Trong chiến lược chống ngầm của Hải quân Mỹ chống lại lực lượng tàu ngầm Trung Quốc trên các vùng nước giới hạn như Biển Đông, biển Hoa Đông, Mỹ muốn hợp tác cùng các nước trong khu vực, trọng tâm sẽ là Nhật Bản, Hàn Quốc...
Trên vùng biển Tây Thái Bình Dương, Mỹ lên kế hoạch liên kết phối hợp hai lượng hải quân, Nhật Bản và Mỹ. Mặc dù có một số những mâu thuẫn trong lĩnh vực này, nhưng lực lương hải quân hai nước cùng có sự quan tâm chiến lược và đầu tư ngân sách cho các hoạt động chống ngầm. Thực tế Nhật Bản nhập khẩu một khối lượng khổng lồ dầu mỏ từ Trung Đông, nguy cơ xung đột với Trung Quốc ở Senkaku có thể là một nguyên nhân khiến tàu ngầm của quân đội Trung Quốc (PLA) có thể phong tỏa tuyến hàng hải huyết mạch với nền kinh tế Nhật Bản này.
Theo thống kê của các chuyên gia nước ngoài, trong lực lượng chống ngầm của Nhật Bản có biên chế tớ 16 tàu ngầm diesel, có tới 80 máy bay chống ngầm P-3 Orion và 2 chiếc máy bay chống ngầm P-1 Kawasaki, 140 máy bay trực thăng chống ngầm SH-60J và SH – 60K. Lực lượng này phối hợp với lực lượng chiến hạm nổi Nhật Bản có thể là một lực lượng chống ngầm đáng sợ đối với Trung Quốc khi mặt trận chống ngầm được triển khai trên biển Hoa Đông.
Do lực lượng chống ngầm Nhật Bản thực sự mạnh, hải quân Mỹ - Nhật Bản cùng có mối quan tâm lớn trong sứ mệnh liên kết phối hợp hai lực lượng tiến hành các cuộc huấn luyện chiến dịch chiến thuật chung, và nâng cao năng lực sẵn sàng chiến đấu trong đội hình liên quân.
Trong những năm gần đây, do tình hình trên biển Hoa Đông và Biển Đông gia tăng căng thẳng, lực lượng Hải quân hai nước cùng thục luyện các hình thái chiến thuật chống ngầm của các binh chủng khác nhau như không quân chống ngầm, các đơn vị chiến hạm nổi chống ngầm, và hoạt động liên kết phối hợp của các tàu ngầm hai nước. Việc này có mục đích ngăn chặn khả năng đột phá vượt qua hệ thống phong tỏa chống ngầm của Mỹ - Nhật Bản trong khu vực eo biển giao nhau giữa biển Nhật Bản và biển Hoa Đông, đồng thời thực hiện nhiệm vụ bảo vệ các tuyến đường vận tải huyết mạch.
Do lực lượng tàu ngầm Mỹ của Hạm đội Thái Bình Dương có nhiệm vụ then chốt ngăn chặn tàu ngầm nguyên tử Trung Quốc đi vào vùng phóng tên lửa tấn công bờ biển nước Mỹ, bản chất của các hoạt động liên kết phối hợp chống ngầm Mỹ - Nhật là lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản cùng tham gia hệ thống cơ sở dữ liệu chống ngầm Mỹ và Mỹ cung cấp các thông tin về tàu ngầm Trung Quốc, lực lượng tác chiến chống ngầm chủ yếu trên biển Hoa Đông vẫn là Nhật Bản.
Chống tàu ngầm Trung Quốc vươn ra Thái Bình Dương chủ yếu là lực lượng chống ngầm của hạm đội 7 Mỹ. Nhằm tăng cường hiệu quả tác chiến chống ngầm, Hải quân Mỹ lên kế hoạch thành lập các nhóm đặc biệt tập trung vào nhiệm vụ then chốt – tìm kiếm, theo dõi và sẵn sàng tiêu diệt tàu ngầm đối phương khi thực hiện cuộc hải hành ra khu vực phóng tên lửa hoặc đã triển khai đội hình chiến đấu trên biển lớn.
Các đơn vị đặc biệt chống ngầm Mỹ có mục tiêu then chốt là kiểm soát và theo dõi chặt chẽ các tàu ngầm đang hoạt động trên vùng phóng tên lửa, nhưng quan trọng bậc nhất là phát hiện, theo dõi và có các biện pháp ngăn chặn ngay từ khi tàu ngầm ra khỏi căn cứ đóng quân và đang trên đường tập kết khu vực tổ chức đội hình hành quân chiến đấu. Trong điều kiện thời chiến, quá trình theo dõi chặt chẽ hoạt động của các tàu ngầm địch cho phép tiêu diệt đối phương tại thời điểm bắt đầu chiến tranh. Chính vì vậy, hoạt động theo dõi tàu ngầm đối phương sẽ buộc các tàu phải hoạt động trong vùng phòng không của các chiến hạm nổi mang tên lửa phòng không hiện đại, giảm thiểu tối đa hiệu quả tấn công bằng tên lửa đạn đạo hoặc tên lửa hành trình mang đầu đạn hạt nhân.
Các chuyên gia quân sự Mỹ cho rằng, khả năng phát hiện và tiêu diệt được tàu ngầm đối phương khi đã tập kết tại khu vực chiến đấu thực sự vô cùng khó khăn, do đó chiến thuật hiệu quả nhất sử dụng lực lượng chống ngầm là kiểm soát và theo dõi chặt chẽ các vùng nước then chốt của khu vực châu Á Thái Bình Dương, ví dụ như eo biển Tsushima, eo biển Luzon, eo biển Đài Loan, eo biển Malacca…
Chính vì vậy trên vùng nước Tây Thái Bình Dương đã hình thành hệ thống SOSUS chống ngầm Mỹ - Nhật Bản, có mục đích phát hiện, xác định và theo dõi các tàu ngầm hoạt động trong các khu vực đó, từ đó tìm ra quy luật, đặc điểm và những tính năng vật lý đặc thù của các tàu ngầm Trung Quốc, để có thể nhanh chóng tìm kiếm và phát hiện vị trí của các chiến hạm này.
Nhưng một số các chuyên gia hải quân Mỹ đưa ra nhận định, sự quan sát và theo dõi thường xuyên nào cũng có thể có lỗi. Nếu để lọt lưới một tàu ngầm nguyên tử mang tên lửa đạn đạo hạt nhân hoặc một tàu ngầm diesel lớp Kilo mang tên lửa hành trình Club – S đến được khu vực chiến đấu, có thể là Biển Đông, điều đó sẽ đe dọa các cụm tàu sân bay tấn công chủ lực Mỹ hoặc các căn cứ quân sự Mỹ trên Thái Bình Dương. Tàu ngầm mang tên lửa hạt nhân hoàn toàn có thể đe dọa tấn công bờ biển nước Mỹ.
Như vậy hệ thống SOSUS vẫn chưa giải quyết triệt để bài toán chống ngầm của Hải quân Mỹ. Việc tìm kiếm, phát hiện và tiêu diệt tàu ngầm trong tình huống này thực sự khó khăn, đòi hỏi nhiều thời gian và tăng cường các phương tiện chống ngầm.
Phương án tối ưu được lựa chọn để chiến đấu chống lại tàu ngầm đối phương (Trung Quốc) là tổ chức theo dõi chặt chẽ các tàu ngầm của đối phương trong điều kiện thời bình và tiêu diệt các tàu ngầm đối phương khi xảy ra chiến tranh, làm cho các tàu ngầm đó không thể tấn công bằng tên lửa đạn đạo hoặc tên lửa hành trình.
Các chuyên gia chống ngầm Hải quân Mỹ nghiên cứu hai phương án theo dõi các tàu ngầm Trung Quốc: Theo dõi thụ động (bí mật), xác định thường xuyên tọa độ của tàu ngầm đối phương, tuyến đường hành quân, căn cứ thường trú và tất cả các thông tin liên quan, đảm bảo trong điều kiện cần thiết, có thể tấn công bất ngờ và chính xác tiêu diệt mục tiêu. Các tàu ngầm này là những tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo, tàu ngầm nguyên tử tấn công và tàu ngầm lớp Kilo mang tên lửa hành trình Club – S.
Theo dõi chủ động (công khai), phương pháp theo dõi này được sử dụng công khai đối với tàu ngầm Trung Quốc trên các căn cứ, các tuyến đường tàu ngầm đối phương xuất hiện và đi qua, thu hẹp vùng hoạt động của tàu ngầm đối phương, khiến đối phương gặp khó khăn khi thực hiện nhiệm vụ được giao.
Chẳng hạn các chiến hạm Mỹ, các tàu thăm dò đáy biển liên tục mở sonar theo dõi các tàu ngầm của Trung Quốc trên Biển Đông, điều đó gây một cảm giác bất an và mất tự do đối với các tàu ngầm Trung Quốc, họ sẽ buộc phải bỏ những khu vực thuận lợi đã bị phát hiện để tìm đến những vùng nước phức tạp hơn, chưa bị phát hiện.
Lực lượng có thể duy trì sự theo dõi bí mật các tàu ngầm đối phương là hệ thống SOSUS cố định liên minh Mỹ - Nhật, các tàu ngầm nguyên tử Mỹ và các máy bay chống ngầm, bao gồm máy bay chống ngầm P-8 Poseidon, P-3 Orion và các máy bay trực thăng chống ngầm trên các tàu sân bay, tàu khu trục và hộ tống hạm.
Các chiến hạm nổi, chiến hạm chống ngầm có thể thực hiện phương án công khai theo dõi tàu ngầm đối phương.
Theo một số chuyên gia quân sự, trong phương án này, trên Biển Đông, Hải quân Mỹ tìm kiếm phương án hợp tác với hải quân Việt Nam ngay từ khi Việt Nam có được các tàu ngầm đầu tiên lớp Kilo 636.1. Mặc dù số lượng tàu ngầm Việt Nam không lớn và lực lượng chống ngầm chưa được hiện đại hóa, nhưng với các hộ tống hạm Gepard 3.9 có tính năng chống ngầm cao, kết hợp với các tàu ngầm Kilo cũng là một lực lượng có khả năng theo dõi, tìm kiếm và phát hiện tàu ngầm khả nghi hiệu quả, đặc biệt khu vực mở rộng của đảo Hải Nam và vành đai quần đảo Hoàng Sa.
Một điểm khá khó khăn đối với Hải quân Mỹ là nguồn thông tin mà Việt Nam có khi phát triển lực lượng chống ngầm của mình trên vùng nước Biển Đông, do không có mối quan hệ hợp tác quân sự ở tầm cao hơn. Mỹ và Việt Nam mới giới hạn thông tin về vấn đề cứu hộ cứu nạn.
Nhiều nguồn tin cho biết, Việt Nam mong muốn có được các máy bay chống ngầm P-3 để có thể sử dụng nguồn dữ liệu chiến thuật quản lý Biển Đông. Ngược lại, phía Mỹ cũng mong muốn cập nhật nguồn thông tin chiến thuật bổ sung về tình hình dưới biển ngoài những dữ liệu tích hợp được hiện có, đặc biệt với vùng nước ven bờ.
Rào cản duy nhất hiện nay chính là giá thành P-3 Orion mà Việt Nam muốn sở hữu. Vì vậy đã có cuộc hội thảo với các nhà sản xuất chính, trong đó có Boeing tại Hà Nội trước thềm chuyến thăm của tổng thống Obama, đánh dấu bằng sự kiện lịch sử dỡ bỏ hoàn toàn cấm vận vũ khí sát thương và bình thường hóa hoàn toàn quan hệ với Việt Nam. Hải quân Mỹ hy vọng tương lai có thể kết hợp chặt chẽ hơn với Hải quân Việt Nam trong “chiến tranh chống ngầm” ít nhất là trong lĩnh vực “ngăn chặn thực tế” đảm bảo an ninh bờ biển Mỹ.
Trong tầm nhìn chiến lược nhằm đối phó với lực lượng tàu ngầm Trung Quốc ngày một phát triển, ngoài việc tăng cường mối quan hệ đồng minh - đối tác mở rộng mặt trận chống ngầm, tăng cường số lượng vùng nước “trong suốt” đối với tàu ngầm đối phương, Hải quân Mỹ cũng đặc biệt chú trọng phát triển các loại vũ khí khí tài tìm kiếm, theo dõi và phát hiện tàu ngầm.
Lực lượng Hải quân Mỹ sử dụng một hệ thống nhiều tuyến tìm kiếm và phát hiện tàu ngầm đối phương trong điều kiện thời bình. Quá trình tìm kiếm tàu ngầm đầu tiên là hệ thống SOSUS, sau đó tọa độ của mục tiêu được xác định bằng hệ thống Jezebel còn được gọi là hệ thống LOFAR – (LOw Frequency Analysis and Recording) sử dụng các sonobuoy (phao gắn sonar) thụ động, có nhiệm vụ thu thập tín hiệu đặc trưng của tàu ngầm, chuyển tải thông tin về các phương tiện chống ngầm như chiến hạm nổi, máy bay chống ngầm hoặc vệ tinh, và từ đó truyền về trung tâm chỉ huy. Tuyến chống ngầm thứ ba chính xác hơn là Julie, đây là tuyến chống ngầm cuối cùng sử dụng các sonobouy chủ động, xác định chính xác vị trí tàu ngầm và bộ khí tài tìm kiếm tàu ngầm bằng thiết bị xác định độ biến thiên dị thường của tàu ngầm.
Sonobuoys chủ động là phao sonar tự động phát xung âm thanh (ping) vào trong nước và thu thập tiếng vọng phản hồi, rồi thông qua tần số radio UHF/VHF truyền thông tin thu thập được tới chiến hạm chống ngầm hoặc máy bay chống ngầm. Khởi điểm ban đầu hệ thống (CASS) hoạt động liên tục trong suốt thời gian sử dụng, hiện nay sonobuoys có thể được kích hoạt hoặc tắt đi nhờ những mệnh lệnh phát ra từ những máy bay hoặc chiến hạm chống ngầm. Hệ thống Sonobuoy được phát triển thành hệ thống DICASS (Directional CASS) cho phép thu thập nhiều thông tin hơn, bao gồm tầm xa của vật thể mà sonobuoy thu được tiếng vọng. Hiện nay, máy bay tuần biển chống ngầm P-3 Orion sử dụng sonobuoy AN/SSQ-47B.
Sonobuoys thụ động là các đài sonar không phát mà thu tất cả các âm thanh trong lòng nước biển, trong đó có những âm thanh đặc trưng của tàu ngầm như tiếng động cơ, tiếng va chạm sắt thép, âm thanh động cơ chân vịt tàu ngầm v.v., rồi dùng tần số UHF/VHF chuyển tải những thông tin thu nhận được tới các phương tiện chống ngầm như máy bay chống ngầm, chiến hạm chống ngầm.
Trong tương lai, Hải quân Mỹ tiếp tục hiện đại hóa các loại vũ khí, phương tiện chống ngầm hiện có và nỗ lực phát triển, ứng dụng những thành tựu đạt được vào việc làm “trong suốt” tất cả các vùng nước có nguy cơ trở thành khu vực tác chiến của tàu ngầm đối phương, trong đó có vùng nước Biển Đông.
Mỹ cũng hy vọng sẽ hợp tác với các nước đồng minh, giữ vai trò chủ đạo là Nhật Bản trong định hướng phát triển công nghệ biển khơi, đặc biệt là công nghệ tuần thám và theo dõi các tàu ngầm trên biển và đại dương.
Hiện thực hóa chiến lược “chiến tranh chống ngầm” của Hải quân Mỹ chống lại đối tượng tác chiến tiềm năng – hạm đội tàu ngầm Trung Quốc là tổ chức lực lượng chống ngầm liên minh các nước đồng minh và đối tác của Mỹ thành một hệ thống thống nhất với sự hậu thuẫn của Hải quân Mỹ mà lực lượng tác chiến chủ đạo là trên vùng nước Tây Thái Bình Dương là lực lượng chống ngầm của Hạm đội 7 Mỹ.
Cuộc chiến tranh chống ngầm trên vùng nước Biển Đông và biển Hoa Đông cần được sử dụng tất cả các phương tiện chống ngầm hiện có của lực lượng Hải quân Mỹ tại khu vực và lực lượng chống ngầm của Nhật Bản, Hàn Quốc (trong tình huống này lực lượng chống ngầm Hàn Quốc có đối tượng tác chiến tiềm năng là hạm đội tàu ngầm Triều Tiên), Úc, và các nước đồng minh, đối tác khác của Mỹ.
Để thực hiện khả năng chống ngầm hiệu quả, hải quân Mỹ xác định phương án tối ưu là “vượt trên ngăn chặn”, bao gồm sứ mệnh tìm kiếm, phát hiện và theo dõi tất cả các tàu ngầm đối phương (Trung Quốc) trên đại dương, nhưng chú trọng chủ yếu vào các vùng nước trong khu vực Tây Thái Bình Dương, tạo vùng nước trong suốt đối với các hoạt động tàu ngầm của Trung Quốc để có thể tấn công tiêu diệt khi chiến trang bùng nổ.
Nhiệm vụ then chốt hiện nay của chiến lược “chiến tranh chống ngầm” Mỹ là tích hợp các lực lượng, các phương tiện chống ngầm hiện có trong biên chế và của các nước đồng minh, đối tác vào trong một hệ thống “răn đe thực tế”, nhằm kiềm chế Trung Quốc trong tham vọng vươn tới vị thế thống trị Tây Thái Bình Dương.
http://viettimes.vn/quoc-phong/chien-luoc-chien-thuat/my-hop-binh-dan-tran-trung-diep-tau-ngam-trung-quoc-kho-thoat-bi-tieu-diet-65326.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét