Theo NDTV, để sẵn sàng đối phó với sự xâm nhập của TQ tại Đường kiểm soát thực tế (LAC), Ấn Độ điều 100 chiếc tăng T-72 tới khu vực Ladakh.
Khoảng 100 xe tăng đã được đưa tới đây và sẽ sớm tăng thêm số lượng trong thời gian tới. "Các thung lũng bằng phẳng dọc theo triền núi giúp xe tăng di chuyển dễ dàng. Bên cạnh đó số lượng binh sĩ cũng sẽ được tăng cường dọc theo biên giới", một sĩ quan cao cấp Ấn Độ cho biết.
Nhưng việc duy trì hoạt động của các xe tăng ở một địa hình cao như vậy không đơn giản. Do không khí loãng và nhiệt độ xuống tới -45 độ C nên ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động của xe tăng.
Đại tá Vijay Dalal - người chỉ huy một đơn vị xe tăng ở đây cho biết, họ đã phải sử dụng các loại dầu bôi trơn và nhiên liệu đặc biệt để duy trì hoạt động bình thường cho xe tăng.
Xe tăng T-72 Ấn Độ diễn tập áp sát biên giới Trung Quốc. |
Theo Hindustan Times, việc Ấn Độ điều số lượng lớn tăng T-72 tới Đường kiểm soát thực tế (LAC) dài 4.057 km với Trung Quốc là bước hiện thực hóa kế hoạch trước đó đã được Chính phủ và Bộ Quốc phòng nước này đề ra.
Ấn Độ sẽ chi 620 tỷ rupee (tương đương 10 tỷ USD) xây dựng các quân đoàn tấn công trên núi nhằm đối phó với quân đội Trung Quốc tại khu vực dọc biên giới giữa hai nước.
Ấn Độ cũng đang tìm kiếm các cơ hội lớn để tăng cường mối quan hệ hợp tác quốc phòng với Mỹ nhằm phát triển và sản xuất các hệ thống vũ khí hiện đại. Đặc biệt, Ấn Độ và Mỹ vừa đạt được thỏa thuận về việc mua 145 khẩu pháo M777 của Mỹ nhằm trang bị cho 17 quân đoàn mới dọc biên giới với Trung Quốc.
Còn The Tribune, một nhật báo tiếng Anh của Ấn Độ, cho hay New Delhi đang tăng cường triển khai phòng thủ quân sự tại bang Jammu và Kashmir sau khi Bắc Kinh "bao vây khu vực này" bằng 6 sân bay, các chiến đấu cơ và lực lượng đặc nhiệm.
Đáp trả, Ấn Độ được cho là sẽ tiếp tục đưa thêm khoảng 150 xe tăng T-72 tới Ladakh và triển khai các các đơn vị phóng rocket đa nòng Smerch với khả năng tấn công những mục tiêu cách xa từ 70 - 80 km tới các khu vực trọng yếu.
Được biết, những bước đi này của Ấn Độ được đẩy nhanh hơn sau khi một nhóm binh sĩ Trung Quốc đã tiến sâu vào lãnh thổ Ấn Độ từ 20 – 30 km tại Burtse, phía bắc vùng Ladakh nằm trong LAC hồi tháng 8/2014.
Ngay sau đó, Ấn Độ được cho là đã điều động một đội phản ứng nhanh tới khu vực này nhưng các binh sĩ Trung Quốc đã từ chối rút lui. Để giảm nhẹ tình hình căng thẳng, phát ngôn viên quân đội Ấn Độ cho rằng đây chỉ là khu vực dọc biên giới nơi Trung Quốc và Ấn Độ thường có quan điểm khác nhau về LAC.
Chia sẻ với Thời báo Hoàn Cầu, Zhao Gancheng, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu châu Á - Thái Bình Dương tại Viện Nghiên cứu quốc tế Thượng Hải nhận định việc Ấn Độ đẩy mạnh công tác phòng thủ dọc biên giới là chuyện không có gì bất ngờ.
Tuy nhiên, những hành động gần đây của New Delhi rõ ràng không có lợi cho quan hệ song phương Trung - Ấn. Theo ông Zhao, do bất đồng về cách xác định LAC, trước đây, các binh sĩ Trung Quốc và Ấn Độ đã nhiều lần đối đầu trong khu vực này.
http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/hang-tram-chiec-t-72-do-bo-xuong-gan-bien-gioi-trung-quoc-3314373/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét