Thứ Hai, 4 tháng 7, 2016

Tàu sân bay Mỹ giỏi 'hiếp yếu', thảm bại dưới tay Nga-Trung?

Một thời từng được cho là “Chúa tể trên biển” nhưng hiện nay tàu sân bay Mỹ đang đứng trước nguy cơ bị loại khỏi “cuộc chơi lớn” trên đại dương.

Tau san bay My gioi 'hiep yeu', tham bai duoi tay Nga-Trung?


Tàu sân bay Mỹ chỉ có thể răn đe được kẻ yếu

Già cỗi và lạc hậu; chi phí lớn, giá thành cao; không chống lại được sự tấn công của các tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình triển khai rải rác và rộng khắp trên toàn cầu - đó là bình luận trên tạp chí “Lợi ích quốc gia” Mỹ (The National Interest), khi nói về các tàu sân bay Mỹ hiện nay.

Các nhà phân tích đã đưa ra những bình luận, đánh giá và kết luận rằng, từng một thời được coi là “Chúa tể Đại dương” nhưng hiện nay các biên đội hàng không mẫu hạm Mỹ có nguy cơ kết thúc vai trò lịch sử của nó.
Nếu chỉ đọc tiêu đề các bài viết có liên quan đến tàu sân bay trên các báo và tạp chí hiện nay mà không tìm hiểu kỹ các tình hình khác sẽ khiến mọi người cho rằng, tàu sân bay Mỹ vẫn là một trang bị tác chiến quan trọng không thể thiếu và mang nhiều giá trị quan trọng về uy lực và sức mạnh răn đe. 

Sự nhìn nhận này không phải là không có cơ sở, bởi từ Thế chiến thứ hai đến nay, trong các cuộc chiến tranh lớn, tàu sân bay hầu như đều phát huy được vai trò quan trọng của nó. 

Ngay mới gần đây thôi, sức mạnh răn đe của các tàu sân bay Mỹ vẫn còn được phô trương, đó là sự tham chiến của tàu sân USS Harry S.Truman tấn công lực lượng của Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), hay là sự hiện diện của hai tàu sân bay trên Biển Đông mới đây, nhằm khẳng định quyết tâm can dự vào tình hình tranh chấp tại vùng biển này của Mỹ.

Đối với Lầu Năm Góc, việc sử dụng tàu sân bay cho nhiệm vụ tấn công lực lượng của Tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) hay là một đối thủ nào đó không có khả năng tấn công đáp trả các tàu sân bay của họ là vấn đề hết sức đơn giản.

Tau san bay My gioi 'hiep yeu', tham bai duoi tay Nga-Trung?
Biên đội tàu sân bay USS George Washington hiện diện trên biển trong cuộc khủng hoảng eo biển Đài loan thời Tổng thống Bill Clinton

Không đối phó nổi đòn tấn công tên lửa chống hạm

Nhưng nếu xảy ra xung đột quy mô lớn mà đối thủ là Nga và Trung Quốc hay thậm chí là Iran thì vấn đề sử dụng tàu sân bay hiện nay đã trở nên vô cùng nan giải đối với Mỹ. Nguyên nhân là vì các quốc gia này đã sở hữu nhiều tên lửa hiện đại tầm trung và tầm xa hiện đại có khả năng tấn công tàu sân bay. 

Các tên lửa chống hạm phóng từ tàu chiến hải quân loại “phổ thông” của Nga như P-800 Oniks hay 3M-54 Kalibr có tầm phóng lên tới trên 600km. Nga còn có các tên lửa hành trình chống hạm tầm xa như Kh-22 Raduga phóng từ các máy bay ném bom chiến lược Tu-22M3.

Trung Quốc hiện cũng đang sở hữu các tên lửa đạn đạo chống hàng không mẫu hạm DF-21D, có tầm phóng lên tới 1500km, thậm chí là Iran cũng có tên lửa đạn đạo chống hàng không mẫu hạm tầm xa Khalije Fars (Persian Gulf), có tầm phóng 1200-1500km với đầu đạn nặng tới 650kg.

Một khi xảy ra xung đột vũ trang, mà đặc biệt là xung đột vũ trang với Nga và Trung Quốc, các biên đội tàu sân bay Mỹ sẽ phải hứng chịu sự tấn công đồng loạt từ nhiều hướng của các hệ thống tên lửa chống hạm phóng từ trên không, từ trên tàu mặt nước hoặc từ tàu ngầm.

Với số lượng nhiều tên lửa tấn công cùng lúc (tấn công kiểu bão hòa) thì hệ thống phòng thủ tên lửa “Aegis” trên các tàu khu trục và tuần dương hạm làm nhiệm vụ hộ tống khó có thể chống đỡ được, tàu sân bay rất dễ bị tiêu diệt hoặc đánh thiệt hại nặng, dẫn đến mất khả năng tác chiến.

Với tình hình như vậy, một cục diện rất tồi tệ đối với Washington nếu như xảy ra xung đột vũ trang với Trung Quốc ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. 

Các nhà hoạch định quân sự Lầu Năm Góc lo ngại là, để tránh sự truy sát của tên lửa chống hạm, các tàu sân bay Mỹ phải nằm ngoài phạm vi tấn công có hiệu quả chúng, dẫn đến việc tiêm kích hạm không đạt tầm bay để có thể tấn công các mục tiêu được bảo vệ bởi các loại tên lửa đó.

Tiêm kích hạm trở nên vô dụng?

Xuất phát từ vấn đề bị đe dọa bởi các tên lửa tầm xa hiện đại ra, một yếu tố khác làm cho việc sử dụng tàu sân bay của Lầu Năm Góc trở nên nan giải hơn nhiều, đó là vấn đề tầm hoạt động của các máy bay tấn công triển khai trên hàng không mẫu hạm (tiêm kích hạm). 

Hiện các tiêm kích hạm của Mỹ phổ biến chỉ có bán kính tác chiến khoảng trên 700km, cao nhất là khoảng 1000km.

Nếu như giữ các tàu sân bay này nằm ngoài phạm vi tấn công của các tên lửa này thì tiêm kích hạm một là không đủ khả năng tiếp cận mục tiêu, hai là có vào đến nơi cũng không dám đối đầu với máy bay địch, phải quay ra vì sợ không đủ lượng nhiên liệu để quay về.

Tên lửa dạn đạo DF-26, một trong những mối đe dọa đáng gờm của tàu sân bay Mỹ

Vấn đề đặt ra đối với Mỹ là tại sao không chế tạo ra loại máy bay có tầm bay đủ để đối phó với các tên lửa chống hạm của Nga và Trung Quốc? Điều này là không thể bởi hiện các tên lửa đạn đạo chống hạm có tầm phóng quá xa, vượt cả tầm bay của các tiêm kích thông thường.

Ví dụ như tên lửa đạn đạo chống hạm DF-26 của Trung Quốc đã có tầm phóng tới 3500km, vượt phạm vi hành trình tối đa của nhiều loại chiến đấu cơ. Ngoài ra, Trung Quốc còn đang chế tạo các tên lửa đạn đạo “sát thủ tàu sân bay” thế hệ thứ hai.

Muốn bảo đảm an toàn cho tàu sân bay, Washington cần phải sản xuất được một loại máy bay chiến đấu có bán kính tác chiến đạt tới 2500 dặm (khoảng 4000km), tương đương với phạm vi hành trình khoảng 10.000km - ngang với các máy bay ném bom tầm xa. 

Mỹ đã tiêu tốn hàng tỉ USD vào kế hoạch nghiên cứu và chế tạo một loại máy bay sử dụng cho hải quân như F-35C hay F-35B nhưng phạm vi hành trình tối đa của nó cũng chỉ đạt 2.200km và bán kính chiến đấu 1.100km nên mơ ước của Mỹ sẽ gần như không tưởng.

Vì vậy, trong bối cảnh các tên lửa đạn đạo chống hạm ngày càng hiện đại và có tầm phóng ngày một xa hơn, khả năng gặp nguy hiểm của tàu sân bay Mỹ là rất cao. Và như vậy, có lẽ thời đại oai hùng làm “Chúa tể Đại dương” của tàu sân bay Mỹ đã kết thúc?

http://baodatviet.vn/quoc-phong/binh-luan-quan-su/tau-san-bay-my-gioi-hiep-yeu-tham-bai-duoi-tay-nga-trung-3312874/?paged=2


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét