Thứ Hai, 7 tháng 12, 2015

Hiểm họa đường băng Trung Quốc trên biển Đông

Chiến dịch xây trái phép đảo nhân tạo trên biển Đông có thể sắp tăng bốn lần số lượng đường băng sẵn sàng cho quân đội Trung Quốc sử dụng trong vùng biển tranh chấp có vị trí quan trọng chiến lược. Đó sẽ là điều tồi tệ đối với Việt Nam, Philippines và Mỹ, các chuyên gia quốc tế vừa cảnh báo.
 

Ảnh vệ tinh chụp ngày 20/9 cho thấy Trung Quốc đã xây xong đường băng dài, bãi đỗ trực thăng trên đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa. (Ảnh: IHS Jane’s Defence Weekly)

Quá trình xây đảo nhân tạo của Trung Quốc đã chuyển từ giai đoạn mở rộng diện tích bằng cách đổ cát lên các bãi ngầm đá san hô sang xây dựng nhà cửa, bến cảng, và quan trọng nhất là đường băng.
Ảnh hưởng cán cân quyền lực khu vực
Các bức ảnh vệ tinh mà báo chí quốc tế đăng tải gần đây cho thấy, Trung Quốc đang vận hành một đường băng trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, và nước này dường như đang xây 2 hoặc 3 đường băng trên các đảo nhân tạo mới xây thuộc quần đảo Trường Sa.
Những đường băng này có thể “ảnh hưởng đáng kể cán cân quyền lực ở khu vực” với việc giúp tăng cường hiện diện của lực lượng bảo vệ bờ biển và hải quân Trung Quốc, AP vừa dẫn nhận định của ông Euan Graham - Giám đốc Chương trình An ninh Quốc tế tại Viện Lowy (Úc).
Giống như những bước đi khác trên biển Đông, Trung Quốc luôn tỏ ra mập mờ về kế hoạch xây đường băng trên các đảo nhân tạo. Trong cuộc họp báo thường kỳ gần đây, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Wu Qian từ chối cho biết Trung Quốc định xây bao nhiêu hay mục đích của những đường băng này là gì, chỉ nhắc lại rằng tất cả hạ tầng quân sự của họ “chỉ nhằm mục đích phòng vệ”.
Từ năm ngoái đến nay, Trung Quốc đã và đang xây trái phép 7 đảo nhân tạo trên quần đảo Trường Sa, tạo ra hơn 800ha diện tích trên mực nước biển. Bắc Kinh luôn nói rằng, việc xây dựng của họ hợp pháp và không đe dọa sự ổn định khu vực, nhưng hoạt động quân sự hóa trên vùng biển này có vẻ nói lên điều ngược lại, giới quan sát nhận định.
Những lo ngại đó được minh chứng bằng việc Bắc Kinh hồi tháng 10 đưa các máy bay chiến đấu J-11BH/BHS tiên tiến của hải quân ra đảo Phú Lâm - nơi có đường băng dài 2,4km. Thông tin này vừa được tiết lộ trên truyền thông Trung Quốc và quốc tế, nhưng quân đội Trung Quốc từ chối bình luận, AP đưa tin.
Các ảnh vệ tinh cho thấy, Trung Quốc sẽ sớm hoàn thành đường băngdài hơn 3km trên đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa. Một đường băng khác đang được xây trên đá Xu Bi, và nhiều dấu hiệu cho thấy hoạt động tương tự đang được thực hiện trên đá Vành Khăn gần đó.
Nhiều chuyên gia cảnh báo, những cuộc tuần tra của máy bay chiến đấu Trung Quốc trên các đảo nhân tạo này có thể phục vụ mục đích đe dọa các bên tranh chấp khác, đặc biệt là Philippines và Việt Nam, đồng thời làm phức tạp hoạt động của lực lượng Mỹ trong việc khẳng định tự do hàng hải, tự do bay trong khu vực.
“Trong những giai đoạn căng thẳng, giá trị hăm dọa của các chuyến tuần tra trên không xuất phát từ những đảo nhân tạo này sẽ rất đáng kể”, ông Graham nói.
Những đường băng này sẽ giúp các máy bay Trung Quốc nạp nhiên liệu, sửa chữa và tái vũ trang nếu cần, mà không phải bay hơn 1.000km về căn cứ gần nhất ở đảo Hải Nam, nhà nghiên cứu Hans Kristensen, một chuyên gia về an ninh Trung Quốc thuộc Liên đoàn Các nhà khoa học Mỹ, nhận định.
Mưu đồ kiểm soát trên không
Nhiều nhà phân tích cho rằng, Trung Quốc đang mưu đồ kiểm soát vùng trời phía trên biển Đông. Nếu Trung Quốc tuyên bố vùng kiểm soát phòng không trên một phần hoặc toàn bộ biển Đông, những đường băng của họ sẽ trở thành căn cứ cho các máy bay tuần tra, hoạt động kiểm soát không lưu, thậm chí tấn công.
Trung Quốc tuyên bố vùng nhận dạng phòng không trên khu vực rộng lớn thuộc biển Hoa Đông vào cuối năm 2013. Đầu tháng 12/2014, Trung Quốc thực hiện việc mà phát ngôn viên không quân Trung Quốc Shen Jinke gọi là “tuần tra thường xuyên” qua khu vực này, với sự tham gia của các máy bay ném bom tầm xa H-6K, máy bay chiến đấu và máy bay cảnh báo sớm.
Trả lời câu hỏi liệu Trung Quốc có định làm điều tương tự ở biển Đông, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Wu Qian nói rằng điều đó tùy thuộc vào những mối đe dọa đối với an ninh và lợi ích của nước này. “Chúng tôi sẽ xem xét nhiều yếu tố để quyết định điều đó”, ông Wu nói.
Một số nước khác cũng có đường băng trên biển Đông, nhưng thua xa Trung Quốc về quy mô và độ phức tạp. Theo giới quân sự quốc tế, đường băng của Philippines trên đảo Thị Tứ, của Đài Loan trên đảo Ba Bình và của Malaysia trên đá Hoa Lau vừa đủ dài để đón máy bay chiến đấu. Trong khi đó, đường băng mà Trung Quốc xây trên đá Chữ Thập dài hơn, đủ khả năng tiếp nhận những máy bay ném bom như H-6K được trang bị tên lửa hành trình có khả năng phá hủy lớn.
Những đường băng mới ra đời khi Trung Quốc đang phát triển chương trình tàu sân bay, đặc biệt để sử dụng cho đào tạo phi công trong các chuyến hạ cánh buổi tối mô phỏng hoặc phục hồi máy bay trong điều kiện khó khăn. Chức năng của những đường băng này phụ thuộc vào lượng nhiên liệu sẵn sàng đáp ứng cho máy bay. “Bằng chứng ảnh vệ tinh về hoạt động dự trữ nhiên liệu trên quy mô lớn trên các đảo nhân tạo là dấu hiệu rõ ràng nhất cho việc Trung Quốc có kế hoạch phát triển chúng thành các căn cứ không quân”, ông Graham nói.
Chỉ huy Hải quân Hoàng gia Malaysia, Đô đốc Kamarulzaman Ahmad Badaruddin, vừa kêu gọi mở rộng Bộ quy tắc va chạm bất ngờ trên biển (CUES) - văn kiện bao gồm những quy tắc được đưa ra năm 2014 nhằm bảo đảm an toàn cho các tàu đi lại trên biển, tạp chí The Diplomat đưa tin.
Phát biểu tại Hội nghị giám sát biển và an ninh hàng hải vừa diễn ra tại Kuala Lumpur, ông Badaruddin nhấn mạnh, hải quân Malaysia chia sẻ quan ngại về khả năng Trung Quốc đẩy mạnh quân sự hóa trên các tiền đồn ở biển Đông. Ông cho rằng, CUES nên được mở rộng để bao gồm các lực lượng khác trên biển, đặc biệt là cảnh sát biển, nhằm tránh “tính toán sai lầm trên biển”.
Các chuyên gia quốc tế nhận định, nằm giữa những tuyến hàng hải đông đúc, ở nơi giàu tài nguyên thủy sản và có thể có trữ lượng khoáng sản lớn, các đường băng mà Trung Quốc xây dựng trái phép trên biển Đông sẽ tăng đáng kể ưu thế của nước này đối với việc khai thác nhiều nguồn tài nguyên chiến lược cho phát triển kinh tế.
Theo Trúc Quỳnh (tổng hợp)

http://dantri.com.vn/su-kien/hiem-hoa-duong-bang-trung-quoc-tren-bien-dong-20151207102325442.htm 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét