Việc Nga phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa mới là nỗ lực “tham gia với Trung Quốc” trong vấn đề chế tạo tên lửa chống vệ tinh và như vậy Nga đang định quân sự hóa vũ trụ, tờ The Washington Free Beacon (Mỹ) đưa tin.
Trên thực tế, đó là nói về hệ thống phòng thủ tên lửa А-235 Nudol mà Tập đoàn phòng không Almaz-Antei đang phát triển để thay thế hệ thống А-135 Amur đang được triển khai quanh Moskva. Hệ thống này dùng để ngăn chặn cuộc tấn công hạt nhân hạn chế vào Moskva và khu vực công nghiệp trung tâm.
Tờ báo Mỹ so sánh Nudol với tên lửa tối tân Động năng 3 (Dong Neng 3) của Trung Quốc với khả năng bắn hạ vệ tinh Mỹ.
Bài báo trích dẫn lời Tướng không quân Mỹ John Hyten, người đã cảnh báo trong tháng này rằng, Nga và Trung Quốc đang xây dựng khả năng tác chiến trong vũ trụ đe dọa các vệ tinh của Mỹ. Giới quân sự Mỹ đi đến kết luận đó còn bởi vì chính họ vào năm 2008 đã bắn hạ được vệ tinh gián điệp USA-193 bị hỏng bằng tên lửa chống tên lửa SM-3 phóng tàu tàu tuần dương USS Lake Erie.
Trong khi đó, bản thân Mỹ dường như cũng đang ráo riết phát triển vũ khí vũ trụ thực sự. Họ đang bí mật thử nghiệm máy bay vũ trụ không người lái X-37В có thể mang thiết bị gián điệp hoặc vũ khí, kể cả vũ khí hạt nhân.
Đầu tháng 11/2015, Mỹ đã bỏ phiếu chống nghị quyết do Nga đề xuất về việc không triển khai vũ khí trong vũ trụ vì cho rằng, văn kiện này chưa định nghĩa đầy đủ khái niệm “vũ khí trong không gian vũ trụ” và do đó “các quốc gia không có cách hiểu chung về thuật ngữ được sử dụng”.
Mỹ cũng không chấp nhận việc sáng kiến của Nga chỉ đề cập đến vũ khí bố trí trong vũ trụ mà không nói đến vũ khí chống vệ tinh triển khai ở mặt đất, “điều có thể làm trầm trọng thêm chứ không giảm bớt sự mất lòng tin và các tính toán sai có thể xảy ra”.
Tháng 9/2015, Nga và Trung Quốc đã đề nghị Mỹ ký hiệp ước có tính bắt buộc pháp lý ngăn chặn triển khai vũ khí trong vũ trụ.
Tháng 6/2015, Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố Nga lo ngại việc Mỹ kiên trì từ chối tham gia soạn thảo các thỏa thuận quốc tế ngăn chặn triển khai vũ khí trong vũ trụ.
Bộ Ngoại giao Nga đã dẫn làm ví dụ văn kiện JP 3-14 “Các chiến dịch vũ trụ” của Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, trong đó cho phép “các biệ pháp phòng ngừa có tính ngoại giao thông tin, quân sự và kinh tế” đối với tiềm lực vũ trụ của đối phương.
Tháng 4/2015, nhà thiết kế hệ thống chống vệ tinh và các vệ tinh đánh chặn đầu tiên trên thế giới, Giám đốc khoa học của Tập đoàn Almaz-Antei, ông Anatoly Savin đã tuyên bố rằng, Nga đã phát triển được một hệ thống tự động hóa độc đáo mà khi có nhu cầu về quân sự, có thể tiêu diệt các vệ tinh của kẻ thù tiềm tàng, nhưng nó chỉ có thể sử dụng để phòng vệ.
Đầu tháng 11/2015, các nguồn thạo tin ở Lầu Năm góc loan tin Trung Quốc vừa thử nghiệm bay lần tiếp theo tên lửa Động Năng 3 có khả năng bắn hạ vệ tinh Mỹ. Lần phóng thứ 8 tên lửa đánh chặn động năng ngoài khí quyển của Trung Quốc được thực hiện ngày 30/10/2015, The Washington Free Beacon cho hay.
Các nguồn tin ở Lầu Năm góc nhấn mạnh rằng, Động Năng 3 trước hết dùng để tiêu diệt vệ tinh bằng va chạm động năng trực tiếp mặc dù nó có cả khả năng đánh chặn tên lửa đường đạn.
Tháng 3/2015, giới quân sự và tình báo Mỹ đã nói đến kế hoạch tác chiến trong vũ trụ và cảnh cáo Trung Quốc về nguy cơ tấn công vệ tinh Mỹ trong các cuộc xung đột tương lai.
Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ về chính sách trong lĩnh vực vũ trụ Douglas Loverro tuyên bố rằng, Lầu Năm góc muốn các địch thủ tiềm tàng như Trung Quốc hiểu rằng, nếu như chiến tranh sẽ lan rộng vào không gian vũ trụ, Mỹ sẽ sẵn sàng bảo vệ các nguồn lực vũ trụ của mình.
Ngoài ra, tháng 11/2014, báo chí Mỹ cũng loan tin, các cơ quan vũ trụ phương Tây đang theo dõi một vật thể phóng lên quỹ đạo bởi một tên lửa Nga vì nghi ngờ đây là một sát thủ vệ tinh.
http://vietnamdefence.com/Home/ktqs/space/Nga-Trung-toi-tap-thu-vu-khi-chong-ve-tinh/201512/54743.vnd
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét