Thứ Tư, 23 tháng 12, 2015

Sức mạnh quốc phòng Việt Nam 2015

Theo Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, Thượng tướng Võ Văn Tuấn "khả năng chiến đấu của ta đủ sức phòng thủ bảo vệ đất nước trong mọi tình huống".



Để xây dựng sức mạnh quốc phòng đủ mạnh để bảo vệ Tổ quốc, cùng với mua sắm các loại vũ khí mới, Quân đội Việt Nam cũng đẩy mạnh sản xuất và nâng cấp thành công nhiều loại vũ khí khác nhau.

Nâng cấp và sản xuất mới

Trong những năm gần đây Việt Nam đã cải tiến nhiều loại tên lửa phòng không thế hệ cũ như S-75 Dvina, S-125 Pechora, 9K35 Strela-10... với sự chuyển giao công nghệ từ nước ngoài.

Mới đây, các cơ quan nghiên cứu tên lửa phòng không của Quân đội Nhân dân Việt Nam đã cải tiến hệ thống TBK (hệ thống quang truyền hình), trong đó có một số tính năng nổi bật như cảm biến cận hồng ngoại và hệ thống ATS (tự động bám sát mục tiêu).

Suc manh quoc phong Viet Nam 2015
Mục tiêu bị tiêu diệt nhìn qua màn hình hệ thống TBK.

Hiện thiết bị này đã được đưa vào trang bị cho các đơn vị tên lửa phòng không S-75 và S-125 của Việt Nam. Thành công này đã góp phần nâng cao tính năng, tác dụng và khả năng tác chiến của các đơn vị tên lửa phòng không tầm trung và tầm thấp.

Bởi qua thời gian, các thiết bị TBK cũ đã không còn phát huy tốt tác dụng, hình ảnh bắt mục ban ngày bị mờ, không rõ nét, cự ly phát hiện mục tiêu ngắn, không phát hiện được mục tiêu ban đêm, ảnh hưởng lớn đến hiệu suất chiến đấu.

Thiết bị TBK mới do Việt Nam cải tiến có ưu điểm là: Tầm phát hiện xa hơn thiết bị cũ; cho hình ảnh rõ hơn; phát hiện được cả mục tiêu bay ban đêm và có khả năng tự động bám sát.

Đặc biệt, thiết bị này sẽ phát huy được tác dụng và hiệu quả rất lớn nếu đối phương sử dụng khí tài chế áp điện tử, làm cho kênh vô tuyến điều khiển tên lửa bị nhiễu, không bắt được mục tiêu bay.

Không chỉ thành công với việc nâng cấp thiết bị quân sự, trong năm 2015, ngành sản xuất quốc phòng Việt Nam còn đạt được bước tiến lớn khi sản xuất thành công nhiều loại vũ khí công nghệ cao.

Tiếp sau súng chống tăng RPG-29 thế hệ mới, RPG-7 cải tiến, súng tiểu liên Galil ACE-31/32, cùng nhiều loại súng cối cũng như các thiết bị thông tin liên lạc hiện đại, Việt Nam đã có bước tiến mới khi làm chủ công nghệ sản xuất dòng súng máy PKM tiên tiến.

Đây là loại vũ khí mới, được các chuyên gia quân sự đánh giá là dòng súng máy tiêu chuẩn tốt nhất thế giới.

PKM là vũ khí hỗ trợ hoả lực đầy uy lực, dễ sử dụng và tin cậy, dùng để trang bị cho cấp phân đội bộ binh nhằm chống lại binh lực và chế áp hỏa lực vũ khí cá nhân của đối phương.

Ngoài ra, súng đặc biệt hữu hiệu trong việc tiêu diệt các mục tiêu bay ở độ cao thấp. Trong biên chế của các đơn vị cơ giới Nga, PKMS và các phiên bản của nó là một trong những loại vũ khí tiêu chuẩn.

Ngoài ra, Tổng cục CNQP Việt Nam còn sản xuất và thử nghiệm thành công tên lửa Igla - đây là loại tên lửa được đánh giá rất hiện đại của Nga. Đây thực sự là bước tiến vượt bậc trong việc từng bước tự chủ nguồn cung vũ khí hiện đại của Quân đội Việt Nam.

Suc manh quoc phong Viet Nam 2015
Hình ảnh Việt Nam thử nghiệm thành công tên lửa Igla.

Trước khi xuất hiện thông tin này, ngay từ đầu năm 2015, Việt Nam vừa nghiên cứu, chế tạo thành công một thành phần điện tử chính của tổ hợp tên lửa Igla.

Theo Đại tá Đỗ Tuấn Cương, Trưởng phòng Ứng dụng kỹ thuật tên lửa, Viện Tên lửa, tác giả đề tài “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo khối điện tử kiểu 9P516 tên lửa Igla”, nhóm nghiên cứu đã làm chủ công nghệ và chế tạo được 6 bộ khối điện tử đạt tiêu chuẩn kỹ thuật nước ngoài; đã chuyển giao cho các nhà máy trong nước tổng lắp thành cơ cấu phóng.

Các tác giả cũng đã hoàn thành tài liệu thiết kế, tài liệu công nghệ chế tạo khối điện tử phù hợp với điều kiện tay nghề cán bộ kỹ thuật, công nhân Việt Nam. Trên cơ sở làm chủ công nghệ, các nhà khoa học cũng đã nghiên cứu cải tiến, nội địa hóa khối điện tử kiểu 9P516.

Kết quả, 2/4 bảng thuộc khối điện tử đã được nội địa hóa hoàn toàn (sản xuất từ vật tư, linh kiện trong nước), qua thử nghiệm tương thích và hoạt động tốt cùng các bảng nguyên mẫu trong cơ cấu phóng; 2 bảng còn lại đang được nghiên cứu theo hướng sử dụng linh kiện trong nước kết hợp với nước ngoài, bước đầu cho kết quả tốt.

Việc nghiên cứu thiết kế, chế tạo thành công khối điện tử kiểu 9P516 có ý nghĩa thực tiễn cao, giúp làm chủ công nghệ, chủ động nguồn linh kiện, vật tư; giảm phụ thuộc vào các chuyên gia nước ngoài, góp phần nâng cao chất lượng công tác bảo đảm kỹ thuật và khả năng sẵn sàng chiến đấu.

Ngoài súng máy PKM, tên lửa Igla và khối điện tử kiểu 9P516, trong năm 2015 Việt Nam còn đạt được tiến bộ vượt bậc khi sản xuất thành công tên lửa chống hạm KCT 15- phiên bản Việt Nam của tên lửa lừng danh Kh-35E của Nga.


Dù chưa công bố những thông tin về KCT 15, tuy nhiên theo nhận định của một số chuyên gia nước ngoài rất có thể phiên bản Việt Nam của Kh-35E tầm bắn sẽ được nâng lên 300 km và mang theo đầu đạn nặng 300 kg (so với tầm bắn 130 km và đầu đạn nặng 145 kg của nguyên bản).

Việt Nam sẽ mua vũ khí gì tiếp theo?

Theo nhận định của truyền thông phương Tây, để thay thế những phương tiện quân sự và vũ khí cũ, rất có thể Việt Nam sẽ mua sắm hàng loạt vũ khí có nguồn gốc từ phương Tây.

Theo Tạp chí Air Forces Monthly cho biết, để thay thế phi đội tiêm kích MiG-21 già cỗi, Việt Nam đang tính đến khả năng mua tiêm kích hạng nhẹ JAS-39 Gripen do Thụy Điển sản xuất.

Theo giới thiệu từ hãng Saab, tiêm kích JAS-39 Gripen là máy bay chiến đấu thế hệ 4+, có khả năng cất cánh từ các sân bay dã chiến có đường băng ngắn. Điều đáng nói là JAS-39 có khả năng tùy biến, nâng cấp “rộng” cũng như lắp đặt các thiết bị, vũ khí hiện đại.

Thiết bị điện tử hàng không trên Gripen là sản phẩm của các công ty điện tử hàng đầu châu Âu với radar tầm xa PS-05 do Ericsson sản xuất, có khả năng phát hiện, định vị, nhận dạng và tự động theo dõi nhiều mục tiêu cả trên không, trên biển hay mặt đất trong mọi điều kiện thời tiết.

Trong khi đó, tờ 'Tin sớm Bắc Kinh" cho biết, Việt Nam đang tính đến khả năng tăng cường sức mạnh Không quân bằng phi đội tiêm kích F-16 từ Mỹ. Tính đến nay, F-16 là một trong những tiêm kích thành công nhất trong lịch sử Không quân Mỹ.

Về trang bị vũ khí, F-16 có một pháo chính M-61 Vulcan 6 nòng 20mm, bên cạnh đó là các loại vũ khí gắn dưới cánh như tên lửa đối không tầm trung, không đối đất, bom thông minh cũng như bom “ngu” các loại.

Tiêm kích F-16 là loại chiến đấu cơ đã được thử thách qua các cuộc chiến tranh, chứng minh rằng nó có thể làm tốt các nhiệm vụ từ đánh chặn đến tuần tra, không kích đến diệt radar...

Đặc biệt, ngay khi Mỹ bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương với Việt Nam, truyền thông Mỹ đã đồng loạt đưa tin, Việt Nam đang đàm phán với Mỹ để mua 6 chiếc máy bay tuần tra săn ngầm P-3C.

Ngoài ra, theo thông tin từ hãng trực thăng AgustaWestland của liên doanh Anh - Italia tiết lộ rằng, công ty này đang đàm phán sơ bộ với Hải quân Việt Nam để cung cấp máy bay trực thăng AW159 Lynx Wildcat.

Theo giới thiệu từ hãng AgustaWestland, AW159 Lynx Wildcat là loại trực thăng chuyên chống ngầm, có thể đạt vận tốc 296 km/giờ, tầm bay 777 km (có thể bay liên tục 2 giờ 40 phút). AW159 chở được 7 người, cũng như nhiều loại hàng hóa.

Nó có thể làm nhiệm vụ cứu hộ hay tham gia tác chiến chống tàu chiến. Trực thăng AW159 Lynx Wildcat trang bị tên lửa tự hành hoặc loại có điều khiển, súng FN MAG hoặc Browning M2, ngư lôi và bom khoan.

Trực thăng AW159 Lynx Wildcat.

Nước ngoài nhận định về sức mạnh quốc phòng Việt Nam

Trong bảng xếp hạng 106 sức mạnh quân sự của Global Fire Power năm 2015, chỉ có 8 nước Đông Nam Á được đánh giá, trong đó, Việt Nam xếp sau Indonesia và đứng trên Thái Lan.

Theo Global Fire Power, hiện nay Hải quân Việt Nam có 7 khu trục nhỏ, 9 tàu hộ tống, 21 tàu tuần tra và 8 chiến hạm khác. Ở đây không so sánh tàu ngầm vì số lượng này hiện đang thay đổi mà Global Fire chưa cập nhật.

Hiện nay Không quân Việt Nam đang sở hữu 413 máy bay các loại. Lục quân sở hữu khoảng 3200 xe tăng và 2100 xe bọc thép. Ngoài ra, Việt Nam đang có trong trang bị 520 pháo tự hành và 1300 pháo phản lực.

Tuy nhiên, các số liệu này đã được Global Fire Power thống kê từ cuối năm 2014 và công bố từ đầu năm 2015, vì vậy có thể không phản ánh chính xác thực tế.

Cũng phải nói thêm là trong năm 2013, Việt Nam đứng thứ 25 trong bảng xếp hạng sức mạnh quân sự toàn cầu nhưng năm 2014 đã lên 2 bậc. Với những sự tăng cường các phương tiện như chúng ta đã biết thời gian qua, nhiều khả năng sang năm 2015, thứ hạng Quân đội Việt Nam sẽ có thay đổi.

http://baodatviet.vn/quoc-phong/quoc-phong-viet-nam/suc-manh-quoc-phong-viet-nam-2015-3295732/?paged=2

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét