Báo Đảng Trung Quốc đăng bài chuyên gia bênh cho giới bành trướng Trung
Quốc, chưa làm rõ căn nguyên gây ra các điểm nóng ở khu vực hiện nay.
Tờ "Thời báo Hoàn Cầu" Trung Quốc ngày 24 tháng 11 đăng bài viết của tác giả Emanuel Pastreich, phó giáo sư Đại học Kyung Hee, Viện trưởng Viện nghiên cứu châu Á - Hàn Quốc. Sau đây, báo Giáo dục xin đăng lại toàn bộ nội dung bài viết để độc giả có cái nhìn khách quan:
Trung Quốc ra sức tiến hành bành trướng lãnh thổ và bành trướng quân sự ở Biển Đông |
Châu Á và Châu Âu có lịch sử khác nhau: Châu Âu đã trải qua hai cuộc chiến tranh thế giới, còn châu Á chỉ trải qua một cuộc chiến tranh như vậy. Hai cuộc chiến tranh thế giới đã gây tổn thất to lớn cho châu Âu, ở mức độ nhất định cũng đã thúc đẩy người châu Âu giải quyết vấn đề lãnh thổ vào thập niên 50 của thế kỷ trước, đã xây dựng nên hệ thống kinh tế và chính trị thống nhất.
Cùng với tranh chấp biển đảo ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương nóng lên hiện nay, rất nhiều người nghi ngờ: Châu Á phải chăng sẽ rơi vào xung đột quy mô lớn như châu Âu trước Chiến tranh thế giới lần thứ nhất?
Giữa hai điều này có một số điểm rõ ràng giống nhau. Chẳng hạn, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ (nước đang quay trở lại châu Á-Thái Bình Dương) và các nước Đông Nam Á hòa nhập vào nhau trên các lĩnh vực như sản xuất, thương mại và tài chính.
Nhưng, đồng thời, tình hình căng thẳng xoay quanh các vấn đề lãnh thổ và lịch sử lại đang từng bước nóng lên. Lợi ích to lớn dựa trên bành trướng sức mạnh quân sự thúc đẩy các bên liên quan nhất là Mỹ coi thường hậu quả, lấy tư thế thô lỗ và mang tính khiêu khích để tiếp tục thúc đẩy bành trướng sức mạnh quân sự.
Trung Quốc biến các đá ngầm ở Biển Đông thành đảo nhân tạo (một cách bất hợp pháp) trở thành trung tâm chú ý của các bên. Mặc dù Trung Quốc thực sự tìm cách thúc đẩy tầm ảnh hưởng ở khu vực Đông Nam Á, nhưng xét tới Trung Quốc “chưa từng có ý đồ can thiệp vận tải đường biển”, Mỹ thể hiện tư thế cứng rắn như hiện nay hầu như có ý nghĩa quan trọng mà chưa rõ ràng.
Trung Quốc ra sức tiến hành bành trướng lãnh thổ và bành trướng quân sự ở Biển Đông |
Điều gây chú ý là, Mỹ phê phán Trung Quốc vi phạm Công ước Liên hợp quốc về Luật biển, nhưng Mỹ chưa hề gia nhập công ước này. Ngoài ra, vấn đề Trung Quốc xây dựng (bất hợp pháp và quy mô lớn) đảo nhân tạo đã gây sự chú ý nhất, nhưng trên thực tế các nước trong khu vực này cũng triển khai "xây dựng tương tự".
Điều cần chỉ ra là, hiện nay, tranh chấp đảo ở châu Á khác với tranh chấp lãnh thổ dẫn đến chiến tranh ở châu Âu 100 năm trước và những thù oán tích tụ do chiến tranh trước đây.
Mặc dù giữa đôi bên tồn tại cạnh tranh kinh tế, nhưng hiện nay giữa các nước lớn hoàn toàn không tồn tại những vấn đề đáng để nổ ra chiến tranh như tranh chấp thuộc địa quy mô lớn ở các khu vực như châu Phi trước Chiến tranh thế giới lần thứ nhất.
Có điều, chúng ta cũng không thể đánh giá thấp những rủi ro tiềm tàng. Là một trong những lực lượng quan trọng có ảnh hưởng tới tình hình châu Á-Thái Bình Dương, nội bộ Mỹ đang có sự thay đổi.
Quân đội Mỹ đã xuất hiện một phái theo "chủ nghĩa quân phiệt", họ hoàn toàn không lo sợ gây ra chiến tranh toàn cầu, thậm chí quyết tâm sử dụng sức mạnh quân sự để đạt được mục tiêu mà họ muốn đạt được.
Sử dụng các biện pháp quân sự để thúc đẩy giải quyết vấn đề Syria và các vấn đề điểm nóng khác ở khu vực Trung Đông có nguyên nhân ở đó.
Quân đội Mỹ nhận được sự ủng hộ của một số công ty có thực lực hùng hậu. Không ngừng mở rộng quy mô máy bay chiến đấu, tàu sân bay và xe tăng phù hợp với lợi ích của những công ty này.
Chính vì vậy, họ mới thúc đẩy gây ra tình hình căng thẳng ở các khu vực như Ukraine, Syria và Biển Đông, từ đó duy trì tính chính đáng của chi tiêu quân sự truyền thống không ngừng gia tăng.
Còn có một khả năng nữa là, gây ra tình hình căng thẳng ở Syria hoặc Biển Đông có thể ngăn chặn mọi người quan tâm đến biến đổi khí hậu và nhu cầu cải cách quân đội để ứng phó với các mối đe dọa thực sự.
Tranh chấp giữa Trung Quốc với Việt Nam, Philippines, thậm chí Nhật Bản vốn hoàn toàn không nghiêm trọng như vậy, nó luôn nằm trong phạm vi có thể kiểm soát trước khi Mỹ thúc đẩy “quân sự hóa” các vấn đề liên quan.
Nhưng, sử dụng các biện pháp quân sự đã trở thành chính sách kinh điển của Mỹ. Vấn đề căn bản nhất ở chỗ, tại sao Washington chưa tiến hành tranh luận hoặc ngăn chặn nhiều hơn đối với chính sách nguy hiểm này.
Câu trả lời không hề có liên quan đến những hòn đảo này, mà phần nhiều hơn là xuất phát từ sự chia rẽ của xã hội Mỹ và sự suy yếu căn bản của ý thức hệ nâng đỡ Mỹ trước đây.
Xã hội công dân mở đã suy yếu ở Mỹ, việc đưa ra chính sách không còn đến từ lý tưởng xây dựng đất nước như thế nào hoặc sự quan tâm của người dân, mà là đến từ sự theo đuổi lợi ích tiền bạc.
Việc thúc đẩy quân sự hóa vấn đề Biển Đông chỉ có thể phản tác dụng. Cần phải dừng lại và tập trung vào những mối đe dọa chung thực sự. Trong quá trình này, Mỹ cần đóng vai trò “làm mẫu”.
Trên đây là toàn bộ nội dung bài viết có phần “bênh” Trung Quốc của một "học giả Hàn Quốc". Bài viết được đăng trên tờ “Thời báo Hoàn Cầu”, một phiên bản của tờ “Nhân Dân” – cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Đối với bài viết này, xin đưa ra một số bình luận như sau:
Vì các lợi ích của mình, phải khẳng định rằng, Mỹ nhiều lần can thiệp và gây ra các điểm nóng trên thế giới là một thực tế. Chẳng hạn, trước đây, Mỹ lấy lý do Iraq phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt để tấn công Iraq, nhưng sau khi đã lật đổ chính quyền Saddam Hussein, Mỹ đã không tìm thấy vũ khí hủy diệt hàng loạt ở Iraq.
Mỹ đúng là quốc gia có tham vọng toàn cầu và luôn tìm cách can thiệp vào mọi vấn đề của thế giới để duy trì vai trò lãnh đạo thế giới, tối đa hóa các lợi ích của họ - điều này rất rõ ràng. Nhưng, đó là vấn đề của Mỹ.
Còn ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, tham vọng bành trướng lãnh thổ và bành trướng quân sự của Trung Quốc đã quá rõ ràng và thực sự đã phát triển thành "chủ nghĩa bành trướng" từ lâu, bởi giới bành trướng Trung Quốc thực hiện “chủ nghĩa bành trướng” với các mục tiêu khá rõ ràng và được triển khai có hệ thống với vô vàn các thủ đoạn.
Cụ thể như Trung Quốc đã "nhất quán" thúc đẩy chính sách bành trướng lãnh thổ ở Biển Đông, đã dùng chiến tranh xâm lược để chiếm đảo đá của các nước, nhảy vào tranh chấp. Chính yêu sách bành trướng "đường lưỡi bò" của Trung Quốc là căn nguyên gây căng thẳng khu vực hiện nay.
Nhìn vào thế kỷ 20 và thời gian gần đây, Trung Quốc đã không ngừng thúc đẩy tăng trưởng sức mạnh quân sự và vẫn đang không ngừng theo đuổi các mục tiêu hiện đại hóa quân đội. Kéo theo sự tăng trưởng sức mạnh quân sự đó là các tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc với một loạt các nước láng giềng không ngừng nóng lên.
Có những tranh chấp lãnh thổ mà giới bành trướng Trung Quốc là kẻ chủ mưu gây ra như ở Biển Đông đã bất chấp luật pháp quốc tế và đang ngày càng dựa trên hậu thuẫn to lớn của sức mạnh quân sự.
Đây rõ ràng là kẻ thù chính của hòa bình, an ninh và ổn định khu vực, đòi hỏi cộng đồng quốc tế chung tay hợp tác kiềm chế, ngăn chặn, tiến tới đánh bại.
Trung Quốc nói họ không thúc đẩy quân sự hóa ở Biển Đông, nhưng hành động gia tăng bố trí các vũ khí trang bị hiện đại, đẩy mạnh xây dựng các tiền đồn quân sự xung quanh và ở giữa Biển Đông, ở lãnh thổ của nước khác (các quần đảo của Việt Nam), không ngừng gia tăng các cuộc tập trận với các mục đích rất rõ ràng, nhất là vào các thời điểm nhạy cảm... chính là những biểu hiện cụ thể của tiến hành quân sự hóa ở Biển Đông.
Tàu sân bay USS Theodore Roosevelt và tàu USS khu trục tên lửa Lassen Hải quân Mỹ trên Biển Đông (nguồn mạng sina Trung Quốc) |
Trung Quốc tiến hành quân sự hóa Biển Đông và thúc đẩy bành trướng quân sự ra các vùng biển xung quanh (trong khi lại thúc đẩy tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải với các nước láng giềng), tạo áp lực ngày càng lớn cho láng giềng - đây cũng là một nhân tố lớn gây căng thẳng khu vực, tạo ra các điểm nóng mới.
Chính hành động bành trướng và quân sự hóa đó đã làm mất cân bằng quân sự khu vực, thúc đẩy nhu cầu tăng cường quốc phòng-an ninh của các nước láng giềng, gây ra cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực.
Nhu cầu cân bằng sức mạnh quân sự ở khu vực và vị thế lãnh đạo của Mỹ ở khu vực bị suy yếu cùng với sự tăng trưởng nhanh chóng của khu vực châu Á-Thái Bình Dương là một nhân tố thúc đẩy Mỹ thực hiện chính sách chuyển trọng tâm chiến lược sang châu Á-Thái Bình Dương để tái cân bằng, kiềm chế, ngăn chặn Trung Quốc.
Hệ quả của những cuộc chạy đua trong khu vực là đang làm nổi lên các nguy cơ xảy ra xung đột vũ trang và chiến tranh khu vực. Nếu lợi ích quốc gia, lợi ích chiến lược của các nước lớn trong khu vực ngày càng lớn mà kèm theo các mâu thuẫn, bất đồng cũng ngày càng lớn, không thể giải quyết được thì thậm chí có thể tiềm ẩn bùng nổ chiến tranh thế giới trong tương lai.
Tổng thống Mỹ Barack Obama trên tàu chỉ huy của Hải quân Philippines ngày 17 tháng 11 năm 2015 |
Cho nên, gốc gác của vấn đề vẫn là giải quyết các mâu thuẫn, bất đồng về lợi ích chiến lược, quan trọng giữa các nước. Các nước như Trung Quốc, Mỹ cần phải theo đuổi các lợi ích hợp pháp. Trung Quốc phải từ bỏ yêu sách chủ quyền bất hợp pháp, từ bỏ bành trướng quân sự.
Nếu các nước lớn cứ thúc đẩy chính sách cứng rắn về quân sự thì chắc chắn khu vực sẽ ngày càng tích tụ thành một "thùng thuốc súng" khổng lồ và nó sẽ phát nổ nếu không biết kiểm soát, từ đó đe dọa sự tồn vong của các nước trong khu vực và sự tồn vong của chính mình.
Do đó, tất cả các bên phải từ bỏ các mưu đồ và lợi ích bất hợp pháp, quay đầu là bờ, tự kiềm chế, không chạy đua vũ trang, thúc đẩy giao lưu, đối thoại và hợp tác an ninh, xây dựng các cơ chế an ninh phòng ngừa có hiệu quả.
Việt Nam và ASEAN đang đứng trước rất nhiều cơ hội và các thách thức an ninh nóng bỏng hiện nay, tiếp tục phải nỗ lực không ngừng để tạo dựng được các cơ chế an ninh, tạo sân chơi bình đẳng cho các nước lớn, duy trì vai trò chủ đạo của hiệp hội, nhanh chóng tiến tới đạt được Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), thúc đẩy hòa bình, an ninh và ổn định khu vực.
Giải quyết vấn đề chủ quyền Biển Đông phải bằng các con đường hòa bình và dựa trên những cơ sở pháp lý vững chắc, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật biển. Không thể có chuyện giải thích sai Công ước, bịa đặt chứng cứ pháp lý một cách tùy tiện và áp đặt ý chí quốc gia vào một bản đồ vẽ bậy (đường chín đoạn) như Trung Quốc.
Hòa bình, an ninh và ổn định khu vực là lợi ích chung và phải là mục tiêu chung theo đuổi của các nước, đồng thời luật pháp quốc tế phải là chuẩn mực chung để các nước hành xử. Tiến hành hợp tác khu vực và hợp tác quốc tế dựa trên cơ sở đó thì khu vực mới yên bình, các nước trong khu vực mới có điều kiện, môi trường để phát triển thịnh vượng và bền vững.
http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-Quoc-phong/Quan-doi-My-co-phai-hieu-chien-vi-Bien-Dong-khong-so-gay-chien-tranh-the-gioi-post163606.g
d
d
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét