Một khi dễ dãi trong việc cầm đồng tiền của nước khác, thậm chí chấp nhận
những "quà tặng miễn phí" từ xe hơi cho đến điện thoại cầm tay thì không
dễ gì thoát.
Ngày 8.12 – một tháng sau ngày bầu cử tại Myanmar, mang lại chiến thắng vang dội cho NLD và bà Aung San Suu Kyi, tuy nhiên, chiến thắng ấy bây giờ chỉ còn là dư âm trong đời sống xã hội ở Myanmar.
Chẳng lẽ người dân Myanmar mau chóng quên đi một chiến thắng vĩ đại trong lịch sử dân tộc mà họ là tác nhân quan trọng nhất làm nên chiến thắng ấy? Chắc chắn không phải vậy.
Bà Aung San Suu Kyi, ảnh: The Japan Times. |
Ngay sau khi cuộc bầu cử kết thúc, hàng loạt các nhà lãnh đạo trên thế giới đã gửi lời chúc mừng tới Tổng thống Thein Sein vì nên dân chủ tại Myanmar đã được đảm bảo.
Người ta gửi lời chúc mừng tới bà Aung San Suu Kyi vì cuộc đấu tranh không mệt mỏi cho tự do, dân chủ đã đạt kết quả. Và trong tất cả những lời chúc chúc mừng ấy, các nhà lãnh đạo thế giới đều cho rằng thành công của cuộc bầu cử là chiến thắng của người dân, dân tộc Myanmar.
Khi những người ủng hộ NLD ăn mừng chiến thắng thì cũng là lúc những người ủng hộ đảng cầm quyền chấp nhận thua cuộc. Và dư luận quốc tế không thấy có những xung đột của hai lực lượng này, như vẫn thường xảy ra trên không ít quốc gia khác sau một cuộc tổng tuyển cử.
Yếu tố nào đã làm nên điều kỳ diệu ấy? Đó chính là sự đoàn kết và tự trọng dân tộc, đảm bảo tính độc lập của chính quyền và nhân dân Myanmar trong việc giải quyết vấn đề của đất nước mình mặc dù các cường quốc vẫn tìm cách tác động, gây ảnh hưởng để lái Myanmar theo ý đồ của họ.
Đoàn kết dân tộc, hành xử văn minh
Đầu tiên, phải khẳng định rằng, lãnh đạo chính quyền và lãnh đạo phe thắng cử đều đã đặt lợi ích dân tộc lên trên hết nên họ xem chiến thắng này là chiến thắng của dân tộc, của đất nước Myanmar, và làm cho ranh giới giữa “người thắng kẻ thua” gần như bị xóa nhòa.
Với những người cầm quyền mà đứng đầu là Tổng thống Thein Sein và các lãnh đạo quân đội - đang là đại diện cho chủ quyền quốc gia Myanmar - cho thấy họ không bị ảnh hưởng bởi kết quả của cuộc bầu cử. Điều đó xuất phát từ việc họ đã chọn đảm bảo lợi ích dân tộc là nền tảng cho họ trong công việc quản lý và điều hành đất nước cả trước, trong và sau bầu cử.
The Bangkok Post ngày 28/10 đã từng phản ánh về sự tự tin của đảng cầm quyền trong cuộc bầu cử': Chiến thắng và tất cả mọi thứ là hoàn hảo. Tin Maung Win, ứng cử viên của đảng USDP tại Mingaladon, Yangon, đã nói rằng họ thể giành chiến thắng 75% số phiếu bầu. "Vâng, đó là sự thật ... chúng tôi sẽ giành chiến thắng dễ dàng" ông ta nói với AFP.
Song thực tế thì phần thắng dễ dàng ấy lại thuộc về NLD, nhưng chính quyền không có những hành động mang tính “trả thù chính trị” vì thực ra họ đã xem chiến thắng trong cuộc bầu cử là chiến thắng của đất nước Myanmar, nên họ không phải là người thua cuộc mà chỉ là người về sau trong một cuộc bầu cử tự do.
Bà Aung San Suu Kyi và Tổng thống Thein Sein, ảnh: AP. |
Dường như họ cũng tin chắc là họ sẽ không phải nhận bất cứ sự “trả thù chính trị” nào khi NLD lên nắm quyền vì trả thù họ có nghĩa là bắn vào tự do, dân chủ và chà đạp lên lợi ích dân tộc. Đất nước Myanmar đã làm cho cả thế giới ngạc nhiên về sự đoàn kết xã hội sau cuộc bầu cử.
Chỉ hòa giải, không thù hận
Cá nhân bà Aung San Suu Kyi cũng như đảng NLD không thể hiện sự vui mừng quá mức mà khoét sâu mâu thuẫn xã hội, mà quên đi sự trân trọng những ai, những lực lượng nào đã đảm bảo vị thế cho họ hiện nay.
Những người thắng cử vẫn tuân thủ luật pháp và tạo điều kiện để chính quyền thực hiện tốt công việc của mình trước khi hoàn thành sứ mệnh lịch sử và điều đó giúp cho chủ quyền quốc gia được giữ vững và tăng cường, cũng đồng thời đảm bảo cho quyền lợi của họ.
Trong những ngày qua, sinh hoạt chính trị tại Myanmar chỉ xoay quanh vấn đề chuyển giao quyền lực mà tính chất của nó được những người trong cuộc xem như việc chuyển giao trọng trách quản lý và điều hành đất nước giữa những người đã hoàn thành vai trò lịch sử và những người kế tục sự nghiệp mà lịch sử giao phó.
Việc đặt lợi ích dân tộc lên trên hết đã là một sự miễn nhiễm với tác động từ những thế lực bên ngoài và mọi vấn đề sau bầu cử tại Myanmar là chuyện nội bộ của đất nước này. Những người sắp hết vai trò lịch sử không đi tìm cho mình một “bãi đáp bình yên”, khi họ không liên hệ với các quốc gia, chế độ hay lực lượng nào để bảo trợ cho họ.
Mặt khác, các tướng lĩnh quân đội vốn đang được hưởng đặc quyền đặc lợi cũng đã không tranh thủ “những giờ phút cuối” đề vun vén cho lợi ích cá nhân. Do đó họ hoàn toàn độc lập với những quyết định của mình dựa trên lợi ích dân tộc, và vì thế chủ quyền quốc gia của Myanmar luôn được giữ vũng.
The Bangkok Post ngày 9/11 đã dẫn lời bà Aung San Suu Kyi nói: "Chúng tôi phải cẩn thận hơn trên con đường phía trước. Chúng tôi muốn tiếp tục con đường của chúng tôi bằng thiện chí cho đất nước và lòng nhân hậu đối với con người. Không có phân biệt đối xử”.
Tự trọng dân tộc giúp Myanmar giữ vững độc lập quốc gia
Với bà Aung San Suu Kyi và NLD thì thắng lợi vang dội của họ chỉ có được khi chính quyền và quân đội vì lợi ích dân tộc mà đảm bảo cho cuộc bầu cử diễn ra tự do và dân chủ một cách suôn sẻ.
Bà Aung San Suu Kyi và Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama. Ảnh: SCMP. |
Vì thế NLD cũng cảm nhận được yếu tố theo chốt trong việc đưa họ lên vũ đài chính trị - 25 năm sau một chiến thắng lịch sử khác - là chủ quyền quốc gia đã được đặt trên nền lợi ích dân tộc.
Suốt mấy chục năm đấu tranh, bà Aung San Suu Kyi đã vận động sự hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế, đặc biệt là từ các cường quốc phương Tây cho sự thay đổi trong đời sống chính trị, xã hội, kinh tế của đất nước mình. Nhưng điều đó không làm bà lệ thuộc.
Trung Quốc từng rót rất nhiều tiền vào quốc gia láng giềng này dưới thời chính quyền quân sự. Và khi nhận thấy làn gió chính trị đã đổi chiều ở Myanmar, ông Tập Cận Bình đã mời bà Aung San Suu Kyi thăm chính thức Trung Quốc chỉ vài tháng trước bầu cử.
Cả phương Tây và Trung Quốc đều không thiếu tiền để vận động hành lang cho những lợi ích chiến lược, chính trị và kinh tế của họ tại quốc gia Đông Nam Á này. Nhưng điều đó không khiến bà Aung San Suu Kyi dao động, dù thực tế cả Myanmar lẫn NLD còn rất nghèo.
Chính sự tự trọng dân tộc trước mọi cám dỗ vật chất đã giúp cho bà Aung San Suu Kyi, NLD và bây giờ là dân tộc Myanmar đứng vững trên đôi chân của mình mà không cường quốc nào có thể can thiệp.
Ngay cả việc đầu tư nước ngoài, dù rất cần vốn để phát triển kinh tế nhưng không phải bằng mọi giá. Myanmar dưới thời Aung San Suu Kyi sẽ xem xét tính hiệu quả và bền vững của đồng vốn đi vay chứ không phải ai cho vay cũng nhận.
Bởi một khi dễ dãi trong việc cầm đồng tiền của nước khác, thậm chí chấp nhận những "quà tặng miễn phí" từ xe hơi cho đến điện thoại cầm tay thì không dễ gì thoát khỏi vòng kiềm tỏa của người tặng, dù với danh nghĩa gì.
Khi bà Aung San Suu Kyi và NLD giành chiến thắng trong cuộc bầu cử thì cũng đồng thời gánh trên vai sức nặng của kỳ vọng, khát vọng của người dân Myanmar mong thoát khỏi cuộc sống khó khăn trong một đất nước nghèo khó sau nhiều năm bị cô lập và tự cô lập với thế giới, nhưng lãnh đạo phe thắng cử vẫn chọn sự độc lập trong quyết định của mình.
Cho đến giờ phút này chưa nghe nói đến việc bà Aung San Suu Kyi liên hệ với quốc gia hay định chế nào để tạo ảnh hưởng có lợi cho mình sau này. NLD vẫn tuyệt đối trung thành với hiến pháp và luật pháp quốc gia, cho dù hiến pháp, luật pháp có những quy định không thuận, thậm chí kiềm chế NLD, chưa đúng với chuẩn mực tự do, dân chủ tại Myanmar.
Trong tương lai, bà Aung San Suu Kyi và NLD không thể tránh khỏi những khó khăn vì còn thiếu kinh nghiệm quản lý và điều hành đất nước, nhưng họ không “chạy chỗ” trước để có sự an toàn sau này, mà vẫn bình thản chỉ chuẩn bị cho việc đón nhận quyền lực theo quy định của luật pháp.
Bà Aung San Suu Kyi và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: AP. |
Sau bao nhiêu năm đấu tranh vì tự do, dân chủ nên NLD hiểu được giá trị của nó chỉ được khẳng định khi lợi ích dân tộc được đảm bảo và chủ quyền quốc gia được giữ vững.
Với những gì đang diễn ra, có thể cảm nhận được rằng những nhà lãnh đạo đương quyền và những nhà lãnh đạo tương lai của đất nước Myanmar xem việc ổn định xã hội là việc làm đầu tiên, trước nhất để đảm bảo cho sự độc lập của mình.
Chắc chắn NLD đã có những kế hoạch cho việc phát triển đất nước, trong đó có chiến lược bang giao quốc tế, nhưng có lẽ điều đó sẽ chỉ được họ công bố khi việc chuyển giao quyền lực kết thúc hòa bình trong một xã hội ổn định.
Đất nước Myanmar đang hồi sinh bằng sức mạnh nội tại, lòng tự trọng dân tộc và tinh thần đoàn kết hòa giải dân tộc – đây là yếu tố quan trọng nhất đảm bảo và phát huy sức mạnh của tự do, dân chủ - những giá trị mà nhân dân, đất nước Myanmar phải đánh đổi bằng cả sức lực và xương máu mới giành được.
Một sức sống mới đã bắt đầu trên đất nước Myanmar thắp lên nhiều hy vọng cho nhân dân Myanmar vào sự đổi thay số phận mà họ chính là người quyết định cho sự đổi thay ấy.
http://giaoduc.net.vn/Quoc-te/Tu-trong-va-doan-ket-lam-nen-suc-manh-cua-dan-toc-Myanmar-post164009.gd
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét