Tạp chí Nikkei Asian Review (Nhật) nhận định cuộc chạy đua mua sắm vũ khí ở các nước châu Á dường như trở nên gấp gáp hơn sau khi Bắc Kinh bác bỏ phán quyết của Tòa Trọng tài công bố ngày 12.7.
Nhận định về Nhật, nước có tranh chấp quần đảo Senkaku trên biển Hoa Đông với Trung Quốc, tác giả Ryosuke Hanafusa nói rằng Nhật đã hướng tới việc nâng cấp kho vũ khí của nước này nhân cuộc triển lãm hàng không quốc tế ở Anh vào giữa tháng 7 vừa qua.
Lực lượng phòng vệ trên không của Nhật đang tìm kiếm loại máy bay chiến đấu có thể thay thế máy bay phản lực F-2 đã lỗi thời. Dự kiến thế hệ máy bay cũ này sẽ ngừng sử dụng vào khoảng năm 2030.
Trong khi đó, Tập đoàn công nghiệp nặng Mitsubishi của Nhật đang phát triển loại máy bay tàng hình riêng. Mitsubishi đã tiến hành chuyến bay thử nghiệm đầu tiên vào tháng 4 năm nay.
Tuy nhiên, dự án này đòi hỏi chi phí đầu tư khổng lồ. Và Nhật luôn chậm chân hơn Mỹ trong lĩnh vực radar và công nghệ tinh xảo cần thiết cho chiến tranh điện tử hiện đại.
Chính vì vậy tại Triển lãm hàng không quốc tế ở Farnborough (Anh) ngày 11.7 vừa qua, chính phủ Nhật và Tập đoàn Mitsubishi đã chủ động xúc tiến thương lượng với hãng máy bay Boeing của Mỹ.
Nếu đàm phán với Boeing thuận lợi, cơ hội thành công của dự án phát triển máy bay của Nhật sẽ gia tăng đáng kể.
Ông Jeffrey Kohler, Phó chủ tịch Boeing chịu trách nhiệm lĩnh vực kinh doanh quốc tế về quốc phòng, không gian và an ninh, đã khuyên Nhật nên xúc tiến các cuộc đàm phán cấp chính phủ để lựa chọn công nghệ thích hợp ngay khi có thể.
Ông cho biết: “Theo như tôi biết, Nhật chỉ mới tiến hành đối thoại cấp thấp với Mỹ”.
Nhật tập trung xây dựng lực lượng máy bay chiến đấu
Lực lượng không quân Nhật mong đợi sẽ làm chủ 100 máy bay chiến đấu mới thay thế cho các phi đội F-2. Không quân có thể sẽ quyết định mua máy bay chiến đấu mới vào năm tài chính tới của Nhật bắt đầu sớm nhất từ tháng 4.2018.
Tập đoàn Lockheed Martin của Mỹ được cho rằng có thể sẽ phát triển thế hệ kế tiếp của máy bay F-2. Trước đó, Lockheed Martin đã phát triển máy bay F-2 dựa trên nguyên mẫu máy bay F-16. Bên cạnh đó, Nhật cũng đã đạt được thỏa thuận mua máy bay tàng hình F-35 của Lockheed Martin nhằm thay thế cho các máy bay F-4 của không quân Nhật.
Một trong những mục đích ưu tiên của Nhật là tăng cường khả năng bảo vệ các đảo xa bờ như quần đảo Senkaku trên biển Hoa Đông (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư). Điều này giải thích vì sao Nhật quyết định mua máy bay trực thăng Osprey của Mỹ. Máy bay Osprey cất cánh như trực thăng và bay như máy bay lớn, cho phép chuyển quân nhanh chóng.
Máy bay trực thăng Osprey của Mỹ - Ảnh: w54.biz
Cùng lúc, Nhật cũng đang mua sắm các phương tiện hoạt động được cả trên bờ lẫn dưới nước. Nhật đang gấp rút ra mắt máy bay trực thăng tuần tra SH-60K mới chuyên phòng thủ và tấn công tàu ngầm của hãng Mitsubishi.
Năm tài chính hiện tại kéo dài tới tháng 3.2017 và chi tiêu quốc phòng Nhật lần đầu tiên sẽ vượt ngưỡng 5 triệu yen (khoảng 47 tỉ USD).
Philippines chú trọng cải thiện năng lực hải quân
Philippines đã giành thắng lợi quyết định sau khi Tòa Trọng tài đưa ra phán quyết bác bỏ “đường lưỡi bò” của Trung Quốc. Đưa tin từ Philippines, đồng tác giả bài viết Minoru Satake cho biết Philippines đang hướng tới kế hoạch tăng cường quân sự hơn nữa.
Năm 2014, Philippines đã mua 12 máy chiến đấu FA-50 từ Hàn Quốc với giá 18,9 tỉ peso (400 triệu USD). Các máy bay này đang được triển khai dần tại căn cứ không quân Clark ở phía bắc thủ đô Manila.
Sau khi quân đội Mỹ rút khỏi Philippines năm 1992, an ninh quốc phòng không còn được coi trọng do bất ổn chính trị và kinh tế trì trệ tại Philippines.
Khoảng một thập niên về trước, quân đội Philippines đã ngừng sử dụng các máy bay chiến đấu F-5, từ đó quân đội không sở hữu loại máy bay chiến đấu nào. Đến khi Trung Quốc lăm le ý đồ thiết lập vùng nhận diện phòng không trên biển Đông vào năm 2013, Philippines mới nhận thấy điểm yếu trong kiểm soát không phận của mình.
Lúc bấy giờ, Tổng thống Benigno Aquino, người vừa kết thúc nhiệm kỳ 6 năm, đã bắt đầu khởi động dự án trị giá 75 tỉ peso nhằm cải cách quân đội trong vòng 5 năm. Tổng thống đương nhiệm Rodrigo Duterte sau khi nhậm chức vào cuối tháng 6 năm nay cũng tiếp tục duy trì dự án này.
Bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana cho biết chính phủ Philippines dự tính tiếp tục kế hoạch của Bộ trưởng Quốc phòng tiền nhiệm. Ông giải thích: “Kế hoạch này bao gồm đẩy mạnh năng lực và tư thế sẵn sàng của quân đội, bổ sung thêm tàu và cải thiện hải quân để có thể bảo vệ được nhiều tài nguyên biển”.
Ông nhấn mạnh: “Chúng tôi cần nhiều hơn nữa, không chỉ các tàu lớn, mà còn cần loại vừa có thể tuần tra vùng nội thủy”.
Ngoài ra, Philippines cũng cần các tàu lớn hơn để tuần tra các khu vực hạn chế thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Philippines.
Việt Nam muốn đổi mới trang thiết bị đã lỗi thời
Đối với Việt Nam, tác giả Yatsushi Tomiyama của tạp chí Nikkei Asian Review đưa tin Việt Nam đang tăng cường phát triển kho vũ khí của mình. Tác giả ghi nhận lo ngại lớn nhất của Việt Nam là hạm đội tàu ngầm của Trung Quốc ước tính hơn 70 tàu.
Mặc dù Hà Nội đã mua 6 tàu ngầm lớp Kilo của Nga vào năm 2015 nhưng khả năng tấn công dưới nước của Việt Nam vẫn chưa so sánh được với Trung Quốc. Việt Nam cũng đang nỗ lực bổ sung sức mạnh không quân. Theo báo chí đưa tin, Việt Nam đang muốn mua dòng máy bay tuần tra chống tàu ngầm P-3 Orion từ Mỹ.
Trong chuyến thăm Việt Nam hồi tháng 5 năm nay, Tổng thống Barack Obama thông báo dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí được duy trì từ sau chiến tranh Việt Nam.
Đến nay, Việt Nam vẫn phụ thuộc hơn 95% số lượng vũ khí từ Nga và vẫn sử dụng loại máy bay chiến đấu MiG đã hoạt động trong suốt thời kỳ chiến tranh Việt Nam. Nhưng Việt Nam vẫn mong muốn đổi mới trang thiết bị đã lỗi thời nhờ hợp tác với Mỹ và Nhật.
Một nguồn tin cho rằng Việt Nam sẽ thỏa thuận với Tập đoàn Lockheed Martin về giá cả máy bay P-3 trong vài tháng tới và yêu cầu dữ liệu hoạt động từ 4 đến 6 năm do quân đội Mỹ quản lý. Dòng máy bay P-3 mới ước tính trị giá ít nhất 80 triệu USD, vì vậy Việt Nam sẽ không thể chi trả cho loại này với số lượng nhiều cùng một lúc. Có vẻ như Việt Nam đang xem xét mua lại dòng P-3C đã qua sử dụng của lực lượng phòng vệ biển Nhật.
Máy bay P-3C của Nhật đang làm nhiệm vụ trên biển - Ảnh: mod.go.jp
Máy bay P-3C có gốc từ P-3 Orion được Tập đoàn công nghiệp nặng Kawasaki sản xuất.
Lực lượng phòng vệ biển Nhật hiện sở hữu khoảng 80 chiếc. Tuy nhiên, lực lượng này đã chuyển P-3C sang máy bay chiến đấu P-1.
Việt Nam không chỉ chú ý máy bay của Nhật mà còn cả các phi công có kỹ năng bay cao của nước này. Những kỹ năng không thể thiếu đối với máy bay tuần tra như xác định được cánh quạt tàu ngầm của đối phương.
Dựa vào quan hệ hợp tác Việt - Nhật, Hà Nội sẽ dễ dàng nhận được các đánh giá chuyên môn từ nước bạn.
http://motthegioi.vn/the-gioi-c-79/vu-khi-chien-luoc-quan-su-c-125/trung-quoc-gay-cang-thang-thuc-day-cac-nuoc-chau-a-mua-sam-vu-khi-39864.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét