Cuộc tranh cãi giữa tân tổng thống và cộng đồng tình báo về hacking Nga càng khiến công chúng Mỹ mất niềm tin vào khả năng của ngành hành pháp Mỹ...
Theo Bloomberg ngày 5/1/2017, khi thể hiện quan điểm về sự bất đồng giữa tân Tổng thống Trump và các cơ quan tình báo Mỹ liên quan đến việc Nga hacking vào tiến trình bầu cử Mỹ, Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ James Clapper cho rằng, không có ai thắng trong cuộc xung đột này mà chỉ có nước Mỹ thất bại mà thôi. Và đặc biệt là người dân Mỹ rất thất vọng với chính quyền về sự việc này.
Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ James Clapper. Ảnh : Washington Times |
Nguy cơ “hacking Nga” đã được cảnh báo từ 30 năm trước
Politico ngày 7/1/2017 cho biết : “Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ được tiếp tay bởi sự can thiệp của Nga nghe như là tiểu thuyết, vậy mà dường như đó lại là sự thật. 30 năm trước, thời kỳ Chiến tranh Lạnh, đài truyền hình ABC đã phát sóng một bộ phim truyền hình nhiều tập mang tên “Amerika”.
Theo đó, nội dung giả định Liên Xô đã thao túng các cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, nhưng tại thời điểm ấy “Amerika” bị cho là chuyện phiếm”.
Làm thế nào mà Liên Xô đã có thể can thiệp vào Mỹ thì các chi tiết cụ thể không bao giờ được giải thích rõ ràng. Tuy nhiên, thay vì tìm lời giải thích thì “Amerika” tập trung vào việc làm sáng tỏ vấn đề là tại sao chính quyền Mỹ lại quá kém cỏi đến mức để cho đối thủ có thể thực hiện được hành động và đạt được mục đích của họ, tờ báo của Mỹ bình luận.
Theo nội dung của "Amerika" có hai ứng viên đại diện cho hai đảng chính trị lớn tại Mỹ ra tranh cử trong một cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, đó là Devin Milford và Peter Bradford. Milford có quan điểm là phục hồi và bảo vể nền dân chủ Mỹ, kịch liệt “bài Nga” nhưng vì quá quyết liệt nên ông ta trở thành biểu tượng cản trở sự đổi thay tại nước Mỹ.
Trong khi Bradford là một quản trị viên chuyên nghiệp, lúc đầu “bài Nga” nhưng sau rồi trở nên thân thiện với chế độ Xô viết. Ông ta đã giúp Liên Xô hoàn thành giai đoạn cuối kế hoạch lớn của mình là làm thay đổi vị thế vốn có của Hoa Kỳ trên trường quốc tế. Kết quả cuối cùng của cuộc bầu cử là Bradford trở thành tổng thống mới của nước Mỹ.
Tuy nhiên, điều quan trọng là có một nhân vật mang tên Andrei Denisov, một điệp viên KGB, đã can thiệp có hiệu quả vào cuộc đua tranh giữa Milford và Bradford. Denisov đã khuấy động giới trẻ Mỹ chống lại những gì mà họ thấy không tốt đối với bản thân họ, đối với đất nước Mỹ của họ. Denisov giúp giới trẻ Mỹ hiểu được tại sao những người bạn rời xa nước Mỹ, đầu hàng Chiến tranh Lạnh.
Trong "Amerika", quan điểm của Devin Milford và Peter Bradford xoay quanh cái gọi là “Giấc mơ Mỹ”. Milford cho rằng sự ích kỷ đã khiến cho người Mỹ không đứng lên vì nền dân chủ, còn với Bradford thì không có chuyện sẵn sàng hy sinh, nếu điều đó không được đánh đổi bằng lợi ích cụ thể.
Sự thể đó khiến Denisov lên tiếng : "Người Mỹ đã mất nước trước khi người Nga có mặt ở đây".
"Amerika" đã bị chỉ trích nặng nề vào thời điểm đó, bởi nó được xem là sự kích động cho một cuộc đảo chính không đổ máu tại nước Mỹ. Tuy nhiên, dù có nhiều khác biệt giữa thực tế và kịch bản phim, song thông điệp cốt lõi của "Amerika" có liên quan đến thực tế của nước Mỹ hiện nay hơn bao giờ hết. Đó là kẻ thù thao túng được nước Mỹ bởi chúng ta đã tạo cơ hội cho họ”, Politico nhận định.
Người dân Mỹ thất vọng đối với chính quyền Mỹ
The New York Times năm 1987 từng bình luận rằng, Hoa Kỳ sẽ chỉ có thể sụp đổ từ bên trong với một sự yếu kém của lực lượng rường cột quốc gia, nghĩa là một sự lệch pha giữa sức mạnh cứng với sức mạnh mềm trong cấu thành sức mạnh quốc gia. Và theo Politico thì thực tế của lời bình ấy dường như đang hiển hiện trên đất nước Mỹ.
Tờ báo Mỹ cho rằng, với một người có quan điểm bảo thủ và tư tưởng dân tộc chủ nghĩa, thậm chí có phần cực đoan như Donald Trump thì không dễ bị ảnh hưởng bởi tác động của Moscow, nếu như niềm tin vào chính phủ Hoa Kỳ không bị sụt giảm trong công chúng Mỹ.
Quan điểm giữa Donald Trump và Vladimir Putin – một người có tham vọng tái lập đế chế Nga – không thể gặp nhau nếu không có xúc tác là sự lệch pha trong xã hội Mỹ.
“Giống như bao người Nga trong "Amerika" muốn Hoa Kỳ phải giải thể, cả Putin và Trump đã cùng tác động là suy yếu EU, làm phân rã NATO, từ đó giúp cho Putin xây dựng một thể chế toàn cầu, buộc các quốc gia khác phải hành động theo ý đồ của Moscow nếu không muốn bị trừng phạt”, Politico chỉ trích tân Tổng thống Mỹ.
Theo Politico thì không phải tâm lý thân Nga là phổ biến trong xã hội Mỹ, nhưng trong số những người ủng hộ Trump đã hình thành nên hiệu ứng “bảo vệ Putin”.
Chẳng hạn khi nhà lãnh đạo Nga bị cáo buộc đứng sau việc sát hại một nhà báo thì những người “bảo vệ Putin” đã ngay lập tức bôi xấu Mỹ: "Tôi nghĩ rằng ở đất nước chúng ta đã không ít người bị giết như vậy”.
Đây là một thực tế nguy hiểm đối với giới tinh hoa trong xã hội Mỹ - thành phần luôn xem nền chủ phương Tây là cốt lõi tinh túy hình thành nên giá trị Mỹ. Và giới chính trị truyền thống – thành phần cốt lõi của giới tinh hoa - đang tìm cách hạn chế tới mức thấp nhất tác hại từ hiệu ứng “bảo vệ Putin” đối với nước Mỹ qua việc điều tra Nga hacking vào tiền trình bầu cử Mỹ, mở màn cho cuộc tranh cãi giữa Tổng thống đắc cử Trump và các cơ quan tình báo Mỹ.
Tuy nhiên, Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ James Clapper cho rằng : “Một cuộc tranh cãi công khai giữa tân tổng thống và cộng đồng tình báo về việc hacking của Nga không giúp cho bên nào chiến thắng.
Song điều đó lại khiến sự việc trở thành vấn đề chính trị hơn là vấn đề tình báo, vì vậy nó càng khiến cho công chúng Mỹ mất niềm tin vào khả năng của ngành hành pháp Mỹ trong việc bảo vệ lợi ích sống còn của quốc gia”.
Bộ đôi Trump - Putin đang khiến cho nước Mỹ có nhiều sự đảo lộn. Ảnh : Business Insider |
Politico cho rằng, qua việc Nga điều khiển tinh tế các phương tiện truyền thông Mỹ với các tin tức giả được lấy cắp từ các email, điều đó đã gieo những hạt giống xấu vào trong lòng xã hội Mỹ.
Từ đó khiến cho người dân Mỹ không chỉ chia rẽ sâu sắc bởi khác biệt văn hóa và địa lý, mà các nghiên cứu mới cho thấy người dân Mỹ ngày càng hoài nghi về tầm quan trọng của nguyên tắc dân chủ Mỹ.
“Một phần chương trình nghị sự của ông Putin là để thuyết phục người Mỹ rằng thể chế dân chủ của chúng ta không còn đáng tin cậy, một phần dựa vào sự khác biệt sâu sắc về tư tưởng và văn hóa, Putin gieo vào lòng người dân Mỹ rằng sự hiệp nhất của nước Mỹ vẫn còn đang thử nghiệm, nguyên lý hiệp nhất của Mỹ vẫn chưa thể hoàn thiện”. Đó là một lời cảnh báo cho sự phân rã trong xã hội Mỹ.
Như vậy, 30 năm trước "Amerika" đã là một lời tiên tri về nước Mỹ ngày hôm nay, nó đã nhắc nhở người Mỹ rằng nước Mỹ chỉ thất bại bởi chính mình, Politico kết luận. Tiếc là lời tiên tri ấy không được người Mỹ - mà cụ thể là chính quyền Mỹ - lưu tâm, để đến ngày hôm nay nó đã trở thành thảm hoạ.
Đó là chính quyền Mỹ đã mất đi niềm tin của công chúng Mỹ, còn giới tinh hoa của nước Mỹ thì đang bị buộc phải châp nhận đổi thay ngay tại xứ cờ hoa.
http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/giam-doc-tinh-bao-my-chi-nuoc-my-that-bai-ma-thoi-3326840/?paged=2
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét