Sau khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, hải quân Mỹ thống trị vùng biển xa, không lực lượng hải quân nào là mối đe dọa nghiêm trọng cho hải quân Mỹ. Nhưng trong 10 năm qua, TQ nhanh chóng xây dựng hải quân với hàng chục tỉ USD được chi hàng năm, đóng nhiều tàu chiến đủ kích cỡ, cùng kho tên lửa nhằm chặn tầm với của hải quân Mỹ. Vì thế, Mỹ phải đề phòng Trung Quốc.

Hải quân Mỹ ráo riết trang bị tên lửa cải tiến cho chiến hạm nổi

Theo trang Foreign Policy, hải quân Mỹ muốn làm "sếp" ở Thái Bình Dương nên đang mua thật nhiều tên lửa chống hạm, đồng thời sử dụng “sách giáo khoa cũ” cho chiến lược chiến tranh trên Thái Bình Dương. Mối đe dọa lớn từ TQ buộc chỉ huy hải quân Mỹ phải đánh giá lại chiến lược chiến đấu của họ và tìm các loại tên lửa chống hạm cho tàu nổi.

Lần gần đây nhất hải quân Mỹ hạ tàu địch là năm 1988, khi tàu hộ vệ Simpson đánh chìm một tàu Iran, 4 ngày sau khi vụ Iran đánh mìn một tàu chiến Mỹ ở Vịnh Persic. Chiếc Simpson vừa “về hưu” hồi tháng 9 qua.

Từ sau vụ trên, Mỹ đã phát triển phòng thủ tên lửa, máy bay không người lái, chiến đấu cơ mới… nhưng hải quân Mỹ vẫn còn trang bị tên lửa chống hạm Harpoon (đưa vào sử dụng lần đầu tiên từ năm 1977).

Các quan chức quân sự Mỹ nhận định tàu chiến TQ có thể bắn rơi hoặc đánh lừa tên lửa Harpoon cũ kỹ trong một cuộc xung đột, nên Mỹ cần phải có nhiều vũ khí hiện đại hơn để có thể đối phó. Chính vì thế, hải quân Mỹ đang thúc đẩy để được trang bị tên lửa chống hạm hiệu quả hơn, có tầm bay xa hơn cho tàu ngầm, tàu nổi của họ.

Lầu Năm Góc dự tính sửa các loại tên lửa, ban đầu được thiết kế cho những mục đích khác, bắt đầu là tên lửa Tomahawk từng được dùng để đánh các mục tiêu cố định trên bộ. Các nhà nghiên cứu đã thử nghiệm thành công một tên lửa Tomahawk sửa đổi, cho thấy nó có thể bắn trúng một mục tiêu trên biển. Hải quân Mỹ dự tính bắt đầu triển khai tên lửa này cho các hạm đội trong vài năm tới.

Hải quân Mỹ cũng đang nghiên cứu khả năng sửa một loại vũ khí mới hơn là tên lửa chống hạm tầm xa, vốn được thiết kế để phóng từ một máy bay. Các lựa chọn khác, gồm một kiểu tên lửa tấn công hải quân của Na Uy (đã đi vào sản xuất) hoặc sử dụng lại tên lửa phòng không hiện đại SM-6.

Trong cuộc cạnh tranh quyền lực về tầm ảnh hưởng chiến lược ở châu Á - Thái Bình Dương, các chỉ huy Mỹ xem ra quyết tâm phải mạnh hơn quân sự TQ.

Việc rất cần có thêm hỏa lực cho tàu chiến nổi Mỹ - thay vì dựa vào tàu sân bay, tàu ngầm để mở các cuộc tấn công - đã được nhiều sĩ quan hải quân cấp cao tóm gọn vào một câu châm ngôn hành động không chính thức: “Nếu nó nổi, nó sẽ chiến”.

Phó đô đốc Thomas Rowden, chỉ huy nhóm tàu chiến nổi của hải quân Mỹ đang kêu gọi có thêm hỏa lực tấn công cho toàn lực lượng, kể cả phải trang bị vũ khí cho tàu hậu cần (cho đến nay vẫn không có vũ khí).

Ông Rowden nói với trang Aviation Week rằng, bằng cách triển khai tên lửa mới có thể đánh tàu địch, “địch sẽ thức giấc và thay vì lo sợ tàu sân bay hoặc thủy lôi phóng từ tàu ngầm, chúng nay sẽ phải lo sợ tất cả các tàu nổi đều có khả năng tấn công chúng”.

Hải quân Mỹ hiện có kỹ thuật hiện đại nhất và hoạt động hầu như khắp thế giới, với tổng cộng 272 tàu nổi và tàu ngầm, cùng hơn 155 chiếc trong nhóm tàu dự phòng.

Hải quân TQ vẫn còn kém xa Mỹ, nhưng với việc Bắc Kinh đóng tàu ồ ạt thì từ năm 2020, hải quân TQ có thể là lực lượng hải quân mạnh thứ nhì thế giới.

Sau 10 năm tăng chi quân sự (tăng trung bình 9,5 %/năm), hiện nay TQ có hơn 300 tàu chiến. Trong ngân sách quốc phòng 165 tỉ USD, TQ trích 1/3 cho hải quân để mua các loại khu trục hạm, tuần dương hạm và tàu ngầm mới cùng chiếc tàu sân bay đầu tiên.

Nga gần đây bắt đầu cải thiện 280 tàu chiến, gồm các tàu cũ thời Chiến tranh Lạnh. Các nhà phân tích quân sự nói rằng với tình hình kinh tế suy thoái hiện nay, chưa thể rõ liệu Nga có thể duy trì tham vọng tăng sức mạnh hải quân hay không.

Hẳn các nhà thầu quốc phòng, các nghị sĩ Mỹ ở các bang giữ vai trò sản xuất chính sẽ rất vui khi nghe cảnh báo TQ đang thu hẹp cách biệt quân sự với Mỹ, cùng kế hoạch mua tên lửa chống hạm của Lầu Năm Góc.

Ngán tầm hủy diệt của tên lửa TQ, Mỹ tìm đến vùng hẻo lánh

Các sĩ quan hải quân cũng thừa nhận rằng Mỹ không còn có thể cầm trịch trên các vùng biển hoặc không còn có thể tránh thương vong lớn nếu xảy ra xung đột với TQ. Chiến lược mới của Mỹ là di chuyển nhanh, “tàng hình” càng nhiều càng tốt, để đánh lại một đối thủ mà không nhất thiết phải giành phần thắng ngay lập tức.

Như một phần của chiến lược mới này, các quan chức quốc phòng đang chú trọng việc có thể tiếp cận các căn cứ không quân, vốn nằm hẻo lánh ở vùng biển Thái Bình Dương, giảm thiểu việc hiện diện ở các căn cứ lớn nhưng nằm trong tầm bay của tên lửa TQ.

Vào lúc sức ép ngân sách tăng, hải quân Mỹ đang đề cao mối đe dọa hàng hải từ TQ để có được nguồn tiền cần thiết. Nhưng cũng có những ý kiến nghi ngờ rằng hải quân Mỹ “thổi phồng” mối đe dọa của TQ.

Trên thực tế, số lượng và tầm bay của tên lửa phòng không và chống hạm TQ cho thấy nếu xảy ra xung đột, thì quân đội Mỹ không còn có thể dễ dàng tiếp cận phía tây Thái Bình Dương (tức Biển Đông). Tên lửa TQ hiện có tầm bay từ 100 đến 900 hải lý, sẽ có thể buộc hải quân Mỹ bị chốt yên tại chỗ, hoặc bị nhốt trong một vùng tranh chấp ở Thái Bình Dương.

Lầu Năm Góc đặc biệt lo ngại tên lửa đạn đạo Đông Phong DF-21 của TQ. Tên lửa này được gọi là “sát thủ tàu sân bay”.

TQ cũng đã triển khai tên lửa hành trình siêu thanh YJ-18 vốn có thể cài xuống tàu ngầm.

My de phong Trung Quoc, thay doi chien luoc o Thai Binh Duong-hinh-anh-1
Tên lửa đạn đạo Đông Phong DF-21 của TQ 

Hai loại tên lửa trên có thể bắn tan biểu tượng sức mạnh quân sự Mỹ là một tàu sân bay. Chúng có thể buộc tàu sân bay chở các chiến đấu cơ phải nằm yên và thật xa vùng chiến sự.

David Ochmanek, một cựu quan chức cấp cao Lầu Năm Góc nói rằng điều này có nghĩa chiến lược cũ của Mỹ là bỏ ra nhiều ngày tấn công hệ thống phòng không của địch, sau đó thống trị bầu trời và vùng biển, hiện tại đã không còn hiệu quả.

Trong một kịch bản chiến tranh, qua đó TQ dùng quân sự để kiểm soát Đài Loan, hoặc có một hành động nào khác ở Biển Đông, không - hải quân Mỹ vốn tập trung trên các tàu sân bay và vài căn cứ quân sự lớn ở Nhật và đảo Guam nằm trong tầm bắn của tên lửa TQ.

Cho đến lúc quân sự Mỹ nắm thế thượng phong ở trên trời, thì có lẽ đã quá muộn vì TQ đã đạt được mục tiêu, ông Ochmanek, một nhà phân tích quốc phòng ở tổ chức nghiên cứu RAND Corp nói.

Từ tầm bắn trung bình và tầm xa của tên lửa TQ, Mỹ sẽ không thể có ngay một chiến thắng rực rỡ, thay vào đó là phải tìm cách chặn TQ đạt được mục tiêu của họ. Ochmanek nói với trang Foreign Policy rằng theo kịch bản này, Mỹ sẽ mất rất nhiều người, máy bay và tàu.

Để giảm thiểu nguy cơ tên lửa tấn công khiến số máy bay ném bom và chiến đấu cơ Mỹ phải nằm chết ở Thái Bình Dương, các nhà hoạch định quân sự Mỹ nay ủng hộ triển khai máy bay, vũ khí đến nhiều căn cứ không quân và giấu kỹ hoạt động ở đó.

Chiến lược này không cần căn cứ lớn và thường trực mà chỉ là hướng để tiếp cận nhiều đường băng ở Thái Bình Dương, thậm chí chỉ là đường bay mà không cần cơ sở hạ tầng nào khác, theo các quan chức Lầu Năm Góc.  

Như một phần nỗ lực này, Mỹ hy vọng được tiếp cận nhiều căn cứ không quân ở Philippines, theo thỏa thuận hợp tác phòng thủ ký năm ngoái với nước này. Tòa án tối cao Philippines đang xem xét thỏa thuận này.

Quân đội Mỹ cũng cân nhắc kế hoạch xây các cơ sở phụ ở các đảo hẻo lánh trên Thái Bình Dương vốn từng giữ các vai trò chiến lược trong Thế chiến 2.

Một quan chức quân sự Mỹ nói với trang Forein Policy rằng, một cơ sở phụ nếu được thông qua, sẽ mở đường cho các cuộc tập trận, hạ cánh khẩn cấp trên các đảo Saipan, Tinian thuộc quần đảo Bắc Northern Mariana (một lãnh thổ Mỹ).

Trong Thế chiến 2, hai đảo Saipan và Tinian đã chứng kiến những trận đánh đẫm máu giữa quân Mỹ chống quân Nhật. Sau khi nắm quyền kiểm soát, Mỹ lập một căn cứ không quân lớn ở Tinian. Từ căn cứ này, các máy bay ném bom B-29 đã ném bom nguyên tử xuống hai thành phố Hiroshima và Nagasaki hồi tháng 8.1945.

Quân Mỹ đã có thể tiếp cận sân bay trên đảo quốc Palau độc lập và giao Mỹ trách nhiệm phòng thủ.

Dù có nhận định rằng hầu như không có nguy cơ xung đột quân sự với TQ, nhưng các quan chức Lầu Năm Góc và các nhà phân tích đều nhất trí, việc Mỹ mất ưu thế quân sự có thể có tác động tâm lý xấu tới các nước đồng minh và đối tác của Mỹ. Bất kỳ dấu hiệu suy yếu nào của Mỹ sẽ càng kích thích quân sự TQ, vào lúc Bắc Kinh đang theo đuổi tham vọng bành trướng lãnh thổ trên Biển Đông.

TQ đã công khai mục tiêu xây dựng một lực lượng hải quân mạnh, có thể vươn khắp thế giới, hoạt động ở “các vùng biển xa” chứ không giới hạn gần bờ biển nước họ.

Vĩnh Thụy (theo Foreign Policy)

http://motthegioi.vn/quoc-te/ho-so/my-de-phong-trung-quoc-thay-doi-chien-luoc-o-thai-binh-duong-267633.html