Thứ Năm, 19 tháng 1, 2017

Philippines dùng kế "nhất tiễn song điêu", "mượn hoa dâng Phật"


Màn "tung hứng" phối hợp ăn ý giữa Bộ trưởng Quốc phòng, Ngoại trưởng 
và người phát ngôn của Tổng thống Philippines nhắm tới 2 mục đích.


Rappler ngày 17/1 đưa tin, chỉ vài giờ trước khi Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân đến chào xã giao Tổng thống Rodrigo Duterte hôm thứ Ba 17/1, Bộ trưởng Quốc phòng nước chủ nhà Delfin Lorenzana đã bình luận:
Việc Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông là rất đáng lo ngại, phản hòa bình và không thân thiện. Ông Lorenzana được báo chí dẫn lời cho biết:
"Mặc dù có sự ấm lên của mối quan hệ giữa 2 nước chúng tôi, Chính phủ Philippines sẽ thật thiếu sót trong thực hiện nghĩa vụ của mình để bảo vệ lợi ích quốc gia, nếu Philippines không phản đối và tìm cách làm rõ sự hiện diện của vũ khí Trung Quốc trong khu vực quần đảo Trường Sa.
Những hành động của Trung Quốc nhằm quân sự hóa những cấu trúc tranh chấp là rất đáng lo ngại. Nó không thật với những hùng biện của chính phủ Trung Quốc rằng, mục đích các hoạt động này là hòa bình và thân thiện".
Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana và Tổng thống Rodrigo Duterte, ảnh: Notey.
Trước đó Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay đã cho biết, nước ông đã lặng lẽ gửi một công hàm ngoại giao đến Bắc Kinh tháng trước để chất vấn về thông tin Trung Quốc kéo tên lửa phòng không ra đảo nhân tạo (bất hợp pháp) ở Trường Sa (Khánh Hòa, Việt Nam).
Tuy nhiên ông Yasay lưu ý, điều này được thực hiện một cách âm thầm để không làm mất mặt Trung Quốc. [1]
Còn theo tờ Philstar ngày 18/1, ông Lưu Chấn Dân đã đến Điện Manacanang chào xã giao Tổng thống Rodrigo Duterte tối hôm qua. Người phát ngôn của Tổng thống Ernesto Abella cho hay, ông Dân đã đề nghị một cuộc chào hỏi xã giao trước khi về nước.
Ông Ernesto Abella cũng dẫn lời Ngoại trưởng Perfecto Yasay cho biết, chuyến công du Philippines của ông Lưu Chấn Dân chỉ là một phần của hoạt động tham vấn chính trị.
Việc Bộ Ngoại giao Philippines gửi công hàm phản đối Trung Quốc lắp đặt hệ thống tên lửa phòng không trái phép ở đảo nhân tạo đã chứng tỏ quyết tâm của chính phủ Philippines trong việc bảo vệ (yêu sách) quyền lợi quốc gia.
Trong khi đó, cách thức phản đối của Bộ Ngoại giao Philippines phù hợp với nỗ lực của Tổng thống Duterte trong việc cải thiện quan hệ với Trung Quốc.
Người phát ngôn của ông Duterte nói với báo giới: "Ngoại giao hung hăng và khiêu khích sẽ chẳng mang lại cho chúng ta không gian nào để xử lý các vấn đề chính thức". [2]
Nhất tiễn song điêu, mượn hoa dâng Phật
Người viết cho rằng, chuyến thăm Philippines của ông Lưu Chấn Dân diễn ra trong thời điểm và bối cảnh đặc biệt: ngay sau khi Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe vừa thăm chính thức quốc gia này, mang đến cam kết tài chính hậu hĩnh: viện trợ và đầu tư 8,7 tỉ USD vào Philippines.
Do đó ngoài câu chuyện chính thức "tham vấn chính trị" như chia sẻ của đại diện chính phủ Philippines, có lẽ mục đích của ông Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc không dừng ở đấy.
Tiến sĩ Trần Công Trục, ảnh do tác giả cung cấp.
Bắc Kinh muốn tiếp tục lôi kéo mạnh hơn Philippines về phía mình, nhất là khi quốc gia này đảm nhiệm ghế Chủ tịch luân phiên ASEAN năm 2017.
Tuy nhiên các nhà lãnh đạo Philippines đã khéo "tương kế tựu kế" để đưa ra những phản ứng theo cá nhân người viết là rất khôn khéo và phù hợp.
Thứ nhất là việc gửi công hàm phản đối từ tháng trước, nhưng đến khi ông Lưu Chấn Dân thăm Philippines, Ngoại trưởng Perfecto Yasay mới tiết lộ bằng ngôn từ mềm dẻo nhất có thể.
Điều này giúp các nhà lãnh đạo Philippines vừa đạt được mục đích công khai lập trường nguyên tắc của mình với dư luận, vừa thể hiện trách nhiệm của Chính phủ trong vấn đề bảo vệ lợi ích quốc gia.
Thứ hai, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines công khai, thẳng thắn bình luận xác đáng về những hành vi của Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông trong lúc Bắc Kinh muốn lôi kéo Manila khỏi vòng tay Tokyo và Washington sẽ giảm tối đa những tác động tiêu cực, hay tạo cớ để Trung Quốc phản bác.
Thứ ba, bình luận của ông Bộ trưởng Quốc phòng hoàn toàn không mâu thuẫn với phát biểu của ông Ngoại trưởng, ngược lại còn nhằm bọc lót cho đồng nghiệp trong việc chứng minh với dư luận Philippines rằng:
Chính phủ Tổng thống Rodrigo Duterte đang làm tốt nhất có thể để bảo vệ quyền và lợi ích quốc gia ở Biển Đông, được cụ thể hóa qua Phán quyết Trọng tài.
Theo Philstar, cựu Đại sứ Philippines tại Liên Hợp Quốc Lauro Baja Jr bình luận:
"Nếu chúng ta có ý định gác lại Phán quyết Trọng tài như họ (chính phủ) nói, chúng ta không nên quảng cáo điều đó. Nó làm giảm giá trị những thắng lợi chúng ta có được từ Phán quyết Trọng tài.
Nếu chúng ta không thể thực thi, thì hãy giữ im lặng thay vì nói ra điều đó. Như thế sẽ tốt hơn việc tuyên bố chúng ta gác Phán quyết Trọng tài sang một bên, hay chúng ta sẽ không nêu vấn đề này ra các cuộc họp (của ASEAN)". [2]
Như vậy có thể thấy, trong nội bộ chính giới và dư luận Philippines cũng có những nhận thức, quan điểm khác nhau về việc thực hiện Phán quyết Trọng tài, trong khi thống nhất về nhận thức đối nội mới tạo ra sức mạnh và bàn đạp cho đối ngoại.
Vì vậy có thể thấy, màn "tung hứng" phối hợp ăn ý giữa Bộ trưởng Quốc phòng, Ngoại trưởng và người phát ngôn của Tổng thống Philippines nhắm tới 2 mục đích.
Một là tiếp tục đấu tranh không khoan nhượng với Trung Quốc, nhưng bằng lý lẽ ôn hòa; hai là thống nhất nhận thức trong nội bộ dư luận.
Có thể gọi đó là kế "nhất tiễn hạ song điêu" của các nhà lãnh đạo Điện Manacanang.
Ông chủ Điện Manacanang - Tổng thống Rodrigo Duterte đã thể hiện một cách xuất sắc kế này trong việc mang về cam kết 24 tỉ USD viện trợ, đầu tư từ Trung Quốc, 8,7 tỉ USD cam kết viện trợ và đầu tư từ Nhật Bản, hai kỳ phùng địch thủ ở Đông Á.
Theo cá nhân người viết, tuyên bố của Ngoại trưởng Perfecto Yasay rằng Philippines sẽ không nêu Phán quyết Trọng tài ra các cuộc họp của ASEAN và các hội nghị, diễn đàn liên quan năm nay với tư cách Chủ tịch luân phiên của khối cần được hiểu chính xác.
Đó là Philippines không chủ động nêu Phán quyết Trọng tài ra hội nghị vì đó là vấn đề song phương giữa Manila và Bắc Kinh, nhưng Chủ tịch ASEAN sẽ không ngăn cản các thành viên khác của khối nêu vấn đề này lên bàn hội nghị.
Như thế Bắc Kinh cũng khó nói được gì Manila, bởi Chủ tịch luân phiên ASEAN cũng cần phải tôn trọng và lắng nghe tiếng nói từ các thành viên.
Manila không chủ động nêu vấn đề đã là giữ thể diện cho Bắc Kinh rồi. Nói cách khác, đây chỉ là đòn "mượn hoa dâng Phật" của Điện Manacanang mà thôi. 
Phải chăng đây chính là những bước đi khởi đầu thể hiện vai trò của Chủ tịch luân phiên của Philippines trong sứ mệnh tìm cách lái con tàu Biển Đông vượt qua song gió của cuộc canh tranh địa- chính trị giữa các siêu cường trong năm 2017?
Tài liệu tham khảo:
http://giaoduc.net.vn/Quoc-te/Philippines-dung-ke-nhat-tien-song-dieu-muon-hoa-dang-Phat-post173932.gd

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét