Giữa tháng 12.2016, sau khi tự ý thu giữ thiết bị lặn tự hành (UUV) của hải quân Mỹ trong vùng biển quốc tế trên Biển Đông, Bộ Quốc phòng Trung Quốc lớn tiếng yêu cầu Washington dừng “hoạt động do thám” ở gần nước này, đồng thời cảnh báo Bắc Kinh vẫn sẽ cảnh giác và có những “biện pháp cần thiết” để ứng phó, theo chuyên san The Diplomat. Đáp lại, phát ngôn viên Lầu Năm Góc Peter Cook tuyên bố Mỹ sẽ tiếp tục hoạt động ở Biển Đông cũng như bất kỳ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép.
Mỹ mở rộng sứ mệnh UUV
Theo Defense Systems, hải quân Mỹ tỏ rõ dấu hiệu cho thấy vụ việc hồi tháng 12 sẽ không làm ảnh hưởng kế hoạch triển khai UUV đến hoạt động tại Biển Đông. Chuyên trang này dẫn lời giới sĩ quan cấp cao khẳng định họ không những sẽ tiếp tục mà còn mở rộng các sứ mệnh thu thập dữ liệu nghiên cứu đại dương bằng các loại UUV hiện đại. “Chúng tôi hiện có khoảng 130 thiết bị lặn tự hành và sẽ tăng tốc triển khai những hệ thống hiện đại hơn”, người đứng đầu Bộ Tư lệnh hải dương và khí tượng thuộc hải quân Mỹ Tim Gallaudet tuyên bố.
Bên cạnh đó, Lầu Năm Góc đã lần đầu tiên bổ nhiệm Phó trợ lý bộ trưởng phụ trách hệ thống tự hành và trọng trách mới được giao cho chuẩn tướng kỳ cựu Frank Kelley. Chưa hết, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter thông báo kế hoạch chi hơn 40 tỉ USD trong vòng 5 năm tới để chuẩn bị sẵn sàng cho “cuộc chiến dưới nước trong tương lai”. Theo tờ The Washington Post, trong khoản ngân sách này sẽ có 3 tỉ USD được đổ vào các chương trình phát triển hệ thống tự hành dưới nước.
“Mỹ sẽ triển khai các thiết bị tự hành mới với nhiều kích cỡ có thể hoạt động trong môi trường nước cạn, vốn là thách thức lớn cho tàu lặn có người lái”, ông Carter phát biểu trong chuyến thăm tàu sân bay USS John C.Stennis ở Biển Đông hồi tháng 4.2016. Khi đó, tờ South China Morning Post (SCMP) dẫn lời giới chuyên gia nhận định chuyến thăm và các phát biểu của chủ nhân Lầu Năm Góc là “thông điệp rõ ràng” nhằm tới Trung Quốc trong bối cảnh tình hình an ninh Biển Đông có nhiều biến động.
“Vạn lý trường thành dưới nước”
Trong khi đó, Trung Quốc được cho là đang nỗ lực bắt kịp Mỹ về sức mạnh công nghệ dưới nước. Trong tháng 12.2016, ngay sau khi Trung Quốc thu giữ UUV của Mỹ, nhiều nhà nghiên cứu hàng đầu nước này lần đầu tiên tổ chức hội thảo về thiết bị lặn tự hành.
Cùng lúc, theo SCMP, giới quân sự Trung Quốc đang rất quan tâm đến chương trình của Viện Tự động hóa Thẩm Dương (trụ sở tại tỉnh Liêu Ninh) nhằm phát triển UUV có thể phá kỷ lục lặn sâu 6.000 m do tàu lặn của hải quân Mỹ lập năm 2009. Nhiều nguồn tin cho biết nỗ lực trang bị UUV nằm trong kế hoạch đầy tham vọng của Trung Quốc nhằm thiết lập cái gọi là “vạn lý trường thành dưới nước”. Trong đó, thiết bị lặn sẽ kết hợp với hệ thống cảm biến lắp đặt dưới đáy biển để định vị và truy tìm tàu ngầm của đối phương.
Mặt khác, đến nay, Lầu Năm Góc khẳng định UUV được triển khai ở Biển Đông chỉ thu thập dữ liệu đại dương như nhiệt độ và độ mặn của nước biển. Tuy nhiên truyền thông và một số chuyên gia Trung Quốc cáo buộc những thiết bị này có thể dò la hành tung của tàu ngầm Trung Quốc trong khu vực cũng như nhiều “thông tin có giá trị khác”. SCMP dẫn lời đại tá về hưu Nhạc Cương cho rằng với thông tin thu thập được, UUV của Mỹ có thể nhanh chóng xác nhận một tàu ngầm xuất hiện ở khu vực là tàu bình thường hay tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân, và điều này “có thể gây ra mối đe dọa cho an ninh quân sự Trung Quốc”.
“Mỹ đang xây dựng một chiến trường và chuẩn bị cho cuộc chiến tranh dưới nước. Trung Quốc phải ứng phó mạnh mẽ”, ông Nhạc nhấn mạnh. Tương tự, theo nhà phân tích quân sự ở Bắc Kinh Lý Kiệt, Mỹ “không thể từ bỏ hoạt động giám sát” ở Biển Đông nên Trung Quốc cần gia tăng nỗ lực phát triển và sử dụng công nghệ tự hành cho mục đích dân sự lẫn quân sự.
http://thanhnien.vn/the-gioi/nguy-co-dung-do-my-trung-tren-bien-dong-781274.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét