ích chung của hai quốc gia lớn hơn nhiều so với những khác biệt, và kêu gọi giải quyết tranh chấp ở Biển Đông thông qua đối thoại.
Ngay trong ngày đầu Tổng Bí thư Trọng tới Bắc Kinh, hôm 12/1, ông Tập Cận Bình khi đón tiếp nhà lãnh đạo Việt Nam cũng nói rằng quan hệ hai nước 'vừa là đồng chí, vừa là anh em', và lặp lại việc ông hy vọng hai nước sẽ quản lý, kiểm soát đúng đắn những bất đồng.
Trung Quốc và Việt Nam có lịch sử quan hệ từ lâu. Hai quốc gia thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức vào năm 1950.
Tuy có thời gian xấu đi do cuộc chiến tranh biên giới 1979, nhưng hai nước nay đang có những bước đi nhằm cải thiện quan hệ trong một số lĩnh vực, trong đó có quân sự và kinh tế.
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-38628669
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét