Dù có nhiều động thái bắt tay với Trung Quốc, tuy nhiên Philippines vẫn tìm cách kéo Mỹ lại gần trong một nỗ lực gia tăng sức ép về biển Đông.
Philippines bắt tay Trung Quốc
Ngày 21/8, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã chỉ trích mạnh mẽ Liên hợp quốc sau khi tổ chức quốc tế này kêu gọi Manila chấm dứt chiến dịch trấn áp tội phạm ma túy vốn khiến khoảng 900 nghi can bị chết.
Nhà lãnh đạo Philippines nói rằng ông có thể rời Liên hợp quốc và mời Trung Quốc và các nước khác thành lập một tổ chức mới.
Tổng thống Duterte có nhiều động thái bắt tay Trung Quốc |
Cùng ngày, trong cuộc họp báo ở thành phố Davao, Tổng thống Duterte đã bày tỏ sự cảm ơn Trung Quốc vì Bắc Kinh đưa ra lời đề nghị giúp đỡ chính quyền Manila trong cuộc chiến chống buôn bán ma túy bất hợp pháp.
Ông Duterte nói: “có những nước đưa ra đề nghị hỗ trợ, nhưng Trung Quốc là nước đầu tiên đề xuất sự giúp đỡ một cách thực sự”.
Tuy nhiên, Tổng thống Philippines không nêu chi tiết về sự giúp đỡ mà Bắc Kinh đưa ra.
Thực tế đây không phải là lần đầu tiên cá nhân ông Duterte và giới chức Philippines có những tuyên bố bày tỏ mong muốn hợp tác, làm khăng khít mối quan hệ với Trung Quốc.
Cách đây không lâu, hôm 8/7, Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay, mạnh mẽ tuyên bố chính phủ nước này sẵn sàng chia sẻ nguồn tài nguyên thiên nhiên trong các vùng biển tranh chấp tại biển Đông với Bắc Kinh.
Theo ông Yasay, chính phủ mới của Tổng thống Rodrigo Duterte hy vọng sẽ nhanh chóng khởi động các đối thoại trực tiếp với Trung Quốc sau khi Tòa Trọng tài thường trực (PCA) ra phán quyết vụ kiện của Philipines về biển Đông và các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên biển Đông. Phán quyết dự kiến sẽ được đưa ra vào ngày 12/7.
“Đấy không phải các vấn đề mà chúng ta hy vọng giải quyết được trong tương lai gần. Đó là chuyện mang tính thế hệ, sẽ được các thế hệ tương lai giải quyết”, ông Yasay nói.
Ông Yasay khẳng định, chính quyền Tổng thống Duterte mong muốn những cuộc đàm phán giữa Philippines và Trung Quốc sẽ tập trung vào việc phối hợp khai thác khí đốt, ngư trường trong vùng đặc quyền kinh tế “nơi có tuyên bố chủ quyền chồng lấn” ở Biển Đông.
“Các nguồn tài nguyên tự nhiên là do chúa trời ban tặng cho tất cả chúng ta và mọi người đều có thể tận hưởng. Chúng ta có thể phối hợp cùng nhau để sử dụng chung nguồn tài nguyên biển trong khu vực”, ông Yasay nói.
Trước đó, trong cuộc họp báo đầu tiên khi đắc cử hôm 15/5, ông Duterte đã tuyên bố rằng sẽ sớm có cuộc gặp với Đại sứ Trung Quốc tại Manila.
“Mối quan hệ chưa bao giờ trở nên nguội lạnh như bây giờ, nhưng tôi sẽ thân thiện với tất cả mọi người”, ông Rodrigo Duterte nói.
Phát biểu trước báo giới khi đó, ông Duterte đã thể hiện một thái độ mềm mỏng và đầy thiện chí với Trung Quốc.
“Nếu con thuyền thương lượng không có gió để đẩy nó đi, tôi sẽ quyết định đối thoại trực tiếp với Trung Quốc”, ông Duterte nhấn mạnh.
Thậm chí sau khi đắc cử, vị Tổng thống từng tuyên bố sẵn sàng nhượng bộ Bắc Kinh để cùng khai thác vùng biển mà 2 bên tranh chấp.
Rõ ràng, dù Trung Quốc ngang nhiên chối bỏ và không thực thi các phán quyết của tòa trọng tài PCA hôm 12/7, nhưng chính phủ của Tổng thống Duterte vẫn tỏ rõ mong muốn hợp tác, thúc đẩy các mối quan hệ ngoại giao lên một tầm cao mới. Philippines đang muốn tranh thủ sự ủng hộ của Trung Quốc để gây sức ép thêm cho Liên hợp Quốc cũng như các nước có quan điểm đối lập với nước này liên quan đến chiến dịch trấn áp tội phạm ma túy.
Philippines duy trì tình thân với Mỹ
Cùng với Trung Quốc, thời gian qua Philippines cũng không ngần ngại đưa ra những thông điệp bày tỏ mong muốn thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ song phương với Mỹ, nhât là trong vấn đề tranh chấp trên biển Đông.
Còn nhớ hôm 21/6, trong bài phát biểu tại một diễn đàn kinh tế ở thành phố Davao, ông Rodrigo Duterte đã gợi ý rằng Hiệp định Tương trợ Quốc phòng năm 1951 của các đồng minh không tự động buộc Washington phải giúp Philippines ngay tức thì, nếu nước này đối đầu với Trung Quốc do một xung đột về lãnh thổ.
Thời gian qua, Philippines cũng tích cực làm thân với Mỹ |
Tổng thống Duterte nói ông đã hỏi Đại sứ Mỹ Philip Goldberg trong cuộc gặp gần đây. “Các vị có sát cánh bên chúng tôi hay không?”, ông Duterte hỏi và ông Goldberg đáp: “Chỉ khi các vị bị tấn công”.
Không chỉ thế, sau khi phán quyết của tòa PCA trong vụ Philippines kiện Trung Quốc được đưa ra hôm 12/7, ngay lập tức, tân Bộ trưởng Quốc phòng Philippines, ông Delfin Lorenzana đã có cuộc thảo luận với người đồng cấp Mỹ Ashton Carter. Hai bên đã thống nhất trao đổi chặt chẽ sau phán quyết của tòa trọng tài quốc tế.
Hồi tháng 6 năm nay, Manila cũng vui vẻ chấp nhận các sự hỗ trợ của Mỹ khi Washington tuyên bố điều chiến đấu cơ tác chiến điện tử và các quân nhân đến huấn luyện cho các lực lượng quân đội Philippines để tuần tra trên không phận và hải phận nước này.
Cụ thể, Mỹ đã điều 4 chiến đấu cơ tác chiến điện tử E/A-18G Growler cùng 120 quân nhân đến Philippines nhằm hỗ trợ nước này đối phó với Trung Quốc ở Biển Đông.
Thông báo từ Hạm đội 7 của Mỹ nêu rõ, số chiến đấu cơ và quân nhân này đã đến căn cứ Không quân Clark- một căn cứ quân sự từng là của Mỹ- tại phía Bắc Manila.
Trước đó, sau 10 ngày tiến hành cuộc tập trận chung Mỹ-Philippines hồi tháng 4, Mỹ đã để lại 5 cường kích A-10 Thunderbolt, 3 trực thăng H-60G Pavehawk và 1 máy bay vận tải MC-130H Combat Talon cùng gần 300 quân nhân ở Căn cứ Không quân Clark.
Cũng trong tháng 4, 4 chiếc cường kích A-10 Thunderbolt cùng 2 chiếc trực thăng H-60G đã bay qua không phận quốc tế gần bãi cạn Scarborough ở Biển Đông.
Tại thời điểm đó, Mỹ đã tiến hành một cuộc tuần tra chung với Philippines ở Biển Đông- một hành động được cho là nhằm chống lại hành vi cải tạo phi pháp các bãi đá thành đảo nhân tạo của Trung Quốc và xây dựng trái phép các công trình quân sự trên đó.
Trong tuyên bố mới đây của mình, Hải quân Mỹ nhấn mạnh, Mỹ sẽ tiếp tục điều số lượng chiến đấu cơ tương tự đến toàn bộ khu vực châu Á-Thái Bình Dương để tiến hành các cuộc tập trận với các đồng minh.
Rõ ràng dù đang tỏ ra làm thân với Trung Quốc nhưng Philippines vẫn tìm mọi cách duy trì tình thân với Mỹ, trong một nỗ lực tạo thêm sức ép với Bắc Kinh trong vấn đề biển Đông.
http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/philippines-dong-dua-giua-trung-quoc-va-my-3317026/?paged=2
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét