Sau khi Moscow tuyên bố dừng đàm phán dự án “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ”, Tổng thống Erdogan vừa bắn tín hiệu từ bỏ nguồn cung cấp khí đốt của Nga.
Hủy “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ”, Ankara đoạn tuyệt khí đốt Nga?
Trong một bài phát biểu trên truyền hình quốc gia ngày 5-12, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho biết, Ankara có thể tìm kiếm các đối tác năng lượng mới để thay thế Nga. Ông Erdogan cho rằng nước này “hoàn toàn có thể tìm kiếm các nguồn cung ứng mới từ Qatar và Azerbaijan.
Tuyên bố này được phát đi trong bối cảnh quan hệ Moscow - Anakra rơi vào cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất sau thời Chiến tranh Lạnh, sau vụ việc 2 chiếc máy bay tiêm kích F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay ném bom tiền tuyến Su-24 của Nga hôm 24-11 vừa qua.
Trong một bài phát biểu ngày 3-12, Bộ trưởng năng lượng Nga Alexander Novak đã chính thức tuyên bố đình chỉ đàm phán xây dựng tuyến đường ống “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ”. Ngoài ra, Moscow cũng tuyên bố đóng băng kế hoạch triển khai công trình xây dựng nhà máy điện hạt nhân "Akkuyu".
Còn nhà lãnh đạo Gazprom Alexey Miller tuyên bố Nga tôn trọng các hợp đồng đã ký và việc cung cấp khí đốt của Nga hiện tại không rơi vào phạm vi cấm vận, chúng sẽ được thực thi đúng theo các điều khoản hợp đồng đã ký kết với Thổ Nhĩ Kỳ.
Đáp trả lại tuyên bố của ông Novak, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan cho rằng đây là “một lời nói dối”, vì chính Ankara mới là người chủ động dừng dự án này trước thời điểm xảy ra vụ bắn rơi Su-24 khá lâu, với lý do Moscow không đáp ứng được các yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ.
Ông Erdogan khẳng định rằng, phía Thổ Nhĩ Kỳ đã chấm dứt các động thái xúc tiến đàm phán với Gazprom. Đồng thời, công ty năng lượng quốc gia Botas của Thổ Nhĩ Kỳ đang có kế hoạch mở thầu xây dựng đường ống nhập khẩu khí đốt từ vùng lãnh thổ của người Kurd (Kurdistan) Iraq đến nước này.
Moscow-Ankara căng thẳng, “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ” có thể sớm chết yểu
|
Tổng thống Erdogan nhấn mạnh, dù Nga chưa thực sự phát đi bất kỳ tín hiệu nào cho thấy leo thang căng thẳng trong quan hệ song phương sẽ ảnh hưởng đến quan hệ đối tác chiến lược về năng lượng, nhưng Ankara thấy cần thiết phải đi tìm những nhà cung cấp mới.
Cũng trong tuần vừa qua, đích thân ông Erdogan đã có chuyến thăm tới Qatar, và hai bên ký được một hợp đồng mua bán khí hóa lỏng (LNG). Cùng lúc, Thủ tướng Ahmet Davutoglu cũng thực hiện chuyến đi tới Azerbaija để có được cam kết tăng lượng khí đốt nhập khẩu.
Thổ Nhĩ Kỳ là nước phụ thuộc gần như hoàn toàn vào năng lượng nhập khẩu từ bên ngoài, với tỉ lệ lên đến 90,5% đối với dầu mỏ và 98,5% với khí đốt.
Quốc gia này là khách hàng tiêu thụ khí đốt lớn thứ 2 của Nga, chỉ sau Đức, với lượng nhập khẩu đạt 27,4m3 khí trong năm 2014, chiếm khoảng 58% thu nhập khí đốt phục vụ tiêu dùng nội địa.
Tuy nhiên, những hợp đồng đã ký của nước này đều nhỏ và gặp nhiều khó khăn trong việc vận chuyển về nước này, bởi Qatar nằm ở rất xa Thổ Nhĩ Kỳ. Hơn nữa, Ankara sẽ phải mua theo giá thị trường rất cao, không còn nhận được mức giá ưu đãi giảm giá khí đốt 100USD/1000m3 của Nga.
Để giải quyết những lo ngại về tình trạng có thể thiếu khí đốt tự nhiên,, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan cho biết thêm, nước này có thể sử dụng các nguồn tài nguyên năng lượng tái tạo sẵn có để thay thế nguồn cung từ Nga.
Su-24 rơi, “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ” đứt dường như là một cái bẫy?
“Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ” là dự án xây dựng đường ống dẫn khí đốt dưới Biển Đen từ Nga sang Thổ Nhĩ Kỳ và chạy sang Hy Lạp. Hai nước đã thỏa thuận triển khai thực hiện dự án này tại Ankara ngày 1 tháng 12 năm 2014, tuy nhiên hiệp định liên chính phủ chưa được ký.
Tuyến đường ống dẫn khí “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ” này có tổng chiều dài 1100 km, công suất 63 tỷ mét khối/năm, chạy từ Nga, đi qua biển Đen đến Thổ Nhĩ Kỳ. Đường ống sẽ mang đến biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Hy Lạp tới 47 tỷ m2 khí đốt, để chuyển tiếp tới châu Âu.
Theo dự kiến ban đầu, thỏa thuận liên chính phủ về đường ống dẫn khí mới này dự kiến sẽ được ký kết trong quý hai năm 2015 và lượng khí đốt đầu tiên được cung cấp vào tháng 12 năm 2016.
Các cuộc đàm phán về đường ống dẫn khí đốt "Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ" được tiến hành đã một năm nay. Thoạt đầu, dự án có vướng mắc về cấu trúc gói giao kèo, bởi sự đồng ý cho xây dựng đường ống dẫn khí bị Thổ Nhĩ Kỳ ra giá bằng mức giá ưu đãi về khí đốt của Nga.
Tuy nhiên, vào giữa tháng 5 vừa qua, tờ Kommersant của Nga cho biết, công trình xây dựng đường ống "Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ" bị trì hoãn bởi tình hình cuộc đàm phán kéo dài giữa tập đoàn Nga Gazprom và tập đoàn Nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ Botas.
Thổ Nhĩ Kỳ đã đồng ý về tỷ lệ ưu đãi giảm giá khí đốt, nhưng lại không chấp thuận đề xuất của Nga về một số yếu tố khác của hợp đồng sẽ ký kết. Tờ "Kommersant" nhận xét rằng, cuộc đàm phán kéo dài từ tháng 4 đã gặp phải điểm bế tắc, các bên đang cố gắng "bắt bẻ nhau".
Moscow đã đầu tư tới gần 5 tỷ USD cho phần đường ống chạy trên phần lãnh thổ Nga ở Biển Đen (Ảnh minh họa)
|
Trong khi đó, tập đoàn Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đều bị thiệt hại nặng, "Gazprom" đã mất mấy trăm triệu euro cho các tàu chở các đoạn đường ống, còn phía Thổ Nhĩ Kỳ cũng không được hưởng mức giảm giá khí đốt mà Nga vừa đồng ý, do đó không được hưởng mức giá ưu đãi của Nga.
"Gazprom" muốn sớm khởi công xây dựng "Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ", tuy nhiên Ankara đã ngăn chặn kế hoạch này, đồng thời gia tăng mức nhập khẩu khí gas hóa lỏng từ một số quốc gia châu Á, khiến mức cung cấp từ Nga đến Thổ Nhĩ Kỳ trong tháng 4-2015 đã bị sụt khoảng 38%.
Trung tuần tháng 11 vừa qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin bày tỏ hy vọng rằng, tân nội các Thổ Nhĩ Kỳ vừa được bầu hồi đầu tháng 11 sẽ nối lại đàm phán dự án. Tuy nhiên, sự kiện Ankara bắn rơi máy bay Su-24 đã khiến “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ” tiếp tục bị đình chỉ vô thời hạn.
Khi Moscow chuyển hướng sang “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ” và chấm dứt dự án “Dòng chảy phương Nam”, lúc đó Nga đã đầu tư tới tới 5 tỷ USD cho tuyến đường ống chạy trên phần lãnh thổ Nga ở Biển Đen. Việc Moscow và Ankara đoạn tuyệt quan hệ có thể bị khiến Nga mất trắng số tiền khổng lồ này.
Do đó, sự việc Ankara cố tình gây khó dễ cho tuyến đường ống “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ” và vụ Su-24 bị bắn rơi khiến 2 bên đoạn tuyệt quan hệ có điều gì đó không ổn, dường như Nga đã dính vào một cái bẫy mà ai đó đã giăng sẵn chờ Moscow chui đầu vào để lâm vào bế tắc.
http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/su-24-roi-dong-chay-tho-nhi-ky-dut-nga-roi-vao-bay-3294272/?paged=2
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét