Thứ Ba, 23 tháng 8, 2016

Vũ khí Việt Nam uy hiếp lớn ở Biển Đông hơn cả chiến hạm Mỹ


Giáo sư Úc Carlyle Thayer nhận định, nếu Việt Nam triển khai hệ thống vũ khí mới sẽ là một mối đe dọa tiềm tàng lớn với các đường băng và cơ sở quân sự nước ngoài trên các đảo nhân tạo bồi đắp phi pháp tại Trường Sa. Nguy cơ từ vũ khí Việt Nam còn lớn hơn cả mối đe dọa đến từ chiến hạm Mỹ.
Tên lửa Extra của hải quân Việt NamTên lửa Extra của hải quân Việt Nam
Theo giáo sư Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Úc, các động thái của Việt Nam mang dấu hiệu của một phản ứng hoàn toàn tự vệ để đối phó với việc nước ngoài củng cố cơ sở hạ tầng trên các đảo nhân tạo bồi lấp, xây dựng phi pháp ở Biển Đông, trong đó có việc xây dựng nhiều nhà chứa máy bay có khả năng tiếp nhận chiến đấu cơ đa nhiệm Su-30, máy bay ném bom, máy bay tiếp tế nhiên liệu và máy bay cảnh báo sớm và điều khiển.
Chuyên gia Thayer nhận định, hành động tự vệ của Việt Nam đã phức tạp hóa kế hoạch của người láng giềng khổng lồ với tham vọng độc chiếm Biển Đông. Ba đường băng mới xây dựng trái phép trên các Đá Chữ Thập, Đá Xu Bi, Đá Vành Khăn đã trở thành mục tiêu dễ bị hệ thống tên lửa của Việt Nam gây tổn hại. Lý do là tên lửa Việt Nam là một mối đe dọa thường trực, trong lúc các chuyến tuần tra của hải quân Mỹ chỉ mang tính chất thoáng qua.
Giới quan sát cho rằng, diễn biến tình hình Biển Đông hiện nay chứng minh cho nhận định rằng các hành động của Trung Quốc đã kích động một phản ứng ngược lại, hay chính là điều mà giới phân tích an ninh gọi một chu kỳ «động lực-phản động lực».
Ông Thayer nêu rõ, tình hình ở quần đảo Trường Sa sẽ căng thẳng thêm lên nếu Trung Quốc đột ngột triển khai máy bay quân sự trên ba đường băng mà Bắc Kinh đã xây dựng phi pháp, một khi các nhà chứa máy bay được hoàn thành.
Cận Đá Vành Khăn đã bị Trung Quốc bồi lấp, xây đảo nhân tạo trái phép với đường băng, nhà chứa máy bay và các công trình quân sự ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam. 
Giáo sư Thayer đánh giá, Trung Quốc sẽ không có khả năng tuyên bố một vùng nhận dạng phòng không trên Biển Đông và buộc nước khác tuân thủ chừng nào nước nay chưa xây dựng đủ các bể chứa nhiên liệu, và các cơ sở bảo trì và sửa chữa rộng lớn. Tuy nhiên, Trung Quốc có thể triển khai một phi đội máy bay chiến đấu và máy bay ném bom, hoạt động xoay vòng trong thời gian ngắn, làm căng thẳng gia tăng trong khu vực. Điều này sẽ có tính cách hù dọa các nước ven biển.
Theo giới quan sát quốc tế, Việt Nam đã và đang xây dựng một chiến lược chống tiếp cận riêng ở Biển Đông dựa vào các loại vũ khí hiện đại mua của Nga và phương Tây. Không chỉ có các tên lửa đời cũ như Redut P-35 Shaddock hay Scud, Việt Nam hiện sở hữu hàng loạt các loại tên lửa tối tân như Bastion-P, Club-S, Kh-35, Extra…

Quan trọng hơn cả là Nga đã chuyển giao nhiều công nghệ cho Việt Nam, nhờ đó sản xuất hàng loạt tên lửa và tàu chiến theo giấy phép của Nga.  Nga thậm chí còn bán cho Việt Nam các tên lửa hành trình hạm đối đất tiên tiến giúp hải quân Việt Nam có thể tấn công lãnh thổ kẻ địch. Quan hệ giữa Việt Nam và Ấn Độ cũng cho phép tiếp cận loại tên lửa chống hạm Brahmos đáng sợ nhất thế giới.
Theo thông tin đã được công khai, năm 2014 Việt Nam đã mua 10 giàn phóng tên lửa dẫn đường và tên lửa đất đối đất Extra của Israel. Trong cuộc diễu binh ngày 2/5/2015 kỷ niệm 60 năm thành lập Quân chủng Hải quân Nhân dân Việt Nam tại quân cảng Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa, lần đầu tiên người xem được thấy một loại tên lửa đạn đạo mới trong biên chế của Quân đội Việt Nam.
Extra có thể dùng trong các cuộc tấn công chuẩn xác nhắm vào tàu chiến hay các cơ sở trên đất liền trong một bán kính từ 20 đến 150 km. Tên lửa này có độ chính xác cao, và sai số so với đích nhắm chỉ khoảng mười mét. Tên lửa có thể mang một đầu đạn thuốc nổ cực mạnh, hay nhiều quả bom nhỏ. Đầu đạn thuốc nổ có thể gây tổn hại cho một tàu chiến, hoặc tạo nên một hố lớn trên một đường băng, còn bom nhỏ có thể gây thương vong hàng loạt trong một khu vực nhất định, phá hủy máy bay nằm đưới đất, các trung tâm chỉ huy và thông tin liên lạc, và các cơ sở hậu cần và cơ sở hạ tầng giao thông vận tải.
Khẩu đội tên lửa chống hạm Bastion P của hải quân Việt Nam
Sự xuất hiện của tên lửa Israel trong biên chế của Hải quân Việt Nam đã tạo ra nhiều tranh luận về mục đích sử dụng của loại tên lửa này. Rõ ràng tên lửa không phải là loại tên lửa chống tàu mà là đạn pháo phản lực bắn loạt chống mục tiêu là binh lực và sinh lực tập trung. Đạn tên lửa Extra được đánh giá tương đương với pháo phản lực Nga Smerch BM-30.
Một điều đáng chú ý là, trong phóng sự truyền hình nói trên có cảnh các chiến sĩ Đoàn 685 lắp ráp và triển khai UAV loại Orbital 2. Đây là máy bay do hãng ADS (Israel) sản xuất. Loại máy bay này dùng để trinh sát mục tiêu và hướng dẫn hỏa lực nhắm bắn chính xác.
Tên lửa chống hạm KCT-15 Việt Nam tự chế tạo theo giấy phép của Nga
Giới quan sát hiện đang cố gắng tìm hiểu xem có phải Việt Nam triển khai các vũ khí uy lực tại Trường Sa. Cũng không phải lần đầu tiên có tin đồn đoán Việt Nam tăng cường vũ khí hiện đại ra Trường Sa (Với truyền thống hòa hiếu, Việt Nam không hề và không bao giờ chạy đua vũ trang nhưng hoàn toàn có quyền tự vệ chính đáng trước những mối đe dọa và các thách thức an ninh, cũng như sẵn sàng bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Việc triển khai vũ khí ở đâu, vào thời gian nào trên lãnh thổ của Việt Nam là điều hoàn toàn bình thường).
Ông Gregory Poling, Giám đốc Tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Mỹ (CSIS) nhận xét: "Rõ ràng là căng thẳng đã leo thang ở Biển Đông, nhưng không phải bởi vì Việt Nam đã triển khai hay không triển khai thứ gì ra Trường Sa, mà căng thẳng leo thang là bởi vì Trung Quốc tăng cường quân sự hóa các đảo, đá và bãi cạn một cách quy mô ở khu vực Biển Đông".
http://viettimes.vn/quoc-phong/vu-khi-cong-nghe/vu-khi-viet-nam-uy-hiep-lon-o-bien-dong-hon-ca-chien-ham-my-72979.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét