Thứ Sáu, 18 tháng 12, 2015

Trại lính Thổ ở Iraq bị tấn công, tướng Kurd thiệt mạng

Căn cứ quân sự trái phép của Ankara ở Bashiqah-Mosul đã bị tấn công khiến một tướng người Kurd thiệt mạng và 4 binh lính Thổ Nhĩ Kỳ bị thương.



Căn cứ Thổ Nhĩ Kỳ ở Bashiqah bị tấn công hỏa lực

Đêm ngày 16-12, một lực lượng vũ trang chưa xác định đã bất ngờ tập kích bằng súng cối và pháo phản lực Katyusha vào căn cứ quân sự Thổ Nhĩ Kỳ xây dựng trái phép ở Bashiqah. Đây cũng là địa điểm được Ankara sử dụng làm cơ sở huấn luyện lực lượng dân quân người Kurd ở Iraq (Peshmerga).

Thông tin về con số thương vong đưa ra rất khác nhau. Đầu tiên là truyền thông Iraq cho rằng, đã có 4 người chết và 6 bị thương. Một nguồn tin khác của khu tự trị người Kurd Iraq (Kurdistan Regional Government - KRG) cho biết, một chuẩn tướng người Kurd đã thiệt mạng, cùng với 6 vệ sĩ.

Truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ nhận định là căn cứ đã bị tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo IS tấn công, khiến 4 binh sĩ nước này bị thương. Lực lượng quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đồn trú ở Iraq đã lập tức bắn trả và tiêu diệt sạch lực lượng tập kích. Người Kurd cho rằng cuộc phản kích đã tiêu diệt hơn 100 phần tử khủng bố.

Sau đó, nguồn tin của người Kurd xác nhận rằng, vụ tập kích bất ngờ đã làm 9 người chết, bao gồm cả chuẩn tướng Mudzhida Harjit của lực lượng dân quân người Kurd ở Iraq (Peshmerga) và 8 vệ sĩ, trong đó có hai sĩ quan có cấp bậc thiếu tá.

Trai linh Tho o Iraq bi tan cong, tuong Kurd thiet mang
Xe tăng Thổ Nhĩ Kỳ triển khai ở khu vực biên giới

Phía Thổ Nhĩ Kỳ thông báo, máy bay hỗ trợ hỏa lực chiến trường AC-130 của không quân Mỹ đã lập tức tấn công vào các trận địa của IS, hỗ trợ lực lượng Peshmerga trong khu vực Bashiqah phản kích. Tuy nhiên, nguồn tin không cho biết, lực lượng tấn công đã đặt rocket ở đâu.

Tuy nhiên, vẫn có nguồn tin khác của người Kurd trên mạng xã hội cho biết, con số tử vong thực tế cao hơn rất nhiều, có thể lên tới 62 người.

Mặc dù Ankara xác định lực lượng đã tiến hành cuộc tập kích là IS nhưng tổ chức đầu tiên lên tiếng nhận trách nhiệm về vụ tấn công này lại là các tay súng của lực lượng vũ trang Hezbollah Iraq. Nhóm này đã từng đe dọa sẽ “đuổi cổ” Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi lãnh thổ Iraq bằng vũ lực.

Tuy nhiên, vị trí đóng quân gần nhất của Hezbollah Iraq cách căn cứ Bashiqah tới 150 km. Do đó, họ phải vận chuyển vũ khí, trang bị trên một chặng đường rất dài tới gần căn cứ này thì mới có khả năng tấn công.

Được biết, căn cứ quân sự này là do Thổ Nhĩ Kỳ xây dựng trái phép ở Iraq, theo một thỏa thuận về việc thiết lập căn cứ thường trực được ký kết giữa lãnh đạo người Kurd ở Iraq Massoud Barzani và Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Feridun Sinirlioglu hồi đầu tháng 11 vừa qua.

Trai linh Tho o Iraq bi tan cong, tuong Kurd thiet mang
Một cuộc huấn luyện của binh lính Thổ Nhĩ Kỳ và Peshmerga

Nhật báo Hurriyet ngày 5-12 đưa tin, sau chuyến thăm của ông Sinirlioglu tới khu vực miền bắc Iraq hôm 4-11, Thổ Nhĩ Kỳ đã thiết lập căn cứ quân sự thường trực ở Bashiqah, thuộc tỉnh Mosul ở miền bắc Iraq, nơi quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đang huấn luyện các tay súng Peshmerga.

Tờ Hurriyet đưa tin này ngay sau khi chính quyền của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan triển khai ít nhất 130 binh lính và 25 xe tăng tới căn cứ Bashiqah vào ngày 4-12, để huấn luyện cho lực lượng Peshmerga của người Kurd. Số binh lính Thổ Nhĩ Kỳ mấy hôm sau đã tăng lên con số 600.

Tuy nhiên, thỏa thuận thành lập căn cứ quân sự này và việc triển khai binh lính Thổ Nhĩ Kỳ ở đây đã vấp phải sự phản đối quyết liệt của chính quyền trung ương Iraq. Baghdad cho rằng, Ankara đã xâm phạm chủ quyền của Iraq và đề nghị Thổ Nhĩ Kỳ phải ngay lập tức rút quân khỏi lãnh thổ nước này.

Thổ Nhĩ Kỳ sẽ mượn cớ để đưa thêm quân sang Iraq?

Theo các nhà phân tích, Thổ Nhĩ Kỳ không muốn giúp Iraq chống lại IS mà ưu tiên số một của họ là nhằm vào lực lượng của Đảng Công nhân người Kurd (PKK) đang chiến đấu chống IS ở miền bắc Iraq, vì Ankara coi PKK là một mối đe dọa đối với an ninh của chính họ.

Ngay sau khi Thổ Nhĩ Kỳ triển khai quân tới Mosul, chính quyền Iraq đã lên tiếng khẳng định, hành động của Ankara không được sự phê chuẩn của chính quyền trung ương, là sự vi phạm chủ quyền lãnh thổ của Iraq. Đồng thời, Baghdad cũng kiến nghị với Mỹ và NATO buộc Ankara phải rút quân.

Thế nhưng, bất chấp cả ý kiến của Mỹ và NATO, kể cả khi Iraq đưa vụ việc ra Liên Hiệp Quốc, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan tuyên bố Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không rút quân ra khỏi lãnh thổ Iraq, với lí do triển khai quân để bảo vệ các chuyên gia nước này đang huấn luyện cho Peshmerga.

Sự ngang ngược của Ankara đã khiến dân chúng nước này nổi giận. Ngày 12-12-2015, có ít nhất 4.000 người biểu tình Iraq đã tổ chức biểu tình quy mô lớn tại trung tâm quảng trường Tahrir thủ đô Baghdad, để phản đối việc quân đội Thổ Nhĩ Kỳ xâm nhập và đồn trú ở khu vực phía bắc của nước này.

Đám đông tụ tập, giơ cao quốc kỳ và hô to khẩu hiệu chỉ trích chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã đưa quân xâm nhập trái phép vào lãnh thổ Iraq. Ngoài ra, còn có vài nghìn người biểu tình tại thành phố Basra ở phía nam, trong đó phần nhiều là thành viên lực lượng dân quân người Hồi giáo dòng Shia.

Các biện pháp vũ lực cũng đã từng được đề cập tới. Quốc hội Iraq thậm chí đã đề xuất chính phủ nước này dùng máy bay ném bom khu vực đóng quân của binh lính Thổ Nhĩ Kỳ và đề nghị mời Nga vào hợp tác chống IS và ngăn chặn hành động xâm lược của Ankara.

 
Lữ đoàn Badr đã đe dọa sẽ tấn công lực lượng đồn trú của Thổ Nhĩ Kỳ ở Iraq

Đồng thời các toán vũ trang ủng hộ chính phủ Iraq, mà chủ yếu là các nhóm dân quân dòng Shia (dòng Shiite) đã lên tiếng đe dọa sẽ tấn công binh lính Thổ Nhĩ Kỳ và cả Peshmerga nếu họ dung dưỡng cho Ankara ở lại trên lãnh thổ nước này.

Ông Karim al-Nuri, phát ngôn viên của Lữ đoàn Badr, liên minh lớn nhất của lực lượng dân quân Shia, đã ví sự xâm lược của Thổ Nhĩ Kỳ với sự đánh chiếm Iraq của các tay súng khủng bố IS và khẳng định rằng “mọi lựa chọn” luôn sẵn sàng.

Ông Nuri tuyên bố, họ có quyền và không loại trừ bất kỳ kiểu đáp trả nào cho đến khi dạy cho người Thổ Nhĩ Kỳ được một bài học. Còn ông Jafaar Hussaini, phát ngôn viên của một trong những nhóm vũ trang Shia là Kata'ib Hezbollah, cũng đe dọa sử dụng đối với binh lính Thổ Nhĩ Kỳ.

Chắc chắn là vụ việc tấn công vào trại lính của Iraq và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ vẫn tiếp diễn trong thời gian tới và sẽ khó xác định được lực lượng tham gia tấn công bởi cả tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo IS và lực lượng dân quân dòng Shia đều muốn tấn công vào khu vực người Kurd.

Sau khi vụ tấn công này xảy ra, rất có thể Ankara sẽ mượn cớ này để tăng cường thêm binh lính đến Mosul với cái cớ “bảo vệ binh lính Thổ Nhĩ Kỳ khỏi sự tấn công của IS”. Dự đoán là với sự can thiệp của chính quyền Erdogan vào Iraq, tình hình sắp tới có thể sẽ diễn biến rất khó lường.

http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/trai-linh-tho-o-iraq-bi-tan-cong-tuong-kurd-thiet-mang-3295353/?paged=2

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét