Thứ Sáu, 11 tháng 12, 2015

Iraq thỉnh cầu Nga, Mỹ sẽ tung 100.000 quân vào tham chiến?

 Một thông tin mới được tiết lộ cho thấy, Mỹ đã chuẩn bị một kế hoạch can thiệp quân sự lớn vào Iraq với 100.000 quân, nhằm mục đích chống IS.


Thổ Nhĩ Kỳ phớt NATO, không chịu rút quân, Iraq mời Nga

Theo dữ liệu của chính quyền Iraq, vào ngày 04 tháng 12, một tiểu đoàn thiết giáp Thổ Nhĩ Kỳ gồm khoảng 20-25 xe tăng và rất nhiều binh lính đã thâm nhập trái phép vào khu vực miền bắc nước này.
Chính quyền Iraq đã kịch liệt phản đối và đe dọa nếu Ankara không chịu rút quân thì nước này sẽ đưa việc ra trước Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc phân xử, khi đó Thổ Nhĩ Kỳ sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm trước cộng đồng quốc tế.

Trước phản ứng quyết liệt của Baghdad, Ankara đã xác nhận có binh lính hiện diện tại Iraq, nhưng nói rõ thêm rằng, chỉ có 130 quân nhân đặc nhiệm được phái đến khu vực kiểm soát của người Kurd (Kurdistan) để huấn luyện cho các chiến binh này chiến đấu với tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo IS.

Ngày 5-12, Chủ tịch Ủy ban an ninh và quốc phòng của quốc hội Iraq là ông Hakim al-Zamili đã gửi kiến nghị đến Thủ tướng Haider al-Abadi, yêu cầu điều máy bay không kích vào các vị trí mà binh lính và xe tăng Thổ Nhĩ Kỳ xâm nhập lãnh thổ Iraq, giáng trả hành động xâm lược trắng trợn một quốc gia có chủ quyền, bởi đây cũng chính là lí do mà Ankara viện dẫn làm cái cớ để bắn rơi máy bay Su-24 của Nga.

Ông Hakim al-Zamili tiếp tục tuyên bố cứng rắn là Baghdad có thể yêu cầu Nga can thiệp quân sự trực tiếp vào Iraq để đáp trả sự xâm nhập của lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ.

Iraq thinh cau Nga, My se tung 100.000 quan vao tham chien?
Quốc hội Iraq tuyên bố muốn mời Nga vào chống IS

Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi cũng đã có cuộc điện đàm với Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg và yêu cầu NATO phải sử dụng quyền lực của mình để buộc Thổ Nhĩ Kỳ rút quân ngay khỏi lãnh thổ Iraq.

Tuy nhiên, không những không rút quân, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Tanju Bilgic ngày 8-12 cho biết nước này vừa gửi thêm lực lượng đến căn cứ Bashiqa, phía bắc Iraq, nâng tổng số lực lượng đồn trú của quốc gia này ở Iraq lên đến 600 người.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ còn cho biết thêm, hiện nước này đang huấn luyện cho khoảng 2.500 quân nhân thuộc lực lượng Bảo vệ quốc gia Iraq, trong khuôn khổ hợp tác huấn luyện quân sự với chính phủ địa phương người Kurd ở Iraq.

Ông này cho biết, đây là động thái được cân nhắc thực hiện nhằm bảo vệ hoạt động huấn luyện của Thổ Nhĩ Kỳ ở Iraq trước đòn tấn công của IS ở tỉnh Mosul. Ankara sẽ không triển khai thêm quân đội đến miền bắc Iraq, nhưng cũng không rút đi bất cứ lực lượng nào tại đây.

Tuy nhiên, bất chấp những cảnh báo này, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ vẫn thản nhiên ở trong lãnh thổ Iraq, xâm phạm trắng trợn chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nước này. Nguyên nhân vì sao, chúng ta sẽ hiểu rõ ở phần dưới.

Iraq thinh cau Nga, My se tung 100.000 quan vao tham chien?
Thổ Nhĩ Kỳ cương quyết không chịu rút quân khỏi lãnh thổ Iraq

Trước những hành động ngang ngược của Thổ Nhĩ Kỳ, Uỷ ban An ninh và quốc phòng của Quốc hội Iraq đã đề xuất chính phủ nước này hợp tác với Nga thực hiện không kích các vị trí của "Nhà nước Hồi giáo" và đấu tranh chống chủ nghĩa khủng bố ở Iraq.

Ông Iskander Watut, thành viên của Ủy ban đã tuyên bố, sắp tới sẽ diễn ra buổi họp của Ủy ban này với sự tham gia thảo luận của Thủ tướng Haider al-Abadi, và Quốc hội nước này sẽ đề xuất thực hiện các hành động chung với Nga về không kích "Nhà nước Hồi giáo" và chống khủng bố ở Iraq.

Tuy nhiên, toan tính của quốc hội nước này chưa chắc đã có thể thực hiện được, bởi Mỹ sẽ không cho phép Iraq đưa quân Nga vào nước này. Washington và Baghdad có thể đã đạt được thỏa thuận mà những vị dân biểu này không thể biết được.

Mỹ tung 100.000 quân vào Iraq không cần Baghdad chấp thuận

Ngày 10-12, Hãng thông tấn Nga TASS tiết lộ một thông tin chấn động được tiết lộ là khoảng 100 nghìn binh sĩ nước ngoài, trong đó có 10.00 lính Mỹ và 90 nghìn quân của các nước Trung Đông có thể tiến vào lãnh thổ Iraq tấn công IS, mà không cần sự đồng ý của chính quyền Baghdad.

Hãng thông tấn Iraq (Iraq Press Agency) cho biết, lãnh đạo khối đối lập Irada là bà Hanan al-Fatlawi đã tiết lộ thông tin về chuyến thăm Baghdad ngày 27-11 của Thượng nghị sĩ John McCain, chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ, và thượng nghị sĩ Lindsey Graham, thành viên ủy ban này.

Bài viết đăng tải trên Facebook của bà Hanan al-Fatlawi được viết với tiêu đề "McCain thông báo cho ông al-Abadi rằng, việc đưa 90.000 binh sĩ của các nước vùng vịnh đến Iraq là quyết định không phải bàn cãi".

Bài viết cho biết, trong chuyến thăm này, hại vị dân biểu Mỹ đã hội kiến với Thủ tướng Iraq Haydar al-Abadi và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, phó Tổng tham mưu trưởng quân đội Iraq và đại diện lực lượng đặc nhiệm nước này, trong khuôn khổ cuộc họp phối hợp với hoạt động quân sự các bên chống IS, diễn ra vào ngày 27-11, tại sở chỉ huy chiến thuật Mỹ-Iraq ở Baghdad.

 
Mỹ cho rằng, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ có đóng góp lớn cho liên quân này

Bà Hanan al-Fatlawi cho biết cụ thể rằng, quyết định này dường như là một vấn đề mà Washington đã quyết và Baghdad không được phép bàn cãi. “Phái đoàn Mỹ đã nói với phía Iraq rằng, quyết định này đã được chuẩn y và không nằm trong nội dung thảo luận” - vị nghị sĩ này viết.

Thượng nghị sĩ John McCain và thượng nghị sĩ Lindsey Graham đã khẳng định, đợt điều động binh sĩ lần này sẽ khác so với chiến tranh Afghanistan kéo dài 14 năm và gần 9 năm ở Iraq - 2 cuộc chiến đã giúp IS hình thành, phát triển và chiếm nhiều vùng lãnh thổ rộng lớn ở Iraq và Syria.

“Lần này sẽ là một đội quân nước ngoài bao gồm các binh sĩ trong khu vực cùng một số ít binh sĩ phương Tây. Hai cuộc chiến trước đây có sự tham gia của quá nhiều binh sĩ phương Tây, trong khi số lượng binh sĩ trong khu vực quá ít”, ông Graham cho biết.

Theo đó, liên minh quân sự đa quốc gia do Mỹ lãnh đạo bao gồm khoảng 100 nghìn quân, trong đó, Mỹ đóng góp 10.000, còn lại 90.000 quân sẽ lấy từ các quốc gia Ả Rập dòng Sunni xung quanh như: Saudi Arabia, United Arab Emirates (UAE), Qatar và Jordan.

 
Mỹ sẽ tìm mọi cách ngăn quốc hội Iraq mời Nga?

Để tập hợp được lực lượng 100.000 quân là điều tương đối khó với liên minh, bởi Saudi Arabia hiện can dự vào cuộc chiến ở Yemen, trong khi Ai Cập đang nỗ lực chống lại các phiến quân. Tuy nhiên, ông McCain tin rằng, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ có đóng góp lớn cho liên quân này.

Lực lượng Liên minh chống IS này sẽ tiến vào lãnh thổ Iraq, đóng quân ở phía tây nước này (giáp biên giới Syria), để triển khai các hoạt động tấn công tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo IS. Tuy nhiên, 10.000 quân Mỹ sẽ chỉ tham gia các hoạt động cung cấp hỗ trợ hậu cần, kỹ thuật.

Do đó, rất có thể trong bối cảnh Quốc hội Iraq gây sức ép với chính quyền Baghdad phải mời Nga tham gia chiến dịch quân sự chống IS ở nước này, Mỹ đã kích hoạt kế hoạch cùng với các đồng minh Trung Đông, buộc NATO phải đi theo con đường Washington đã chọn.

Đây cũng có thể là nguyên nhân khiến Thổ Nhĩ Kỳ phớt lờ mọi chỉ trích của cộng đồng quốc tế và của cả NATO để kiên quyết đóng quân trong lãnh thổ Iraq ở phía bắc. Trong thời gian tới, các quốc gia trong liên minh sẽ lần lượt gửi quân đến nước này, mở đầu cho cuộc chiến lớn ở Trung Đông.

Hiện thông tin của bà Hanan al-Fatlawi chưa được xác thực từ phía chính quyền Iraq và từ phía Washington nhưng Thổ Nhĩ Kỳ đang yêu cầu công dân mình rời khỏi Iraq. Nếu thông tin này là thật, Iraq sẽ phải chấp nhận kế hoạch của Mỹ và nó sẽ nhanh chóng được xác thực trong thời gian tới.

http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/iraq-thinh-cau-nga-my-se-tung-100000-quan-vao-tham-chien-3294697/?paged=2

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét