Những căn cứ trên đảo nhân tạo của Trung Quốc không tự phòng thủ được. Chúng không hề có nguồn lực để tự duy trì cuộc sống bền vững, cũng không có địa thế phòng thủ tự nhiên. Kẻ địch có thể nghiền nát những hòn đảo này bằng đòn tấn công tên lửa và không kích hoặc phong tỏa, chuyên gia Mỹ James Holmes nhận định.
Mỹ đã lần đầu tiên điều cả 3 loại máy bay ném bom chiến lược B-2 Spirit, B-1 và B-52 tới Guam canh chừng Biển Đông
Tại sao Trung Quốc lại cải tạo các bãi đá và rạn san hô trên Biển Đông? Hãy hỏi nhà chiến lược Woody Allen hoặc hỏi Đô đốc J.C. Wylie, người từng là trọng tài viên kiểm soát vùng đất, vùng trời hoặc vùng biển. Nếu phô trương là 80% cuộc sống thì duy trì lực lượng sức mạnh ở Biển Đông cấu thành nên 20% còn lại.
Theo chiến lược gia Mỹ James Holmes, Trung Quốc luôn khao khát kiểm soát toàn bộ Biển Đông. Nước này đã vẽ phứa ra cái gọi là “đường chín đoạn” trên bản đồ bao trọn phần lớn Biển Đông, gồm cả vùng nước thuộc về các nước láng giềng theo luật pháp quốc tế. Và Bắc Kinh đã ngang nhiên tuyên bố “chủ quyền không thể tranh cãi” trong đường chín đoạn, có nghĩa là sự kiểm soát thực tế toàn bộ khu vực này trong ranh giới “đường lưỡi bò” trước tất cả các nước còn lại.
Trung Quốc cần triển khai tàu thuyền và máy bay gần những điểm căng thẳng nơi quân đội nước ngoài có thể tranh giành những gì có vẻ như là không thể chối cãi được theo quan điểm của Bắc Kinh. Bồi lấp hoặc chính xác hơn là xây dựng đảo phi pháp có thể cung cấp các tiền đồn nhằm kiểm soát vùng biển và vùng trời mà Trung Quốc yêu sách chủ quyền một cách ngang ngược. Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ ước tính các kỹ sư Trung Quốc đã cải tạo được 600 ha đất chỉ trong vòng hơn một năm. Cơ sở hạ tầng như sân bay, các kho hậu cần bắt đầu hoạt động trong năm 2015, giúp Trung Quốc triển khai sự hiện diện thường trực trên biển Đông Nam Á.
Hải cảnh, hải quân và lực lượng không quân Trung Quốc có thể xuất hiện trong khu vực được trang bị lực lượng vượt trội và đóng quân tại đây. Vậy nên chủ quyền trên các vùng không gian địa lý đang được Bắc Kinh dần củng cố. Trung Quốc áp dụng luật pháp của riêng nước này, bất chấp luật pháp quốc tế. Nếu Trung Quốc tiến hành những hành động chấp pháp trên Biển Đông và triển khai đủ lực lượng để thực thi, điều đó sẽ làm thay đổi trật tự khu vực. James Holmes cảnh báo.
Tồi tệ hơn, chính sách của Trung Quốc chống lại các nước Đông Nam Á, ghen tị vì lợi ích và đặc quyền ngoài khơi của họ. Các quốc gia ven biển có thể tuyên bố vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) trải dài 200 hải lý từ đường cơ sở. Với vùng đặc quyền kinh tế này, các nước sẽ được hưởng độc quyền khai thác tài nguyên thiên nhiên (gồm cá, dầu khí,vv…) từ vùng biển hoặc đáy biển nằm trong vùng đặc quyền kinh tế.
Theo chuyên gia Holmes, khẳng định quyền tài phán trên vùng thềm lục địa của các quốc gia ven biển khác chẳng khác gì tranh giành tài nguyên thiên nhiên. Điều này tạo ra một tiền lệ nguy hiểm. Nếu Trung Quốc có thể coi thường luật biển vì nước này muốn thế và nếu không nước nào ngăn chặn Trung Quốc thì điều gì sẽ ngăn chặn các cường quốc trong tương lai không cướp biển và tài nguyên của những nước láng giềng yếu hơn?
Trung Quốc đã bồi lấp, xây đảo trái phép cùng với đường băng và các công trình quân sự trên Đá Vành Khăn ở quần đảo Trường Sa
Hành động của Trung Quốc cũng khiến nước này đi ngược lại với tất cả các quốc gia đi lại trên biển khác, đặt tự do hàng hải trên thế giới vào tình trạng nguy hiểm. Không có chủ quyền đối với biển. Luật biển chỉ định vùng biển và không phận cách đường cơ sở ngoài 12 hải lý là khu vực chung. Tự do hàng hải được thực thi tại đây. Bất kỳ hải quân, cảnh sát biển, thương gia hay công ty vận tải nào cũng có thể sử dụng khu vực chung này cho giao thương hoặc mục đích quân sự.
Ông Holmes khẳng định, không quốc gia nào có thể hạn chế quyền tự do trong khu vực chung, cho dù Trung Quốc đang cố làm như vậy trong phạm vi cái gọi là “đường chín đoạn”. Thực thi quyền tài phán trên một khu vực chung rộng lớn làm vô hiệu hóa quyền tự do hàng hải trong phạm vi rộng. Và lại một lần nữa, nó tạo nên một tiền lệ xấu. Nếu Trung Quốc làm được như vậy ở Biển Đông, không có lí do gì mà Nga không làm vậy ở Biển Đen, biển Baltic hay thậm chí là Bắc Băng Dương.
Người ta thường nghe nói về những tranh chấp hàng hải châu Á đối với những bãi đá không người sinh sống ít giá trị, không đáng để mở rộng nguồn lực hoặc gặp nguy cơ rủi ro để bảo vệ. Các lãnh đạo Mỹ và châu Á phải tự hỏi mình: Liệu họ đã chuẩn bị để xóa sổ luật tự do biển – nguyên tắc nền tảng cho trật tự tự do hàng hải tạo nên sự thịnh vượng toàn cầu - vì lợi ích hữu nghị với Bắc Kinh hay chưa?
Nếu câu trả lời là rồi thì một thế giới ảm đạm, nơi sức mạnh tạo ra luật lệ, đang chờ đón. Robert Haddick mượn lời nhà kinh tế, chiến lược gia Thomas Schelling, ví chiến lược của Trung Quốc trên Biển Đông giống như “cắt lát salami”. Đó là chiến thuật Trung Quốc chiếm dần từng chút một, không cho đối thủ động lực để phản ứng đáp trả mạnh mẽ, sau đó lại chiếm thêm một ít và cuối cùng sẽ nuốt trọn miếng salami.
Nói cách khác, tự do hàng hải hiện diện khắp mọi nơi hoặc không ở đâu cả. Nếu miếng salami là nguyên tắc quan trọng cơ bản, giống như tự do hàng hải, thì những chủ nhân của nó có thể cho phép kẻ săn mồi hưởng bao nhiêu trước khi nguyên tắc biến mất? Câu hỏi đó nên tạm dừng đối với Mỹ, nước đã duy trì trật tự trên biển từ năm 1945 và muốn tiếp tục duy trì vô thời hạn.
Hiện nay, Trung Quốc sẽ làm gì với các vị trí cố thủ đảo của mình? Vài năm gần đây, James Holmes đã đưa ra khái niệm “ngoại giao cây gậy nhỏ”, một phần của chính sách “cây gậy lớn” của cố tổng thống Mỹ Theodore Roosevelt. Ý nghĩa của nó là nếu Trung Quốc muốn khẳng định quyền tài phán trên Biển Đông, nước này sẽ cư xử như là quốc gia có chủ quyền ở đây, tự đặt ra luật lệ cho vùng lãnh thổ mà mình yêu sách. Nước này tự ứng xử trên thực tế như vậy hơn là thừa nhận có tranh chấp. Và quả thực, đó là điều mà Trung Quốc đã làm trong những năm gần đây.
Điều đó có nghĩa là các công cụ thực thi pháp luật, cơ bản là lực lượng hải cảnh Trung Quốc, là công cụ được Bắc Kinh chọn lựa. Phần lớn hải quân các nước Đông Nam Á quá yếu để đương đầu với thậm chí chỉ là tàu hải cảnh Trung Quốc. Soái hạm của Hải quân Philippines thực chất là một tàu tuần duyên cũ đóng từ kỷ nguyên 1960, do lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ chuyển giao. Nhưng Trung Quốc vẫn thủ sẵn cây gậy lớn là sức mạnh quân sự dự trữ và lực lượng quân sự vượt trội so với bất kỳ đối thủ nào ở Đông Nam Á.
Theo Holmes, kết quả cuối cùng là việc xây đảo nhân tạo trái phép của Trung Quốc ở Biển Đông có khả năng cung cấp hỗ trợ hoặc trực tiếp đón nhận các đơn vị hải cảnh cũng như các chiến hạm và máy bay quân sự. Nếu vậy, tàu thuyền và máy bay tuần tra trên vùng biển và vùng trời mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền – sẽ là viên cảnh sát bước đi với cây gậy tuần đêm. Binh lính hoặc thủy thủ chỉ triển khai các khẩu đội hạng nặng như phương sách cuối cùng để bảo toàn trật tự khu vực.
Sự sắp xếp đó cũng giống như việc thực thi pháp luật trong nước. Cảnh sát giải quyết những vụ vi phạm pháp luật trong khi lực lượng quân đội hỗ trợ nếu hoàn cảnh vượt ngoài tầm kiểm soát. Hãy nghĩ đến Cảnh vệ quốc gia Mỹ triển khai tới New Orleans sau khi cơn bão Katrina phá hoại khu vực và khiến các nhà chức trách địa phương bất lực. Khi cây gậy nhỏ thất bại thì hãy sử dụng cây gậy lớn. Nói cách khác nếu lực lượng hải cảnh không kiểm soát được thì quân đội sẽ vào cuộc.
Người ta chỉ ra rằng những căn cứ trên đảo nhân tạo mới của Trung Quốc có thể không tự phòng thủ được và vì thế nó không có nhiều giá trị. Và điều đó là sự thật. Những hòn đảo nhỏ rải rác khắp Biển Đông, và chúng không hề có nguồn lực để tự duy trì cuộc sống bền vững tại đây, cũng không có địa thế phòng thủ tự nhiên. Kẻ địch trên biển có thể nghiền nát những hòn đảo này bằng đòn tấn công tên lửa và không kích hoặc phong tỏa chúng bằng cách ngăn không cho tiếp tế từ bên ngoài. Và chúng sẽ như chùm nho khô héo trên cây.
Nhưng xem xét tình hình trong bối cảnh chính trị và chiến lược lại cho chúng ta một câu chuyện khác. Một mối đe dọa là sản phẩm của khả năng và dự định. Nếu các nhân tố này đều bằng không thì sẽ không tồn tại mối đe dọa. Rõ ràng khả năng của các chiến hạm Mỹ có thể đánh bại hoàn toàn các tiền đồn của Trung Quốc trên Biển Đông. Và một vài lực lượng khác ở châu Á cũng có thể làm như vậy.
Tuy nhiên, ai dám tấn công một căn cứ thuộc về một cường quốc sở hữu vũ khí hạt nhân và đang cố kiểm soát những khu vực mà nước này coi là "lãnh thổ hợp pháp" và đã triển khai các lực lượng tới bảo vệ các căn cứ đó? Điều này đặt ra một cục diện phức tạp. Về mặt quân sự, những tiền đồn phòng thủ nhỏ lẻ sẽ rất dễ bị tổn thương. Song cho dù không phải là một cuộc chiến tranh mở, cũng không chắc là ai sẽ nỗ lực và đánh liều gây hấn với hạm đội tàu vỏ trắng của Trung Quốc.
Chuyên gia Holmes kết luận, thăm dò bản chất của các bên cạnh tranh và cố gắng dự đoán đối thủ có thể làm thất bại nỗ lực của chúng ta như thế nào sẽ hình thành những tính toán chiến lược. Mỹ phải nhận thức sâu sắc mọi mối đe dọa ở Đông Nam Á và quyết định xem mức giá phải trả ra sao đối với tự do hàng hải trên biển, mối quan hệ của Mỹ với các nước đồng minh trong khu vực cũng như phân bổ nguồn lực để duy trì lợi ích và mục đích của mình. Sau đó, Mỹ có thể tạo ra chiến lược răn đe của riêng mình.
* Tác giả Jame Holmes là giáo sư chiến lược tại Trường Hải chiến Mỹ và là đồng tác giả của cuốn "Ngôi sao đỏ trên Thái Bình Dương".
http://viettimes.vn/dia-chinh-tri/bien-dong-my-se-nghien-nat-dao-nhan-tao-trung-quoc-neu-bung-no-xung-dot-72286.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét