Thứ Sáu, 25 tháng 12, 2015

Báo Mỹ: Trung Quốc có thể "hạ gục" Mỹ nếu xảy ra xung đột quân sự?

Theo ông Navarro, lập luận cho rằng "Mỹ chi phí nhiều hơn đồng nghĩa với việc Mỹ mạnh hơn so với Trung Quốc" là không chính xác. Nguyên nhân là do Mỹ phải phân bố tiềm lực quân sự của mình trên toàn cầu, trong khi Trung Quốc chỉ tập trung cho khu vực
Mặc dù ngân sách quân sự hàng năm của Mỹ vẫn thường lớn hơn ngân sách quân sự của Trung Quốc gần 3 lần nhưng chỉ sau khoảng 1 thập kỷ nữa, Trung Quốc hoàn toàn có thể thực hiện chiến lược đầy tham vọng để giành lại thế vượt trội về quân sự so với Mỹ, qua đó có thể "hạ gục" Mỹ nếu xảy ra xung đột quân sự. 
Nhận định trên được chính tạp chí The National Interest của Mỹ đưa ra.
Quân nhân Mỹ.
Theo The National Interest, một trong những luận điểm chính hay được các ứng cử viên tham gia chạy đua vào chiếc ghế Tổng thống Mỹ năm 2016 sử dụng là phô trương sức mạnh quân sự của Mỹ so với Trung Quốc: "Mỹ vượt trội về sức mạnh quân sự so với Trung Quốc vì chi nhiều tiền hơn".
Tuy nhiên, theo phân tích của Peter Navarro, giáo sư trường đại học tổng hợp California, Mỹ viết cho The National Interest, những phân tích chi tiết lại cho thấy những vấn đề ngược lại - Trung Quốc hoàn toàn có thể vượt qua Mỹ về sức mạnh quân sự trong khoảng 1 thập kỷ nữa, thậm chí còn có thể "hạ gục" Mỹ nếu xảy ra xung đột quân sự Mỹ-Trung.


Hiện nay, chi phí quân sự hàng năm của Trung Quốc khoảng 200 tỷ USD, trong khi đó chi phí của Mỹ trong lĩnh vực này thường nhiều hơn Trung Quốc gần 3 lần. Khoản chi phí để duy trì khả năng sẵn sàng chiến đấu cho Quân đội Trung Quốc chỉ chiếm khoảng 2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), trong khi đó con số này của Mỹ chiếm khoảng 4% tổng GDP.
Theo ông Navarro, lập luận cho rằng "Mỹ chi phí nhiều hơn đồng nghĩa với việc Mỹ mạnh hơn so với Trung Quốc" là không chính xác. Nguyên nhân là do Mỹ phải phân bố tiềm lực quân sự của mình trên toàn cầu, trong khi Trung Quốc chỉ tập trung cho khu vực của mình.
Chi phí quân sự của Trung Quốc sẽ hiệu quả hơn so với chi phí quân sự của Mỹ nhờ ít nhất 2 nguyên nhân: quân nhân Trung Quốc có lương và thưởng thấp hơn so với quân nhân Mỹ và Trung Quốc đã tự sản xuất được các loại vũ khí, khí tài quân sự có giá thành rẻ hơn so với Mỹ.
Ngoài ra, chuyên gia phân tích quân sự Dave Madzhumar của The National Interest còn phân tích nguyên nhân khác khiến Trung Quốc chi phí ít cho quốc phòng nhưng vẫn đem lại những hiệu quả tích cực.
Kết quả này đạt được là do nước này không phải bỏ tiền ra để nghiên cứu, thiết kế, lập dự án sản xuất, chế tạo các loại phương tiện, vũ khí mới. Giới chuyên gia, kỹ sư quân sự Trung Quốc "rất giỏi" trong việc copy các loại vũ khí hiện đại mua của các nước khác để từ đó nghiên cứu, chế tạo phiên bản của riêng mình.
Hiện tại, Trung Quốc đang rất thành công trong mô hình này nên đã giảm được đáng kể các chi phí để mua sắm trang thiết bị, vũ khí để củng cố tiềm lực quân sự.
Vũ khí của quân giải phóng nhân dân Trung Quốc
Để chứng minh cho đánh giá của mình, Dave Madzhumar đã nhắc đến sự kiện Trung Quốc đã chế tạo thành công mẫu tiêm kích J-15 dùng cho tàu sân bay trên cơ sở nhái từ phiên bản Su-33 của Nga. Ngoài ra, Trung Quốc còn nghiên cứu các mẫu Su khác của Nga để chế tạo các phiên bản nhái như J-113, J-16...
"Những nguyên nhân trên cho thấy sẽ là sai lầm nếu như đánh giá tiềm lực quân sự của Trung Quốc mà chỉ dựa trên các con số về chi phí quân sự. Trong vòng 1 thập kỷ nữa (thậm chí có thể sớm hơn), cán cân chi phí quân sự còn có thể nghiêng về phía Trung Quốc nếu như tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước này tiếp tục giữ ở mức cao hơn so với Mỹ", Dave Madzhumar đánh giá.
Giới phân tích The National Interest cũng tiến hành phân tích các khả năng Trung Quốc còn tận dụng các tiềm lực trong lĩnh vực công nghiệp để phục vụ lĩnh vực quốc phòng.
Theo Navarro, tính ở thời điểm đầu Chiến tranh Thế giới lần 2, nền kinh tế Mỹ vượt trội 2 lần so với nền kinh tế của Đức và Nhật cộng lại. Về quân sự, khi đó Mỹ sở hữu 300 nghìn máy bay quân sự, trong khi đó cả Đức và Nhật mới có khoảng 200 nghìn.
Về xe tăng, Mỹ sở hữu khoảng 75 nghìn chiếc, còn Đức chỉ có khoảng 40 nghìn chiếc. Sự vượt trội này của Mỹ đạt được là do Mỹ có nền công nghiệp rất phát triển nên họ sản xuất vũ khí nhanh hơn so với số lượng vũ khí bị đối phương tiêu diệt.
Tuy nhiên, hiện rất nhiều nhà máy từng sản xuất vũ khí cho Mỹ trước đó hoặc đã đóng cửa, hoặc đã chuyển sang hoạt động trong lãnh thổ Trung Quốc. Xu hướng này có thể sẽ sớm đem lại lợi thế cho Trung Quốc trong cuộc xung đột tiềm tàng với Mỹ.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo Tạp chí National Interest. National Interest được thành lập vào năm 1985. Tạp chí thường tập trung vào vấn đề chính sách đối ngoại và những lợi ích quốc gia của Mỹ.
http://infonet.vn/bao-my-trung-quoc-co-the-ha-guc-my-neu-xay-ra-xung-dot-quan-su-post186763.info

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét