Thứ Ba, 26 tháng 7, 2016

2 trung đoàn tên lửa hiện đại: Bảo vệ Đà Nẵng và căn cứ Hải quân

Cùng với Cam Ranh, Đà Nẵng là căn cứ liên hợp lớn và quan trọng bậc nhất của Việt Nam. Tại đây có tới 2 trung đoàn tên lửa phòng không hiện đại vòng tay ôm sát, bảo vệ vững chắc.


2 trung đoàn tên lửa hiện đại: Bảo vệ Đà Nẵng và căn cứ Hải quân

Theo báo PK-KQ, từ ngày 19 đến ngày 21-7, Trung tướng Lê Huy Vịnh - Tư lệnh Quân chủng PK-KQ đã có chuyến công tác tại các đơn vị khu vực miền Trung, trong đó có Sư đoàn 375 và dự Hội nghị Quân chính triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2016 của Sư đoàn.
TƯ LỆNH QUÂN CHỦNG PHÒNG KHÔNG - KHÔNG QUÂN
TRUNG TƯỚNG LÊ HUY VỊNH
Trong thời gian tới, Sư đoàn phòng không 375 tiếp tục quán triệt sâu sắc nhiệm vụ, khắc phục khó khăn, nâng cao chất lượng chất lượng SSCĐ, QLVT; không ngừng nâng cao chất lượng huấn luyện theo hướng cơ bản, thiết thực, vững chắc, đồng bộ, chuyên sâu, sát thực tế, sát yêu cầu nhiệm vụ; sử dụng thành thạo vũ khí, khí tài, trang bị kỹ thuật mới, cải tiến.
Tầm quan trọng đặc biệt của Đà Nẵng
Nhắc tới Đà Nẵng, chúng ta không thể không nói đến căn cứ liên hợp quan trọng, lớn và hiện đại bậc nhất của Hải quân Việt Nam. Trong đó, Quân cảng Đà Nẵng được coi là căn cứ Hải quân lớn thứ 2 của Quân chủng Hải quân.
Khu vực này chính là đầu não của Vùng 3 Hải quân, với các đơn vị tàu mặt nước và tên lửa bờ hiện đại. Chính vì tầm quan trọng đặc biệt của căn cứ liên hợp này mà nơi đây được bố trí tới 2 trung đoàn tên lửa phòng không thuộc Sư đoàn phòng không 375 hay còn được gọi bằng cái tên thân thương Sư đoàn phòng không Đà Nẵng.
2 trung đoàn tên lửa hiện đại: Bảo vệ Đà Nẵng và căn cứ Hải quân - Ảnh 2.
Thực hành thao tác sản xuất đạn tên lửa tại Trung đoàn 275.
Qua gần 50 năm xây dựng và trưởng thành, ngày nay Sư đoàn đang có sự phát triển vượt bậc theo hướng "tinh, gọn, mạnh", được trang bị nhiều vũ khí, khí tài hiện đại, sẵn sàng cơ động bảo vệ miền Trung - Tây Nguyên mà trọng tâm là TP. Đà Nẵng và Nhà máy lọc dầu Dung Quất (Quảng Ngãi).
Trong biên chế Sư đoàn, có 2 trung đoàn tên lửa phòng không được bố trí tạo thành vòng tay lớn, ôm sát bảo vệ TP. Đà Nẵng, quân cảng và sân bay Đà Nẵng, gồm Trung đoàn tên lửa 275 (Đoàn tên lửa Sóc Sơn) và Trung đoàn tên lửa 282 (Đoàn tên lửa Tam Giang).
Đây là 2 trong số những trung đoàn tên lửa Anh hùng, có nhiều thành tích bậc nhất của Bộ đội tên lửa phòng không Việt Nam trên mặt trận chống chiến tranh phá hoại bằng không quân của đề quốc Mỹ ở miền Bắc và hành quân thần tốc vào bảo vệ các lực lượng trong Chiến dịch Tổng tiến công giải phóng miền Nam năm 1975.
Đặc biệt nhất là Trung đoàn 275, đơn vị đã lập nhiều chiến công đặc biệt xuất sắc, trong đó có thành tích bí mật cơ động sang Tây Trường Sơn (khi đó thuộc đội hình Sư đoàn phòng không 377), phục kích bắn rơi tại chỗ máy bay AC-130, đây là chiếc đầu tiên do bộ đội Tên lửa bắn rơi trên tuyến đường Hồ Chí Minh.
Lập công là tiểu đoàn tên lửa 67 sau khi đã trải qua những khó khăn, gian khổ, thậm chí là hy sinh cả sương máu đề sang được Tây Trường Sơn.
Quân và dân TP. Đà Nẵng cũng như ở miền Trung - Tây Nguyên đều rất yên tâm khi được lưới lửa của Sư đoàn 375, đặc biệt là 2 trung đoàn tên lửa Anh hùng bảo vệ.
2 trung đoàn tên lửa hiện đại: Bảo vệ Đà Nẵng và căn cứ Hải quân - Ảnh 3.
Trung tướng Lê Huy Vịnh dự và phát biểu tại Hội nghị Quân chính triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2016 của Sư đoàn phòng không 375. Ảnh: Báo PK-KQ.
Tiếp nhận khí tài mới, vòng tay ôm sát bảo vệ căn cứ Đà Nẵng.
Với định hướng tiến thẳng lên hiện đại, Quân chủng PK-KQ trong vài năm gần đây đã được quan tâm đầu tư rất lớn, nhiều loại vũ khí trang bị hiện đại đã và sẽ liên tục được mua sắm, tạo ra sự thay đổi mang tính bước ngoặt, đủ sức đánh bại mọi cuộc tập kích đường không nào của kẻ địch.
Trong thời gian qua, các đơn vị tên lửa thuộc Sư đoàn phòng không 375 đã có sự thay đổi về chất, liên tục được tiếp nhận vũ khí trang bị mới, hiện đại nhằm nâng cao sức chiến đấu, bảo vệ vững chắc vùng trời khu vực miền Trung - Tây Nguyên mà trọng tâm là Thành phố và Căn cứ liên hợp Đà Nẵng.
Trước đó, Trung đoàn 282 sử dụng các tổ hợp tên lửa phòng không tầm trung S-125 còn Trung đoàn 275 sử dụng tên lửa S-75M3. Do đã đưa vào sử dụng từ hàng chục năm nay, hầu hết khí tài đã cũ, xuống cấp, khiến công tác duy trì, đảm bảo hệ số kỹ thuật cho sẵn sàng chiến đấu gặp rất nhiều khó khăn, nhất là đối với Trung đoàn 275.
Nhưng nay đã và sẽ có những sự thay đổi cực lớn về chất khi cả 2 đơn vị đều lần lượt được tiếp nhận vũ khí trang bị mới, hiện đại.
2 trung đoàn tên lửa hiện đại: Bảo vệ Đà Nẵng và căn cứ Hải quân - Ảnh 4.
Tên lửa Trung đoàn 282 sẵn sàng chiến đấu.
Cụ thể, Trung đoàn 282 được trang bị tên lửa phòng không S-125-2TM cải tiến vòng tay ôm sát, bảo vệ trực tiếp Thành phố và căn cứ liên hợp Đà Nẵng.
Được biết, cách đây tròn 1 năm, đơn vị đã cơ động xa đơn vị hàng nghìn cây số tham gia huấn luyện, chuyển giao kỹ thuật và bắn đạn thật tổ hợp tên lửa mới. Đánh giá kết quả huấn luyện kiểm tra thu hồi, triển khai khí tài, thực hành vào cấp 1 và quy trình bắn mục tiêu M100-CT, tất cả các kíp chiến đấu của trung đoàn đều đạt giỏi.
Trong khi đó, cán bộ chiến sĩ Trung đoàn 275 đang ra sức học tập để sẵn sàng tiếp nhận tên lửa phòng không thế hệ mới SPYDER rất hiện đại từ Israel thay thế cho các tổ hợp S-75M3.
Có thể nói không khí thi đua đang diễn ra rất sôi nổi trong toàn đơn vị, nhằm chuẩn bị tốt nhất cho bước phát triển đột phá, nhanh chóng đưa vào huấn luyện làm chủ khí tài mới, sẵn sàng chiến đấu.
Như vậy, với "mệnh lệnh từ trái tim" tất cả các đơn vị tên lửa bảo vệ Đà Nẵng đều đã đang "vào trận với quyết tâm cao nhất, làm chủ vũ khí, khí tài bảo vệ vững chắc vùng trời thân yêu của Tổ quốc.
http://soha.vn/2-trung-doan-ten-lua-hien-dai-bao-ve-da-nang-va-can-cu-hai-quan-20160725115741334.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét