Giới cai trị của đất nước này không chỉ bưng bít lịch sử, họ còn tái tạo lịch sử nhằm phục vụ thời hiện tại. Họ biết rằng, trong một nhà nước cộng sản, sự thay đổi thường bắt đầu xảy ra khi quá khứ bị thách thức.
Khi tôi lần đầu đến Trung Quốc năm 1984, bạn đồng học ngoại quốc và tôi tại trường Đại học Bắc Kinh thường chơi một trò cùng với cuốn sách hướng dẫn cũ. Có nhan đề Nagel’s Encyclopaedia Guide: China (Hướng dẫn toàn thư của Nagel: Trung Quốc), được xuất bản lần đầu năm 1968 tại Thuỵ Sĩ và có nhiều mô tả về các địa điểm văn hoá quan trọng được giới ngoại giao và học giả Pháp ghé thăm. Điều mấu chốt đối với chúng tôi là họ đã tập hợp thông tin hồi thập niên 1950 và đầu thập niên 1960. Nói cách khác, những thông tin này ở thời điểm ngay trước khi Mao phát động cuộc Cách mạng Văn hoá huỷ hoại hàng vạn nơi thờ phụng và địa điểm lịch sử ở khắp Trung Quốc. Chúng tôi tra một nơi ở Bắc Kinh và cưỡi xe đi để xem còn lại những gì.
Tôi nhớ một chuyến đi tìm Ngũ Tháp Tự (五塔寺), được xây dựng cuối thế kỉ 15 và có 5 cái tháp nhỏ nằm trên một bệ đá lớn. Sách của Nagel ghi rằng hầu hết đã bị tiêu huỷ vào thời tao loạn cuối thế kỉ 19 và đầu thế kỉ 20, nhưng vẫn còn đó 5 cái tháp. Mấy tấm bản đồ năm 1980 của chúng tôi cho thấy không có gì, nhưng sách của Nagel làm chúng tôi thấy hiếu kì. Liệu nó còn tồn tại?
Chúng tôi cưỡi xe dọc đường Bạch Thạch Kiều (白石橋) và tìm cách chồng mấy tấm bản đồ Bắc Kinh xưa cũ trong sách Nagel lên mấy tấm bản đồ của một Bắc Kinh kiệt quệ thời hậu Cách mạng Văn hoá. Sau rốt chúng tôi phải dừng lại hỏi đường. Sau nhiều nỗ lực vô ích, chúng tôi được dẫn đi qua những cánh cổng của một nhà máy và đi vào ngôi chùa nằm ẩn mình phía sau. Tất cả những gì còn lại là bệ đá lớn, bên trên là 5 cái tháp đá. Các miếng ngói đã rơi khỏi mái, và nằm trên mặt đất là các mảnh vụn của những phiến đá mang trên mình những dòng chữ khắc và hoạ tiết. Cỏ dại mọc khắp nơi. Tuy vậy, chúng tôi đi trên khu đất này với cảm giác kinh thán: tại đây là một thứ vốn đã mất dạng khỏi bản đồ ngày nay, thế mà nó vẫn tồn tại. Trong một công trình, chúng tôi có được câu chuyện về nét tráng lệ văn hoá, về những cuộc ngoại xâm, về sự tự huỷ hoại văn hoá ở Trung Quốc, và cả tàn dư còn lại nữa. Ở đây, nhờ cuốn sách hướng dẫn cũ, chúng tôi có được phần lịch sử tóm gọn của Trung Quốc – quá khứ lẫn hiện tại.
Việc quan sát Trung Quốc đôi lúc cần qua một ống kính như cuốn sách của Nagel vậy. Ta có thể bị lạc hướng khi đi bách bộ trên đường phố đô thị Trung Quốc, lái xe dọc các con đường miền quê, và cả khi ghé thăm các trung tâm du lãm ở đây. Mặt khác, chúng ta biết đây là đất nước tồn tại một nền văn minh phong phú suốt nhiều ngàn năm, vậy mà chúng tôi vẫn bị choáng ngợp khi nhận thấy sự vong bản nơi đây. Các thành phố Trung Quốc không có vẻ ngoài xưa cũ. Ở nhiều thành phố có những địa điểm văn hoá và những khu phố cổ bé nhỏ nằm lọt thỏm giữa biển công trình bê-tông. Khi chúng tôi tiếp xúc được với phần quá khứ ở hình hài một ngôi chùa cổ xưa hoặc một con hẻm hẹp, thì ta chỉ cần chút thẩm tra cũng thấy đa số đã được tái tạo. Nếu quay lại Ngũ Tháp Tự ngày nay, bạn sẽ thấy một ngôi chùa được tu bổ hoàn toàn, không một viên gạch hay mái ngói nào trật chỗ. Nhà máy kia đã bị giật sập và thay bằng một công viên, một bức tường và một phòng vé. Chúng ta có thể đã ở một địa điểm của một thứ xưa cũ, nhưng cái chất lịch sử ấy đã bị hoà tan đến mức người ta cảm thấy như thể nó đã biến mất.
Chuyện này cho ta biết gì về một đất nước? Những người lạc quan cảm được tính năng động – cuối cùng đây là một đất nước tiếp tục đi tới trong nhiều phương diện trong khi phần còn lại thế giới lại đình trệ hoặc đang lê bước về phía trước. Người ta luôn nói điều này bằng vẻ kinh ngạc và kính sợ. Đỉnh điểm của thời đại kinh thán này đến ngay trước kì Olympics 2008, lúc ấy truyền thông Tây phương tự vấp chân mình khi tìm cách trưng ra lời khen ngợi dạt dào nhất dành cho sự trỗi dậy/sự biến chuyển/trẻ hoá của Trung Quốc – bạn hãy tự mình chọn một từ trong số đó. Điển hình là một nhà phê bình kiến trúc của New York Times, khi tới Bắc Kinh vào năm 2008 người này đã say sưa nói về “cảm giác không thoát được rằng bạn đang đi qua cánh cổng tiến vào một thế giới khác, một thế giới mà việc hùng hục tiếp nạp các thay đổi đã làm cho các quốc gia Tây phương hít bụi đằng sau” và kết luận rằng “người ta tự nhủ liệu phương tây có bắt kịp được chăng”.
Những cảm xúc khác thì mơ hồ hơn. Ý thẳng thừng nhất tôi từng gặp là thế này: một đất nước mà tẩy xoá hoàn toàn và sau đó tái tạo quá khứ – thì đất nước đó có đáng tin? Điều gì gặm nhấm một đất nước, hoặc người dân hoặc một nền văn minh, nhiều đến mức họ luôn thấy khó chịu với lịch sử của mình? Ở Trung Quốc, người ta thường ca tụng lịch sử. Mỗi khi có cơ hội, người dân sẽ bảo bạn rằng họ có 5.000 năm văn hoá: ngũ thiên niên đích văn hoá. Và đối với chính quyền, đó là điểm mốc cho tính chính danh thời hiện tại. Nhưng đó còn là con quái vật ẩn khuất trong bóng tối.
Vai trò của lịch sử trong xã hội Trung Quốc do đảng cộng sản cai trị là cực kỳ quan trọng. Bản thân chủ nghĩa cộng sản dựa trên tất định luận lịch sử: một trong những quan điểm của Marx là thế giới sẽ vận động không ngừng về hướng chủ nghĩa cộng sản, một luận cứ mà nhiều nhà lập chế độ như Lenin và Mao đã sử dụng nhằm biện minh cho việc vươn lên nắm quyền bằng bạo lực. Ở Trung Quốc, chủ nghĩa Marx được đặt nằm trên hết so với các ý tưởng xưa cũ hơn nhiều về vai trò của lịch sử. Mỗi triều đại kế tục sẽ viết sử của tiền nhân, và ý thức hệ chính trị chi phối – cái mà giờ được gọi chung là Nho giáo – dựa trên ý niệm rằng các lí tưởng về việc cai trị đều được tìm thấy trong quá khứ, mà người cai trị đứng đắn cần noi theo đó. Thành quả là điều hệ trọng, song chủ yếu đóng vai trò làm bằng chứng cho sự phán định của lịch sử.
Điều đó nghĩa là tốt nhất nên giữ lịch sử trong vòng cương toả. Ngay sau khi nắm quyền năm 2012 làm tổng bí thư Đảng Cộng sản sản, lãnh tụ Trung Quốc Tập Cận Bình (習近平) đã tái nhấn mạnh điểm này trong bài diễn văn trọng yếu nói về lịch sử, được công bố trên tờ Nhân dân Nhật báo, một tờ báo chính thống của đảng. Tập là con trai của một viên chức đảng cấp cao, người đã giúp dựng nên chế độ này, nhưng xung đột với Mao, và lâm cảnh khổ đau trong suốt thời Cách mạng Văn hoá. Một số tưởng rằng Tập có thể có quan điểm phê phán hơn đối với thời đại của Mao, nhưng trong diễn văn của mình, ông đã nói rằng 30 năm cải cách bắt đầu dưới quyền Đặng Tiểu Bình ( 邓小平) hồi cuối thập niên 1970 không nên được dùng để “phủ định” 30 năm cai trị đầu tiên của chủ nghĩa cộng sản dưới quyền Mao.
Ngũ Tháp Tự ở Bắc Kinh từng là đống đổ nát vào thập niên 1980. Nay nó đã được tu bổ.(Ảnh: Alamy/The Guardian)
Sự miễn cưỡng của Tập trong việc chối bỏ thời đại Mao có một nguyên do chưa được tuyên bố, rằng Mao không chỉ là Stalin của Trung Quốc. Liên Xô có thể gạt bỏ Stalin vì họ còn có thể ngả về lại Lenin, cha đẻ của chế độ ấy. Đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc, Mao là Stalin và Lenin cộng lại; công kích Mao và thời đại của ông ta tức là công kích những nền tảng của Nhà nước cộng sản. Năm năm sau khi kết thúc Cách mạng Văn hoá với cái chết của Mao năm 1976, đảng đưa ra tuyên bố kết tội thời đại ấy và kết tội vai trò của Mao trong đó, ngoài ra còn kết liễu việc bàn luận thêm về Mao bằng cách công bố rằng “cống hiến của ông cho cuộc cách mạng Trung Hoa có giá trị hơn hẳn sai lầm của ông. Công trạng của ông mới là chính yếu, còn lỗi lầm của ông chỉ là thứ yếu.”
Nhưng ở tầm mức rộng hơn, lịch sử đặc biệt nhạy cảm vì sự thay đổi trong một nước cộng sản thường khởi sự bằng chuyện lịch sử bị thách thức. Chẳng hạn vào thập niên 1980, các nhóm hội như hội nghiên cứu lịch sử Memorial (Tưởng niệm) chuyển mình thành một phong trào xã hội làm Liên Xô suy vi bằng cách phanh phui phần quá khứ rối loạn của chế độ. Trung Quốc ngày nay vững chãi hơn Liên Xô thời Gorbachev, nhưng kí ức vẫn cứ thoát khỏi tầm kiểm soát của chính quyền, tạo nên nhiều thách thức đối với một chế độ nhờ vào lịch sử để có được tính chính danh. Dẫu cho theo định nghĩa, lịch sử là quá khứ, nhưng nó cũng là hiện tại và tương lai của Trung Quốc.
Lịch sử bị bưng bít?
Các thành phố Trung Quốc là những khu đô thị ma. Ý này không phải nói đến những công trình bất động sản lãng phí – các khu phức hợp khổng lồ được xây vội vã, nằm đó trống trơn và đổ nát – mặc dù cũng có vài cái như vậy. Thay vào đó, các trung tâm nội ô của Trung Quốc được xây dựng trên một mảng quá khứ bị tẩy sạch, vốn chỉ thi thoảng thấm vào hiện tại nhờ những cái tên lạ tai dành cho đường phố, công viên và trạm tàu điện ngầm.
Ở Bắc Kinh, giống như bao thành phố khác trên cả nước, đường phố thường được đặt tên theo mối quan hệ giữa chúng với những sự vật đã không còn tồn tại nữa, những mốc địa điểm u linh, chẳng hạn như cổng thành, chùa chiền, vòm tưởng niệm và các sự kiện lịch sử đã bị lãng quên. Ví dụ như ở thủ đô, Bộ Ngoại giao toạ lạc tại Triều Dương môn ngoại (朝阳门外), hay nghĩa là ‘Con đường bên ngoài cổng Triều Dương’. Chỉ vài trăm mét về hướng tây, đường này đổi tên thành Triều Dương môn nội (朝阳门内), hay nghĩa là ‘Con đường bên trong cổng Triều Dương’. Nằm giữa là đường Nhị Hoàn (二环路). Tên của mấy con đường này chỉ có nghĩa khi bạn nhận ra rằng hoàn lộ ấy được xây dựng trên vị trí của những bức tường thành ngày trước, vốn có một lối đi ngay ở đó, Triều Dương môn, tức cổng Triều Dương. Bức tường thành này trở thành đường cao tốc và cái cổng trở thành nút chuyển đường giao thông. Ngoài tên đường ra thì không còn gì trong khu này để gợi nhắc bạn về một trong hai công trình kia nay đã trở thành bóng ma.
Kẻ hoài nghi luôn có thể hạ thấp giá trị một hiện tượng bằng cách bảo rằng, gượm đã, chuyện đó cũng tồn tại ở nơi khác mà. Người ta có thể nói rằng tất cả các thành phố đều có những khu phố hoặc con đường được đặt tên theo nhân vật hoặc sự kiện vốn đã bị lãng quên từ lâu ngoại trừ dân mê sử. Điều này tất nhiên đúng, nhưng ở Trung Quốc thì sự biến nhiễu văn hoá này xảy ra nhiều hơn, và những rào chắn kí ức này được dựng cao hơn. Trung Quốc quả có các bách khoa thư trực tuyến, cũng như có nhiều cuốn sách giải thích lịch sử Bắc Kinh. Một số cuốn thậm chí còn bán chạy, chẳng hạn như công trình tiên phong mang tên ‘Thành kí’ (城记), của kí giả Vương Quân (王军) thuộc Tân Hoa Xã. Nhưng mấy cuốn này lại bị biên tập chằng chịt, và cần vốn kiến thức văn hoá mà hầu hết dân Trung Quốc hiện nay đang thiếu. Trở lại thập niên 1990, ta vẫn có thể tìm thấy những nhà hoạt động thường dân, những người đấu tranh để giữ lại cổ thành vì nó có ít nhiều ý nghĩa với họ. Ngày nay, hiếm dân Bắc Kinh thực thụ nào sống trong cổ thành; họ đã được chuyển ra vùng ngoại ô và thay chỗ họ là những người di cư (những người nghèo ở vùng sâu vùng xa Trung Quốc, hoặc những kiều dân giàu có) vốn không có liên hệ nào với quá khứ của thành phố. Thành phố có các câu chuyện của mình, nhưng đối với đa số cư dân thì chúng là thứ bí ẩn.
Một khác biệt nữa là những nỗ lực tưởng nhớ quá khứ thường sai lạc hoặc quá vụn vặt đến mức vô nghĩa. Ví dụ như hầu hết các tấm biển đá tại những địa điểm lịch sử đều biên những thông tin lịch sử thiên lệch hoặc những lời dối trá trắng trợn. Ví dụ như đi vài bước về phía tây Bộ Ngoại giao, bạn sẽ gặp Đông Nhạc Miếu (東嶽廟). Ngay trước cổng là một phiến đá, biên rằng kể từ năm 1961 đây là công trình được nhà nước bảo hộ. Tấm biển đá thứ nhì trên tường cho biết thêm chi tiết, giải thích làm thế nào miếu này được xây dựng dưới triều nhà Nguyên (1271-1368) và là một ngôi miếu then chốt của Đạo giáo.
Thực tế thì ngôi miếu này hoàn toàn bị rút ruột trong cuộc Cách mạng Văn hoá, các bức tượng bị thiêu rụi hoặc bị chở đi đến các nhà kho để người ta tiêu huỷ tại đó. Trong số khoảng 50 bức tượng hiện nay trong miếu, ngoại trừ 5 cái thì còn lại đều là tượng mới. Năm bức tượng cổ xưa này thuộc về ngôi miếu khác, Tam Quan Miếu (三官廟). Sau khi kết thúc thời đại Mao vào cuối thập niên 1970 và các ngôi miếu được mở cửa lại, người ta không tìm được các bức tượng của Đông Nhạc Miếu, nên họ đưa vào miếu này các bức tượng từ Tam Quan Miếu, vốn vẫn còn bị một văn phòng chính phủ chiếm chỗ.
Du khách cũng không tìm hiểu được gì về chuyện làm thế nào mà khu vực của ngôi miếu này lại bị thu hẹp nhiều phần trong suốt thời Cách mạng Văn hoá bởi vì nơi này từng bị các cơ quan quân sự và công an chiếm dụng. Khi thời đại Mao kết thúc, họ rời bỏ khu vực trung tâm của ngôi miếu – ba sân trong và những khu nhà mà ta thấy ngày nay. Phần còn lại bị Cục Công an (公安局) chiếm dụng cho đến thập niên 1990, và sau rốt bị giật sập và bị biến thành khu bất động sản thương mại vào đầu thập niên 2000. Các công trình còn lại hiếm khi hoạt động như một ngôi miếu. Khi quân đội và công an dời chỗ khác, Bộ Văn hoá chuyển vào và biến ngôi miếu thành viện bảo tàng văn hoá dân gian. Chỉ sau một quãng thời gian dài đấu tranh thì Hiệp hội Đạo giáo Trung Quốc (中国道教协会) mới lấy lại một phần kiểm soát ngôi miếu vào đầu thập niên 2000, nhưng họ vẫn còn phải chia sẻ không gian nơi này.
Tất nhiên là mấy tấm biển đá không giải thích điều nào trong số này. Thay vào đó, ta có ấn tượng là ngôi miếu cứ ở đó như nào giờ – một di tích 800 tuổi thuộc về quá khứ vĩ đại của Trung Quốc. Mảng lịch sử mà tôi vừa phác ra ở trên không phải chắc chắn cũng chẳng dựa vào bằng chứng tài liệu vững chắc, mà thay vào đó là thứ mà tôi đã tái dựng lại bằng cách quan sát ngôi miếu suốt hơn hai thập kỉ và nói chuyện với các tu sĩ Đạo giáo hiện làm việc ở đó. Nhưng cho đến khi kho lưu trữ thành phố mở cửa, đây có lẽ là thông tin tốt nhất mà ta có thể hi vọng vào.
Lịch sử được tái tạo
Đảng Cộng sản không chỉ bưng bít lịch sử, mà còn tái tạo lịch sử nhằm phục vụ thời hiện tại. Ở Trung Quốc, điều này tiếp theo sau sự việc đảng gần như tự diệt mình trong cuộc Cách mạng Văn hoá, dẫn đến việc tìm kiếm vô vọng về tính chính danh cho ý thức hệ. Thoạt đầu, điều này chủ yếu là về kinh tế, nhưng tiếp theo vụ thảm sát những người phản kháng đòi dân chủ trong sự kiện Quảng trường Thiên An Môn vào tháng Sáu năm 1989, thì đảng bắt đầu hung hăng hơn trong việc tự nâng mình lên vai trò bảo hộ văn hoá và truyền thống Trung Hoa.
Một cách mà đảng đã bắt đầu thực hiện việc này là đặt chính họ làm người bảo vệ “di sản văn hoá phi vật thể”, một cụm từ do UNESCO dùng đến, giúp giữ cho danh sách các truyền thống của từng nước luôn quan trọng đối với các quốc gia cụ thể Trái ngược với các địa điểm di sản thế giới, vốn là những công trình vật chất chẳng hạn như Vạn Lí Trường Thành hoặc Tử Cấm Thành, thì di sản phi vật chất bao gồm âm nhạc, ẩm thực, sân khấu và các nghi lễ.
Đại lộ Chính Dương Môn (正陽門 – Qianmen), được xây dựng lại theo kiểu nhà Minh (明) và nhà Thanh (清) (Ảnh: China Photos/Getty Images)
Đến cuối thập niên 1990, một số truyền thống thế này vẫn còn được gắn nhãn “mê tín thời phong kiến”, một cụm từ mạ nhục theo từ điển cộng sản đồng nghĩa với những tập tục văn hoá hủ lậu. Ví dụ như các buổi tang lễ truyền thống từng bị bài bác khắp nơi, nhưng giờ nằm trong danh sách văn hoá phi vật thể của chính quyền. Tương tự là nhạc đạo vốn được trình diễn riêng trong nghi lễ ở các miếu Đạo giáo.
Kể từ khi nắm quyền vào tháng 11 năm 2012, Tập Cận Bình đã khoác lên mình tấm áo truyền thống theo cách triệt để hơn bất kì lãnh đạo Trung Quốc nào khác kể từ lúc sụp đổ chế độ đế quốc năm 1911. Phát triển dựa trên công việc của những người tiền nhiệm, đặc biệt là Hồ Cẩm Đào (胡錦濤) và lời kêu gọi cho một “xã hội hài hoà” mang âm hưởng Đạo giáo, cương lĩnh ý thức hệ của Tập bao gồm việc tiếp nhận tường minh các hình tượng đạo đức và tín ngưỡng theo truyền thống.
Năm 2013, theo một bản tin ngày 5 tháng 12 cùng năm, Tập viếng thăm quê hương Khổng Tử là Khúc Phụ (曲阜), cầm lấy quyển Luận ngữ (論語) – cuốn sách về những câu châm ngôn và ý tưởng của bậc đại hiền triết này – và một quyển tiểu sử về ông, rồi tuyên bố: “Tôi muốn đọc hai cuốn này thật tử tế.” Ông còn tự nặn ra câu cách ngôn kiểu Khổng giáo – “Nước không có đức thì không thể hưng” (国无德不兴 – quốc vô đức bất hưng). Năm tiếp sau đó, ông trở thành lãnh đạo đầu tiên của Đảng cộng sản từng tham gia buổi lễ kỉ niệm ngày sinh Khổng tử. Phát biểu ở Mạng Nho học Quốc tế, Tập nói, “để nhận thức được Trung Quốc và nhân dân Trung Quốc ngày nay, ta cần phải thâm nhập văn hoá và huyết mạch của Trung Quốc, và phải tư dưỡng cho người Trung Quốc nắm chắc phần thổ nhưỡng văn hoá của mình.” Những lời ám chỉ kinh điển của ông đã xuất hiện quá nhiều đến mức vào ngày 8 tháng 5 năm 2014, tờ Nhân dân Nhật báo đăng đầy hai trang báo liền mặt để giải thích chúng.
Ngay khi bước vào giai đoạn Tập giữ vị trí lãnh tụ của đảng, lối nói tu từ truyền thống bắt đầu chi phối vùng không gian công ở các thành phố Trung Quốc. Ví dụ như giữa năm 2013, nhiều tấm bích chương bắt đầu mọc lên khắp Trung Quốc, trong đó nghệ thuật truyền thống Trung Quốc được khéo léo chiếm dụng, đi kèm những hình ảnh này là các tham chiếu về “Giấc mộng Trung Quốc” (中国梦 – China Dream).
Giấc mộng Trung Quốc là cái mà Tập Cận Bình góp vào kho khẩu hiệu của đất nước – mọi lãnh đạo hàng đầu đều phải có ít nhất một cái. Hầu hết đều chỉ đến các học thuyết bí truyền, chẳng hạn thuyết “Ba đại diện” (三個代表 – Three Represents) của Giang Trạch Dân (江泽民), một thuyết liên quan đến việc đảng đại diện cho mảng xã hội rộng lớn hơn so với thời quá khứ. Tương phản với ý đó là ý tưởng của Tập, vốn dễ nắm bắt hơn – ai mà chẳng có ước mơ? Khẩu hiệu này được liên hệ với nhiều mục tiêu, bao gồm chủ nghĩa dân tộc và việc Trung Quốc trỗi lên nổi bật trên toàn cầu, nhưng ở trong nước thì hình tượng của nó luôn được liên kết với văn hoá và phẩm hạnh truyền thống.
Ở Trung Quốc, đa số các tuyên truyền theo truyền thống đều có vẻ chán chường: thường là các biểu ngữ màu đỏ với chữ trắng hoặc vàng, hô hào người dân hãy đi theo chính sách của Đảng cộng sản, hãy thuận theo việc điều tra nhân khẩu, hoặc hãy biến khu phố địa phương trở nên đẹp đẽ hơn. Tuy nhiên, những tấm bích chương Giấc mộng Trung Quốc lại đầy màu sắc, sáng rỡ và khả ái. Nhiều tấm chứa các bức tranh vẽ những bức tượng nhỏ bằng đất sét, tác phẩm của “Nê Nhân Trương” (泥人张 – Niren Zhang – người đất sét họ Trương), một nghệ sĩ nổi danh trong quần chúng và nổi danh ở Trung Quốc giống như Norman Rockwell ở Hoa Kỳ vậy. Theo truyền thống, những tượng nhỏ đất sét này biểu hiện các cảnh quan từ đời sống thường nhật và đời sống tín ngưỡng, hoặc từ khung cảnh tiêu khiển, chẳng hạn như các nhân vật từ Kinh kịch hoặc các vị thần như Quan Công. Những bộ tượng như thế được gửi đến các hội chợ trên thế giới trong suốt những năm cuối triều Thanh (1644-1911) để làm minh hoạ cho nghệ thuật Trung Quốc.
Tấm bích chương trứ danh nhất của Giấc mộng Trung Quốc khắc hoạ một bức tượng nhỏ của Nê Nhân Trương mang hình hài một cô bé mũm mĩm, đang tựa đầu mơ mộng. Bên dưới là bài thơ kết hợp giấc mộng cá nhân với giấc mộng đất nước:[1]
A Trung Quốc
Giấc mộng của tôi
Giấc mộng ngát thơm
Tác giả bài thơ này là Nhất Thanh (一清), bút danh của Tạ Liễu Thanh (谢柳青). Tạ là biên tập viên của tờ tạp chí Thế Giới Hoa Văn và đứng đầu trang Trung Quốc Danh Bác Sa Long (中国名博沙龙), một trang blog chuyên bàn các vấn đề dân tộc chủ nghĩa và được đăng kí theo chủ quản là trang web chính thức của bộ tuyên truyền. Tạ còn viết kịch và nhạc kịch, tất cả đều ca tụng đảng và đặc biệt là Mao. Hàng tá tác phẩm của ông ta vốn dựa trên những sự kiện lịch sử lớn đều đã được xuất bản, dựng thành phim hay làm thành chương trình truyền hình, hoặc được dàn dựng trên sân khấu. Một số bài blog của ông ấy đã được xuất bản trên tờ tạp chí tư tưởng chính của đảng, tờ Cầu Thị (求是).
Ở một mức nào đó thì Tạ có thể đơn giản được coi là công cụ tay sai của chính quyền, đẻ ra phần nguyên liệu cho chiến dịch mới nhất của nhà nước. Nhưng khi tôi ghé thăm ông ta năm 2013, câu chuyện của ông hoá ra đáng lưu tâm hơn thế, và hé lộ các kĩ thuật tuyên truyền tinh vi được Đảng cộng sản sử dụng trong suốt thập niên 2010 nhằm tạo ra một ý thức hệ vốn có thể liên kết chủ nghĩa cộng sản truyền thống với các giá trị truyền thống.
Tạ mời tôi đến văn phòng của ông. Văn phòng này hoá ra là một phòng tại Khách sạn Ordos ở Bắc Kinh. Tôi ngạc nhiên khi biết rằng Tạ không có văn phòng chính phủ đàng hoàng do ông không phải là quan chức chính phủ như tôi đã hình dung trước đó, mà chỉ là dân làm nghề tự do. Chúng tôi tán gẫu một đỗi và ông ta bảo tôi rằng ông đến từ tỉnh Hồ Nam (湖南), quê của Mao Trạch Đông (毛澤東). Đa số tác phẩm của Tạ là về Mao, người mà theo ông là vị anh hùng của Trung Quốc hiện đại. “Anh có thể chỉ trích ông ta nhưng đâu thể phủ nhận chuyện ông ấy quan trọng”, Tạ cho biết. “Đây là điều tôi luôn tin.”
‘Giấc mộng Trung Quốc’ là khẩu hiệu đặc trưng của Chủ tịch Tập Cận Bình. (Ảnh: Bloomberg)
Tham gia buổi nói chuyện hôm đó còn có Trương Gia Bân (张嘉斌), biên tập viên của Nhà xuất bản Hồng Kỳ, một công ti thuộc Đảng cộng sản, trước đó vừa xuất bản bộ sưu tập các bích chương, và cả tập thơ của Tạ nữa. Tạ cho chúng tôi xem đoạn video ngắn về một buổi lễ vinh danh các tấm bích chương Giấc mộng Trung Quốc. Trong đoạn phim ngắn, Tạ giải thích rằng ông đã thấy bức tượng cô bé mũm mĩm đặc trưng trong lúc tham dự buổi triển lãm ở khu Hoài Nhu (懷柔) vùng ngoại ô Bắc Kinh. Ông ta đăng lên mạng mấy bức ảnh kèm theo một vài cặp thi cú.
Đầu năm 2013, khi Ban văn minh (文明办), một cơ quan chính phủ, đang hoạch định một chiến dịch nhằm quảng bá ý tưởng của Tập Cận Bình về một Giấc mộng Trung Quốc, thì họ thấy những bài thơ của Tạ cùng mấy bức tranh vẽ các nhân vật. Ông ta gặp các quan chức và họ hội ý với nhau, nảy ra ý tưởng mở rộng chiến dịch để gộp vào nhiều hình thức thể hiện văn hoá truyền thống, bao gồm những bức hoạ vẽ nông dân cùng những bức tranh khắc gỗ.
“Họ nói, này chúng tôi cần thêm nhiều bài thơ nữa, do vậy tôi làm thật nhanh mấy bài thơ và giờ chúng ở trên kia đó”, ông nói khi đoạn video kết thúc. “Chiến dịch đó cần trải dài 60.000 km. Đó là số km đường cao tốc ở Trung Quốc – chúng tôi nói đùa rằng mỗi mét ở mỗi con đường đều có bích chương phủ lên”.
Đó quả thật không phải là điều nói quá. Thật khó lòng tránh được mấy tấm bích chương kia. Lúc thì họ cổ xuý các giá trị truyền thống như hiếu đạo (“trung hậu truyền muôn đời”), lúc thì ca tụng hết lời Đảng cộng sản (“chân bị xích, tay bị còng / Gió thì to, cỏ cứng cỏi / Đảng viên trên con đường mơ ước / Núi có thể rung, chí vẫn không lay / nhiệt huyết cùng hoa xuân viết nên khúc sử ngày nay”). Đôi khi họ chỉ cổ xuý chủ nghĩa ái quốc hay chủ nghĩa dân tộc (“Sông núi Trung Quốc thật đẹp” và “Tương lai tổ quốc ngập tràn mùa xuân”). Tất cả đều cho thấy làm thế nào mà đối với chính phủ [Trung Quốc] ngày nay, không có đồng minh nào tốt hơn lịch sử.
Lịch sử được phục hồi
Đôi khi đó chỉ là chuyện ngẫu nhiên và phi chính trị khi mà lịch sử lại trồi lên xuất hiện trong ý thức công chúng. Tôi nhận thấy điều này vào một ngày kia của năm 2014 khi đi nghe buổi nói chuyện tại văn phòng chính của Cục Lưu trữ Quốc gia bên cạnh công viên Bắc Hải (北海 ) ở Bắc Kinh. Diễn giả là Lưu Quốc Trung (刘国忠), giáo sư tại trường Đại học Thanh Hoa, với chất giọng nặng và đôi mắt nhỏ thường biến mất khi ông cất tiếng cười. Lưu nói tự do mà không cần bản ghi chép nào trong 90 phút về một thứ trông có vẻ mịt mờ nhưng lại dần dần làm sửng sốt giới trí thức Trung Quốc: việc khám phá ra các văn bản có từ 2500 năm trước vốn đã bị thất lạc bấy lâu.
Những văn bản Trung Quốc được biết đến sớm nhất được gọi là giáp cốt văn (甲骨文 – oracle bone). Được viết trên mai rùa, những bản văn này thường bàn về một nhóm các chủ đề hạn chế: liệu các cây trồng có nên được gieo trồng vào thời điểm này kia trong ngày, liệu hoàng đế có nên phát động chiến tranh? Chuyện lập gia thất ra sao? Chuyện đi lại thế nào? Qua đó, người ta có thể thăm dò được những mối quan tâm căn cốt trong đời sống của vị hoàng đế.
Những bản văn mà chúng tôi ở đây để tìm hiểu là những cái được viết một nghìn năm sau đó trên những thẻ tre phẳng, có kích cỡ bằng mấy chiếc đũa. Những tài liệu này không miêu tả chuyện vụn vặt nơi đời sống triều đình – mà chúng là những văn bản gốc của văn hoá Trung Quốc. Hơn 20 năm qua, ba lô thẻ tre từ thời đại này đã được khai quật. Lưu ở đấy để giới thiệu lô thứ ba – lô nhiều nhất – trong số những lô được phát hiện, một kho 2500 thẻ vốn đã được hiến cho Đại học Thanh Hoa hồi năm 2008.
Một anh bảo vệ đứng cạnh bức minh hoạ cho dự án tu bổ phố Chính-dương-môn của Bắc Kinh, năm 2012. (Ảnh: AFP/Getty Images)
Lí Học Cần (李学勤), sử gia trứ danh nhất Trung Quốc, là người lãnh đạo dự án lập danh mục và nghiên cứu những thẻ tre này. Lí đã đứng đầu vô số dự án lớn, trong đó có nỗ lực hồi đầu thập niên 1990 nhằm xác định niên đại của những triều bán huyền thoại từ khoảng 5000 năm trước, chẳng hạn triều Hạ và triều Thương, vốn được xem là những triều đại sớm sủa nhất của nền văn minh Trung Quốc. Trong nhiều nghìn năm, người ta mặc nhiên công nhận sự tồn tại của những triều đại đó, cho dù không thể lần ra được bất kì văn bản hay tư liệu khảo cổ nào liên quan đến họ (tính chất lịch sử của triều Hạ đặc biệt vẫn còn đáng ngờ). Vào đầu thế kỉ 20, các sử gia ở Trung Quốc bắt đầu một phong trào “nghi cổ (疑古)” vốn là phong trào chất vấn sự tồn tại của những triều đại này, cho rằng những triều đại đó chỉ là thần thoại. Phong trào này còn hơn một cuộc tranh cãi trí thức; nó chất vấn điều xác tín mà người Trung Quốc đã nuôi dưỡng trong lòng khi cho rằng nền văn minh của họ là nền văn mình xưa nhất trên hành tinh, xưa ngang với Ai Cập cổ đại. Những nỗ lực của Lí về căn bản là đẩy lùi lại tinh thần hoài nghi này, tập trung bằng chứng cho thấy những triều đại này quả thực có tồn tại.
Những thẻ tre mà Lí miêu tả đến từ niên đại sau đó nhiều, nhưng chúng chất vấn những điều xác tín của văn hoá Trung Quốc theo cách khác, có lẽ sâu sắc hơn. Những văn bản bắt nguồn từ thời Chiến-quốc (戰國 – Warring States), thời đại nhiễu nhương ở Trung Quốc trải dài từ thế kỉ thứ 7 đến thế kỉ thứ 3 trước Công nguyên. Tất cả các trường phái tư tưởng chính yếu của Trung Quốc mà tồn tại đến ngày nay đều bắt nguồn từ thời đại này, đặc biệt Đạo giáo và Nho giáo, vốn là hệ tư tưởng chính trị chi phối nước này xưa nay, đưa đường dẫn lối nhiều vị vua và hoàng đế – ít nhất là về lí thuyết – cho đến tận thế kỉ 20.
Những thẻ tre này đã thay đổi cách chúng ta nhận thức về thời đại này. Một số người đem tác động của thời đại này lên nhận thức của Trung Quốc về quá khứ để so với cách nhìn vào quá khứ trong thời Khai minh của châu Âu, thời kì mà những bản văn cốt lõi của phương Tây lần đầu tiên được phân tích dưới dạng tài liệu lịch sử thay vì văn bản được truyền lại nguyên vẹn từ thời cổ đại. “Cứ như thể đột nhiên bạn có những văn bản bàn về Socrates và Platon mà bạn không biết chúng từng tồn tại”, theo Sarah Allan, giáo sư trường đại học Dartmouth, người làm việc với Lưu và Lí trong dự án này, khi cô nói với tôi vài tháng trước khi tôi nghe Lưu nói chuyện. “Người ta cũng nói rằng nó giống như các cuộn sách vùng Biển chết (Dead Sea scrolls), nhưng chúng còn quan trọng hơn thế. Đây không phải bản nguỵ tạo. Những văn bản này đến từ thời kì mà phần cốt lõi của triết học Trung Quốc đang được luận bàn. Chúng sẽ làm biến đổi nhận thức của chúng ta về lịch sử Trung Quốc.”
Một trong những ý tưởng gây kinh ngạc hiện ra qua những văn bản mới này là những ý tưởng vốn chỉ được hàm ý trong văn bản kinh điển Nho giáo, thì giờ đây được biểu lộ như là những trường phái tư tưởng được phát triển toàn diện vốn sẽ chất vấn các ý tưởng truyền thống then chốt. Chẳng hạn có một văn bản biện luận thiên về chế độ tinh anh trị (meritocracy) theo cung cách mạnh mẽ hơn nhiều so với các ý được tìm thấy trong những văn bản Nho giáo phổ biến hiện tại. Cho đến nay, các văn bản Nho giáo chỉ chấp thuận việc thoái vị hoặc thay thế người cai trị như một ngoại lệ hiếm hoi; bằng không ngôi vua vẫn theo lối thừa tự – một lập trường thiên về giới thống trị (pro-establishment) và phản cách mạng (anti-revolution) hơn nhiều. Văn bản mới biện luận chống lại điều này. Đối với một nhà nước chuyên chế tự bọc mình trong “truyền thống” nhằm biện minh cho sự cai trị bất tận của mình, thì những hàm ý của trường phái mới này là những điều tuy tinh tế mà đáng lưu tâm. “Đây không phải kêu gọi dân chủ”, Allan bảo tôi, “nhưng nó có những biện luận mạnh mẽ hơn trong việc ủng hộ sự cai trị xét theo phẩm hạnh thay vì quyền cai trị theo lối thừa tự.”
Trở lại giảng đường kế bên công viên Bắc Hải, Lưu tiếp tục nói về những phát hiện mới. Ông chiếu nhanh các đầu đề báo chí trên màn hình. Giới truyền thông Trung Quốc đang có sự lưu tâm mãnh liệt tới vụ này, ông cho biết. Sau khi công bố mỗi quyển sách, giới truyền thông Trung Quốc lao vào thảo luận những phát hiện đó, đồng thời các trang blog và những nhà nghiên cứu nghiệp dư cũng thử sức diễn giải những phát hiện mới này. Khán giả chăm chú lắng nghe Lưu khi ông phác ra lịch biểu xuất bản của đội ngũ trường Thanh Hoa.
“Chúng tôi nghĩ sẽ có thêm 15 quyển nữa, vậy là thêm 15 năm nữa – cho đến khi tôi nghỉ hưu”, Lưu cho biết, và cười to. “Nhưng sau đó các bạn cùng những người khác sẽ tranh luận chuyện này cho đến hết thế kỉ. Việc nghiên cứu này không có hồi kết đâu.”
Lưu kết lời và cúi đầu chào khán thính giả. Ông đã đi quá 90 phút cho phép và ban bảo vệ hăm hở chuẩn bị về nhà. Ngay khi ông rời bục diễn thuyết, họ bắt đầu tắt hết đèn. Nhưng khán giả đã ùa lên bệ diễn thuyết, dội hàng mớ câu hỏi vào Lưu. Có một người đàn ông đến từ Hội Nghiên cứu Kinh dịch hỏi cách xử lí văn bản mới cho việc bói toán. Một sinh viên đã tốt nghiệp từ Đại học Bắc Kinh hăm hở hỏi về những hàm ý chính trị của việc thoái vị. Lưu trả lời hết mọi câu hỏi, đồng thời tay phát danh thiếp. Khi chồng danh thiếp phát hết, mọi người bắt đầu chuyền chúng vòng vòng, dùng điện thoại di động chụp ảnh với danh thiếp của ông Giờ đây chỉ có ánh mặt trời lờ mờ của mùa đông soi sáng căn phòng. Những người bảo vệ ở cuối phòng đứng chờ để khoá cửa, nhưng đám đông cả mấy chục người đã không để Lưu rời khỏi phòng. Đối với họ, ông nắm giữ trong tay chiếc chìa khoá cho hiện tại: thời quá khứ.
Bài tiểu luận này được cải biên từ cuốn The Oxford Illustrated History of Modern China (Lịch sử minh hoạ của Oxford về Trung Quốc hiện đại), xuất bản ngày 23/6/2016 của nhà Oxford University Press.
- See more at: http://nghiencuuquocte.org/2016/08/08/nhung-ke-thao-tung-ki-uc-o-trung-quoc/#sthash.exnXHSCl.dpuf
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét