Một tàu ngầm tấn công của TQ đã lén bám theo tàu sân bay Ronald Reagan của Mỹ. Đáng chú ý là vụ việc xảy ra chỉ vài ngày trước khi Mỹ tiến hành tuần tra "12 hải lý" ở Biển Đông.
Mỹ tiết lộ cuộc chạm trán
Tờ Washington Free Beacon ngày 3/11 dẫn lời các quan chức quốc phòng Mỹ cho biết, sự việc xảy ra vào cuối tháng trước, tại khu vực gần Nhật Bản. Nó khiến người ta liên tưởng đến cuộc chạm trán giữa tàu sân bay Mỹ và tàu ngầm Trung Quốc vào năm 2006.
Theo những quan chức nắm rõ các bản báo cáo về vụ việc, tàu ngầm Trung Quốc đã bám sát tàu Reagan vào ngày 24/10, khi con tàu của Mỹ đang di chuyển từ cảng nhà tới Biển Nhật Bản.
Hai máy bay chống ngầm Tu-142 của Nga bất ngờ áp sát tàu sân bay USS Ronald Reagan trên Thái Bình Dương.
Vài ngày sau đó, cũng tại Biển Nhật Bản, tàu sân bay Reagan đã bị 2 máy bay ném bom Tu-142 của Nga áp sát. Chúng bay ở độ cao khoảng 150m và chỉ cách tàu Reagan khoảng 1 hải lý (1,8 km).
Các máy bay chiến đấu của Hải quân Mỹ đã phải xuất kích để buộc 2 máy bay Nga bay ra xa con tàu.
Chưa hết, vụ chạm trán với tàu ngầm Trung Quốc chỉ cách chuyến tuần tra Biển Đông của tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Lassen vài ngày.
Trong chuyến tuần tra hôm 27/10, tàu USS Lassen đã lần đầu tiên tiến vào khu vực 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo Trung Quốc xây trái phép trên Đá Xu Bi và Đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Bộ ngoại giao Trung Quốc đã gọi động thái này của Mỹ là “cố ý khiêu khích”, “xâm phạm chủ quyền” của Trung Quốc. Về phần mình, Mỹ bác bỏ tuyên bố của Bắc Kinh và tuyên bố tàu USS Lassen hoàn toàn hoạt động trong vùng biển quốc tế.
Đáng chú ý là, vụ chạm trán với tàu ngầm Trung Quốc được tiết lộ khi Đô đốc Mỹ Harry Harris đang có chuyến thăm Trung Quốc. Đây là lần đầu tiên ông Harris đến Trung Quốc với tư cách là chỉ huy lực lượng Mỹ ở Thái Bình Dương.
Hạm đội Thái Bình Dương và Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ từ chối bình luận về cuộc chạm trán nhưng không phủ nhận vụ việc này.
Các thông tin chi tiết khác (như tàu ngầm Trung Quốc là loại nào, khi đó nó nổi lên hay vẫn lặn dưới nước, đã áp sát tàu sân bay Mỹ tới mức độ nào?) đều không được tiết lộ.
Thông điệp chính trị
Tàu sân bay hạt nhân là biểu tượng cho khả năng triển khai sức mạnh của Mỹ. Quân đội Trung Quốc luôn muốn “hất cẳng” quân đội Mỹ ra khỏi châu Á để chiếm lĩnh vai trò thống trị trong khu vực.
Một quan chức quốc phòng cho biết, tàu Reagan đã khá lo ngại khi phát hiện tàu ngầm Trung Quốc, dù không rõ máy bay chống ngầm trên tàu có được triển khai để xác định vị trí và theo dõi tàu Trung Quốc hay không.
Các quan chức quốc phòng khác cho hay, sự việc lần này có vẻ tương tự như vụ việc tàu ngầm Trung Quốc lén theo đuôi tàu sân bay USS Kitty Hawk của Mỹ năm 2006.
Khi đó, một chiếc tàu ngầm tấn công lớp Song của Trung Quốc đã “gây sốc” cho Hải quân Mỹ khi nó nổi lên cách tàu sân bay Kitty Hawk vài km, trong tầm bắn của ngư lôi tàu ngầm.
Các quan chức Mỹ sau đó đã xác nhận rằng chiếc tàu ngầm của Trung Quốc không bị phát hiện khi nó tiếp cận gần tàu sân bay và các tàu hộ tống của Hải quân Mỹ.
Vụ việc xảy ra vào ngày 26/10/2006, gần 9 năm trước khi xảy ra cuộc chạm trán gần đây của tàu Reagan.
Điều đáng nói là, sự việc năm 2006 cũng được tiết lộ khi Đô đốc Gary Roughead, khi đó là chỉ huy Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ, đang tới thăm Trung Quốc.
Tàu sân bay USS Ronal Reagan tập trận với các tàu hải quân Hàn Quốc.
Dùng quân đội để truyền tải thông điệp chính trị đã trở thành động thái quen thuộc của Trung Quốc, có vẻ vụ việc của tàu Reagan lần này cũng được lên kế hoạch để diễn ra trước chuyến tuần tra Biển Đông của Mỹ và chuyến thăm của ông Harris.
Chuyến thăm gần đây nhất của ông Harris tới Trung Quốc là vào tháng 4/2014 để thảo luận với Bắc Kinh về Bộ quy tắc ứng xử cho những tình huống chạm trán ngoài ý muốn trên biển (CUES).
Bộ quy tắc ứng xử, trong đó bao hàm các cuộc chạm trán giữa tàu ngầm và tàu mặt nước, đã được thông qua vào năm 2014.
Không rõ lần này, chiếc tàu ngầm Trung Quốc có làm theo những nguyên tắc đảm bảo an toàn được đề cập trong Bộ quy tắc hay không.
Vào thời điểm tàu ngầm Trung Quốc theo dõi, tàu sân bay Reagan và 4 chiến hạm khác của Mỹ đang trên đường tới tham gia cuộc tập trận hải quân chung với Hàn Quốc từ ngày 26/10 – 29/10.
Đồng hành cùng tàu Reagan có tàu tuần dương tên lửa USS Chancellorsville lớp Ticonderoga, tàu khu trục USS Fitzgerald và USS Mustin (lớp Arleigh Burke).
Hôm thứ Bảy tuần trước, Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ cho biết, Reagan là 1 trong 2 nhóm tàu sân bay đang hoạt động trong khu vực. Chiếc thứ 2, mang tên USS Roosevelt, đã rời Singapore vào ngày 28/10 và đang trên đường về San Diego.
Rick Fisher - chuyên gia phân tích các vấn đề quân sự Trung Quốc nhận định, việc Trung Quốc sẵn sàng điều tàu ngầm tới quấy rối tàu chiến cỡ lớn của Mỹ đã cho thấy Hải quân Mỹ cần có thêm tàu ngầm để thực hiện nhiệm vụ hộ tống.
Ngoài ra, nó cũng nêu bật lên rằng, Hải quân Mỹ cần có thêm các tàu ngầm tấn công như lớp Los Angeles. Lớp tàu này đã bị loại biên nhưng chưa được thay thế kịp thời bằng các tàu ngầm mới lớp Virginia.
“Tầm quan trọng của các tàu sân bay đã được chứng minh ở Biển Đông” - Fisher nói
“Mặc dù tâm điểm của truyền thông dồn về chuyến tuần tra tự do hàng hải của tàu khu trục USS Lassen nhưng nhìn rộng hơn sẽ thấy trên thực tế, tàu Lassen được bảo vệ bởi sự hiện diện của tàu sân bay USS Roosevelt”.
“Tàu sân bay được triển khai nhằm bảo đảm rằng Trung Quốc không dám tấn công hay quấy rối tàu khu trục” – Fisher nhận định.
Chuyên gia này dự đoán hạm đội tàu ngầm tấn công của Trung Quốc sẽ bắt đầu mở rộng quy mô.
“PLA có thể chế tạo tới 14 tàu ngầm tấn công (SSN) thế hệ 3 Type 095, góp phần nâng tổng số tàu ngầm trong hạm đội SSN của nước này lên khoảng 20 chiếc”.
“Nhiều nhất Mỹ chỉ có thể dành 30 SSN cho lực lượng đóng tại Thái Bình Dương, do đó, điều này có thể gây áp lực lớn cho hạm đội tàu ngầm của Mỹ khi không có thêm tàu mới được chế tạo” – ông Fisher nói thêm.
Hạm đội gồm 30 tàu ngầm sẽ giới hạn khả năng triển khai tàu ngầm liên tục của Mỹ, đồng thời đặt ra nhu cầu về bảo dưỡng và luân phiên kíp thủy thủ.
Trước đó, truyền thông nhà nước và các nhà bình luận quân sự Trung Quốc đã kịch liệt chỉ trích việc Mỹ triển khai tàu Reagan để thay thế nhóm tác chiến do tàu sân bay USS George Washington dẫn đầu.
Phát biểu trên đài truyền hình Trung Quốc hồi tháng 9, cựu Chuẩn Đô đốc Yin Zhuo của Trung Quốc đã lớn tiếng cáo buộc Mỹ "có ý đồ củng cố ưu thế quân sự nhằm hăm dọa các quốc gia trong khu vực tranh chấp, như Trung Quốc, Triều Tiên và Nga”.
http://soha.vn/quan-su/tau-ngam-tan-cong-cua-trung-quoc-rinh-rap-tau-san-bay-my-20151104030454189.htm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét