Chuyến thăm của Tổng thống Erdogan tới Nga hôm 9/8 được cho sẽ lập nên một liên minh quyền lực và tạo ra sự cân bằng địa-chính trị trong vùng đệm giữa châu Âu và Trung Đông.
Dưới tựa đề "Cuộc chơi mới của Erdogan và Putin", nhật báo thời sự chính trị La Stampa của Italy cho rằng lợi ích địa chính trị của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ trong hoàn cảnh Moskva từ lâu là kẻ thù của phương Tây, trong khi Ankara nghi ngờ phương Tây đứng đằng sau cuộc đảo chính và việc họ đang kiếm tìm một vai trò lớn hơn trên thế giới, đã đưa họ xích lại gần nhau.
Gạt sang bên những bất đồng và mâu thuẫn lớn kể từ sau sự kiện Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay chiến đấu của Nga ở Syria, chuyến thăm của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan tới Nga hôm 9/8 không chỉ nhằm nối lại mối quan hệ từ lâu đã được cho là thực dụng và luôn có nguy cơ bị phá bỏ do các bất đồng, mà còn xác lập một liên minh quyền lực nhằm tạo ra sự cân bằng địa-chính trị trong vùng đệm giữa châu Âu và Trung Đông.
Theo La Stampa, Moskva trông đợi rất nhiều vào chuyến đi này, chủ yếu trên các khía cạnh sau:
Thứ nhất là Nga muốn tạo ra một vùng đệm châu Âu-Trung Đông với ảnh hưởng của Điện Kremlin. Vùng đệm này chạy dài từ Iran cho đến Thổ Nhĩ Kỳ và sẽ phá vỡ trục thân cận với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và phương Tây mà Mỹ đã tạo dựng từ nhiều thập niên qua.
Quan hệ mới được tái lập giữa Nga với Thổ Nhĩ Kỳ còn là một tín hiệu lớn đối với phương Tây rằng chính sách cô lập Moskva của phương Tây không có tác dụng.
Hai nước cùng đang chìm trong những khó khăn về kinh tế. Trong khi Ankara bức xúc với Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) về vụ đảo chính hụt, còn nước Nga bị trừng phạt về kinh tế, ông Putin đã tìm cách kéo Thổ Nhĩ Kỳ về quỹ đạo của mình, dù trên thực tế, Nga chưa tha thứ cho Thổ Nhĩ Kỳ về chiếc máy bay bị bắn hạ.
Trước khi tiếp ông Erdogan, ông Putin đã bay đến Baku tham dự cuộc gặp thượng đỉnh ba bên với Tổng thống Azerbaijan IIham Aliyev và Tổng thống Iran Hassan Rowhani, với mục tiêu thiết lập một "tam giác năng lượng và quyền lực" ở khu vực biển Caspi. Moskva cũng muốn kéo Ankara vào cuộc chơi này.
Thứ hai là dầu mỏ và khí đốt. Ông Putin muốn tăng gấp đôi tuyến đường ống dẫn khí đốt từ biển Caspi sang châu Âu nhằm đối chọi lại tuyến đường ống theo hành lang phía Nam (Đông-Tây), vốn chạy từ Baku sang Thổ Nhĩ Kỳ, mà EU muốn thực hiện để giảm phụ thuộc vào năng lượng của Nga.
Trước đây, Ankara vẫn muốn tham gia cùng EU để thực hiện tuyến khí đốt này hơn, nhưng trước chuyến thăm Nga, ông Erdogan tuyên bố Thổ Nhĩ Kỳ sẵn sàng "biến dự án (khí đốt với Nga) thành hiện thực".
Sự kết hợp Nga-Thổ Nhĩ Kỳ này sẽ tạo một áp lực khá lớn lên EU, vì điều đó đồng nghĩa với việc Moskva đã được "bật đèn xanh" để thực hiện một dự án khí đốt vô cùng tham vọng có tên "Dòng chảy phương Bắc 2".
Để đổi lại, ông Putin sẽ đảm bảo cho Thổ Nhĩ Kỳ một thỏa thuận nhằm giải quyết các bất đồng giữa hai phái Sunni và Shi'ite. Thứ trưởng Ngoại giao Iran Rahimpour nói hôm 8/8 rằng với Putin, "Iran muốn giúp đỡ Erdogan giải quyết những vấn đề nghiêm trọng trong khu vực, trong đó có liên quan đến Syria và Iraq".
Ông Putin không chỉ tuyên bố sẽ tiếp tục hỗ trợ chế độ Tổng thống Bashar al-Assad ở Syria, ông còn đề nghị hỗ trợ cho Iran 2,2 tỉ euro và giúp đỡ Tehran trong các chương trình liên quan đến việc xây dựng các trung tâm hạt nhân mới.
Nga hy vọng có thể tạo ra một khu vực trao đổi thương mại tự do với Liên minh các nước Âu-Á mà Moskva đang thành lập, bao gồm Nga, Belarus, Kazakhstan, Armenia và Kygyzstan) với Iran. Moskva cũng hy vọng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tham gia dự án đầy tham vọng này.
Thứ ba là vấn đề Syria- một vấn đề nổi cộm trong quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ-Nga, trước và nay cũng vậy. Ông Erdogan luôn kêu gọi Chính quyền Assad phải ra đi, nhưng hiện tại, quân chính phủ đang chiếm lợi thế trên chiến trường và ông Putin có thể thuyết phục ông Erdogan không phản đối việc Nga hỗ trợ các lực lượng người Kurd ở Syria.
Ngày 10/9, ông Putin gặp Tổng thống Armenia Serzh Sargsyan trong một nỗ lực nhằm giải quyết cuộc xung đột ở Nagorno Karbakh giữa Armenia và Azerbaijan. Một thỏa thuận giữa hai nước này chỉ có thể đạt được nếu như không có sự hỗ trợ của Thổ Nhĩ Kỳ, đồng minh thân cận của Azerbaijan.
Theo La Stampa, về phía mình, Thổ Nhĩ Kỳ mong đợi những điều sau:
Việc Tổng thống Erdogan rời khỏi đất nước lần đầu tiên sau cuộc đảo chính bất thành ngày 15/7 mà không đến Mỹ hay một nước EU nào đó, mà là Nga, là có lí do. Trước khi lên đường, trả lời phỏng vấn hãng tin Nga ITAR-TASS, ông Erdogan đã nhắc đến việc "mở ra một chương mới trong quan hệ giữa hai bên".
Dường như những căng thẳng giữa hai bên nhiều tháng trước đây, sau khi Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay của Nga và Moskva tố cáo Ankara làm ăn với IS, đã qua đi rất nhanh để rồi lợi ích địa chính trị đã đưa hai quốc gia lớn này xích lại gần nhau và có thể tạo ra một sức nặng lên tình hình khu vực.
Việc đưa quan hệ giữa hai bên trở lại mức trước khủng hoảng có thể đem đến cho Thổ Nhĩ Kỳ và Nga nhiều lợi ích về mặt kinh tế, với trao đổi thương mại có thể đạt tới 100 tỉ USD mỗi năm. Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đều muốn nhanh chóng bình thường hóa quan hệ kinh tế là điều đương nhiên, nhất là trong bối cảnh cả hai nước đều cần nhau để giải quyết nhiều vấn đề thương mại.
Nga cần trở lại thị trường Thổ Nhĩ Kỳ, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ muốn giảm phụ thuộc vào châu Âu và Mỹ, những nhà đầu tư chính của họ.
Tuy nhiên, một trong những chủ đề nóng bỏng nhất trong cuộc gặp thượng đỉnh giữa hai nguyên thủ quốc gia là các vấn đề khu vực, mà cụ thể nhất là Syria. Nga luôn ủng hộ chế độ Assad, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng sự ổn định của Syria và cả khu vực Trung Đông phụ thuộc hoàn toàn vào việc ông Assad có ra đi hay không.
Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng họ là nạn nhân của cuộc nội chiến ở Syria, khiến cho gần 3 triệu người dân nước này đang tị nạn ở Thổ Nhĩ Kỳ và gây ra không ít vấn đề về an ninh cũng như kinh tế.
Theo La Stampa, Thổ Nhĩ Kỳ chỉ có thể ủng hộ phương án duy trì chế độ Assad mà ông Putin mong muốn nếu như họ nhận được một sự đảm bảo lớn từ phía Nga vào hai khía cạnh.
Thứ nhất, Syria không bị chia cắt, đồng nghĩa với việc sẽ không có chuyện một nhà nước tự trị của người Kurd được thành lập ở phía Bắc Syria, điều mà Thổ Nhĩ Kỳ không mong muốn. Thứ hai, Nga "nhẹ tay" với Mặt trận al-Nusra, một lực lượng chống chế độ Assad.
Vì sao chiến lược tâm đắc nhất trong thời kỳ lãnh đạo của Tập Cận Bình cầm chắc thất bại?
http://soha.vn/cuoc-choi-moi-cua-ong-erdogan-va-putin-20160811080833671.htm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét