Thứ Sáu, 18 tháng 1, 2019

NHẬT BẢN TRÊN QUÁ TRÌNH QUÂN PHIỆT HÓA

Quá trình phát xít hóa ở Nhật Bản phức tạp hơn rất nhiều so với phát xít Ý và Đức, nói chính xác hơn thì là vì Nhật Bản đã có chế độ quân phiệt từ lâu đời. Từ thế kỷ IX, thế lực quân phiệt – một số ít dòng họ dựa trên sức mạnh của các võ sĩ (samurai) – đã nắm quyền cai trị nước Nhật, triều đình chỉ còn là chính quyền trên hình thức. Các thế lực này sau 1000 năm khống chế Thiên Hoàng thì tới năm 1868 đã bị lật đổ, chính là cuộc Minh Trị Duy Tân lừng danh mà ai cũng biết. Thiên hoàng Minh Trị nhận lại thực quyền và đưa Nhật Bản tiến lên theo con đường “Phú quốc cường binh” và “Thoát Á nhập Âu”. Từ những năm 1870s trở đi, Nhật Bản vươn mình mạnh mẽ, trở thành cường quốc hàng đầu Châu Á, giai cấp tư sản Nhật ra đời và nhanh chóng lớn mạnh, hình thành nhà nước phong kiến - tư bản, đối ngoại ra sức thôn tính các nước xung quanh để biến Nhật thành một đế quốc hùng mạnh của châu Á. Công nghiệp vũ khí và lực lượng quân đội nhanh chóng phát triển.

Image may contain: sky, cloud, outdoor and water

Đến đầu thế kỷ 20 thì Nhật bắt đầu xưng hùng xưng bá, xâm chiếm Trung Quốc, lại đánh chìm cả hạm đội Thái Bình Dương của Nga La Tư độc chiếm Đông Bắc Á. Sau chiến tranh thế giới thứ nhất, Nhật với tư cách là thành viên phe Hiệp Ước thắng trận nên được Sơn Đông – Trung Quốc, vốn trước đây là nhượng địa của Đức. Tuy nhiên, đó cũng là lúc các nước phương tây bắt đầu cảnh giác với người Nhật. Sau thế chiến I, một phần vì bị sức ép, một phần vì hấp thu tư tưởng phương Tây, Nhật Bản bắt đầu đẩy mạnh khuynh hướng dân chủ, các tư tưởng về tự do, bình đẳng, nhân quyền bắt đầu phổ biến ở Nhật, tổng tuyển cử ở Nhật diễn ra lần đầu năm 1925, năm 1928, Đảng Cộng Sản Nhật thành lập và các tổ chức, liên đoàn, thương đoàn của đủ mọi giai tầng đua nhau mọc lên như nấm, Nhật Bản bắt đầu hít thở bầu không khí dân chủ phương tây.
Tuy nhiên, khi kinh tế ăn nên làm ra thì dân chủ mới có đất sống và chuyển sang vô chính phủ ngay khi … hết tiền. Kể từ những năm 1920 trở đi, kinh tế Nhật Bản đang hồi hưng thịnh bỗng đổi chiều và rơi vào tình cảnh đình trệ. Trước tiên, năm 1920, lần đầu tiên từ sau thế chiến, thị trường chứng khoán trụt giá không kìm nỗi, đến năm 1927 thêm cuộc khủng hoảng tài chính rồi đến năm 1929, cuộc sụp đổ kinh tế ở Mỹ đã lan đến Nhật, gây ra cuộc khủng hoảng đời Showa (Chiêu Hòa). Trong lúc những cuộc khủng hoảng không ngừng tiếp diễn, thì các xí nghiệp bị lôi kéo bởi khuynh hướng độc chiếm và tập trung. Các tập đoàn gọi là “tứ đại tài phiệt” (Mitsui, Mitsubishi, Yasuda và Sumitomo) và “ngũ đại ngân hàng” (Mitsui, Mitsubishi, Sumitomo, Yasuda, Daiichi) thành hình. Lại nữa, cuộc động đất lớn vùng Kantô tức vùng chung quanh Tôkyô (Kantô daishinsai, 1923) còn làm cho tình hình xã hội đã bất an còn bất an thêm. Chính phủ dân sự Nhật Bản đứng trước sức ép không nhỏ: Một mặt phải lo cho an sinh xã hội, lo cho đời sống nhân dân, một mặt luôn bị các quốc gia phương tây bài xích, lên án. Trong thời kỳ này, người Châu Âu thường xuyên xoáy vào vấn đề Triều Tiên, xem như cái cớ để lên án người Nhật.
Bắt đầu là Hiệp ước Tứ Đại Đế Quốc (Anh, Pháp, Mỹ, Nhật) nhằm giữ nguyên trạng khu vực Châu Á Thái Bình Dương nhưng thực chất là để Anh Pháp Mỹ ngăn Nhật nó không tiếp tục chiếm thêm Trung Quốc nữa, tiếp theo là Hiệp ước Hải Quân Washington năm 1922 nhằm hạn chế binh bị, ngăn ngừa một cuộc chạy đua vũ trang giữa các nước đế quốc, nhưng Nhật ký vào Hiệp Ước này xong rồi mới nhận ra mình bị hớ, vì khi đóng tàu mới thì phải bị giám sát bởi các nước Anh Pháp Mỹ, trong khi nhu cầu thực tế của hải quân Nhật lại cấp bách hơn nhiều, các nước khác thì hải quân đã hùng mạnh sẵn nên không cần đóng thêm tàu mới... Năm 1920, Hiệp Ước tương trợ giữa Anh và Nhật bị hủy bỏ, Nhật không còn quan hệ đồng minh với bất kỳ ông lớn nào ở Châu Âu.

Ngày 25 tháng 12 năm 1926, Thái tử Hirohito lên nối ngôi vua cha Yoshihito vừa mới qua đời, tức là Thiên Hoàng Showa – Chiêu Hòa. Ông là một người có tính cách giống ông nội mình: Đề cao lòng tự hào dân tộc và kêu gọi một sự hợp nhất châu Á cùng tồn tại khả dĩ dưới sự cai trị của Nhật Bản để cùng hưởng một nền hòa bình và thịnh vượng chung. Nói cách khác là có xu hướng nghiêng về quân đội nhiều hơn. Từ khi Thiên Hoàng Chiêu Hòa lên cầm quyền đã liên tục xảy ra các sự kiện lớn do phe quân đội tiến hành:
+ Vụ ám sát Hara Takashi – thủ tướng đầu tiên có xuất thân là người bình dân - ngày 4/11/1922.
+ Biến cố Mãn Châu ngày 18/9/1931, đội quân Quan Đông của Nhật tự dàn cảnh và tự thực hiện cuộc xâm lược Mãn Châu mà không có sự phê chuẩn của Nội Các cũng như Bộ Quốc Phòng. Tuy nhiên, những thành công của chiến dịch này làm cho quân đội Nhật công nhận luôn thành quả của nó và thậm chí còn tách luôn bộ chỉ huy quân Quan Đông ra khỏi lục quân Nhật.
+ Biến cố Goichigo (hay 5/15). Ngày 15 tháng 5 năm 1932, thủ tướng Inukai Tsuyoshi bị một nhóm 11 sĩ quan hải quân trẻ ám sát bằng súng. Câu cuối cùng ông này thốt ra là Kimochi … (Nghĩa là có gì từ từ nói…).
+ Năm 1933, bị quốc tế lên án dữ dội về việc dàn dựng và chiếm Mãn Châu trước đó, Nhật rút ra khỏi hội Quốc Liên (tiền thân của Liên Hiệp Quốc).
+ Cuộc nổi dậy của 1500 lính lục quân có tư tưởng cực hữu ngày 26/2/1936 (còn gọi là biến cố Niniroku), tấn công phủ Thủ Tướng, sát hai các đại thần, âm mưu đảo chánh để phục hồi vương quyền. Bị chính Thiên Hoàng Hirohito ra lệnh đàn áp và cuộc bạo động chấm dứt 3 ngày sau. Các người chủ mưu bị hành quyết. Tuy nhiên, nhân biến cố này, quân đội đã mượn cớ thanh trừng nội bộ để củng có quyền lực của mình dẫn đến chính quyền quân phiệt.
+ Jinmin Sensen là một tổ chức phái tả chống Phát-xít, kết hợp nhiều đảng phái vào năm 1937. Bị chính phủ đường thời đàn áp, hơn 400 bị bắt giữ. Các đảng liên hệ phải giải tán, rất nhiều thành viên đã bị “chiêu hồi” và quay sang ủng hộ tư tưởng phát xít mới trong chính phủ.
+ Năm 1936, Nhật cũng phá vỡ luôn Hiệp Ước Washington về hạn chế phát triển Hải Quân, đây là bước chuẩn bị đầu tiên để tiến hành chiến tranh thế giới thứ hai.
+ Tiếp theo là việc Nhật ký kết bản hiệp ước chống Quốc tế Cộng sản vào tháng 11 năm 1936 giữa Đức và Nhật Bản, Ý gia nhập hiệp ước này năm 1937. Đến năm 1939, "Trục Rome–Berlin" trở thành một liên minh quân sự với "Hiệp ước thép", và Hiệp ước tam cường ký kết năm 1940 đã đi đến sự thống nhất các mục tiêu quân sự giữa Đức và hai đồng minh của nước này.

=> Cuối cùng, ngày 7 tháng 7 năm 1937, quân Nhật tiến hành tập trận ở gần đầu phía Tây cầu Lư Câu (Lư Câu Kiều) ngày nay là thành Uyển Bình, gần Bắc Kinh, đây là một cuộc tập trận đêm mà quân Nhật không hề báo trước cho quân đội Trung Hoa Dân Quốc. Trong khi tiến hành tập trận, Binh nhì Shimura Kikujiro chợt thấy … chột bụng, anh này bèn tách ra vào rừng giải quyết nỗi buồn. Sau khi giải quyết xong thì đơn vị của anh ta đã đi mất, và anh này cũng bị lạc trong rừng, sĩ quan chỉ huy sau khi điểm danh quân số vào lúc rạng sáng thấy mất một người, đã đề nghị thành Uyển Bình mở cửa cho quân Nhật vào kiếm người. Dĩ nhiên quân Trung Quốc không đồng ý, thế là có vài người lính bên phía Nhật tức giận nổ vài phát súng chỉ thiên, quân Trung Quốc cũng nổ lại nhưng phía Nhật lại coi đây là hành động gây chiến.
3:30 sáng 8/7, quân Nhật quay lại mang theo cả pháo, tuyên bố rằng sẽ bắn sập cửa nếu không được vào thành, phía Trung Hoa dân quốc đành nhượng bộ, nhưng tới 5:00 sáng kiếm vẫn không ra người, quân Nhật điên tiết khai hỏa bằng súng máy… Và đó là tiếng súng khơi mào cho chiến tranh Trung – Nhật lần thứ hai, cũng có thể coi là tiếng súng báo hiệu chiến tranh thế giới thứ 2 đã nổ ra ở Châu Á (Tới 8:00 sáng hôm sau thì Shimura Kikujiro tìm về được đơn vị, cũng chẳng ai báo cáo lại chỉ huy về việc anh ta đã trở về, thay vào đó, Kikujiro nhanh chóng cầm súng lao ra chiến trường như các đồng đội). Như vậy ta có thể kết luận: Một người lính đi vệ sinh đã khơi mào chiến tranh Trung – Nhật.
Ảnh minh họa: Sau khi phá vỡ Hiệp Ước Washington thì Nhật Bản đóng ngay chiến hạm Yamato - một pháo đài trên biển.

=.=.= Bách Hiểu Sinh =.=.=
Theo Lịch sử Phương Đông

https://www.facebook.com/tuan.buianh.3597/posts/1052691634919037

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét