Thứ Năm, 25 tháng 8, 2016

Lục quân Việt Nam và con đường hiện đại hóa

Theo GlobalFirepower, dù Lục quân Thái Lan đứng 21 thế giới nhưng số vũ khí hiện đại của lực lượng này nhiều hơn ngôi vị thứ 8 của Lục quân Việt Nam.

Nhiều nhất Đông Nam Á

Theo bảng xếp hạng này, đứng thứ hai trong khối Đông Nam Á - thứ 14 thế giới là Myanmar với 884 khẩu; một cường quốc quân sự khác của khu vực là Thái Lan có 695 khẩu và đứng vị trí 21. Trong đó, Lục quân Việt Nam sở hữu khoảng 2.200 khẩu pháo các loại, đứng thứ 8 trên thế giới, thứ 6 châu Á và dẫn đầu Đông Nam Á.

Trong các loại pháo của Việt Nam, uy lực nhất là khẩu M46 cỡ nòng 130mm. Đây là loại pháo nòng dài bắn xa đến 27km và bắn rất nhanh, tốc độ trung bình 8 phát/phút. Pháo bắn được nhiều loại đạn: đạn phá mảnh, đạn xuyên giáp, đạn khói, đạn chiếu sáng, đạn hóa học…

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, pháo 130mm của ta là đối thủ đáng gờm của Mỹ và quân đội Sài Gòn trong các trận đấu pháo. So với khẩu mạnh nhất của Mỹ thời đó là khẩu 175mm thì khẩu 130mm có ưu điểm nổi bật là tốc độ bắn nhanh hơn (khẩu 175mm tốc độ chỉ 2 đến 3 phát/phút).

Xếp sau pháo 130mm là các khẩu 152mm và 122mm. Trong 2 cỡ nòng này, quân đội Việt Nam có cả pháo xe kéo và pháo tự hành. Loại pháo xe kéo có D20 152mm và D30 122mm. Loại pháo tự hành 152mm gọi là 2S3 còn loại 122mm có tên là 2S1.

Lựu pháo D30 có trọng lượng chiến đấu 3,2 tấn, tầm bắn 15,4km, tốc độ bắn 5-6 phát/phút. Ưu điểm của nó là được đặt trên 3 càng nên có thể thay đổi hướng bắn 360 độ.

Luc quan Viet Nam va con duong hien dai hoa
Tăng T-55 của Việt Nam.

Từ thập niên 1980, loại pháo này đã được quân đội Việt Nam trang bị và đã tham gia trong nhiều trận chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc. D20 có tầm bắn hiệu quả ở khoảng 17,4 km với tốc độ bắn 5 đến 6 phát/phút. Ở Việt Nam, pháo D20 được trang bị cho các đơn vị pháo binh chiến dịch.

Pháo tự hành 2S1 nặng 15,7 tấn, dài 7,3m, rộng 2,85m, cao 2,4m với kíp lái 4 người. Nòng pháo cỡ 122m bắn được nhiều loại đạn gồm từ đạn chống tăng, đạn phá mảnh, đạn xuyên… Thông thường với cơ số đạn 40 viên thì 2S1 thường mang 35 viên đạn nổ, đạn phá mảnh và 5 viên đạn chống tăng. Ở Việt Nam, chúng ta quen gọi 2S1 là Su-122.

Pháo tự hành 2S3 có trọng lượng 28 tấn với kíp xe 4 người. Cơ số đạn của xe là 46 viên. Trên xe cũng có 1 đại liên cỡ nòng 7,62mm. Ở Việt Nam chúng ta thường gọi loại pháo tự hành này là Su-152. Nhưng khác với Su-122, Su-152 tốc độ bắn chậm hơn nhiều, trung bình chỉ đạt 1,9 phát/phút.
Một loại pháo đáng kể nữa phải nói đến là pháo phản lực. Từ trong kháng chiến chống Mỹ, Liên Xô đã viện trợ Việt Nam nhiều pháo phản lực kiểm BM-14 và BM-21.

Trong kháng chiến chống Mỹ, các dàn pháo phản lực đã có độ chính xác cao hơn. Tuy nhiên, lối đánh du kích ở miền Nam chưa cho phép quân ta sử dụng cả một xe phóng. Quân ta đã sáng tạo tháo dời các nòng pháo ra thành DKB. Với những khẩu DKB, quân ta đã pháo kích vào sân bay Đà Nẵng, sân bay Biên Hòa gây cho địch nhiều thiệt hại.

Bên cạnh các loại pháo kể trên, trong biên chế các đơn vị Lục quân Việt Nam còn nhiều loại hỏa lực mạnh khác như pháo 105mm, DKZ, Cối 120mm, cối 160mm, B40/B41. Đây là các phương tiện hỗ trợ hỏa lực rất hữu hiệu cho bộ binh.

Hiện đại hóa

Mặc dù có số lượng đông đảo, tuy nhiên phần lớn trang bị của Việt Nam đã có tuổi đời hàng chục năm, vì vậy hiện đại hóa Lục quân là yêu cầu cấp bách nhằm thích ứng với chiến tranh hiện đại.

Khi trả lời trước cơ quan truyền thông ngày 21/12/2015, Thượng tướng Võ Văn Tuấn - Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Namcho biết: Nhiệm kỳ vừa qua, Việt Nam đã ưu tiên hiện đại hóa cho 5 lực lượng: Quân chủng Hải quân; Phòng không Không quân; Trinh sát kỹ thuật; Tác chiến điện tử, và Thông tin liên lạc. Quân đội Việt Nam không đi viễn chinh, không đi xâm lược.

Như vậy, sau một thời gian dài tập trung đầu tư mạnh để Phòng không - Không quân, Hải quân, Thông tin liên lạc và Tác chiến điện tử tiến thẳng lên hiện đại, Việt Nam đã chính thức công bố kế hoạch hiện đại hóa Lục quân.

Trong khi Bộ binh Việt Nam vẫn đang sử dụng những phương tiện có tuổi đời trên nửa thế kỷ như xe tăng T-54/55, xe thiết giáp lội nước BTR-60... thì láng giềng đã có T-84 Oplot, MBT Revolution, Leopard 2A4SG... Thực ra ngay trong năm qua, Việt Nam có những bước đi đầu tiên của tiến trình hiện đại hóa lục quân.

Có thể kể ra đây một vài ví dụ như tiếp nhận xe đầu kéo chở tăng KZKT-7428 Rusich (loại thường đi kèm với xe tăng T-90) hay hợp đồng đặt mua lựu pháo tự hành CAESAR 155mm từ Nexter, Cộng hòa Pháp...

Mặc dù hơi sớm nhưng chúng ta có quyền hy vọng rằng trong tương lai gần, các loại vũ khí tối tân như xe tăng chiến đấu chủ lực T-90SM, pháo phản lực phóng loạt BM-30 Smerch hay những xe chiến đấu bộ binh hiện đại có mặt trong Lục quân Việt Nam.

http://baodatviet.vn/quoc-phong/quoc-phong-viet-nam/luc-quan-viet-nam-va-con-duong-hien-dai-hoa-3308753/?paged=2

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét