Thứ Tư, 13 tháng 7, 2016

Khe hở phòng thủ khiến Hải quân Mỹ trả giá

Dù được bảo vệ bằng hệ thống phòng thủ nhiều tầng nhưng tàu sân bay Mỹ vẫn có thể bị đánh chìm bằng các loại vũ khí không quá hiện đại.

Lộ điểm yếu

Việc này đã được thể hiện trong cuộc diễn tập chung, vừa được Bộ Quốc phòng Pháp công bố hồi đầu năm 2016 trên một trang website, giữa hải quân nước này và hải quân Mỹ ở vùng biển Bắc Đại Tây Dương, trong đó, một chiếc tàu ngầm tấn công hạt nhân đã đánh chìm một chiếc tàu sân bay mới nâng cấp của hải quân Mỹ, cùng gần như toàn bộ đội tàu hộ tống.

Thông tin này sau đó đã bị gỡ xuống và chỉ có thể tìm thấy chúng trên các trang mạng khác còn lưu giữ với nhan đề “Le SNA Saphir en entraînement avec l’US Navy au large de la Floride” có nghĩa là “Tàu ngầm tấn công nhanh Saphir gần đây đã tham gia vào một cuộc tập trận lớn với hải quân Mỹ ngoài khơi bờ biển Florida”.

Cuộc diễn tập này đã diễn ra trong vòng 10 ngày từ giữa tháng 2 ở ngoài khơi bờ biển Florida, nhằm kiểm tra khả năng hoạt động và tác chiến của tàu sân bay này sau 4 năm đại tu với chi phí lên tới 2,6 tỷ USD, để chuẩn bị cho đợt triển khai định kỳ sắp tới.

Tàu ngầm hạt nhân tấn công mang tên SNA Saphir của hải quân Pháp mang số hiệu S602, thuộc lớp tàu ngầm tấn công hạt nhân Rubis đã được điều động tham gia cuộc tập trận hỗn hợp COMPTUEX với đội tàu sân bay hạt nhân Mỹ ngoài khơi bờ biển bang Florida từ 16/1 đến giữa tháng 2/2015.

Saphir đã tham gia diễn tập chung với Cụm tác chiến tàu sân bay số 12 của hải quân Mỹ, gồm tàu sân bay USS Theodore Roosevelt (CVN-71), cùng nhiều tàu tuần dương lớp Ticonderoga và tàu khu trục Aegis lớp Arleigh Burke và một tàu ngầm hạt nhân tấn công lớp Los Angeles.

Khe ho phong thu khien Hai quan My tra gia
Cụm tác chiến tàu sân bay USS Reagan.

Tàu sân bay USS Theodore Roosevelt là một trong những tàu chiến lớn nhất và đắt nhất thế giới của Hải quân Mỹ với chiều dài lên tới hơn 330m, lượng giãn nước 97.000 tấn có khả năng mang theo hơn 90 máy bay các loại. Tàu được trang bị 2 lò phản ứng hạt nhân, 4 đường băng và 4 máy phóng máy bay.

Nói về cuộc diễn tập này, hạm trưởng tàu USS Normandy, Đại tá Scott F. Robertson, cho biết họ đang trải nghiệm các tình huống chiến đấu thực tế từ mọi góc độ và sẽ có những đánh giá huấn luyện về một vụ đụng độ với các tàu chiến của đối phương, các cuộc tấn công bằng tàu ngầm, và việc các tàu của đối phương nỗ lực ngăn cản điều đó.

Giai đoạn 1 của cuộc diễn tập đã diễn ra tốt đẹp khi tàu ngầm hạt nhân SNA Saphir của hải quân Pháp đã được lệnh tham gia vào lực lượng quân đồng minh của Mỹ trong một cuộc xung đột giả định, trong đó các quốc gia tưởng tượng đã tấn công vào các lợi ịch kinh tế và lãnh thổ của Mỹ.

Chiếc tàu ngầm hạt nhân tấn công của Pháp đã hỗ trợ nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ trong chiến thuật săn ngầm cùng với hai máy bay trinh sát chống ngầm P-3C Orion và P-8A Poseidon.

Liên tiếp bị "đánh đắm"

Tuy nhiên, trong giai đoạn thứ 2 của cuộc diễn tập, tàu ngầm SNA Saphir đã đóng vai trò là một tàu ngầm của đối phương, với nhiệm vụ tìm và diệt chiếc hàng không mẫu hạm khổng lồ của Mỹ.

Thông thường, các tàu sân bay có khả năng tự vệ không cao nên chúng được sự bảo vệ của biên đội tàu hộ tống. Việc hải quân các nước phải biên chế tàu ngầm trong biên đội này và thường huấn luyện chung với nó là do chúng rất dễ bị tàu ngầm tấn công, và USS Theodore Roosevelt cũng không phải là ngoại lệ.

Tàu ngầm có khả năng tàng hình và được trang bị nhiều vũ khí tối tân, nên được coi là trang bị hải quân có sức mạnh nhất trên thế trong tác chiến quy mô lớn và cũng là vũ khí lợi hại nhất, dễ dàng đánh chìm những biểu tượng sức mạnh của hải quân, đó là các tàu sân bay.

Để làm được điều này, Saphir đã mất nhiều ngày rình rập, vượt qua vòng bảo vệ bên ngoài dưới sự đe dọa liên tục từ máy bay tuần tiễu chống ngầm P-3C Orion và P-8A Poseidon của Hải quân Mỹ, các khu trục hạm lớp Arleigh Burke và các tàu hộ vệ chống ngầm khác.

Tàu ngầm Saphir đã tránh né được sự phát hiện của lực lượng chống tàu ngầm, đột nhập sâu vào hệ thống phòng thủ của nhóm tàu sân bay để tránh sự phát hiện của các thiết bị chống ngầm tầm xa và lặng lẽ áp sát chiếc tàu sân bay trị giá hàng tỉ USD của Hải quân Mỹ.

Saphir đã áp sát tàu sân bay Mỹ USS Theodore Roosevelt và chỉ huy tàu ra lệnh khóa mục tiêu là tàu sân bay trong kính tiềm vọng của mình. Khi đó tàu ngầm Pháp chỉ cách tàu sân bay Mỹ vài trăm mét, nằm trong tầm tác chiến hiệu quả của các vũ khí chống hạm như ngư lôi và tên lửa chống hạm Exoxet.

Cả Trung tâm Thông tin tác chiến trên tàu sân bay Mỹ nín thở khi phát hiện ra sự việc và báo động khi bị tàu Pháp tấn công. Lệnh tấn công được ban ra, và tàu ngầm Saphir "đánh chìm" trên lý thuyết tàu sân bay USS Theodore Roosevelt và phần lớn các tàu hộ tống của nó.

Qua cuộc diễn tập tàu ngầm Pháp mô phỏng đánh chìm một cụm tác chiến tàu sân bay uy lực của Mỹ, có thể thấy rằng các tàu sân bay siêu hạng vẫn có những điểm yếu chí tử, các hệ thống phòng thủ dưới nước của nó không thể hoàn toàn có thể bị chọc thủng và khiến tàu bị đánh chìm.

Ngoài trưởng hợp bị Pháp "đánh chìm", theo Mats Osterholm, cựu sĩ quan thủy âm thuộc lực lượng đặc nhiệm chống ngầm của hải quân Thụy Điển cho biết tàu ngầm HMS Gotland của nước này đã liên tiếp đánh chìm tàu sân bay Mỹ USS Reagan trong các cuộc tập trận hải quân chung của NATO trên Thái Bình Dương.

Trong một cuộc tập trận, tàu ngầm này còn len lỏi qua được các hệ thống cảnh giới của USS Reagan, nổi lên ngay sát tàu sân bay Mỹ và chụp ảnh mục tiêu thông qua kính tiềm vọng. Trong một cuộc tập trận năm 2007 trên Đại Tây Dương, tàu ngầm diesel – điện HMCS Corner Brook của hải quân Canada cũng đã bí mật áp sát tàu sân bay USS Illustrious của Mỹ.

Để chứng minh rằng họ có thể đánh chìm được tàu sân bay này, thủy thủ trên tàu Corner Brook đã chụp ảnh tàu USS Illustrious qua kính tiềm vọng, và bức ảnh sau đó được hải quân Canada công bố. "Bức ảnh này là bằng chứng cho thấy tàu ngầm của chúng tôi đã nằm trong phạm vi tấn công, và nếu chúng tôi công kích, tàu sân bay chắc chắn sẽ bị đánh chìm", tướng Luc Cassivi, chỉ huy trưởng lực lượng tàu ngầm Canada, tuyên bố.

Thực tế cho thấy, các tàu ngầm có thể tạo ra những mối đe doạ cực kỳ lớn đối với các nhóm tác chiến tàu sân bay của đối phương. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều phương tiện khác có khả năng hạ thủ những “bá chủ đại dương” này, ví dụ như chiến đấu cơ, tàu mặt nước hay tên lửa chống tàu sân bay…

Khó tìm ra lời giải

Theo National Interest, hiện nay cả Nga và Trung Quốc hiện đang xây dựng chiến lược chống tiếp cận/chống xâm nhập (A2/AD) mạnh mẽ. Các tàu ngầm hạt nhân Nga có thể mang cả tên lửa hành trình chống hạm Kalibr 3M-54 có phạm vi hoạt động lên tới 660km và tên lửa hành trình chống hạm siêu thanh P-800 Oniks với tầm phóng hơn 600km.

Nếu các tiêm kích hạm trên tàu sân bay Mỹ có thể xuất kích, chúng sẽ gặp phải một sát thủ ghê gớm là hệ thống tên lửa phòng không tiên tiến S-400, với phạm vi tấn công xa đến 400km và sắp tới là hệ thống S-500 với tầm phóng tới 600km.

Đối với Trung Quốc, nước này cũng đã tuyên bố chế tạo thành công tên lửa đạn đạo chống hạm DF-26 có tầm phóng lên tới 3.500km.

Vấn đề đặt ra là để tránh trở thành mục tiêu tấn công của các tên lửa chống hạm, các tàu sân bay Mỹ phải nằm ngoài phạm vi tấn công hiệu quả của chúng. Và như vậy, các tiêm kích hạm của Mỹ với tầm hoạt động hạn chế, sẽ không thể tấn công trúng các mục tiêu mà các loại tên lửa này bảo vệ.

Lời giải cho vấn đề kể trên chính là Mỹ cần chế tạo tiêm kích hạm có tầm bay đủ xa. Theo chuyên gia Harry Kazianis, nghiên cứu viên cấp cao về Chính sách Quốc phòng tại Trung tâm Lợi ích Quốc gia (Mỹ) khẳng định, một tiêm kích hạm lý tưởng sẽ có tầm bay ít nhất là 4.000km.

Lý do đưa ra con số 4.000km là bởi vì tên lửa đạn đạo chống hạm DF-26 hiện đã có tầm phóng tới 3.500km. Cho đến nay Oa-sinh-tơn đã tiêu tốn hàng tỷ USD vào chương trình nghiên cứu và phát triển phiên bản sử dụng cho hải quân của dòng máy bay F-35 với phạm vi hoạt động tối đa có thể chỉ đạt khoảng 1.000km.

Trong khi đó, để phát triển được loại máy bay như vậy phải mất ít nhất là 10 năm nữa và điều quan trọng là cần phải có ngân sách và "ý chí chính trị". Vì vậy, Harry Kazianis kết luận rằng, ít nhất là trước mắt và trong trung hạn, việc sức mạnh răn đe và uy lực của các tàu sân bay Mỹ bị “vượt mặt” là chuyện không có gì phải tranh cãi.

http://baodatviet.vn/quoc-phong/binh-luan-quan-su/khe-ho-phong-thu-khien-hai-quan-my-tra-gia-3313727/?paged=2

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét