Viện sỹ Arbatov: Chúng ta đã không còn sợ chiến tranh hạt nhân, và điều đó rất nguy hiểm.
Lời người dịch: Xin giới tiếp với bạn đọc phần tiếp theo trong bài trả lời phỏng vấn báo “AiF” của Viện sỹ Arbatov. (bài trước: “Mỹ không thể làm mù Nga”, đăng tải trên báo Đất Việt ngày 19/6/2016). Các tiêu đề, phụ đề, ảnh và chú thích trong bài đều là của “AiF”. Những chỗ mở ngoặc là của người dịch để làm rõ hơn ý của A.Arbatov.
“Tại sao các chính khách và các nhà quân sự thường nhắc đến vũ khí hạt nhân như là một luận cứ cuối cùng trong các cuộc tranh cãi về số phận thế giới?
Ai có thể sống sót trong Chiến tranh thế giới thứ ba? Nga và Mỹ có bao nhiêu đầu tác chiến hạt nhân, còn Trung Quốc giấu những gì trong những đường ngầm bí mật dài hàng nghìn km?
Aleksey Arbatov , Viện sỹ Viện Hàn làm khoa học Nga ( RAN – viết tắt tiếng Nga ) , Giám đốc Trung tâm an ninh quốc tế Viện kinh tế thế giới và quan hệ quốc tế RAN . Ảnh / Еkacheria Izmestieva / АiF |
1. Con lúc lắc hạt nhân
AiF: - Vitali Tsepliaev, “ AiF” (sau đây là “AiF”: Hiện nay nhiều người nói về một cuộc xung đột hạt nhân như thể nói về một cái gì đó có thể chấp nhận được, thậm chí là không thể tránh khỏi trong trường hợp gia tăng xung đột Nga và Mỹ.
Đã không còn nỗi sợ hãi từng có ở mỗi người chúng ta như trong những năm chiến tranh lạnh. Một số nhà chính trị và bình luận còn cười khi dọa biến Mỹ thành một một “đống tro tàn phóng xạ”. Thế liệu chính chúng ta (Nga) có sống sót được không? Có thực là trong một cuộc chiến tranh hạt nhân sẽ không có người chiến thắng không?
Aleksey Arbatov: - Rất tiếc, hiện nay quả thực là có ít người hình dung được một cuộc chiến tranh hạt nhân là như thế nào. Họ không thể hình dung được là chỉ trong mấy giờ đầu tiên sẽ có từ 70 đến 80 triệu người chết – nhiều hơn so với toàn bộ số người thiệt mạng trong Chiến tranh thế giới thứ hai! Và sau đó, trong vòng vài tuần, toàn bộ thế giới còn lại cũng sẽ chết. Điều này có thể được chứng minh qua bất kỳ một mô hình máy tính nào.
Bạn nói đúng, trong đầu của chúng ta đã có một bước dịch chuyển tâm lý rất nguy hiểm: 25 năm sau Chiến tranh lạnh đã “tẩy hết” nhận thức của mọi người về việc chiến tranh hạt nhân là một mối đe dọa thực sự.
Vũ khí hạt nhân vẫn được duy trì và với một khối lượng lớn, nhưng khái niệm Chiến tranh thế giới thứ ba bắt đầu trở thành một cái gì mơ hồ, không ai nghĩ về nó một cách nghiêm túc, kể cả trong những năm 90, kể cả trong thập kỷ đầu của thế kỷ XXI.
Tuy nhiên hiện nay, khi mà tình trạng đối đầu quân sự - chính trị đã căng thẳng trở lại trong mối quan hệ giữa Nga và Phương Tây (trước hết là giữa Nga và Mỹ), quan điểm cần kiêng kỵ khi nói về sử dụng vũ khí hạt nhân – trong tâm lý của thế hệ mới, kể cả các chính khách lẫn các nhà quân sự, cả trên các phương tiện thông tin đại chúng, kể cả trong dư luận xã hội – có vẻ như đã biến mất.
Có cảm giác như bây giờ là lúc có thể sử dụng cơ bắp hạt nhân, đe dọa “những đối tác kém lý trí” bằng vũ khí hạt nhân, còn trong trường hợp xung đột trở nên căng thẳng thì thậm chí có thể sử dụng một cách hạn chế các đầu đạn hạt nhân tấn công vào một số mục tiêu quân sự của đối phương để phô trương lực lượng và làm nguội cái đầu nóng của họ - với ý nghĩ rằng chỉ như vậy thôi thì sẽ không dẫn tới sự hủy diệt toàn bộ sự sống.
Mặc dù không một ai và chưa một lần nào có thể chứng minh một cách thuyết phục là sẽ không có kịch bản bên bị tấn công hạt nhân trước sẽ không sử dụng nhiều vũ khí hạt nhân hơn để đáp trả – không thể loại trừ sự leo thang chớp nhoáng (trong sử dụng vũ khí hạt nhân), cho đến khi cả hai bên ồ ạt tấn công đáp trả lẫn nhau. (đoạn này xin được dịch ý cho dễ hiểu).
Những “chiến sỹ” đấu tranh cho một kịch bản như vậy (tấn công hạt nhân hạn chế như đã nói ở trên) đã “ đùa” với vũ khí hạt nhân một cách vô trách nhiệm,- giống như một đứa trẻ chơi đùa với con lắc, nhưng trên thực tế - đang nghịch với một quả lựu đạn.
AiF:- Trong vòng 25 năm qua chúng ta và người Mỹ đã cắt giảm rất nhiều kho vũ khí hạt nhân của mình. Có thể, xuất phát từ thực tế đó nên mới có cảm giác là số vũ khí hạt nhân còn lại không đủ để tiêu diệt lẫn nhau?
Aleksey Arbatov: - Đúng, tống khối lượng vũ khí hạt nhân trên hành tinh đã giảm tới 5-6 lần, chủ yếu là do kho vũ khí hạt nhân của Mỹ và Nga giảm. Và điều đó đã hạn chế khả năng tấn công các mục tiêu quân sự của nhau.
Bởi vì các mục tiêu quân sự có tới hàng nghìn, và vào lúc chúng ta có nhiều đầu đạn hạt nhân thì có thể đặt cả những mục tiêu quân sự thứ yếu vào tầm ngắm của chúng, còn bây giờ không phải tất cả các mục tiêu chiến lược đều là mục tiêu của vũ khí hạt nhân.
Nhưng vấn đề là ở chỗ, các tên lửa hạt nhân còn nhắm đến các thành phố lớn của đối phương tiềm năng. Và nếu xét từ góc độ này thì trong 25 năm qua đã không có bất kỳ sự thay đổi nào!
Cả Mỹ và Nga chỉ có vài chục các thành phố lớn trên một triệu dân. Còn số lượng các đầu đạn hạt nhân hiện có vẫn thừa đủ để thổi bay các thành phố này khỏi bề mặt trái đất, và không phải chỉ một lần. Bạn hãy tự tính lấy: mỗi bên có vài chục thành phố lớn, còn vũ khí hạt nhân chiến lược – mỗi bên có khoảng 1.500 đơn vị.
Và con số 70 - 80 triệu người chết ngay trong những giờ đầu của một cuộc chiến tranh hạt nhân – đấy chính là dân cư các thành phố lớn và các khu vực phụ cận. Còn hậu quả tiếp theo – nhiễm bẩn phóng xạ, cháy nổ, làm ô nhiễm bụi bầu khí quyển – sau đó một thời gian sẽ biến thành thảm họa đối với toàn bộ thế giới còn lại.
Hiệu ứng mùa đông hạt nhân không ai có thể loại bỏ được; sau các đòn tấn công vào các mục tiêu quân sự - công nghiệp sẽ có các đám cháy trong một khoảng không gian cực kỳ lớn, bão lửa sẽ bao trùm hàng triệu km2, một lượng bụi khổng lồ không thể hình dung nổi sẽ chặn hết ánh nắng mặt trời.
Chính vì vậy mà cả Mỹ, cả Nga đều không có bất cứ một cơ hội sống sót nào trong trường hợp tiến hành một cuộc tấn công hạt nhân quy mô lớn vào lãnh thổ của nhau. Các quốc gia khác nằm ở đâu đó trên lục đại Châu Phi hoặc Châu Á cũng vậy. Bởi vì bầu khí quyển của Trái đất sẽ bị nhiễm bụi dày đặc trong nhiều năm, và kéo theo đó sẽ là sự sụp đổ của toàn bộ ngành nông nghiệp trên thế giới.
Và lúc đó, như vào thời kỳ chiến tranh lạnh người ta thường nói, những người còn sống sẽ phải ghen tỵ với những người đã chết. Họ (những người còn sống) sẽ chết đau đớn trong bóng tối vì đói và bệnh tật – trên các đống đổ nát nhiễm phóng xạ của một nền văn minh vừa tồn tại cách đó chưa lâu.
AiF: - Xác xuất xảy ra một kịch bản u ám như vậy có cao không?
Aleksey Arbatov: - Tùy thuộc vào việc so sánh với thời kỳ nào. Nếu so sánh với giai đoạn cuối những năm 1940 – đầu những năm 1960, thì xác xuất đó (xảy ra chiến tranh), dĩ nhiên, có thấp hơn một chút.
Khi đó (những năm 40, đầu những năm 60) mối đe dọa treo trên đầu thế giới hết ngày này qua ngày khác, hết cuộc khủng hoảng này đến cuộc khủng hoảng khác, và chúng ta (cả thế giới) lúc đó ngày càng tiến gần hơn đến vạch đỏ (nguyên văn – mốc bi thảm).
Sau khủng hoảng Caribe 1962, lãnh đạo các cường quốc hiểu ra rằng không thể tiếp tục sống như vậy được nữa, không thể vượt qua vạch đỏ. Và trong giai đoạn hai của Chiến tranh lạnh, - bắt đầu từ năm 1963 các bên đã hạ nhiệt mối quan hệ đối đầu.
Đã thiết lập đường dây liên lạc trực tiếp giữa Moscow và Washington, bắt đầu các cuộc đàm phán về hạn chế vũ khí tấn công chiến lược, cấm thử vũ khí hạt nhân dưới nước, trong bầu khí quyển và trong vũ trụ...
Như vậy, nếu so với thời kỳ đó (sau năm 1963) thì tôi thấy tình hình hiện nay rất đáng lo ngại.
2. “ Tổn thất không thể chịu đựng nổi – mất một số thành phố”
AiF: -Trong học thuyết quân sự Nga năm 2014, có ghi rõ là chúng ta (Nga) sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân không chỉ để đáp trả việc đối phương sử dụng vũ khí hạt nhân chống lại chúng ta, mà còn để đánh trả một cuộc xâm lược sử dụng vũ khí thông thường...
Aleksey Arbatov: - Đúng, nhưng điều khoản đó đã được ghi trong Học thuyết (quân sự) của Nga sớm hơn nhiều – ngay từ năm 1993. Chính vào thời điểm đó Nga chính thức từ bỏ cam kết mà Liên Xô đã long trọng tuyên bố năm 1982 – không sử dụng vũ khí hạt nhân trước.
Tại sao lại từ bỏ cam kết đó? Sau khi Liên Xô tan rã có lẽ Boris Elsin muốn khích lệ tinh thần của các quân nhân chăng? – hãy nhớ lại xem Quân đội ta lúc ấy đã phải trải qua thời kỳ Liên Xô tan rã một cách khó khăn như thế nào. Để tăng cường khả năng răn đe hạt nhân nên đã thay đổi cách diễn đạt trong Học thuyết quân sự từ 1993 và tiếp theo.
Và cứ như thế cho đến tận phiên bản mới nhất (của Học thuyết quân sự Nga) tháng 12/2014. Trong Học thuyết mới này (12/2014) có nói rõ 3 trường hợp Nga sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân: 1) đáp trả đòn tấn công hạt nhân chống lại Liên Bang Nga hoặc các đồng minh của Nga; 2) đáp trả việc sử dụng các loại vũ khí giết người hàng loạt khác (vũ khí hủy diệt hàng loạt) chống lại Nga và các đồng minh của Nga; 3/ trong trường hợp một cuộc xâm lược quy mô lớn sử dụng các phương tiện và lực lượng thông thường nhưng đe dọa chính sự tồn tại của quốc gia Nga.
AiF:- Nhiều người còn nhớ là Đại sứ của chúng ta (Nga) tại Đan Mạch Mikhail Vanhin có đe dọa là trong trường hợp nước này tham gia vào hệ thống phòng thủ chống tên lửa của Mỹ thì các tàu quân sự của nước này có khả năng trở thành mục tiêu của các tên lửa hạt nhân của chúng ta. Chúng ta còn đưa ai nữa vào tầm ngắm?
Aleksey Arbatov: - Biết nói gì trong trường hợp này … Tại Liên Xô chuyên chế, ví dụ, nơi không cho phép bất kỳ ai hé răng nửa lời về những vấn đề này thì chỉ cần đưa ra một tuyên bố không được phép là quan chức mất ghế ngay lập tức. Còn chúng ta hiện nay có vẻ như tự do hơi quá trớn.
Chủ đề sử dụng vũ khí hạt nhân - là một trong những chủ đề chỉ có những quan chức cấp cao nhất mới được đề cập đến – tổng thống, bộ trưởng ngoại giao, bộ trưởng quốc phòng. Nhưng ở ta (Nga), chỉ trừ những kẻ lười, ai cũng thể nói được – các đại sứ, đại biểu (Duma), phóng viên, ca sỹ …. Do không am hiểu gì trong những vấn đề này, họ chỉ làm không khí đối đầu thêm căng thẳng. Và rất tiếc là không có ai uốn nắn những người đó.
Trong khi đó, tại Phương Tây, người ta không coi những lời công kích như vậy là sự đe dọa mà là thái độ vô trách nhiệm cùng cực trong vấn đề quan trọng nhất của an ninh thế giới. Đấy là thói côn đồ, bạn có thể hiểu như vậy cũng được. Một quốc gia có trách nhiệm cần phải bác bỏ những tuyên bố như vậy.
Không thể lấy khăn nhét vào mồm tất cả mọi người, tất nhiên, nhưng ít nhất thì cũng phải cầm cương thật chặt các nhà hoạt động chính trị lớn, những người đứng đầu các đảng phái, lãnh đạo các phương tiện thông tin truyền thông nhà nước hoặc đại diện các phái bộ ngoại giao khi bàn đến chủ đề này.
AiF: - Aleksey Georgievich (Arbatov), chúng ta (Nga) và người Mỹ có cần tiếp tục cắt giảm vũ khí hạt nhân không? Hay là số lượng các đầu tác chiến còn lại sau các lần cắt giảm trước – đó là ngưỡng tối thiểu và không thể cắt giảm thêm được nữa bởi vì nếu thế thì chức năng răn đe hạt nhân không còn tác dụng?
Aleksey Arbatov: - Không một ai có đưa ra cái ngưỡng tối thiểu đó một cách thuyết phục. Trong các bộ tổng tham mưu người ta thường lấy một phương án nào đó làm cơ sở: lấy ví dụ, - phương án đưa khoảng một vài trăm đầu tác chiến đến mục tiêu.
Và bắt đầu làm các phép tính: có bao nhiều đầu đạn còn sống sót (sau khi bị tấn công phủ đầu), bao nhiêu có thể khoan thủng hệ thống phòng thủ chống tên lửa và v.v . Từ các tính toán đó mới đưa ra mức vũ khí hạt nhân tối thiểu cần thiết. Nhưng tất cà các tính toán đó đều mang tính võ đoán.
Trước đây, người ta cho rằng, cần phải có khả năng đưa hàng nghìn đầu tác chiến đến lãnh thổ đối phương. Sau đó con số đó hạ xuống còn vài trăm. Nhưng tại sao lại không phải là vài chục?
Bởi vì đối với bất kỳ một quốc gia văn minh nào thì mất một vài thành phố lớn, vâng, thậm chí chỉ một thành phố - cũng đã là ngưỡng tổn thất không thể chịu đựng được! Trong khi để hủy diệt các thành phố đó chỉ cần vài chục đầu tác chiến.
Chính vì thế mà không thể nói rằng, chúng ta đã đạt được ngưỡng giải giáp tối thiểu. Ba nghìn đầu đạn chiến lược mà Mỹ và Nga đang sở hữu – như thế là quá nhiều. Tổng sức công phá của chúng tương đương với khoảng 40.000 quả bom nguyên tử ném xuống Hirosima năm 1945.
Tuy vào thời kỳ đỉnh điểm của Chiến tranh lạnh, trong cuộc chạy đua vũ trang điên rồ đã có tới 1.500.000 quả “ Hirosima”. Hiện nay thì ít hơn nhiều, nhưng cũng tới 40.000 như đã nói.
Commons.wikimedia.org / nấm hạt nhân trên thành phố Hirosima và Nagasaki |
Còn một điểm quan trọng nữa. Người Mỹ sau năm 2020 sẽ hiện đại hóa lực lượng hạt nhân chiến lược của mình. Trong hơn hai thập kỷ (từ năm 2020) họ dự định chi cho kế hoạch này một nghìn tỷ đô la. Cũng đến năm 2021 thì Hiệp ước mới nhất về vũ khí tấn công chiến lược ký giữ Nga và Mỹ năm 2010 sẽ hết hiệu lực.
Tối đa thì cũng chỉ gia hạn thêm được 5 năm – đến năm 2026. Sau đó sẽ là gì? Rất tiếc là hiện nay chúng ta không tiến hành cuộc đàm phán nào với Mỹ về chủ đề này. Và nếu chúng (các cuộc đàm phán) không được bắt đầu thì Mỹ có thể hoàn toàn tự do hành động trong lĩnh vực hạt nhân với sự hỗ trợ của một nguồn kinh phí cực lớn và những công nghệ tiên tiến nhất.
3. Người Trung Quốc giấu những gì trong các đường ngầm bí mật?
AiF:- Ngoài Mỹ và Nga, còn 7 nước nữa chính thức sở hữu vũ khí hạt nhân. Tiềm lực hạt nhân của các nước đó có lớn không?
Aleksey Arbatov: - Pháp đến thời điểm hiện tại có ít hơn 300 đầu tác chiến, còn Anh – 150. Nhưng đối với Trung Quốc thì rất khó xác định. Có thể tin chắc nếu nói về khả năng họ đang sở hữu hơn 300 đầu tác chiến trên đất liền và trên biển một chút – từ những gì nhìn được từ các vệ tinh. Nhưng theo một số đánh giá khác, thì trên thực tế Trung Quốc đã có hơn 1.000 đầu tác chiến.
Trung Quốc đã xây dựng tại các khu vực trung tâm nước này các đường ngầm lớn có chiều dài hàng nghin km – công việc trên do các tiểu đoàn xây dựng của “Lực lượng pháo binh số hai” – tức Bộ đội tên lửa chiến lược Trung Quốc đảm nhiệm.
Với các đường ngầm đó Trung Quốc có thể cất giấu hàng chục, thậm chí hàng trăm tổ hợp tên lửa cơ động không thể bị phát hiện từ vũ trụ. Nếu như không phải vậy, thì Bắc Kinh phải công khai tuyên bố là họ có bao nhiêu vũ khí hạt nhân, như Mỹ, Nga, Anh, Pháp đã từng làm một cách công khai, và phải giải thích rõ là các đường ngầm trên dùng để làm gì.
AiF: -Như thế là trong khi chúng ta (Nga) và Mỹ so gân với nhau về đầu đạn tác chiến, thì ngay sát nách chúng ta (Nga) và họ (Mỹ) có một cường quốc đang tăng cường sức mạnh hạt nhân?
Aleksey Arbatov: - Trung Quốc, chắc chắn hơn cả là đã đứng hàng thứ ba về số lượng đầu đạn hạt nhân. Hoàn toàn có thể có khả năng là tiềm lực hạt nhân của nước này đã vượt tổng tiềm lực của các nước còn lại, trừ Nga và Mỹ. Còn tiềm lực công nghiệp và khoa học kỹ thuật to lớn của Trung Quốc biến nước này thành cường quốc duy nhất trên thế giới hiện nay trong vòng 10 đến 15 năm nữa có thể đuổi kịp chúng ta (Nga) và Mỹ.
Hiện nay họ đang tiến hành các công việc nghiên cứu thiết kế rất nhiều loại vũ khí hạt nhân và các loại vũ khí khác – chiến lược và chiến dịch – chiến thuật, siêu thanh, hệ thống phòng chống tên lửa, diệt vệ tinh và v.v . Và nếu như (lấy ví dụ xảy một cuộc xung đột không lớn quanh Đài Loan hoặc trên Biển Đông) chẳng hạn, và Bắc Kinh quyết định đẩy nhanh những nghiên cứu thiết kế này thì họ có khả năng đứng ngang hàng với Nga và Mỹ về số lượng vũ khí hạt nhân.
Xin nói thêm, 70% lực lượng phòng thủ chống tên lửa của Mỹ tập trung không phải tại Châu Âu, mà tại Thái Bình Dương. Trước hết, nó nhằm chống lại Bắc Triều Tiên , nhưng trong tương lai, chắc chắn là người Mỹ nhắm đến lực lượng tên lửa Trung Quôc .
AIF: - Có lẽ, chúng ta cũng cần phải cảnh giác (với Trung Quốc)? Sau khoảng 10-15 năm chúng ta sẽ liên kết với Mỹ đối trọng Trung Quốc?
Aleksey Arbatov: - Lịch sử các mối quan hệ của chúng ta với Trung Quốc dài và mâu thuẫn. Đã từng có thời kỳ hữu nghị, và có những xung đột gay gắt – chúng ta hãy cùng nhớ lại những trận đánh giành đảo Damanski năm 1969. Và cuối những năm 1970 hai nước đã đứng trên bờ vực của một cuộc chiến tranh quy mô lớn khi Trung Quốc tấn công Việt Nam...
Chính vì vậy mà trong chính trị thì điều gì cũng có thể. Nhưng tốt hơn cả, dĩ nhiên, là không liên kết với bất kỳ ai trong số các cường quốc, mà nên giữ một sự cân bằng nhất định – để dù vẫn tồn tại những mâu thuẫn không tránh khỏi thì động cơ chiếm ưu thế vẫn là hợp tác vì những lợi ích chung. Đó sẽ là một hệ thống thế giới đa cực có lợi cho chúng ta.
Liên kết với ai đó để chống lại ai đó – đó là một con đường nguy hiểm. Lấy ví dụ, nếu chúng ta (Nga) liên kết với Trung Quốc chống lại Mỹ - thì có nghĩa là không chỉ riêng người Mỹ và các đồng minh của họ ở Châu Âu và Thái Bình Dương chống lại chúng ta (Nga) mà còn cả Ấn Độ và rất nhiều nước khác.
Sẽ bắt đầu một cuộc chiến tranh lạnh mới, mà trong cuộc chiến tranh này, xin nói rõ, là Nga sẽ không còn là một trung tâm sức mạnh chủ yếu nữa, mà nhiều khả năng hơn cả chỉ là đối tác đàn em của Trung Quốc và sẽ bị lôi kéo vào các cuộc xung đột của nước này với Nhật Bản, Ấn Độ, Việt Nam, Nam Triều Tiên và v.v …
Còn Trung Quốc sẽ không bao giờ và vì bất cứ cái gì lại đi đánh nhau vì Crimea và Pridnhestrovie (cho Nga). Trung Quốc buôn bán với Phương Tây nhiều hơn gấp 10 lần so với Nga và nền kinh tế Trung Quốc được xây dựng trên nền tảng này. Cần phải tuyệt đối tránh một kịch bản như vậy (liên kết với Trung Quốc chống Mỹ).
http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/my-khong-the-lam-mu-nga-an-hoa-tu-trung-quoc-3312095/?paged=5
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét