Thứ Hai, 25 tháng 7, 2016

Tổng thống Obama: Đừng động đến bãi cạn Scarborough

Trên trang web USNI News của Học viện Hải quân Mỹ ngày 19.7, Chuẩn đô đốc Mỹ về hưu Michael McDevitt đã nêu quan ngại về việc Trung Quốc chiếm cứ bãi cạn Scarborough. Tổng thống Obama đã từng cảnh báo Chủ tịch Tập Cận Bình đừng động đến bãi cạn này.

Bãi cạn Scarborough của Philippines (Trung Quốc gọi là đảo Hoàng Nham) đã bị Trung Quốc xâm chiếm từ giữa năm 2012.

Từ đầu năm 2016, bãi cạn Scarborough bỗng chốc trở thành mối quan tâm nghiêm túc đối với chính quyền Mỹ.

Theo giả thuyết chắc chắn được báo chí nêu ra, Trung Quốc dự định biến bãi cạn Scarborough thành đảo nhân tạo giống như các đảo nhân tạo khác mà Trung Quốc đã xây dựng trái phép trên Biển Đông.
Một yếu tố cho thấy Trung Quốc có thể hành động là một thông báo trên trang mạng Trung Quốc gọi thầu xây dựng bãi cạn Scarborough thành căn cứ đảo như 7 đảo nhân tạo Trung Quốc đã xây dựng. Thông báo có kèm theo các bức ảnh vệ tinh.

Mưu đồ kiểm soát cửa ngõ Biển Đông

Theo Chuẩn đô đốc về hưu Michael McDevitt, bãi cạn Scarborough rồi sẽ trở thành căn cứ không quân cho phép Trung Quốc có tầm phủ radar toàn thời gian bao trùm hầu hết đảo Luzon (miền bắc Philippines).

Một sân bay trên bãi cạn Scarborough cùng với radar và các thiết bị trinh thám và giám sát thông tin hiện đại sẽ rất gần với các căn cứ của Philippines, nơi Mỹ đã điều động các binh sĩ đến theo chế độ luân phiên. .

Ông đánh giá giả sử Scarborough là vị trí lý tưởng để kiểm soát cửa ngõ đông bắc của Biển Đông và chỉ cách 150 hải lý về phía tây vịnh Subic (Philippines), nếu nơi đây trở thành căn cứ sân bay của Trung Quốc, Scarborough sẽ có khả năng biến khu vực này thành vùng nhận diện phòng không ở Biển Đông.

Mỹ đã đáp trả với các động thái như bắt đầu triển khai luân phiên một số ít binh sĩ không quân với máy bay chiến thuật đến Philippines, đưa nhóm tác chiến tàu sân bay USS John Stennis đến Biển Đông hồi tháng 3, 4, 5 cùng với nhiều tuyên bố công khai ở cấp cao.


Máy bay A-10C Thunderbolt II của Mỹ hạ cánh xuống căn cứ Clark ở Philippines ngày 19.4.2016 - Ảnh: Không quân Mỹ

Obama đã nói về Scarborough với Tập Cận Bình

Mạnh mẽ nhất là tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter trong cuộc điều trần trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện.  

Bộ trưởng Ashton Carter khẳng định: “Scarborough là một phần của lãnh thổ tranh chấp, và cũng như các tranh chấp khác trong khu vực, Scarborough có nguy cơ dẫn tới xung đột quân sự… Điều này là mối quan tâm đặc biệt với chúng tôi vì nơi này nằm gần Philippines”.

Báo New York Times cũng đã từng đưa tin Tổng thống Obama đã đề cập đến bãi cạn Scarborough với Chủ tịch Tập Cận Bình bên lề hội nghị thượng đỉnh về an ninh hạt nhân hôm 31.3.

Một quan chức Mỹ giấu tên cho biết vấn đề quan trọng đến mức ông Obama đã cảnh báo Chủ tịch Tập Cận Bình rằng đừng động đến bãi cạn Scarborough hay lập vùng nhận diện phòng không.

Theo Chuẩn đô đốc về hưu Michael McDevitt, các chuỗi hoạt động của Mỹ liên quan đến bãi cạn Scarborough hồi tháng 3, 4, 5 vừa qua nhằm gửi một thông điệp rõ ràng đến Trung Quốc rằng Mỹ xem Scarborough khác với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Cho dù chính sách chính thức của Mỹ là không xen vào các tranh chấp tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông gồm cả bãi cạn Scarborough, hoạt động gần đây của Mỹ cho thấy Mỹ thực sự có quan điểm không chính thức khác.

Scarborough không thuộc Hoàng Sa và Trường Sa, chỉ có Trung Quốc và Đài Loan đòi chủ quyền và trong gần 50 năm thuộc quyền tài phán của Mỹ, do vậy quan điểm của Mỹ về chủ quyền đối với Scarborough rất vững chắc.


Tàu cảnh sát biển Trung Quốc quấy rối ngư dân Philippines ở bãi cạn Scarborough - Ảnh: GMA News

Philippines đủ mạnh về pháp lý để giữ Scarborough

Chuẩn đô đốc về hưu Michael McDevitt nêu lên các lập luận như sau:

- Khi so sánh các lập luận giữa Philippines và Trung Quốc, lập luận về chiếm hữu bãi cạn Scarborough của Philippines mạnh hơn.

- Hoạt động trước đây của hải quân Mỹ và chính quyền Philippines nhằm xem xét bãi cạn Scarborough để nơi đây trở thành nơi an toàn trong giao thông đường thủy đã khẳng định hành động chiếm hữu tích cực. Bản đồ Philippines cũng đã nêu bãi cạn Scarborough.

- Hoạt động trước đây của quân đội Philippines để thực thi quyền tài phán và hành pháp trong những năm 1960 (như đẩy đuổi các tàu buôn lậu và theo dõi hoạt động của chúng) cho thấy ý định thực thi quyền tài phán đối với bãi cạn Scarborough.

- Hải quân Mỹ trước đây sử dụng bãi cạn Scarborough cho các hoạt động quân sự và bãi cạn là một phần lãnh thổ Philippines là chứng cứ cho thấy Philippines đang thực thi chủ quyền đối với bãi cạn.
Mọi hoạt động chiếm hữu bãi cạn trong qúa khứ đều gián tiếp quy cho Philippines vì Mỹ là nước ủy nhiệm hợp pháp đối với người dân Philippines cho đến khi nước này hoàn toàn độc lập năm 1946.


Các binh sĩ Mỹ và Philippines tham gia cuộc tập trận Balikatan vào tháng 4.2016 tại Philippines - Ảnh:  YouTube

Chuẩn đô đốc về hưu Michael McDevitt kết luận về mặt pháp lý, không khó để ghi nhận chủ quyền bãi cạn Scarborough thuộc về Philippines.

Mỹ và Philippines đã ký kết hiệp định tương hỗ quốc phòng. Điều này hy vọng có thể ngăn cản được Trung Quốc xây dựng đảo nhân đạo trên bãi cạn.

Trừ khi hành động bố trí hải quân và không quân Mỹ quanh bãi cạn Scarborough gần ba tháng qua chỉ đơn giản là động tác giả, bằng không hành động này cho thấy Mỹ đã nhìn nhận bãi cạn Scarborough đủ quan trọng đối với an ninh Philippines (và vị trí của Mỹ tại Philippines) để có thể chấp nhận rủi ro khi thực hiện các hoạt động sẽ chọc tức Bắc Kinh.

http://motthegioi.vn/the-gioi-c-79/dien-bien-bien-dong-c-124/tong-thong-obama-dung-dong-den-bai-can-scarborough-38641.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét