Thứ Hai, 25 tháng 7, 2016

Tên lửa phòng không SPYDER bảo vệ căn cứ Hải quân Cam Ranh?

Căn cứ hải quân khổng lồ của Việt Nam, nơi trú đóng của những lực lượng mạnh nhất bảo vệ biển đảo tới đây sẽ được bảo vệ bởi hỏa lực của tên lửa phòng không SPYDER?


Tên lửa phòng không SPYDER bảo vệ căn cứ Hải quân Cam Ranh?


Cam Ranh - Căn cứ hải quân liên hợp khổng lồ
Không phải ngẫu nhiên mà trong một bài viết đăng trên Tạp chí Tuần Tin tức của Trung Quốc cho rằng: "Có lẽ cả châu Á cũng không thể tìm kiếm được quân cảng nào độc đáo và "nguy hiểm" như quân cảng Cam Ranh của Việt Nam".
Quả vậy, Cam Ranh là một vịnh nước sâu kín, không có đá ngầm, có núi cao trên 1.000 m che chắn bên ngoài. Bên trong là đất liền. Dù bên ngoài có bão, song cấp 5 – 6 thì bên trong không bao giờ sóng tới cấp 3.
Thiên nhiên đã phú cho Cam Ranh thế phòng thủ rất lý tưởng, cực kỳ tiện lợi cho phòng không, cho tàu ngầm, tàu mặt nước.
Chính vì thế mà Hải quân Mỹ, Hải quân Liên Xô trước đây đã từng chọn nơi này làm căn cứ đồn trú cho lực lượng viễn chinh cực mạnh của mình. Ngày nay, Cam Ranh đang tiếp tục đóng vai trò là căn cứ chiến lược quan trọng bậc nhất của Hải quân Việt Nam.
Tên lửa phòng không SPYDER bảo vệ căn cứ Hải quân Cam Ranh? - Ảnh 2.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng đoàn công tác chụp ảnh lưu niệm với cán bộ, thủy thủ Tàu ngầm 184. Ảnh: Quang Tiến/Báo Hải quân Việt Nam.
Theo báo cáo tại Hội nghị Tổng kết 5 năm công tác đầu tư xây dựng căn cứ quân sự Cam Ranh (2011-2015), Bộ Quốc phòng đã đầu tư gần 25.000 tỷ đồng để biến nơi đây trở thành căn cứ quân sự liên hợp lớn và hiện đại nhất ĐNÁ, đủ sức phòng thủ khu vực miền Trung và cơ động chi viện biển, đảo khi có tình huống xảy ra.
Sở dĩ nói Cam Ranh là căn cứ quân sự liên hợp khổng lồ vì nơi đây có sự đồn trú của những lực lượng mạnh nhất của Quân chủng Hải quân bao gồm tàu mặt nước, tàu ngầm, không quân hải quân, hải quân đánh bộ,...
Tất cả vũ khí trang bị đều là loại hiện đại nhất, có uy lực chiến đấu và sức răn đe cực lớn, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ biển, đảo.
Không những thế, Cam Ranh đã và đang khai thác tốt lợi thế để đẩy mạnh dịch vụ thương mại quân sự, hội nhập cùng khu vực và thế giới, đem lại một nguồn thu ngoại tệ ngày càng lớn.
Diện mạo vùng đất quanh năm cát cháy, khí hậu khô nóng này đang ngày càng đổi thay, hiện đại, theo Quy hoạch xây dựng hoàn chỉnh, đồng bộ căn cứ quân sự Cam Ranh giai đoạn 2011 - 2020 và tầm nhìn tới 2050.
Tên lửa phòng không SPYDER bảo vệ căn cứ Hải quân Cam Ranh? - Ảnh 3.
Tàu chiến của Hải quân Nhật Bản thăm Cam Ranh. Ảnh: Tuổi trẻ
Những lực lượng nào đang bảo vệ căn cứ Cam Ranh?
Ngoài những lực lượng hiện đại của Quân chủng Hải quân đang đồn trú tại đây, thì còn có những lực lượng khác cũng mạnh không kém bảo vệ căn cứ liên hợp khổng lồ này gồm tên lửa - pháo bờ biển; tên lửa, pháo cao xạ và radar phòng không cùng nhiều lực lượng khác.
Ngoài ra, Cam Ranh còn được bảo vệ bởi những đơn vị không quân tiêm kích, tiêm kích bom hiện đại đóng quân cách đó không xa như Biên Hòa (Su-30MK2), Phan Rang (Su-22M4) hay Phù Cát (Su-27).
Về phòng không, tại khu vực này chỉ có Trung đoàn tên lửa 274 bảo vệ, thuộc biên chế Sư đoàn phòng không 377. Điều đặc biệt không nhiều người biết đó là Trung đoàn 274 là đơn vị duy nhất trong toàn Quân chủng PK-KQ cùng lúc được trang bị 2 loại tên lửa phòng không là S-75 và S-125.
Các tiểu đoàn hỏa lực tên lửa đan nhau, tạo thành ô phòng không che kín bầu trời Cam Ranh, sẵn sàng tiêu diệt mọi phương tiện bay xâm phạm vào vùng hỏa lực.
Chưa hết, tại đây còn có các trạm radar hải quân, radar phòng không hết sức hiện đại cho phép phát hiện nhanh, từ xa, cảnh báo sớm để các đơn vị đóng quân tại đây, bao gồm cả tên lửa phòng không chuyển cấp sẵn sàng chiến đấu.
Tên lửa phòng không SPYDER bảo vệ căn cứ Hải quân Cam Ranh? - Ảnh 4.
Tên lửa của Trung đoàn 274 luôn sẵn sàng bảo vệ bầu trời duyên hải Nam Trung Bộ và căn cứ Cam Ranh. Ảnh: Báo PK-KQ.
TLPK SPYDER tối tân sẽ nhận nhiệm vụ bảo vệ Cam Ranh?
Mặc dù hỏa lực tên lửa phòng không tại khu vực này tương đối mạnh, nhưng so với yêu cầu cao nhất là bảo vệ an toàn căn cứ liên hợp hiện đại nơi tập trung những lực lượng hiện đại nhất của Hải quân Việt Nam trước mọi mối đe dọa từ trên không thì các tổ hợp tên lửa S-75 và S-125 vẫn còn những điểm hạn chế nhất định.
Tổ hợp tên lửa phòng không S-75 hầu hết đã cũ, hiệu quả chiến đấu không đáp ứng được môi trường chiến tranh hiện đại, sớm muộn cũng phải bị loại biên và thay vào đó là vũ khí, khí tài mới theo định hướng tiến thẳng lên hiện đại của Quân chủng PK-KQ.
Hiện nay, Việt Nam đang chuyển hướng trang bị dòng tên lửa phòng không SPYDER tối tân của Israel, mọi công tác huấn luyện, tiếp nhận đã hoàn tất để nhanh chóng đưa vũ khí, khí tài mới vào huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu.
Trước nhiệm vụ tạo "ô che đầu" cho căn cứ Cam Ranh hết sức năng nề, các lực lượng tên lửa ở khu vực này cần sớm được trang bị những tổ hợp tên lửa thế hệ mới. Liệu tên lửa SPYDER thế hệ mới sẽ được ưu tiên bảo vệ khu vực này?
Tên lửa phòng không SPYDER bảo vệ căn cứ Hải quân Cam Ranh? - Ảnh 5.
Các phiên bản tầm gần và trung của hệ thống tên lửa SPYDER.
Khả năng này là hoàn toàn có thể xảy ra, và tại Cam Ranh, tổ hợp radar cảnh giới nhìn vòng ELM-2288ER của Israel cũng đang đóng vai trò là mắt thần, canh chừng mọi động tĩnh trên không.
Nếu SPYDER về đây, kết hợp cùng radar hiện đại sẽ là thuận lợi cực lớn vì bộ đôi này có thể kết nối với nhau hoàn hảo, nhân gấp bội uy lực phòng không tại khu vực này, lập thêm một lưới lửa phòng không hiện đại, bảo vệ an toàn căn cứ Cam Ranh trước mọi mối đe dọa.
Có như vậy, các lực lượng tàu mặt nước, tàu ngầm, hải quân đánh bộ đều có thể yên tâm thực hiện nhiệm vụ trọng tâm của mình là huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu bảo vệ, chi viện biển đảo.
http://soha.vn/ten-lua-phong-khong-spyder-bao-ve-can-cu-hai-quan-cam-ranh-20160722121722321.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét