Thứ Hai, 21 tháng 1, 2019

NHÌN LẠI TRẬN HẢI CHIẾN HOÀNG SA 19-1-1974

Image may contain: ocean, outdoor and water

TƯƠNG QUAN LỰC LƯỢNG
Hải quân VNCH:
- 2 tàu tuần tiễu lớp Casco (VNCH gọi là "tuần dương hạm") mang số hiệu HQ-5 Trần Bình Trọng và HQ-16 Lý Thường Kiệt có lượng giãn nước 2800 tấn, tốc độ 17 knot. Hỏa lực gồm 1 bệ pháo 1x127mm, 1 bệ pháo 2x40mm, 2 bệ pháo 1x40mm, 2-4 bệ pháo 2x20mm.
- 1 tàu hộ tống khu trục lớp Edsall (VNCH gọi là "khu trục hạm") mang số hiệu HQ-4 Trần Khánh Dư có lượng giãn nước 1590 tấn, tốc độ 21 knot. Hỏa lực gồm 2 bệ pháo 1x76mm, 2-3 bệ pháo 1x20mm.
- 1 tàu quét mìn lớp Admirable (VNCH gọi là "hộ tống hạm") mang số hiệu HQ-10 Nhật Tảo có lượng giãn nước 650 tấn, tốc độ 14,8 knot. Hỏa lực gồm 1 bệ pháo 1x76mm, 2 bệ pháo 1x40mm, 2-4 bệ pháo 1x20mm.
(Thông tin về số pháo từ 40mm trở lên trên các tàu VNCH tương -đối sát thực tế do có mô tả cụ thể từ các nhân chứng, còn số pháo 20mm có thể dao động nhẹ, phụ thuộc tình trạng tàu khi phía Mỹ chuyển giao).
Hải quân TQ:
- 2 tàu săn ngầm kiểu 6604 mang số hiệu 271 Cẩm Châu và 274 Lô Châu có lượng giãn nước 320 tấn, tốc độ 18 knot. Hỏa lực gồm 1 bệ pháo 1x85mm, 2 bệ pháo 1x37mm, 2 bệ phóng rocket chống ngầm.
- 2 tàu quét mìn kiểu 6610 mang số hiệu 389 và 396 có lượng giãn nước 570 tấn, tốc độ 15 knot. Hỏa lực gồm 2 bệ pháo 2x37mm, 1 bệ pháo 2x25mm (riêng 389 thay 1 bệ pháo 2x37mm bằng 1x85mm).
- 2 tàu săn ngầm kiểu 037 mang số hiệu 281 và 282 có lượng giãn nước 450 tấn, tốc độ 28 knot. Hỏa lực gồm 2 bệ pháo 2x57mm, 2 bệ pháo 2x37mm, 4 bệ phóng rocket chống ngầm. Tuy nhiên 2 tàu này chỉ có mặt trên chiến trường sau khi trận đánh chính đã kết thúc.
DIỄN BIẾN
Có khá nhiều mâu thuẫn và tranh cãi trong những miêu tả về diễn biến trận hải chiến Hoàng Sa, ngay cả giữa các quân nhân VNCH (thậm chí là những người cùng phục vụ trên 1 chiến hạm), tuy nhiên tổng hợp tường thuật của 2 bên thì có thể tóm lược lại những nét chủ yếu:
Trận chiến mở màn lúc khoảng 10h24 ngày 19-1-1974 khi các chiến hạm của VNCH đồng loạt khai hỏa trước vào tàu TQ ở cự ly 1400-2000m. HQ-4, HQ-5 giao chiến với 271, 274 trong khi HQ-10, HQ-16 giao chiến với 389, 396. Mặc dù các tàu VNCH tìm cách cơ động giữ khoảng cách để phát huy hỏa lực nhưng các tàu TQ tăng tốc áp sát được và bắn trả.
Phía TQ tàu 274 trúng đạn 40mm vào đài chỉ huy ngay từ những phút đầu làm thuyền phó và chính ủy tử trận, 1 số thủy thủ thương vong. Biên đội 271, 274 tấn công HQ-4, tập trung bắn vào hệ thống radar, antenna và đài chỉ huy, gây cho tàu này một số thiệt hại nhẹ và cháy, 1 bệ pháo 76mm trúng đạn hư hỏng. HQ-5 tấn công 274 để giải vây cũng bị 271, 274 chuyển sang quây đánh ở cự ly 300-1000m, bệ pháo chính cùng 1 bệ pháo 40mm và thiết bị liên lạc bị bắn hỏng. 274 trúng 5 phát đạn 127mm và nhiều phát 76mm, 40mm, điều khiển gặp khó khăn nhưng các bệ pháo và động cơ vẫn hoạt động được. 271 trúng 1 phát đạn 76mm làm gãy cột cờ, bệ pháo 85mm gặp trục trặc liên tục và ngừng hoạt động sau khi chiến đấu được 22 phút.
Biên đội 389, 396 tập trung tấn công HQ-16. HQ-10 đánh thọc sườn 389 để hỗ trợ nhưng bị trúng đạn 85mm vào đài chỉ huy làm hạm trưởng tử trận, hạm phó bị thương, phần lớn thủy thủ trên đài chỉ huy đều thương vong. Đồng thời HQ-16 cũng bị trúng 1 phát đạn 127mm từ HQ-5 gây hư hỏng nặng, 1 bên hầm máy bị ngập làm nghiêng tàu phải lùi ra xa. 389, 396 dồn hỏa lực bắn cháy HQ-10 gây ra nhiều thương vong, hạm phó phải ra lệnh bỏ tàu. Phía TQ 389 trúng đạn lúc 10h35 làm hỏng máy, đài chỉ huy bị phá hủy và nhiều thương vong, 396 trúng 1 phát đạn 127mm từ HQ-16 nhưng vẫn chiến đấu được.
396 ngăn chặn HQ-16, yểm trợ cho 389 rút lui và ủi bãi lúc 11h50 với sự hỗ trợ của các tàu cá vũ trang. Hạm trưởng HQ-16 ban đầu định bỏ tàu nhưng sau đó tiếp tục cho lái chạy về đất liền.
396 sau đó tiến xuống phối hợp cùng 271, 274 giao chiến với HQ-4, HQ-5. Đến khoảng 11h, chỉ huy phía VNCH nhận định có lực lượng tăng viện của TQ và ra lệnh rời khỏi chiến trường. Các tàu HQ-4, HQ-5, HQ-16 rút về theo các hướng khác nhau. Khoảng 12h12, biên đội 281, 282 của TQ có mặt và tấn công HQ-10 nằm lại. Đến 12h30 đạn pháo của HQ-10 phát nổ và chìm lúc 14h52.
KẾT QUẢ
Phía VNCH chết 71 và bị thương 16 (chỉ tính riêng các chiến hạm). HQ-10 chìm, HQ-16 bị hư hỏng nặng, HQ-4 và HQ-5 hư hỏng nhẹ.
Phía TQ chết 18 và bị thương 67. Tàu 274 và 389 bị hư hỏng nặng, tàu 271 và 396 hư hỏng nhẹ và tiếp tục cùng 281, 282 tham gia vào trận chiếm đảo vào ngày hôm sau.
Ngày 20-1-1974, quân TQ đổ bộ và dễ dàng đánh chiếm các đảo do quân VNCH đồn trú, và chiếm đóng phi pháp quần đảo Hoàng Sa từ thời điểm đó đến nay.
ĐÁNH GIÁ
HQ VNCH thua trận, mặc dù khởi đầu trận đánh với lợi thế về trang bị rõ rệt. Các tàu HQ-4, HQ-5, HQ-16 đều lớn hơn, có kết cấu vững chắc và có hỏa lực mạnh hơn, tàu nhỏ nhất là HQ-10 cũng lớn hơn và có hỏa lực tương đương với tàu TQ. Thực tế trận đánh cho thấy HQ-4, HQ-5, HQ-16 không bị tổn hại lớn về kết cấu. Nhân chứng phía VNCH kể lại đạn 85mm bắn vào đài chỉ huy không thể xuyên hết qua vỏ, còn HQ-16 bị nặng nhất thì lại do chính đạn pháo của HQ-5. Họ còn nắm quyền chủ động hoàn toàn về vị trí, cự ly và thời điểm nổ súng.
Nguyên nhân có thể đến từ những yếu tố sau:
HQ VNCH đã không có sự chuẩn bị tốt về kỹ thuật cũng như chiến thuật cho trận đánh này. Trong quá trình chiến đấu rất nhiều lần các hệ thống hỏa lực, động cơ, liên lạc... trên các tàu gặp trục trặc, đặc biệt là liên lạc không ổn định. Hậu quả nặng nhất là HQ-10, do hỏng máy từ trước nên cơ động kém đã bị tàu TQ tập trung đánh thiệt hại nặng và chìm. Mặc dù vậy cũng cần lưu ý rằng bản thân chính các tàu TQ cũng có trục trặc và không ở trong tình trạng kỹ thuật tốt.
Phối hợp tác chiến trong trận đánh không hiệu quả (1 phần có thể do hệ thống liên lạc không ổn định), thậm chí còn bắn nhầm vào nhau, lúc rút thì mỗi tàu đi 1 hướng, để lại đồng đội bị thương phía sau. Cho đến nay các chỉ huy bên phía VNCH vẫn tranh cãi và kết tội nhau về câu chuyện phối hợp này.
Kỹ năng, kinh nghiệm chiến đấu trên biển của thủy thủ VNCH chưa cao - đây là điều mà chính hạm trưởng HQ-16 thừa nhận. 1 nhân chứng trên tàu còn kể lại cảnh pháo thủ 40mm chúi xuống nấp và đạp cò xả đạn trong khi nòng pháo vẫn chĩa lên trời. Hiển nhiên như vậy thì khó có thể mang lại kết quả.
Và cuối cùng, vẫn phải công nhận quyết tâm và kỹ năng chiến đấu tốt của hải quân TQ. Yếu thế hơn về trang bị và bị đánh phủ đầu trước, tàu TQ đã không rút lui mà vận dụng chiến thuật hợp lý là áp sát (có lúc chỉ vài trăm mét) và cơ động tấn công ở tốc độ cao. Theo phía TQ, có những thời điểm tàu 2 bên áp sát nhau (đặt biệt là HQ-10 và 389) đến mức lính TQ có thể dùng súng bộ binh bắn sang tàu đối phương. Ở cự ly gần, mục tiêu nhỏ và cơ động liên tục, pháo lớn trên tàu VNCH gặp nhiều khó khăn do bị hạn chế về góc tầm, khả năng bám bắt mục tiêu và tốc độ bắn, trong khi tàu VNCH lớn và cơ động kém nên dễ dàng bị tàu TQ nhắm vào.
1 điều đáng chú ý nữa là theo phía TQ, pháo lớn trên các tàu VNCH sử dụng chủ yếu là đạn xuyên thép (AP), vì vậy các tàu TQ khi trúng đạn 127mm hay 76mm thì đạn chỉ đi xuyên qua luôn mà không gây thiệt hại nặng như đạn nổ (HE).
Hỏa lực của tàu TQ được tập trung vào các mục tiêu quan trọng và đã thu được kết quả: đài chỉ huy HQ-10 bị loại khỏi vòng chiến, nhiều bệ pháo trên HQ-4, HQ-5 bị bắn hỏng, không thể tác xạ hiệu quả. Ngoài ra phối hợp của phía TQ cũng khá linh hoạt, mặc dù ban đầu tạo thành từng nhóm 2 chống 2 nhưng ở từng thời điểm họ có thể tập trung nhiều tàu dồn vào đánh lần lượt từng tàu VNCH riêng lẻ.
Theo phía TQ, đến cuối trận đánh kết cục vẫn chưa ngã ngũ hẳn, các tàu của họ đều đã chịu thiệt hại và suy yếu hỏa lực: 271 pháo chính hỏng, 274 pháo chính hết đạn, 389 đã rút lui, 396 còn khoảng 1/2 cơ số đạn, như vậy tàu TQ chỉ còn sử dụng được pháo nhỏ 37mm và 25mm. Chỉ huy các tàu 271, 274 đã phải tính đến trường hợp dùng rocket chống ngầm để bắn thẳng. Tuy nhiên chính ở thời điểm quyết định này người chỉ huy bên phía VNCH lại nao núng và ra lệnh rút lui. HQ-10 sau đó đã nằm lại hơn 1 giờ, đến khi các tàu 281, 282 có mặt mới đánh chìm được.

https://www.facebook.com/vukhivietnam/posts/379512259273008

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét