Tập đoàn dầu khí Hoa Kỳ ExxonMobil vừa ký thỏa thuận khung phát triển và bán khí đốt từ mỏ Cá Voi Xanh ở Biển Đông với hai đối tác Việt Nam.
Chính phủ Việt Nam cho biết trên website của mình rằng Thỏa thuận khung Phát triển dự án và Hợp đồng bán khí Cá Voi Xanh vừa được ký hôm 13/1 giữa Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) và Công ty TNHH Thăm dò Khai thác Dầu khí ExxonMobil Việt Nam (ExxonMobil).
Dự án khai thác và mua bán khí đốt lấy từ mỏ Cá Voi Xanh nằm ngoài khơi Quảng Ngãi là dự án khí lớn nhất Việt Nam cho tới nay, được trông đợi đạt dòng khí đầu tiên vào năm 2023.
Trong giai đoạn đầu, sản lượng khai thác của dự án Cá Voi Xanh sẽ đủ cung cấp khí cho bốn nhà máy điện với tổng công suất 3.000 MW.
Theo Chính phủ Việt Nam, tổng đầu tư chuỗi dự án gồm hai giai đoạn khoảng 10 tỷ USD và sẽ đóng góp vào ngân sách Nhà nước gần 20 tỷ USD.
Dự án lâu dài
Dự án khí ở mỏ Cá Voi Xanh, trong lô 118 nằm cách bờ biển Quảng Ngãi khoảng 100km, đã được ExxonMobil và đối tác Việt Nam khởi động từ trước năm 2007, khi ký Thoả thuận Nghiên cứu chung.
Ba bên này đã ký kết Hợp đồng Chia sản phẩm Dầu khí ("PSC") đối với các Lô ngoài khơi miền Trung Việt Nam vào ngày 30/6/2009.
Mỏ khí Cá Voi Xanh được phát hiện có khí năm 2011 và được tuyên bố thương mại vào tháng 8/2015.
Một điều đáng chú ý là thỏa thuận khung mới nhất được ký kết nhân chuyến thăm Việt Nam lần cuối của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và trong khi Tổng bí thư Đảng Cộng sản VN Nguyễn Phú Trọng ở thăm Trung Quốc.
Theo Giáo sư Carlyle Thayer, chuyên gia về Biển Đông, "thỏa thuận mới nhất diễn ra trong hai chuyến thăm của Ngoại trưởng John Kerry và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng một lần nữa cho thấy chiến lược cân bằng giữa các cường quốc của Việt Nam".
Lô 118 nằm ngoài khơi thềm lục địa Việt Nam, thuộc vùng biển các tỉnh Đà Nẵng, Quảng Ngãi và Quảng Nam, rất gần đường chín đoạn mà Trung Quốc lập ra để đòi hỏi chủ quyền Biển Đông.
Hiện chưa rõ Trung Quốc sẽ phản ứng thế nào trước thông tin này nhưng trước đây Bắc Kinh từng bóng gió cảnh báo các tập đoàn nước ngoài không nên làm ăn với Việt Nam tại các vùng biển Trung Quốc tuyên bố chủ quyền.
Bằng nhiều cách, Trung Quốc đã gây áp lực buộc các công ty nước ngoài muốn làm ăn với Việt Nam phải rút lui.
Không sợ Trung Quốc
Hồi tháng 6/2007, dưới áp lực của Trung Quốc, Tập đoàn dầu khí Anh British Petroleum (BP) đã ngừng việc thăm dò khảo sát địa chấn tại Nam Côn Sơn trước khi chính thức rút khỏi dự án thăm dò này vào tháng 3/2009.
Vào tháng 7/2008, Trung Quốc cũng đã gây sức ép buộc ExxonMobil ngừng dự án với Việt Nam tại khu vực mà Bắc Kinh nói là thuộc chủ quyền Trung Quốc.
Dự án bị Trung Quốc phản đối lúc đó nằm trên thềm lục địa phía Nam, gồm các lô 135 và 136, khu vực Tư Chính - Vũng Mây của bồn trũng Nam Côn Sơn. Exxon lúc đó không tuyên bố rút lui, nhưng sau đó cũng không có thêm thông tin gì về tiến độ dự án.
Đại sứ Hoa Kỳ lúc đó là ông Michael Michalak từng nhận xét với BBC rằng các tập đoàn như ExxonMobil có sức mạnh 'như các quốc gia' và có chính sách của riêng họ.
Tập đoàn này được Việt Nam cho quyền thăm dò tại ba lô 117, 118 và 119. Gần đó là lô 120, mà Công ty thăm dò - khai thác dầu khí Neon Energy của Úc đã cùng đối tác Việt Nam thăm dò địa chấn hồi tháng Năm năm 2010.
Lúc đó phía Việt Nam đã phải cử tàu hải quân ra hộ tống công việc thăm dò của Neon vì sợ phản ứng của Trung Quốc.
Người được tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump chỉ định làm tân ngoại trưởng, Rex Tillerson, người đã thông báo nghỉ hưu tại tập đoàn ExxonMobil, vừa có tuyên bố mạnh mẽ về Biển Đông.
GS Thayer nói với BBC: "Rex Tillerson chắc chắn có hiểu biết sâu sắc về các nỗ lực của Trung Quốc nhằm cản trở hoạt động của ExxonMobil tại Việt Nam từ các năm 2007-2008. Tillerson sẽ không nao núng trước các phản đối của Trung Quốc".
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-38635558
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét