Thứ Ba, 29 tháng 1, 2019

Viet Nam war: ĐẠI TÁ HACKWORTH: "KHÔNG THỂ THẮNG"

Lời dẫn:
*
David Hackworth là quân nhân xuất sắc của Mỹ tại Triều Tiên và VN (từng được quy hoạch lên tướng). Tại VN, Hackworth là người thành lập lực lượng Tiger Force thiện chiến để đánh theo kiểu du kích (nhưng sau này cũng trở nên khét tiếng tàn bạo như tại sông Vệ).


Image may contain: 1 person, closeup
*
Rất nhiều điều bạn đã biết về chiến tranh VN, nhưng hẳn sẽ ngạc nhiên khi do một quân nhân như Hackworth nói ra trong trả lời phỏng vấn của đài PBS: lược sử về 'chiến tranh nhân dân', những phê bình thẳng thắn về quân đội Mỹ, những nhận xét đau lòng về đồng minh, sự tôn trọng dành cho bên chiến thắng, cùng những thông tin minh họa châm biếm nhẹ nhàng...
-----
Ông nghĩ gì về việc VC học từ Mao Trạch Đông?
*
Tôi nghĩ chủ yếu là về cách người nghèo đánh với người giầu như thế nào, vận dụng binh pháp Tôn Tử ra sao.
--
Mỹ học được gì từ thất bại của Pháp?
*
Bài học chủ yếu là cuộc chiến đó chẳng liên quan gì đến an ninh của nước Pháp, cũng như của nước Mỹ [vậy tại sao phải đánh?]. Mỹ lẽ ra nên học kỹ bài học của Pháp. Có lần phóng viên đã hỏi tướng Westmoreland câu này. Ông ấy nói: "Sao tôi cần bài học của người Pháp. Họ chưa từng thắng cuộc chiến nào kể từ thời Napoleon." Thái độ của Mỹ là hoàn toàn KIÊU NGẠO.
*
Chúng ta không học từ lịch sử, từ chính kinh nghiệm của chúng ta đã đánh bại người Anh năm 1776. Lúc đó người Anh cũng KÊU CA là chúng ta không chịu đánh theo kiểu đội hình lớn như họ; chúng ta không đụng họ trên chiến trường lớn; mà chúng ta đánh họ theo kiểu của người da đỏ, sau tán cây, ẩn nấp và ngụy trang. Và khoảng hai trăm năm sau chúng ta lại có thái độ đó của người Anh, quên đi bài học mà chính chúng ta đã dạy người Anh.
--
Ông có nghĩ hỏa lực khủng khiếp sẽ giúp Mỹ thắng cuộc chiến?
*
Không bao giờ có thể thắng được cuộc chiến dựa trên khía cạnh hỏa lực. Cách để thắng là phải cải cách chính quyền, giành được TRÁI TIM VÀ LÝ TRÍ của người dân, nêu cao đại nghĩa để người dân của nước đó sẵn sàng chấp nhận hy sinh.
*
Việc đó đã không xảy ra. Chúng ta có thể sử dụng tất cả hỏa lực trên thế giới, tất cả các kỹ thuật Mỹ có để đánh, và có thể có những chiến thắng chiến thuật tạm thời. Nhưng chúng ta không thể có chiến thắng về chiến lược nếu người dân không đứng về phía chúng ta.
*
Đó là cuộc chiến để chinh phục trái tim và lý trí của người dân, chinh phục sự trung thành của họ với chính quyền [VNCH]. Chính quyền đó là đám gangster.
--
Nhưng ông từng ở đó là vì nhiệm vụ quân sự thuần túy, không phải là để chinh phục trái tim và lý trí?
*
Nếu từng học trường quân sự thì anh sẽ nhanh chóng nhận ra là chúng ta sẽ phải chinh phục trái tim và lý trí, chứ không chỉ là thắng cuộc chiến. Đó là bài học từ kinh nghiệm của Pháp. Mao nói: "Du kích là cá và dân là nước". Muốn giết cá thì phải tát nước. Muốn giết du kích thì phải tách dân ra, vì dân là lực lượng hỗ trợ mọi mặt về y tế, nông nghiệp, đặt bẫy, tình báo, cảnh giới... Họ là biển, và du kích là cá.
--
Vậy những nỗ lực tái định cư dân làng người Việt có phải là cách hay để thắng cuộc chiến?
*
Không, vì người Mỹ lần nữa lại tìm cách áp đặt giá trị của mình lên VN, mà không chịu hiểu về VĂN HÓA VÀ TÍN NGƯỠNG của VN. Đó là đất nước của những người theo đạo Phật, và thờ cúng tổ tiên. Thường thì những người bị chuyển nhà sẽ phải vượt qua bãi mìn để về nơi thờ tự là mộ tổ tiên.
--
Ông có nghĩ du kích VC là những CHIẾN BINH GIỎI một cách khác thường không? Với tư cách một quân nhân, ông sẽ nói gì, ông tôn trọng họ nhất ở điểm nào. 
*
Tôi tôn trọng sự tận tụy của họ, nhiệt huyết của họ, và niềm tin lớn lao và mạnh mẽ của họ về tự do. Đối với họ, đó là sứ mệnh, là sự cống hiến hoàn toàn vì độc lập của đất nước mình. Có lẽ vì tôi đồng cảm với tổ tiên của mình, những người vài trăm năm trước đã đánh lại người Anh.
--
Thế còn về chiến lược và chiến thuật của họ?
*
Họ là những chiến binh nhiệt thành và cống hiến, giống như những lính dù phi thường của tôi. Chiến binh tôn trọng những đối thủ nặng ký, và họ thực sự nặng ký vì sự tận hiến cho đại nghĩa của họ.
--
Một nữ chỉ huy duy kích từng nói, khi họ bắn một lính Mỹ, đồng đội họ sẽ đến và mừng phát khóc, vì đó là cơ hội để bắn và tước vũ khí. Lời bình đó có đúng không?
*
Họ [lính Mỹ] đã mất đi những chỉ huy chuyên nghiệp và lạnh lùng. Lính chuyên nghiệp không bao giờ bám sau người bị thương, mà để việc đó cho quân y. Họ không được huấn luyện và chỉ huy tốt, quá quan tâm đến tình đồng đội và cố gắng kéo người bị bắn hạ khỏi lửa đạn.
*
Ở Việt Nam, cách đánh [của du kích] là bắn gã đi đầu, và hạ những người đến cứu, làm dài thêm danh sách thương vong [của Mỹ]. Có lính đã kể với tôi là có gã bị bắn vào chân, bị du kích chỉ cách mươi mười lăm feet chĩa súng vào và dơ ngón tay ra hiệu trêu ghẹo, trong lúc anh ta chờ người đến lôi đi, và rồi sẽ bắn hạ những người đó.
--
VC ẩn trong rừng, nhưng ở đồng bằng Cửu Long không thực sự có rừng, vậy họ trốn ở đâu?
*
Họ ẩn trong rừng dọc sông, thường khá dầy và đặt nhiều bẫy phía trước. Người dân che giấu họ. Họ ẩn dưới nước và dùng ống sậy để thở, dùng lau sậy ngụy trang. Họ đào hang ven sông và làm thông hơi. Họ là những chiến binh rất khôn khéo.
--
Ông đã bao giờ gặp họ ẩn dưới nước chưa?
*
Oh, thường xuyên. Khi định vị được VC, chúng tôi lấy lưới chặn 2 đầu kênh để họ không thể lặn thoát, sẽ bị vướng lưới. Tôi cho quân bắn vào bụi cây, và phần lớn là có VC ở đó đang cố thoát ra.
*
Họ đơn giản là những chiến binh thiện chiến nhất, tận tụy nhất trong những đối phương mà tôi đã từng đối đầu trong 50 năm quân ngũ của mình, họ là nhất.
--
Có vấn đề gì khác khi chiến đấu tại đồng bằng Cửu Long?
*
Nước ăn chân. Quy tắc của tôi là chỉ cho đơn vị dã chiến trong 5 ngày. Quá 5 ngày thì nước ăn chân sẽ rất tệ, đến mức cả tiểu đoàn có thể phải nằm cả hàng tuần.
--
Tại sao phải hành quân dưới nước? Tại sao không đi ven bờ hay theo đường giữa cánh đồng?
*
Chỗ khô ráo thì có thể có bẫy và mìn. 60% thương vong của chúng ta tại VN là do bẫy và mìn của du kích địa phương. Tôi muốn thêm rằng tướng lĩnh hàng đầu- Westmoreland và cộng sự- không đếm xỉa. Họ không tin đó là kẻ thù, vì vẫn mang nặng đầu óc của Thế chiến 2. Họ không hiểu bản chất cuộc chiến. Họ vẫn nghĩ có thể thắng bởi hỏa lực hạng nặng, tuôn trào từ Detroit, và bởi năng lực kỹ thuật dồi dào. Họ nghĩ có thể nghiền nát đối phương đến thất bại. Rồi họ nhận ra không thể mang xe ủi để chiến thắng ai đó chiến đấu vì đại nghĩa.
--
Nhưng sau Mậu Thân, VC đã phải hứng chịu thương vong rất lớn vì HỎA LỰC?
*
Tướng LeMay đã nói "Tôi mà ném đủ bom thì có thể thắng, vì tôi sẽ cho người Việt trở về thời kỳ đồ đá". Ông ấy không hiểu là VN lúc đó đang ở thời đồ đá và bom đạn chẳng có tác dụng gì cả.
*
VN là đất nước chỉ cỡ bang California, và chúng ta sử dụng bom gấp 3 lần cả 2 phe đã dùng trong Thế chiến 2. Đã đủ sắt thép để nhấn chìm cái mục tiêu ngang cỡ California đó, nhưng cũng chẳng đủ để đối phương bỏ cuộc. Hỏa lực không phải là câu trả lời. Câu trả lời vẫn là chinh phục trái tim và lý trí của người dân.
--
Tại sao hỏa lực vô tác dụng?
*
Cái mà hỏa lực đạt được chỉ là kích động đối phương. Họ có thể thấy mình bị đánh bởi người khổng lồ, không cách gì để đánh lại. Và nó đã làm được điều mà lịch sử đã đến với người Anh trong Thế chiến 2: nhóm lửa trong lòng họ. Đó là điều tệ nhất chúng ta đã làm được tại VN. Nó chính là thuốc bổ để họ chiến đấu mạnh mẽ hơn.
--
Khi ở đồng bằng Cửu Long, có khó để PHÂN BIỆT DÂN THƯỜNG và VC?
*
Tôi ở sư đoàn 9 và tư lệnh là tướng Ewell, được mệnh danh là 'Đồ tể vùng Đồng bằng". Chính sách của sư đoàn là kệ đi, nếu ai di chuyển thì bắn và đếm. Về lý thuyết, dân thường ở xa vùng chiến sự. Họ sẽ nói đó là khu vực tự do bắn phá, không cần quan tâm đến truyền thống gắn bó với quê nhà của người dân. Bất chấp nguy hiểm, người dân quay về quê, và bị chúng ta coi là VC, và trò chơi [bị bắn] là công bằng.
*
Rất nhiều dân thường đã thiệt mạng, nhưng tất cả trong số đó có cảm tình với VC, hiển nhiên tại vùng của tôi. Hầu hết cư dân nông thôn có cảm tình với VC. Họ đã chinh phục được trái tim và lý trí của người dân. Người dân thấy sự nghiệp của họ chính đáng hơn, dân tộc chủ nghĩa hơn.
--
Bay trên đồng bằng, đã bao giờ ông thấy người và nói "họ là dân thường, là trẻ em"?
*
Vâng, có lần phi công ở ghế trước nói "Có 4 kẻ địch. Xin phép bắn." Tôi thấy 4 đứa trẻ, và từ chối. Tôi dẫn đầu đổ trung đội xuống hành quân qua khu vực. Rồi bất chợt những đứa trẻ đó, không quá 12- 13 tuổi, nổ súng về phía chúng tôi. Tôi đã sai. Đó là ngày đầu của tôi ở Đồng bằng. Và tôi đã học được rằng, bất kỳ ai ở khu vực chiến sự, buồn mà nói, đều thù địch.
--
Họ từng có ích cho ông không?
*
Tại bất kỳ khu vực chiến sự nào, chúng tôi cũng bắt một thường dân làm kẻ chỉ đường, trái với công ước Geneva. Cho rằng ông ta ở đó, ông ta có thể vượt qua khu vực mà không mất chân hay mất mạng, và có thể dẫn chúng tôi qua. 
--
Loại BẪY đơn giản là gì?
*
Chông. Thường thì họ đặt ở chỗ hướng về mắt cá chân. Nếu bị xước và dính nước bẩn, bạn sẽ bị nhiễm trùng.
*
Nhưng kinh nhất là lon cà phê đầy chất nổ từ bãi thải của Mỹ. Đồ họ sử dụng [làm bẫy] đều từ chúng tôi. Chúng tôi vứt đi pin, lon khẩu phần ăn, lon cà phê. Rồi bom 500 pound không nổ. Họ làm xưởng chế bẫy. Họ khui mìn, lấy thuốc nổ, nhồi vào lon, lắp dây... Loại kinh hoàng nhất là hộp lớn đầy C4, thêm đinh làm mảnh văng, có thể hạ từ 10-12 người.
*
Tác động [của bẫy] là vào tâm lý người lính. Khi đặt chân xuống, bạn không rõ sẽ còn gì, bàn chân, cẳng chân, hay mạng sống. Nó kéo dài suốt cả năm khi đi trên đường hay dưới nước. Tôi nhận nhiệm vụ tại một tiểu đoàn, được mệnh danh là 'Tiểu đoàn Bất hạnh''. 6 tháng trước khi tôi đến, tiểu đoàn đó chịu 600 thương vong vì bẫy mà chưa hề đụng đối phương.
--
Kiểu thương vong đó tác động thế nào đến tinh thần binh lính?
*
Nó thổi bay [tinh thần] cũng như mìn thổi bay chân. Nó lởn vởn trong đầu suốt. Tôi tin là rất nhiều người bị hội chứng chiến tranh VN là do chứng kiến tác động của mìn và bẫy. Nên nhớ rằng 60% thương vong là do mìn và bẫy. Thế mà bộ binh sang VN chỉ được học 5 tiếng về bẫy, là quy định từ thời Thế chiến 2
--
Mục đích của VC sử dụng ĐỊA ĐẠO kiểu như Củ Chi là gì?
*
Đó là khu vực an toàn để họ trữ đồ tiếp tế, làm tổng hành dinh hay chứa quân. Họ chịu thương vong rất lớn do bom đạn. Nhiều địa đạo được hình thành trên khu vực đá vôi tốt, dễ đào nhưng chống đỡ tốt. Họ có thể đào xuống đến 3-4 tầng. Đó là khu vực an toàn, thực sự là ngay sau phòng tuyến của Mỹ. Và người Mỹ không bao giờ thực sự tìm ra.
*
Ví dụ tại khu vực Tam Giác Sắt có rất nhiều địa đạo. Tướng William nói "Không còn tồn tại Tam Giác Sắt" vào năm 1965 khi quân Mỹ vừa tham chiến. Nhưng khi miền Bắc chiến thắng năm 1975, sở chỉ huy của họ vẫn ở tại khu vực địa đạo đó.
--
Có cách gì không? Khóa chặt địa đạo, phun hơi ngạt, hay cho nổ?
*
Chúng tôi đã thử mọi cách, cử "lính chuột chũi" nhỏ bé để chui xuống. Nhưng họ làm địa đạo thông minh nên không thể tìm ra điểm cuối.
*
Tôi chắc rằng nếu có thêm nỗ lực và sáng tạo thì có thể khóa địa đạo, nhưng tướng lĩnh không quan tâm. Có giai thoại rằng có chuyên gia đã đến văn phòng tôi tại Lầu Năm Góc và nói có thể giúp vì ông ta dành cả đời để nghiên cứu hang động. Chúng tôi đưa ông ta đến các sếp tướng lĩnh, nhưng họ chẳng muốn phí tiền để cho ông ta đến đó nghiên cứu địa đạo. Vẫn là thái độ rằng hỏa lực dồi dào sẽ chiến thắng. Sự kiêu ngạo đã không cho phép chúng tôi vượt qua những đầu óc quân sự phiến diện.
--
Nhưng địa đạo quan trọng về quân sự đúng không?
*
Thực sự nhức nhối, từ đầu đến cuối, là đồng minh hùng mạnh của VC.
--
Ông ở Mỹ vào thời điểm đó, nhưng ông nhớ gì về MẬU THÂN?
*
Lúc đó tôi ở Lầu Năm Góc. Một bạn thân làm trợ lý cho tướng cấp cao, biết nhiều tin mật, đã cho tôi biết về trận tấn công nhiều giờ trước khi báo chí và công chúng biết. Thành thực là tôi sốc và tim tôi tan nát.
*
Nó giống hệt như Walter Cronkite [phóng viên truyền hình nổi tiếng] hỏi công chúng Mỹ: "Quỷ quái gì vậy? Tôi nghĩ là chúng ta đang thắng cơ mà?" Đó là cách công chúng Mỹ bị sốc. Mọi người bị nhồi nhét với những báo cáo chiến công lấp lánh bởi tổng thống Johnson và tướng Westmoreland, rằng có ánh sáng cuối đường hầm, rằng chỉ vài tháng nữa thôi. Công chúng vẫn nghĩ về Thế chiến 2, rằng càng chiếm lĩnh thêm nhiều đất thì cuối cùng chiến thắng sẽ đến.
*
Nhưng ánh sáng cuối đường hầm hóa ra lại là hàng đoàn VC chui ra từ mọi ngóc ngách. Đó là bước ngoặt của cuộc chiến.
--
Tại sao nó lại là bước ngoặt?
*
Vì nó phá hủy sự sẵn sàng ủng hộ của người dân Mỹ đối với cuộc chiến. Những người lính hiểu biết thì nhận ra đó là khởi đầu của sự kết thúc. Người Mỹ nhìn nhận lại. Nếu họ không ủng hộ thì coi như bạn bị cắt chân.
*
Trước Mậu Thân thì tỉ lệ ủng hộ chiến tranh cao. Lúc đó người Mỹ sẽ cho là không yêu nước nếu không ở đó, và chỉ còn đợi cho đến khi chúng ta chiếm được Hà Nội.
*
Nhưng khi thấy VC trèo vào ĐSQ Mỹ, thì họ biết đã bị lừa dối và cuộc chiến là không thể thắng. Họ quay ra hỏi con cái họ. Lúc đó đã có một triệu quân nhân Mỹ trở về nhà từ VN để nói với cha mẹ và người thân về sự thật. Chính phủ không còn có thể phỉnh phờ mọi người trên Đại lộ Madison được nữa.
--
Từng có thể thắng hay đánh bại VC được không?
*
Không thể thắng được, trừ khi CHÍNH QUYỀN SÀI GÒN chịu thay đổi kiểu hành xử thô bạo để chinh phục trái tim và lý trí của người dân. Chính quyền miền Bắc đã làm vậy và đã hứa về giấc mơ không tưởng sau khi đánh đuổi quân xâm lược và chính quyền Nam VN hà khắc.
*
Chính quyền Nam VN không hề nhận thức được là họ phải thay đổi. Họ bị lãnh đạo bởi đám tham lam hám tiền. Họ không có sự liên hệ với số đông quần chúng. Họ chủ yếu là Thiên Chúa giáo, cai trị tại một đất nước đến 90% là theo Phật giáo.
--
Tại sao ĐẾM XÁC lại quan trọng?
*
McNamara là người nghiền số má. Chiến lược chính là tiêu hao đối phương. Với việc đếm xác, chúng tôi biết rằng đang thắng hay bại.
*
Nhưng cái diễn ra là việc đếm xác đã làm suy thoái quy tắc chiến trường, đặc biệt là trong các sĩ quan cấp quân đoàn. Nó dạy mọi người nói dối, từ úy đến tướng về việc vống số đếm xác. Nếu thực tế là 200 thì sẽ báo cáo thành 650, và rồi tướng Westmoreland nói "lại là một chiến thắng to lớn nữa của Mỹ".
*
Nó làm sĩ quan thì lệch lạc, còn lính thì sợ hãi, hối hả chạy khắp rừng để đếm, mà việc đó rất kinh. Nó gây ra tác dụng ngược về quân sự, phá hủy tinh thần binh sĩ.
--
Thế CHIẾN LƯỢC của cuộc chiến là gì?
*
Ý tưởng của Westmoreland là tiêu diệt đối phương trong những trận chiến lớn như trong Thế chiến 2. Đấy là do chúng ta không hiểu bản chất cuộc chiến, vì du kích không đánh như vậy. Họ đánh rồi chạy để sống sót để còn đánh hôm sau. Họ không lao vào cuộc chiến lớn, vì nó đòi hỏi nguồn lực lớn.
*
Tôi phỏng vấn tướng Moshe Dayan, cựu Tổng Tham mưu trưởng Israel, sau 2 tuần ông ấy ở VN đi cùng một đại đội. Ông ấy bảo trong một trận đánh với khoảng vài trăm quân BV, họ đã bắn 25000 loạt đạn pháo, mà ông ấy đủ dùng cho cả một chiến dịch. Đó là cách người Mỹ đánh. Nó cũng rất đắt, 100$ một quả đạn, bắn 10000 loạt thì bay cả triệu đô cho 15 phút đánh nhau. Chúng ta cũng chẳng chịu được kiểu tiêu pha như vậy nếu kéo dài. Đó là chiến thuật thất bại. Đáng ra chúng ta nên học theo Mao hay Tôn Tử là chia nhỏ ra mà đánh.
--
Khi còn chỉ huy, ông làm khác thế nào?
*
Trong năm thứ 2 ở VN, tôi chỉ huy một tiểu đoàn lính quân dịch. Trước đó họ rất tệ, chịu 600 thương vong trong 6 tháng trước đó và tự gọi mình là "Tiểu đoàn Vỡ tim". Tháng sau thì khác hẳn. Chúng tôi không đánh trận lớn, mà chia nhỏ thành các toán 5-7 người, đánh trong đêm như du kích, phục kích, dùng chiến thuật như của họ. Chúng tôi học sách của Mao. Sau 6 tháng, chúng tôi chỉ mất 25 người và hạ được 2600 quân đối phương. Không còn VC trong vùng hoạt động của tôi. Tiểu đoàn tự hào với danh hiệu mới là "Tiểu đoàn Nòng cốt".
--
Ông có chắc là mình đã đếm xác đúng?
*
Tôi chắc là đúng, đã cân nhắc đến [loại bỏ đi] các kỹ thuật vống số của quân đội Mỹ vào thời điểm đó.
--
Từ 72 đến 75 thì cuộc chiến có vẻ QUY ƯỚC hơn?
*
Đó là chiến tranh quy ước. Phong trào du kích xuất phát từ một nhóm nhỏ bất mãn, từ gạch đá giết địch rồi đoạt lấy súng trường. Họ thêm súng đạn và gây dựng lực lượng. Giai đoạn đầu của phong trào du kích là bắn tỉa, đặt bẫy và đánh trận nhỏ. Mục tiêu là tiến dần đến giai đoạn cuối là đánh bằng lữ đoàn, sư đoàn rồi quân đoàn, là đỉnh cao của chiến tranh.
--
Nhưng thất bại cuối cùng của miền Nam là bởi quân chính quy miền Bắc. Đó không thể coi là một chiến thắng của VC đúng không?
*
Oh, tôi nghĩ kiến trúc sư của nó là tướng Trà, một VC, một người miền Nam. Ông ta là một trong những người lên kế hoạch. Có vài sư đoàn VC, như sư đoàn 9 ở Đồng bằng là quân chính quy, cũng đã đánh những trận cuối. Hẳn rồi, đa số họ từ miền Bắc, nhưng họ cũng đánh theo kiểu đánh và chạy. Họ cũng tham gia tổng tấn công. 
*
Thú vị là trong 100% thời gian đụng độ, chúng ta phòng ngự đến 85% thời gian, còn VC và BV là bên tấn công. Không thể thắng cuộc chiến chỉ với phòng ngự, cần phải có sức mạnh tấn công. Từ đầu đến cuối cuộc chiến, việc cầm trịch nằm trong tay đối phương.
--
Tháng 4/75 khi Sài Gòn sụp đổ, có nhiều hình ảnh đáng nhớ như là trực thăng trên nóc ĐSQ Mỹ, hay người Nam VN chạy trốn... Ông nghĩ gì về những hình ảnh đó.
*
Tim tôi tan vỡ. Nhưng năm 1971 khi rời VN, tôi đã nói "4 năm nữa cờ BV sẽ tung bay ở đô thành". Tôi như bác sĩ cảm thấy nhịp đập của bệnh nhân hấp hối, là chính quyền Nam VN.
--
Tháng 4/1975 là chiến thắng của một kiểu CHIẾN TRANH NHÂN DÂN?
*
Tôi nghĩ chiến thắng của VN đã giới thiệu một giai đoạn mới về cách chiến thắng trong các cuộc xung đột cường độ thấp. Nhìn quanh thế giới, gần nhất là tại Somali, một lần nữa người Mỹ cố thắng bằng hỏa lực, và lại thất bại. Người Mỹ tiêu 166 tỷ $, chịu 360000 thương vong, và người Việt chịu 4 triệu thương vong. Chiến tranh rất tốn kém về đạn dược và duy trì quân đội hiện đại mà không ai chịu đựng được ngày nay. Vì vậy, chiến tranh sẽ quay về thời kỳ xung đột cường độ thấp như chúng ta đã thấy tại VN.
--
Khái niệm 'chiến tranh nhân dân' có nghĩa gì đối với ông?
*
Nó là kiểu cha ông tôi đã chiến đấu [với quân Anh] năm 1776. Chúng tôi muốn độc lập và sẵn sàng hy sinh tính mạng. Mọi người muốn tự do, và nếu họ có sự nổi giận trong lòng, có khả năng tự vũ trang, có ai đó đến để lãnh đạo, thì những kẻ đang áp bức họ sẽ gặp rắc rối to.
--
Bài học nào quan trọng từ chiến thắng của VC?
*
Bạn phải có lý tưởng, có chính nghĩa. Hãy nhìn cách người Việt huấn luyện. 60% là họ dạy lính về việc 'tại sao chúng ta phải chiến đấu'. Họ hiểu ra mục tiêu của họ. Trong khi lính Mỹ chỉ được dạy 5 tiếng về bẫy và 1 tiếng về 'tại sao [chúng ta đến] VN' trong 16 tuần huấn luyện đối với lính bộ binh.
*
Tôi nghĩ cơ bản nhất phải là trả lời được câu hỏi 'tại sao chúng ta chiến đấu'.
--
Tổng động viên sức mạnh quan trọng thế nào trong chiến thắng của VC?
*
Nếu muốn chiến tranh ngày nay, bạn cần huy động cả quốc gia sau lưng bạn, toàn thể dân chúng, không phải là thời chỉ cần vài anh lính khua gươm trên đồi.
*
VC đã đương đầu với cả 2 siêu cường là Pháp và Mỹ, và họ không thể làm được với lưng vốn ít ỏi. Họ cần phải huy động được toàn thể trong nước và kêu gọi bên ngoài hỗ trợ càng nhiều càng tốt. Cuối cùng thì cuộc chiến gần như là chiến tranh quy ước.
*
Tôi phiền lòng vì người Mỹ định viết lại lịch sử với câu nói "chúng ta thắng mọi trận đánh, nhưng thua cuộc chiến". Chúng ta không thắng tất. Chúng ta thua hầu hết các trận đánh. Lý do người Mỹ thích biện luận vậy vì thích nghĩ về tỉ số. Kiểu người Mỹ là kiểu quy ước, nếu bạn là vua và chiếm được ngọn núi vào cuối ngày thì coi như bạn thắng. Nhưng với VC, chiến thắng không phải là giữ đất, mà là họ đã trừng phạt đối phương như thế nào. VC và BV sẵn sàng hy sinh 10 đổi 1. Nếu đánh nhau mà bị họ giết 1 dù hy sinh 10 thì họ vẫn quay đi và nói "tôi thắng".
--
Đối mặt với khó khăn và đối phương thiện chiến, mức độ SỢ HÃI của lính quân dịch Mỹ thông thường như thế nào?
*
Thông thường thì họ rất sợ vì được huấn luyện quá ít tại Mỹ, chỉ 16 tuần theo kiểu Thế chiến 2 chứ không phải là cho cuộc chiến chống nổi dậy. Rồi bị ném đến VN, vào những đơn vị xa lạ, không thân quen, không làm việc nhóm, như trẻ mồ côi vào gia đình mới không gắn kết. Kết quả là càng sợ vì không có gì chắc chắn về việc sắp diễn ra.
*
21% là lính da đen, phần khác là người gốc Tây Ban Nha và da trắng. Nếu bạn đã vào đại học ngon như Brown University, bạn sẽ chẳng mang M-16 đến VN. Bạn chơi trò Clinton 😁 là thoát được cuộc chiến. Thế là không công bằng. Giới nghèo và giới lao động phải gánh vác cuộc chiến, nhưng họ rất cứng rắn. Nếu được chỉ huy đúng đắn, họ có thể làm những việc quỷ thần, thêm dũng cảm và tự tin. Nhưng nó chẳng làm họ bớt sợ với nỗi lo trở về trong túi nhựa. Dũng cảm hay không thì bạn vẫn sợ. 
--
Có những hình ảnh lính Mỹ lượn lờ, hút hít, vòng hạt quanh cổ, hát rock... Hiển nhiên là vì suy giảm tinh thần?
*
Chiến tranh càng dài thì tinh thần quân Mỹ càng giảm. Quân Mỹ đến với quân đội chuyên nghiệp, chỉ huy dày dặn trận mạc từ Thế chiến 2 và Triều Tiên. Tôi nói chuyện với những sĩ quan nhiều kinh nghiệm nhưng không được trọng dụng đúng cách trong 18 tháng đầu. Và thế là đơn vị mất tính gắn kết. Cứ 365 ngày là bạn lại có 1 đơn vị mới. Chẳng ai nhớ việc gì tháng trước, và sai lầm thì lặp đi lặp lại.
*
Người Mỹ ở VN 8 năm nhưng chẳng chỉ huy cấp cao nào nêu vấn đề về tiêu chuẩn khắt khe hơn, huấn luyện tốt hơn cho một cuộc chiến rất không bình thường... Họ chỉ hỏi "Cách nào để lên tinh thần hả? Chúng ta có thể giải quyết cho họ đi nghỉ xả hơi, mang đến bia lạnh, Coke và kem vào buổi tối, cùng thức ăn nóng". Đáng ra thì phải đá đít bắt họ làm việc cho tốt, siết quai mũ, lau súng đạn, vứt vòng hạt và thôi hút hít. Đó là vấn đề về vô kỷ luật. Nếu chiến tranh kéo dài vài năm nữa, chúng ta sẽ thấy, cuối cùng đến năm 73, có những đơn vị từ chối chiến đấu. Rồi sẽ thấy cả quân đội từ chối chiến đấu trong cuộc chiến bất thường này. Họ sẽ nói: "Tôi đang làm gì ở đây vậy? Chính trị gia muốn tôi về, gia đình muốn tôi về, chẳng có mục đích gì ở đây, chẳng can hệ đến an ninh của đất nước tôi. Tôi chỉ là con tốt cho một cuộc chiến ngu ngốc."
--
Ông đã từng sợ hãi chưa?
*
Trong 8 năm, không có nhiều phút mà tôi không sợ hãi. Nó luôn trong lòng.
--
Ông có ngạc nhiên không khi biết trưởng an ninh của khách sạn Continental, khách sạn hàng đầu Sài Gòn, làm việc cho VC?
*
Tôi chẳng ngạc nhiên. Vào Mậu Thân, thư ký của tư lệnh Westmoreland bị bắt gặp đang cầm AK-47. Trong bộ máy VNCH, tôi CHẲNG TIN ai cả. Tôi chẳng tin tướng VNCH nào. Tôi chẳng cho họ vào trại hay căn cứ của tôi. Nếu phải gặp một đại tá VN, tôi sẽ gặp bên ngoài, vì chẳng tin được anh ta. Tôi sợ rằng bất kỳ ai cũng có thể là VC. 
--
Thế còn về những người mà ông vì họ mà chiến đấu [VNCH]?
*
Đúng, đó là thái độ. Lính của tôi ở sư đoàn 9 ghét lính Nam VN hơn là VC. Họ hành quân không phải để chạm địch mà để tránh địch. Đó là chiến thuật 'tìm và né' thay vì 'tìm và diệt'. Tiểu đoàn tôi cũng qua cùng khu vực và thường trở về đẫm máu tả tơi. Đó là cái mà lính của tôi thấy.
*
Một tối, tôi đi một vòng. Một lính bắn tỉa hỏi: "Sếp, tình hình đếm xác hôm nay thế nào?" "Không quá tốt, cả tiểu đoàn mới có 8-9 gì đó." "Tôi tặng sếp thêm 2." Rồi hắn chĩa súng vào 2 lính Nam VN gác cầu cách đó 40m. Tôi đập văng súng trước khi hắn kịp bắn và nói: "Làm trò gì thế?" "Sếp à, mọi [gook] thì vẫn là mọi mà." Đó là thái độ của nhiều lính Mỹ. Họ ghét lính Nam VN vì chúng cứ ì ra.
--
Sao lại xảy ra THẢM SÁT ở VN?
*
Vụ ầm ĩ là Mỹ Lai. Nó xảy ra vì vài lý do. Lính bức xúc vì mất người vì mìn và bẫy, trong khi chẳng tìm thấy quân địch nào cả. Họ vào làng, thấy nhiều người, lên cơn điên và giết chóc. Đó cũng là do được chỉ huy kém. Trung úy Calley học 3 khóa về sĩ quan, thiếu điểm môn chỉ huy trong 2 khóa, đáng ra phải bị loại thì lại được thi lại cho đến khi đỗ. Trong quân đội họ không muốn tỉ lệ trượt quá cao. Và thế là người chỉ đáng binh nhất lại kết thúc với quân hàm trung úy. Tôi nghĩ thảm sát xảy ra khi bạn không được chỉ huy tốt, không có lính được huấn luyện tốt, kỷ luật tốt và được kiểm soát tốt. Tất cả những thứ đó đã tan tành [trong các vụ thảm sát].
-----
Lược dịch từ https://www.pbs.org/…/guerrillawars/hackworthtranscript.html

https://www.facebook.com/VietnamPeoplesNavy/posts/2078070628944864

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét