Lược trích:
"... Việc Trung Quốc biên chế tàu khu trục tối tân diễn ra chỉ vài giờ trước khi PCA ra phán quyết vụ Philippines kiện Trung Quốc về “đưỡng lưỡi bò” ở Biển Đông. Cùng với đợt tập trận rầm rộ vừa qua, đây là một động thái “diễu võ giương oai” hoàn toàn có chủ ý của Bắc Kinh.
Có thể nói rằng, với việc tuyên bố bác bỏ phán quyết của Tòa án Trọng Tài thường trực PCA, khẩn cấp gọi tái ngũ các cựu binh hải quân, tăng cường các hệ thống vũ khí ra các đảo trên Biển Đông, rất có thể nhà cầm quyền Bắc Kinh đang chuẩn bị những bước phiêu lưu quân sự..."
-----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Sau khi nhận bất lợi từ phán quyết PCA, Trung Quốc đã lên tiếng đe dọa Mỹ, đồng thời tung khu trục hạm mạnh nhất thuộc Type 052D xuống Biển Đông.
Trung Quốc cảnh cáo Mỹ ngừng “gây sự” trên Biển Đông
Vào hôm 13/7, sau khi Tòa án Trọng tài thường trực (PCA) ra phán quyết có lợi cho Philippines, Bắc Kinh đã gửi thông điệp cứng rắn tới Hoa Kỳ vì Washington đã lên tiếng về lập trường tại khu vực Biển Đông, thông qua tuyên bố của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng.
Vào hôm 12/7, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby cho biết Mỹ hy vọng Trung Quốc sẽ tôn trọng phán quyết của Tòa án trọng tài The Hague về tình hình Biển Đông, và nếu Bắc Kinh từ chối tuân thủ có nghĩa là họ đã “nằm ngoài” hệ thống luật pháp quốc tế.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng tuyên bố, Trung Quốc bày tỏ sự bất mãn mạnh mẽ và kiên quyết phản đối đối với thông cáo có liên quan, cũng như những quan điểm mang tính “khiêu khích” của Mỹ.
Ông này khuyên phía Mỹ hãy suy nghĩ kỹ về lời nói và hành động của mình, ngừng tuyên truyền các “quyết định trái pháp luật” có liên quan (ý Trung Quốc là phán quyết của tòa án trọng tài mà nước này luôn tuyên bố không tham gia, không chấp nhận và không thực thi phán quyết của nó):
“…Mỹ cần ngừng khiêu khích tại Biển Đông, chấm dứt các tuyên bố và hành động làm phương hại đến chủ quyền và lợi ích của Trung Quốc trong lĩnh vực an ninh, cũng như dẫn đến sự căng thẳng trong khu vực" - ông Lục Khảng lớn tiếng cảnh cáo Mỹ.
Chiều ngày 12/7, Tòa án Trọng tài Thường trực ở The Hague - Hà Lan, đã ra phán quyết bác bỏ hầu hết các yêu sách chủ quyền và hành động phi pháp của Trung Quốc trong khu vực Biển Đông, theo yêu cầu phán xử trong vụ kiện của Philippines.
"Tòa kết luận rằng, Trung Quốc không có cơ sở pháp lý nào để đưa ra yêu sách về quyền lịch sử trong các vùng lãnh hải nằm trong phạm vi của cái gọi là 'đường 9 đoạn'", tuyên bố của tòa án có đoạn.
PCA đã ra phán quyết Philippines thắng kiện
|
Ngoài ra, tòa án cũng tuyên bố các đảo chìm và đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi đắp và xây dựng trái phép trên Biển Đông không tạo ra lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa xung quanh nó, mà còn đã gây tổn hại nghiêm trọng đến môi trường biển trong khu vực và cản trở bất hợp pháp của các tàu chấp pháp của Philippines, gây nên nguy cơ va chạm nghiêm trọng.
Trước khi Tòa án Trọng tài Thường trực ra phán quyết này, Quốc hội Mỹ đã tổ chức một cuộc điều trần về tình hình Biển Đông vào ngày 11/7 và đưa ra cáo buộc Bắc Kinh “đơn phương làm thay đổi cục diện chiến lược của Biển Đông”.
Ông Abraham Denmark, Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách Đông Á cho biết, Trung Quốc đã triển khai hệ thống radar, tên lửa hành trình chống hạm, tên lửa đất đối không và triển khai luân phiên máy bay chiến đấu tới các thực thể chiếm đóng bất hợp pháp ở Biển Đông.
Một khi hoàn thành và được trang bị, những cơ sở này sẽ cải thiện đáng kể khả năng của Trung Quốc trong việc thực thi các yêu sách chủ quyền lãnh thổ và hàng hải, cũng như khả năng điều động lực lượng tới khu vực cách xa bờ biển nước này.
Ong Denmark nhấn mạnh trong phiên điều trần trước Tiểu ban về các lực lượng và sức mạnh trên biển thuộc Ủy ban Quân lực Hạ viện Mỹ rằng, để thể hiện quyết tâm của Mỹ trong việc “di chuyển và hoạt động ở bất cứ khu vực nào luật pháp quốc tế cho phép”, tàu sân bay USS Ronald Reagan của Hải quân Mỹ đóng tại căn cứ Yokosuka gần Tokyo (Nhật Bản), sẽ thực hiện hoạt động tuần tra thường lệ ở Biển Đông trong mùa hè này.
Trung Quốc biên chế khu trục hạm Type 052D cho Hạm đội Nam Hải
Ngay sau khi Tòa Trọng tài Thường trực ở The Hague tuyên bố bác bỏ “đường lưỡi bò” phi lý tại biển Đông, tối 12-6, hải quân Trung Quốc đã đưa vào biên chế chiếc tàu khu trục Type 052D mới nhất, mang số hiệu 175 Ngân Xuyên - chiếc thứ 4 thuộc Type 052D, lớp Lữ Dương-III.
Các tàu trước đó là 172 Côn Minh, 173 Trường Sa, 174 Hợp Phì đã lần lượt được biên chế cho lực lượng hải quân nước này từ năm 2014 đến nay. Tàu khu trục Ngân Xuyên được biên chế cho Hạm đội Nam Hải và đồn trú tại một quân cảng ở thành phố Tam Á, thuộc tỉnh Hải Nam.
Với chức trách nhiệm vụ mới của mình, chiếc khu trục hạm được cho là một trong những chiếc tàu chiến hiện đại nhất của hải quân Trung Quốc sẽ tiến hành các hoạt động tác chiến trên khu vực Biển Đông, cùng với 3 chiếc cùng loại biên chế trước đó.
Tàu khu trục Ngân Xuyên có chiều dài khoảng 150m, chiều rộng 20m và được trang bị các hệ thống vũ khí hiện đại, như hệ thống 64 ống phóng tên lửa thẳng đứng, pháo hạm 130mm, pháo bắn nhanh 30mm và ngư lôi, giúp nó có thể thực hiện các nhiệm vụ phòng không, chống ngầm và đối hạm.
Chuyên gia quân sự Trung Quốc thường khoe khoang rằng, chiếc tàu mới này có khả năng vượt trội so với các tàu khu trục lớp Sejong Đại đế của Hàn Quốc, tàu khu trục lớp Atago của Nhật Bản và thậm chí là các tàu khu trục lớp Arleigh Burke của hải quân Mỹ.
Theo chuyên gia phân tích quân sự Trung Quốc Cao Weidong, tàu khu trục mới nhất được trang trang bị tên lửa hành trình chống tàu YJ-62 mạnh hơn rất nhiều so với mẫu RGM-84 Harpoon có tầm bắn ngắn trên tàu khu trục Mỹ hay Exocet trên các tàu khu trục châu Âu.
Trung Quốc đã biên chế 4 khu trục hạm Type 052D hoạt động trên Biển Đông
|
Tuy nhiên, trong thực tế, các tàu khu trục của Trung Quốc chưa được đánh giá cao bằng các tàu khu trục của hải quân Mỹ cả về tính năng cũng như khả năng tác chiến, mặc dù thiết kế và kiểu dáng của tàu khu trục Trung Quốc có nét giống với tàu Mỹ.
Các chuyên gia quân sự cho rằng, hiện Trung Quốc chưa hoàn thiện tên lửa hành trình đối đất Đông Hải 10 (DH-10) nên các tàu này chưa có khả năng tấn công mặt đất. Hơn nữa, các hệ thống tác chiến điện tử, radar… chưa thể bắt kịp với công nghệ phương Tây.
Điều đặc biệt là cả 4 khu trục hạm mạnh nhất, thuộc thế hệ mới nhất của Trung Quốc đều được biên chế cho Hạm đội Nam Hải, đảm trách hoạt động tác chiến ở khu vực Biển Đông. Điều này chứng tỏ Trung Quốc đang dốc toàn lực nâng cao tiềm lực quân sự nhằm độc chiếm vùng biển này.
Việc Trung Quốc biên chế tàu khu trục tối tân diễn ra chỉ vài giờ trước khi PCA ra phán quyết vụ Philippines kiện Trung Quốc về “đưỡng lưỡi bò” ở Biển Đông. Cùng với đợt tập trận rầm rộ vừa qua, đây là một động thái “diễu võ giương oai” hoàn toàn có chủ ý của Bắc Kinh.
Có thể nói rằng, với việc tuyên bố bác bỏ phán quyết của Tòa án Trọng Tài thường trực PCA, khẩn cấp gọi tái ngũ các cựu binh hải quân, tăng cường các hệ thống vũ khí ra các đảo trên Biển Đông, rất có thể nhà cầm quyền Bắc Kinh đang chuẩn bị những bước phiêu lưu quân sự.
http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/trung-quoc-doa-my-4-sieu-ham-type-052d-ve-bien-dong-3313820/?paged=2
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét