Thứ Hai, 15 tháng 8, 2016

Nguy cơ chiến tranh Mỹ -Trung: Không thể tránh khỏi?

Lược trích:
"... Chiến lược của Trung Quốc hoàn toàn khác xa so với Hoa Kỳ ... 
... “Trong khi phương Tây đánh giá cao các cuộc đụng độ quyết định và nhấn mạnh những kỳ công của chủ nghĩa anh hùng, Trung Quốc nhấn mạnh sự tinh tế, gián tiếp và sự tích lũy kiên trì từ những lợi thế tương đối”...
...“Sự cân bằng của các lực lượng thay đổi theo từng nước đi, khi các kỳ thủ triển khai chiến lược và phản ứng với các nước đi của đối thủ. Nếu cờ vua là một trận chiến quyết định, cờ vây là một chiến dịch kéo dài”... 
... Vì vậy, có thể thấy nếu càng kéo dài thời gian, Hoa Kỳ càng mất lợi thế trong việc đối đầu với Trung Quốc ở biển Đông và Hoa Đông ..."
-------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Sau phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế về sự phi pháp của Đường lưỡi bò do Trung Quốc đơn phương dựng nên, tình hình trên biển Đông ngày một căng thẳng. Nguy cơ một cuộc chiến ngày càng hiển hiện.
Từ sau phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế về sự phi pháp của Đường lưỡi bò do Trung Quốc đơn phương dựng nên, tình hình trên biển Đông ngày một căng thẳng. Mới đây nhất, Tân Hoa xã trích lời Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc kêu gọi quân đội, cảnh sát và toàn dân chuẩn bị cho một cuộc “chiến tranh trên biển” để bảo vệ toàn vẹn đất nước.
Trước những xung đột về hàng hải, chính trị và kinh tế giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, cho đến nay có rất nhiều chuyên gia tin rằng một cuộc chiến tranh giữa 2 siêu cường này là điều khó tránh khỏi. Thậm chí, một số tin rằng chiến tranh đã bí mật diễn ra.
Trong khi thị sát một căn cứ quân sự ở tỉnh Chiết Giang gần đây, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn cảnh báo các tướng lĩnh về tình hình an ninh quốc gia, đặc biệt các mối đe dọa trên biển. Quân đội, các lực lượng thực thi luật pháp và toàn thể công dân Trung Quốc phải sẵn sàng cho một lệnh tổng động viên trong một cuộc chiến tranh nhân dân trên biển.
Khi nền kinh tế của Trung Quốc đang chậm lại, họ Tập chịu áp lực gia tăng trong nước nên phải tìm cách khác để chứng minh sự tiến bộ của Trung Quốc dưới triều đại lãnh đạo của ông. Trong khi đó quyền kiểm soát của Bắc Kinh trên biển Đông sau hơn một thế kỷ dưới sự thống trị nước ngoài đang khẳng định vai trò này. Tuy nhiên, nếu không làm được như vậy, các nhà phân tích tin rằng quyền lực của ông Tập sẽ bị đe dọa.
Công chúng cần được giáo dục về các vấn đề quốc phòng, vì chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ có nguy cơ” – ông Thường nói. Trước đó, trong một cuộc họp kỷ niệm 89 năm ngày thành lập Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) cuối tháng trước, ông Thường khẳng định “PLA hùng mạnh với 2,3 triệu binh lính tuyệt đối tự tin vào khả năng giải quyết các mối đe dọa an ninh và hành động khiêu khích”.
Mới đây ngày 2/8, Tòa án tối cao của Trung Quốc (SPC) đã ban hành một quy định ngang ngược, khẳng định quyền tài phán của nước này với lãnh thổ và lãnh hải bao gồm cả vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý (EEZ). SPC cảnh báo công dân cũng như người nước ngoài sẽ bị truy trách nhiệm hình sự đối với các hành vi, như đánh bắt trái phép hoặc giết chết động vật hoang dã đang bị đe dọa trong khu vực. SPC cảnh cáo bất kỳ tàu thuyền đánh cá không chịu rời khỏi vùng biển của Trung Quốc, hay đánh bắt cá trái phép hơn một lần trong một năm sẽ bị phạt tiền, thủy thủ đoàn có thể bị tù giam một năm.
Quy định của SPC khiến những nước trong khu vực cảm thấy quyền lợi bị đe dọa, vì nó không nói rõ những vùng biển nào thuộc quyền tài phán của Trung Quốc. Một quan chức chịu trách nhiệm giải thích các vấn đề liên quan của SPC hôm 2/8 đã ngang nhiên tuyên bố với Tân Hoa xã rằng, quyền tài phán của nước này đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, bãi cạn Scarborough, 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam) cùng những vùng biển lân cận là “không bị gián đoạn”. Giới quan sát cho rằng cách diễn giải này nhiều khả năng nhằm tạo cơ sở để Bắc Kinh đối phó với các chiến dịch tự do hàng hải Hoa Kỳ từng nhiều lần thực hiện ở Biển Đông.
Ở một cấp độ, xung đột giữa Bắc Kinh và Washington là tranh chấp về lãnh thổ. Bắc Kinh khẳng định gần như toàn bộ biển Đông, gồm các đảo, rạn san hô và đá ngầm đến cá và năng lượng dự trữ dưới nước… trong lịch sử đã thuộc về Trung Quốc. Tuy nhiên, Hoa Kỳ xem biển Đông là vùng biển quốc tế, ít nhất cho đến khi những tranh chấp của các nước liên quan được giải quyết. Đồng thời Washington cho rằng chỉ có Hải quân Hoa Kỳ mới đáng tin cậy trong việc đảm bảo tự do hàng hải ở vùng biển này, với những tuyến hàng hải quan trọng nhất thế giới.
Trung Quốc tuyên bố rằng chủ quyền của họ trên biển Đông đã tồn tại hàng ngàn năm. Tuy nhiên, lịch sử ghi lại những tranh chấp hiện nay chỉ xuất hiện khoảng 130 năm trước, khi nhiều nước châu Âu đi qua đường biển này. Hơn một thế kỷ sau đó, vùng biển này hình thành một phần của Đông Dương thuộc Pháp, sau đó là đế chế Thái Bình Dương của Nhật Bản, và sau Thế chiến thứ II, Hải quân Hoa Kỳ có vai trò như nước quản lý vùng biển này. Và trong những năm 1970, các mỏ dầu và khí đốt đã được phát hiện dưới đáy biển, khiến Philippines, Malaysia, Brunei và Đài Loan đều có yêu sách với khu vực. Mới đây, Tòa Trọng tài quốc tế đã tuyên bố yêu sách của Trung Quốc đối với biển Đông là hoàn toàn phi pháp và vô căn cứ. Tuy nhiên, Bắc Kinh đã bất chấp và khăng khăng áp đặt quan điểm của mình, càng làm thổi bùng những căng thẳng.
Ở cấp độ lớn hơn, xung đột xoay quanh sự nổi lên của Trung Quốc như một cường quốc trong khu vực và đe dọa sự kiểm soát của Hoa Kỳ trên Thái Bình Dương. Nó cũng liên quan đến những xung đột với hệ thống các quy tắc quốc tế và các định chế Washington và các đồng minh tạo ra sau thế chiến thứ II. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhiều lần phàn nàn hệ thống này ủng hộ Hoa Kỳ trong khi ngăn chặn Bắc Kinh vươn lên như là thế lực thống trị ở châu Á.


nổ
Vụ nổ lớn đã xảy ra ở Thiên Tân một ngày sau khi Trung Quốc phá giá NDT vào tháng 8/2015. Ảnh: Sài Gòn Đầu tư

Tháng 9/2015, nhà phân tích Mike Adams của Natural News cho rằng, một cuộc chiến ngầm giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ đã bắt đầu. Adams đưa ra những lý lẽ cho nhận định của mình. Thứ nhất, những vụ nổ đáng ngờ liên quan đến Trung Quốc và Hoa Kỳ. Đầu tiên là vụ nổ lớn đã xảy ra ở Thiên Tân một ngày sau khi Trung Quốc phá giá NDT, ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế Hoa Kỳ. Vài tuần sau đó, vụ nổ khác xảy ra ở 1 kho đạn dược và hóa chất của Hoa Kỳ. Có bằng chứng rõ ràng cho thấy nhiều khả năng đó là sự phá hoại hơn là tai nạn. Thứ hai, ngày 2/9/2015, 5 tàu hải quân Trung Quốc lần đầu tiên được phát hiện cách bờ biển Alaska của Hoa Kỳ 12 hải lý. Và cuối cùng, trong lễ kỷ niệm Ngày chiến thắng năm 2015, Trung Quốc đã phô diễn sức mạnh quân sự quá mức cần thiết, trong đó có việc khoe tên lửa Đông Phong 21D được cho là có khả năng nhấn chìm tàu sân bay chỉ bằng một cú bắn.
Trước khi Tòa Trọng tài có phán quyết về Đường lưỡi bò, giới quan sát đã dự báo khi nhận được phán quyết bất lợi, Trung Quốc sẽ gia tăng các hành vi phi pháp, chẳng hạn đẩy mạnh các hoạt động cải tạo đảo, áp đặt các lệnh cấm xâm nhập và đánh bắt ở những vùng biển tranh chấp… Và điều đó đang diễn ra. Điều này tạo xung đột với Hoa Kỳ khi các lực lượng Trung Quốc có thể sẽ kiểm soát các chuyến bay do thám của Lầu Năm góc. Hoặc họ có thể làm cái gì đó thậm chí còn khiêu khích hơn. Khi đó, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama từng cảnh báo Trung Quốc rằng các biện pháp như vậy sẽ thúc đẩy sự phản ứng đáng kể của Hoa Kỳ, bao gồm cả hành động quân sự.
Trong bàn cờ địa chính trị ngày càng căng thẳng giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ ở cả biển Đông và biển Hoa Đông, nhiều người đặt vấn đề về tương quan sức mạnh giữa Bắc Kinh và Washington.
Chúng ta có thể tìm được câu trả lời sau khi xem xét các mặt quân sự, kinh tế và thậm chí văn hóa, cũng như tầm nhìn chiến lược của các nhà lãnh đạo ở cả 2 quốc gia. Về quân sự, không ai có thể phủ nhận được rằng quân đội Trung Quốc vẫn đứng sau Hoa Kỳ trong mọi lĩnh vực. Một vài con số để so sánh: Trung Quốc hiện có 2,35 triệu quân nhân chính quy so với 1,4 triệu ở Hoa Kỳ, nhưng quy mô khí tài quân sự của Hoa Kỳ vượt xa Trung Quốc. Máy bay quân sự các loại 13.000/3.000 chiếc; máy bay trực thăng 6.000/800; máy bay trực thăng tấn công 957/200; máy bay chiến đấu 2.308/1.230 chiếc; máy bay vận tải 6.000/782 chiếc.
Tuy nhiên, Trung Quốc vượt một chút so với Hoa Kỳ về số xe tăng, với 9.150 chiếc so với 8.848 xe và nhiều hơn Hoa Kỳ 6 lần về pháo binh. Tuy nhiên, pháo binh là loại tài sản không đáng kể trong chiến tranh hiện đại, trong khi xe tăng chủ lực của Hoa Kỳ, M1 Abrams, chưa bao giờ bị phá hủy vì hỏa lực của đối phương. Về số tàu, Trung Quốc vượt trội với 2.030 tàu thương mại, so với Hoa Kỳ chỉ 393 tàu. Cần nhớ rằng Trung Quốc thường không sử dụng Hải quân ở biển Đông và Hoa Đông, mà thường dựa vào lực lượng bảo vệ bờ biển và tàu cá, tàu thương mại để thực hiện các chính sách ngang ngược của mình.
Trung Quốc có 68 tàu ngầm, chủ yếu là động cơ diesel-điện, so với 75 tàu ngầm hạt nhân của Hoa Kỳ. Đáng lưu ý, tàu ngầm của Hoa Kỳ gồm tàu ngầm tấn công, tàu ngầm tên lửa đạn đạo và tàu ngầm tên lửa hành trình, tất cả đều vượt trội rất xa so với Trung Quốc. Tàu ngầm của Hải quân Hoa Kỳ thuộc diện có công nghệ cao nhất trên thế giới, có thể đưa các đội đặc nhiệm SEAL vào khu vực kẻ thù, phóng tên lửa đạn đạo, bắn hạ tàu và tàu ngầm đối phương, thực hiện các nhiệm vụ trinh sát và cứu hộ, phục vụ như một nền tảng cho vũ khí hạt nhân.
Sức mạnh thực sự của Hoa Kỳ về khí tài quân sự chính là tàu sân bay. Hoa Kỳ có 19 tàu sân bay hạt nhân, trong đó 10 tàu được xem là siêu tàu sân bay. Tàu sân bay của Hoa Kỳ rất lớn và có mã bưu điện riêng. Trong khi đó, Trung Quốc chỉ có 1 tàu sân bay Liêu Ninh cũ kỹ tải trọng 55.000 tấn (chỉ bằng 1 nửa kích thước tàu lớp Nimitz của Hoa Kỳ) chạy bằng dầu diezel. Giới quan sát gọi tàu sân bay của Trung Quốc “hổ giấy” vì tàu sân bay duy nhất của họ hiện nay, cũng như những con tàu sân bay đang được đóng, không chiếc nào có cùng độ choáng nước cũng như công nghệ hiện đại như tàu của Hoa Kỳ.
Hơn nữa, ngân sách quốc phòng của Hoa Kỳ lên tới gần 600 tỷ USD, gấp hơn 3 lần so với ngân sách 155,6 tỷ USD của Trung Quốc. Nhưng con số chỉ là một phần của câu chuyện. Công nghệ và kinh nghiệm cũng là thế mạnh của Hoa Kỳ. Và dù công nghệ vũ khí của Trung Quốc đang tiến bộ rất nhanh, nhưng các chuyên gia đồng ý rằng vẫn ở sau Hoa Kỳ ít nhất 1 thế hệ.
Hơn nữa, trong khi quân đội Hoa Kỳ thường xuyên tham gia các chiến trường trong gần 2 thập niên qua, quân đội của Trung Quốc không có kinh nghiệm chiến đấu hiện đại. Lần cuối cùng nước này tham chiến trong mặt trận lớn là chiến tranh Triều Tiên vào đầu thập niên 1950. Do đó, cách huấn luyện của quân đội Trung Quốc cũng bị cho đã lạc hậu.


tàu sân bay
Siêu tàu sân bay USS John C. Stennis (trái) của Hoa Kỳ có tải trọng tới 100.000 tấn. Ảnh: Sonarnavigator

Từ thực tế, có thể khẳng định Trung Quốc vẫn không thể theo kịp với quân đội Hoa Kỳ trên chiến trường toàn cầu. Bắc Kinh thiếu chuyên môn, học thuyết và thiết bị quân sự để làm điều đó. Một vấn đề nhiều người đặt ra là tại sao Hoa Kỳ vượt trội về sức mạnh quân sự như vậy nhưng cho tới nay vẫn chọn cách đứng nhìn Trung Quốc hung hăng chiếm đất, chiếm đảo, xây đảo nhân tạo, xây sân bay ở biển Đông và thiết lập khu vực xác định phòng không (ADIZ) ở biển Hoa Đông.
Theo giới quan sát, không phải Hải quân Hoa Kỳ khoanh tay đứng nhìn, mà do sự kìm hãm của Washington. Vào tháng 4, tờ Thời báo Hải quân Hoa Kỳ đưa tin người đứng đầu quân đội Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương, Đô đốc Harry Harris, đề xuất “một phản ứng cơ bắp” đối với hành vi xây dựng đảo phi pháp của Trung Quốc, có thể bao gồm đưa máy bay và tiến hành các hoạt động quân sự cách các hòn đảo nhân tạo chỉ trong vòng 12 hải lý. Nhưng tại sao Nhà Trắng lại do dự trong việc tận dụng lợi thế quân sự để chống lại sự vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế của Trung Quốc?
Thứ nhất, trong khi Hoa Kỳ có lợi thế về khí tài quân sự, những khí tài này lại phân bố quá rộng trên khắp thế giới, còn Trung Quốc đang tập trung ở trong nước và khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Mặc dù Hoa Kỳ có lực lượng lớn hơn và hiện đại hơn, họ sẽ phải đối mặt với khó khăn rất lớn trong việc bỏ những trận tuyến khác để tập trung vào Trung Quốc.
Thứ hai, chiến lược của Trung Quốc hoàn toàn khác xa so với Hoa Kỳ. Trung Quốc đang tiến hành các hoạt động một cách bài bản, chậm chạp và kiên nhẫn. Cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ kiêm chuyên gia về Trung Quốc, TS. Henry Kissinger, đã có đánh giá khá thú vị trong cuốn sách năm 2011 của ông về Trung Quốc: “Trong khi phương Tây đánh giá cao các cuộc đụng độ quyết định và nhấn mạnh những kỳ công của chủ nghĩa anh hùng, Trung Quốc nhấn mạnh sự tinh tế, gián tiếp và sự tích lũy kiên trì từ những lợi thế tương đối”.
Điều này có thể nhìn thấy qua trò cờ vua của phương Tây và trò cờ vây của Trung Quốc. Cờ vua có mục tiêu cuối cùng là đạt tới chiến thắng tuyệt đối bằng cách bắt vua của đối phương. Tuy nhiên, cờ vây ở Trung Quốc không nhắm tới một chiến thắng tuyệt đối, nhưng chiến thắng bằng cách bao vây chiến lược.
Trong trò chơi, nhiều sự đối đầu đồng thời diễn ra tại các khu vực khác nhau trên bàn cờ. “Sự cân bằng của các lực lượng thay đổi theo từng nước đi, khi các kỳ thủ triển khai chiến lược và phản ứng với các nước đi của đối thủ. Nếu cờ vua là một trận chiến quyết định, cờ vây là một chiến dịch kéo dài” – Kissinger viết. Và chính chiến dịch kéo dài này mang lại cho Trung Quốc lợi thế so với Hoa Kỳ trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, từ biển Đông và Hoa Đông, cho đến việc đối phó với các đối thủ trong khu vực cũng như trong thương mại. Vì vậy, có thể thấy nếu càng kéo dài thời gian, Hoa Kỳ càng mất lợi thế trong việc đối đầu với Trung Quốc ở biển Đông và Hoa Đông.
https://tinbiendong.org/nguy-co-chien-tranh-my-trung-ky-1-khong-the-tranh-khoi/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét