Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp tục gia tăng mạo hiểm trong vấn đề biển Đông trong nỗ lực kiểm soát quân đội nước này, vốn do lục quân đóng vai trò chủ đạo.
"Khuấy bão" biển Đông để thâu tóm quyền lực
Tờ Nikkei Asian Review (Nhật Bản) dẫn lời một cựu quan chức quân đội Trung Quốc nói rằng:
"Hiểu đơn giản, cuộc cải cách quy mô lớn đối với Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) của Tập Cận Bình là một hình thức 'giáng đòn vào lục quân'.
Các hạng mục cải cách có liên quan chặt chẽ với lập trường cứng rắn của ông trong vấn đề biển Đông."
Theo Nikkei, đánh giá trên được đưa ra từ thời điểm những chi tiết trong kế hoạch cải tổ PLA của ông Tập mới xuất hiện và được thực thi vào đầu năm 2016. Nhưng đến nay, dự đoán đó đang trở nên chính xác.
Bằng cụm từ "giáng đòn vào lục quân", quan chức này giải thích rằng ông Tập muốn tước bỏ những đặc quyền đặc lợi đã tồn tại trong một thời gian rất dài của lực lượng này, đồng thời ngăn chặn 7 đại quân khu truyền thống của Trung Quốc bị biến tướng thành "các vương quốc riêng".
Chuỗi hành động thách thức của Trung Quốc trên biển Đông được mở màn khi Tập Cận Bình, từ sau hậu trường, bắt đầu tiến hành kế hoạch to lớn nhằm cải tổ toàn bộ hệ thống quân sự.
Chương trình cải cách cắt giảm 300.000 quân nhân, chủ yếu thuộc lục quân, được ông tuyên bố tại lễ duyệt binh trên quảng trường Thiên An Môn ngày 3/9/2015.
Nikkei cho biết, ông Tập phải đối mặt với sự chống đối mạnh mẽ từ các quan chức cấp cao của lực lượng lục quân hùng mạnh đang tìm cách gìn giữ các lợi ích của họ.
Đối với Tập Cận Bình, dàn dựng một "cuộc khủng hoảng quân sự" là cách thức hiệu quả nhất để thoát khỏi "vũng lầy" đó.
Trong bối cảnh này, tình hình căng thẳng ở biển Đông đã cho nhà lãnh đạo Trung Quốc cái cớ hoàn hảo để cải tổ quân đội. "Cái cớ" đó là gì? Đưa quân đội Trung Quốc sẵn sàng chiến đấu.
Kể từ 2013, Trung Quốc ngông cuồng đẩy nhanh tốc độ xây dựng, bồi lấp trái phép trên 7 thực thể mà nước này xâm chiếm phi pháp ở quần đảo Trường Sa, thuộc chủ quyền Việt Nam, làm leo thang căng thẳng khu vực.
Mùa hè 2014 đánh dấu động thái hung hăng gây quan ngại rộng rãi của Bắc Kinh khi nước này trắng trợn đưa trái phép giàn khoan Hải dương 981 vào hoạt động và gây hấn sâu trong vùng Đặc quyền kinh tế, Thềm lục địa của Việt Nam, đe dọa nghiêm trọng đến an ninh, an toàn hàng hải trên biển Đông.
Những "cơn sóng ngầm" ở biển Đông đã khiến Mỹ và Nhật Bản phải hành động. Dù đứng ngoài các tranh chấp trên biển Đông, chính phủ Mỹ, Nhật chủ yếu phản đối hành động quân sự hóa của Bắc Kinh và việc nước này đe dọa quyền tự do hàng hải qua vùng biển quốc tế này.
Hai lực lượng giúp ông Tập đánh bật thế lực truyền thống
Trong guồng quay của cuộc cải tổ, 4 cơ quan trung ương của PLA đã được thay thế bằng 15 bộ phận quy mô nhỏ hơn, 7 đại quân khu được tái cơ cấu thành 5 chiến khu, cùng với đó là sự "thay máu" nhân sự.
Hải quân và Không quân Trung Quốc, vốn đóng vai trò "hạng hai" sau Lục quân và khá mờ nhạt, thì hiện nay đã chứng kiến sự gia tăng quan trọng về quyền lực.
Trong bất kỳ cuộc chiến nào trong tương lai mà Trung Quốc tham gia, dù là ở biển Đông, Hoa Đông hay Thái Bình Dương, đây sẽ là hai lực lượng đóng vai chò then chốt chứ không phải các lực lượng trên bộ.
Mục tiêu hàng đầu trong cuộc cải tổ của Tập Cận Bình là gia tăng sức mạnh cho lực lượng trên biển và trên không, xây dựng lực lượng tên lửa và thiết lập chuỗi cơ chế ra mệnh lệnh tập trung.
Bên cạnh Hải quân và Không quân được trao quyền tương tương Lục quân, sự ra đời của lực lượng tên lửa và lực lượng hỗ trợ chiến lược, những "thực thể" độc lập, cũng làm giảm ảnh hưởng của Lục quân Trung Quốc.
Kể từ khi trở thành Chủ tịch Quân ủy trung ương Trung Quốc (CMC) vào tháng 11/2012, Tập Cận Bình đã thăng cấp tướng cho 23 quan chức PLA.
Hứa Kỳ Lượng, Phó chủ tịch CMC, là một tướng Không quân. Khác với những người tiền nhiệm như Hồ Cẩm Đào hay Giang Trạch Dân, ông Tập đã đưa rất nhiều quan chức trong Không quân vào những vị trí trọng yếu.
Tập Cận Bình "đâm lao phải theo lao"
Phán quyết hôm 12/7 của Tòa trọng tài thường trực (PCA) về vụ kiện biển Đông, do Philippines đệ đơn chống lại Trung Quốc, đã bác bỏ hoàn toàn cái gọi là "quyền lịch sử" của Trung Quốc ở biển Đông và căn cứ pháp lý của yêu sách "Đường 9 đoạn".
Đây là một đòn giáng nặng nề vào uy tín cầm quyền của Tập Cận Bình. Ông Tập ngay lập tức tuyên bố ngông cuồng rằng trong bất cứ tình hình nào, "chủ quyền lãnh thổ và các quyền, lợi ích hàng hải của Trung Quốc trên Biển Đông đều không chịu ảnh hưởng từ phán quyết của PCA".
Nikkei bình luận, nếu thể hiện bất kỳ dấu hiệu "dao động" nào, ông Tập có thể đối diện với nguy cơ bị chống đối mạnh từ chính Hải quân và Không quân, những thế lực đang "chống lưng" cho ông. Điều này thậm chí có thể trở thành "đòn chí mạng" với sự nghiệp của ông.
Trong cuộc gặp Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Washington vào tháng 9/2015, ông Tập cam kết không quân sự hóa biển Đông".
Nhưng sau phán quyết PCA, Tư lệnh Hải quân Trung Quốc Ngô Thắng Lợi hôm 18/7 đã tuyên bố thẳng thừng với Tư lệnh Hải quân Mỹ John Richardson rằng Trung Quốc "sẽ tiếp tục xây dựng (trái phép-PV) trên các đảo đá ở biển Đông như kế hoạch".
Tướng Ngô là quan chức cấp cao đầu tiên của Trung Quốc đưa ra tuyên bố kể trên.
Nikkei cho rằng, Ngô không thể lên tiếng mà chưa được sự thông qua của Tập Cận Bình. Phát ngôn của ông này dường như phản ánh một thực tế "bất thành văn": Các dự án (phi pháp-PV) trên các đảo, đá ở biển Đông được thực hiện theo sáng kiến của quân đội.
Hôm 27/7, hai ngày sau khi Trung Quốc kết án chung thân cựu Phó chủ tịch CMC Quách Bá Hùng và trước thềm kỷ niệm ngày thành lập PLA (1/8), Tập Cận Bình triệu tập cuộc họp với các quan chức cấp cao quân đội, được cho là động thái truyền đạt thông điệp cảnh cáo.
Cuộc họp diễn ra trước kỳ nghỉ hè thường niên của các lãnh đạo đương nhiệm và về hưu củađảng Cộng sản Trung Quốc tại Bắc Đới Hà, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc.
Năm nay, "hội nghị không chính thức" Bắc Đới Hà được dự đoán là cuộc thảo luận giữa các lãnh đạo cũ-mới về định hướng thay đổi nhân sự Trung Nam Hải tại Đại hội XIX của ĐCSTQ, diễn ra vào mùa thu 2017.
"Thay đổi nhân sự" là trung tâm cuộc cạnh tranh về quyền lực giữa Tập Cận Bình với các đối thủ chính trị, Nikkei cho biết.
Nếu duy trì được sự kiểm soát cao độ đối với PLA, sẽ không có gì lay chuyển được vị thế của ông Tập. Nhưng điều đó đồng nghĩa với cho đến cuối (nhiệm kỳ), Tập Cận Bình không có lựa chọn khác ngoài tiếp tục "chĩa súng" ra biển Đông.
http://soha.vn/dong-co-nao-khien-tap-can-binh-bat-chap-rui-ro-tren-bien-dong-20160807115704983.htm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét