Ngày 02.08.2016, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn kêu gọi phải chuẩn bị cho một cuộc “chiến tranh nhân dân trên biển”, sẵn sàng đáp trả những hành động can thiệp cứng rắn của Washington vào tình hình Biển Đông sau phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực quốc tế La Haye.
Trung Quốc hoàn toàn tin rằng có thể ngăn chặn thành công Mỹ trên Biển Đông, không cho phép Washington can thiệp vào các sự kiện mà Trung Quốc có thể sẽ tiến hành trên vùng nước này nhằm thực hiện “giấc mơ Trung Quốc” dựa trên cái gọi là “chủ quyền lịch sử” mà Tòa quốc tế đã bác bỏ.
Có nhiều lý do để tướng Thường Vạn Toàn tuyên bố điều này. Nhưng bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã sai vì một lý do chính. Bắc Kinh dường như không quan tâm đến sức mạnh quyết định của lực lượng tàu ngầm hạt nhân Mỹ.
Vì lý do kinh tế và cấu trúc đặc trưng nhân khẩu học, Bắc Kinh có góc nhìn lịch sử hạn hẹp về vấn đề sử dụng sức mạnh quân đội làm thay đổi cơ cấu quyền lực thế giới. Các nhà lãnh đạo Bắc Kinh cho rằng, nếu Trung Quốc không thực hiện một hành động quân sự lớn trong vài thập kỷ tới, quốc gia đông dân cư này sẽ không bao giờ có thể sử dụng lực lượng quân sự hùng hậu của mình. Điều đó có nghĩa là "giấc mơ Trung Quốc" sẽ không bao giờ thành hiện thực.
Lực lượng tàu ngầm của Hải quân Mỹ là lực lượng chủ chốt, có sứ mệnh giữ vững chiến tuyến ngăn chặn Trung Quốc ít nhất trong vòng 20 năm nữa. Sau đó, Mỹ có thể tuyên bố giành được chiến thắng không tiếng súng trong một Cuộc chiến tranh lạnh ngày càng căng thẳng hơn với Trung Quốc.
Bằng cách nào Trung Quốc có thể giành chiến thắng?
Lee Fuell, giám đốc kỹ thuật thuộc Trung tâm Tình báo Không quân quốc gia và Không gian vũ trụ đưa ra những nhận định về khả năng PLA có thể giành được chiến thắng trong buổi phát biểu Ủy ban Kinh tế và An ninh Mỹ-Trung ở Washington, DC ngày 30.01.2016.
Theo Fuell, trong nhiều năm qua, kế hoạch quân sự của Trung Quốc xác định rằng bất kỳ cuộc tấn công nào của PLA lên Đài Loan hoặc tấn công đánh chiếm một hòn đảo nào đó đang tranh chấp trên Biển Đông sẽ phải bắt đầu với một Trân Châu Cảng – phương án sử dụng tên lửa đạn đạo của Trung Quốc tấn công phủ đầu các lực lượng quân sự Mỹ ở Nhật Bản và căn cứ đảo Guam. PLA rất lo ngại sự can thiệp mang tính áp đảo của Mỹ. Bắc Kinh thực sự tin rằng PLA sẽ không thể giành chiến thắng trừ khi loại bỏ người Mỹ khỏi chiến trường trước khi chiến dịch chính bắt đầu.
Một đòn tấn công phủ đầu trên thực tế là một phương án tác chiến chiến lược có rủi ro cao. Nhưng nếu đòn tấn công phủ đầu hiệu quả, PLA có thể có đủ không gian và thời gian để đánh bại lực lượng bảo vệ các vùng tranh chấp, đánh chiếm vùng lãnh thổ, xác định đây là chuyện “đã rồi” và sử dụng vị thế cường quốc dân cư để giải quyết vấn đề hậu chiến thuận lợi.
Nhưng nếu PLA thất bại trong đòn tấn công bất ngờ vô hiệu hóa lực lượng quân sự Mỹ, Bắc Kinh sẽ phải đối mặt với cuộc chiến tranh toàn diện trên ít nhất hai mặt trận: chống lại các quốc gia trên Biển Đông mà Bắc Kinh đã châm ngòi hoạt động xâm lược và đối đầu với toàn bộ sức mạnh của lực lượng quân đội Mỹ trên Thái Bình Dương. Trong tình huống này, tiềm lực quân sự khổng lồ của Mỹ sẽ được khởi động và có sự hậu thuẫn mạnh mẽ từ phần còn lại của thế giới.
Đó là trước đây, khi quân đội Trung Quốc đang xây dựng và phát triển. Nhưng sau hai thập kỷ hiện đại hóa sức mạnh quân sự rất ổn định, Bộ Tổng tư lệnh quân đội Trung Quốc cơ bản thay đổi chiến lược trong những năm qua. Lee Fuell nhận định rằng, những tác phẩm, ấn phẩm, bài viết gần đây của các sĩ quan PLA cho thấy "một sự tự tin ngày càng tăng trong đội ngũ PLA, các sĩ quan cao cấp cho rằng PLA có thể dễ dàng ngăn chặn được sự can thiệp của Mỹ".
Chiến đấu cơ J-11 mang tên lửa không đối không trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa màTrung Quốc chiếm giữ của Việt Nam
Đòn tấn công phủ đầu thực sự có thể có hiệu quả và cùng với hiệu quả tác chiến ban đầu là nguy cơ một đòn phản công quy mô toàn diện. Nhưng Bắc Kinh tin rằng, với cơ cấu bộ máy tổ chức cùng với những hoạt động phức tạp, tương tự như chiến dịch tấn công Afganistan của Nhà Trắng và Lầu Năm Góc, Trung Quốc có thể kịp thời tấn công giải quyết vấn đề Đài Loan hay một quốc gia hàng xóm và ngăn chặn sự can thiệp bằng sức mạnh quân sự của Mỹ.
Bắc Kinh sẽ thực hiện một chiến lược theo tính toán: bằng cách triển khai lực lượng tên lửa đạn đạo, quân sự hóa các đảo nhân tạo bằng tên lửa chống tàu, tên lửa phòng không, máy bay chiến đấu, đẩy mạnh chế tạo tàu sân bay, phát triển các kế hoạch quân sự hóa Biển Đông. PLA tin rằng trước những đe dọa tổn thất rõ ràng – đánh chìm một tàu sân bay hoặc một khu trục hạng nặng Mỹ với hàng nghìn thủy thủ - Washington sẽ không dám can thiệp cứng rắn.
Một hành động quân sự hiệu quả của PLA, bẻ gãy năng lực răn đe của Mỹ có thể làm thế giới thay đổi. "Quay lưng lại với những cam kết bảo vệ Đài Loan, Nhật Bản hay Philippines tương đương với việc nhượng Đông Á cho sự thống trị của Trung Quốc", Roger Cliff, chuyên gia nghiên cứu cao cấp thuộc Hội đồng Đại Tây Dương phát biểu tại cùng phiên họp của Ủy ban Kinh tế và An ninh Mỹ - Trung ngày 30.01.2016.
Ông Cliff nhấn mạnh rằng, tình hình sẽ tồi tệ hơn nữa nếu trật kinh tế tự do của thế giới bị đảo lộn và toàn bộ khái niệm về dân chủ sẽ gánh chịu tổn thất không thể khắc phục. Mỹ có những lợi ích cụ thể trong các khái niệm đạo đức theo chuẩn mực quốc tế và có lợi ích vật chất trong một thế giới mà ở đó, các quốc gia dân chủ có thể tồn tại và phát triển. Đó là những giá trị mà Mỹ phải bảo vệ.
Nhưng một điều rất quan trọng mà Bắc Kinh không tính đến là Mỹ sở hữu một lực lượng tàu ngầm mạnh nhất thế giới, sẵn sàng nhanh chóng nhấn chìm bất kỳ hạm đội nào của Trung Quốc bao gồm cả lực lượng tàu ngầm nguyên tử. Trong tuyên bố kêu gọi sẵn sàng tiến hành một cuộc “chiến tranh nhân dân” trên Biển Đông chống Mỹ, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc dường như đã bỏ qua lợi thế rất lớn dưới đáy biển của Washington.
http://viettimes.vn/quoc-phong/phan-tich/trung-quoc-nham-to-tin-co-the-chan-my-o-bien-dong-70325.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét