Thứ Tư, 16 tháng 1, 2019

ẤN ĐỘ VÀ NHỮNG "NGƯỜI ANH EM" THIỆN LÀNH

1. ẤN ĐỘ RŨ BÙN ĐỨNG DẬY SÁNG LÒA
Khỏi nói nhiều cũng biết Ấn Độ là một nền văn hóa lâu đời và ảnh hưởng vào loại bậc nhất trên thế giới này. Cùng với Trung Hoa chia hai nửa Châu Á thành Đông - Tây với sự phân hóa văn hóa sâu sắc. Tuy nhiên, trong thời kỳ thực dân, Ấn Độ bị người Anh biến thành thuộc địa. Ấn Độ là nơi cung cấp nguyên vật liệu, hậu cần cho Đế Chế Anh vươn ra khắp thế giới. Có nhà sử học rất nổi tiếng từng nhận xét rằng: Ấn Độ là viên kim cương nạm trên vương miện của Đế Chế Anh. Sau này Napoleon cũng từng nhận định: Muốn cô lập nước Anh đầu tiên phải giành lấy Ấn Độ từ tay họ đã. Rất tiếc ngài không thành công.

No photo description available.

Trải qua hơn 100 năm làm thuộc địa, đầu thế kỷ 20 Ấn Độ xuất hiện một vị thánh sống, một đấng là hiện thân của từ bi và sự bao dung: Mahadma Ghandi. Với phong trào đấu tranh bất bạo động của mình Thánh Ghandi khiến hàng triệu người Ấn đi theo ngài, liên tục suốt mười mấy năm người Anh nhận ra rằng không thể giữ được Ấn Độ lâu hơn nữa, năm 1947 người Anh trả độc lập cho Ấn Độ trong hòa bình, không đổ máu.
Ấn Độ giành độc lập từ năm 1947 nhưng họ còn trăm mối lo ngổn ngang. Quá nhiều tôn giáo và thành phần dân cư cũng khiến đất nước này luôn chất chứa những mâu thuẫn nội tại. Dân số quá đông (trước giờ Ấn Độ luôn đứng thứ 2 thế giới, sau Trung Quốc) mà nền kinh tế lúc ấy chủ yếu dựa vào nông nghiệp quá đỗi lạc hậu. Hàng năm số người chết đói ở Ấn Độ vẫn đầy rẫy. Thế là Thủ tướng Nehru quyết tâm thực hiện cuộc Cách Mạng Xanh ở Ấn Độ:
- Việc đầu tiên chính phủ Ấn Độ làm là tích gia tăng diện tích canh tác, chiêu tập dân tứ xứ, giải phóng sức lao động bằng cách xóa bỏ sự phân biệt đẳng cấp. Khi diện tích đất canh tác đã tăng lên thì gieo trồng hai vụ và phát triển các loại hạt giống tối ưu. Đó là ba phương pháp quan trọng nhất đã được áp dụng trong cuộc Cách mạng Xanh lần thứ nhất.
- Sau đó, vào cuối thập niên 60 của thế kỷ XX, Ấn Độ bắt đầu du nhập, trồng và phát triển các giống lúa cao sản, sử dụng máy nông nghiệp, phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật và các kỹ thuật, hệ thống thủy lợi phục vụ tưới tiêu... trên quy mô lớn. Đây được xem là cuộc Cách mạng Xanh lần thứ hai, tạo nên bước chuyển biến mới.
Hiện nay, sản lượng lương thực ở Ấn Độ đã tăng gấp 4 lần, sản lượng cá tăng gấp 9 lần, sữa tăng gấp 4 lần, trứng tăng gấp 27 lần so với năm 1947... Theo thống kê của FAO, năm 2010 Ấn Độ là nước sản xuất nhiều loại trái cây khô, trái cây tươi, rau tươi, sữa, các loại gia vị, cà phê, các loại cây xơ như đay, bông vải, các loại lương thực như kê, lúa gạo lớn thứ hai và là một trong năm nước sản xuất thịt gia súc, gia cầm lớn nhất thế giới.
2. KẺ THÙ MỚI - KẺ THÙ CŨ
Lúc đầu tôi có kể sơ qua việc người Anh trả độc lập cho Ấn Độ rồi phải không? Tuy nhiên, Anh trao trả độc lập theo một cách...không bình thường. Vốn dĩ khi lấy Ấn Độ người Anh chiếm cả một đất nước, khi trả độc lập họ tách nó ... làm ba, dựa theo tôn giáo. Vùng cực đông và cực tây Ấn Độ theo Hồi Giáo chứ không theo Ấn Giáo, và người Anh lập ra một nhà nước theo Hồi Giáo, ấy là Pakistan. Pakistan có lãnh thổ chia 2 nửa, đông và tây, ở giữa bị ngăn cách bởi ... Ấn Độ. Sự phân chia này ngay từ năm 1947 - 1948 đã khiến khoảng 500.000 người thiệt mạng vì mâu thuẫn tôn giáo, sắc tộc (chủ yếu là giữa người Hồi và người Hindu), kéo theo sự dịch chuyển, di cư của 10 - 15 triệu người. Dĩ nhiên với cái kiểu "Trường Sơn Đông - Trường Sơn Tây" của Pakistan như đã kể ở trên, chả chóng thì chầy Pakistan cũng sẽ mất kiểm soát với phần phía Đông. Điều đó đã xảy ra vào năm 1971, phần phía Đông với sự hậu thuẫn của Ấn Độ đã ly khai và lập một quốc gia mới, chính là Bangladesh ngày nay, còn tại sao Ấn lại chơi đâm sau lưng Pakistan?
Image may contain: outdoor
Nguyên nhân là tại Pakistan ... gây hấn trước, ngày xưa giữa Ấn Độ - Pakistan và Trung Quốc có một vùng đất gọi là Jammu và Kashmir do người Sikh kiểm soát. Người Anh từng chiếm đất này nhưng sau đó nhanh chóng nhận ra không có gì ngoài núi nên đồng ý cho một thủ lĩnh người địa phương chuộc lại đất, người Anh chỉ giám hộ. Năm 1947, người Anh rút đi như đã nói ở trên, Pakistan thừa hư mà nhập, xúi người theo Hồi Giáo ở đây vùng dậy, sau đó ngày 20/10/1947, Pakistan đưa quân đánh thẳng vào J&K. Quân chủ hai nước này nhanh chân chạy một mạch thẳng sang Delhi và ký luôn hiệp ước sát nhập J&K vào Ấn Độ. Như vậy về mặt giấy tờ, Ấn Độ đang là chủ của Jammu và Kashmir và Pakistan đang là kẻ xâm chiếm. Tháng 11, Ấn Độ cho quân nhảy dù xuống Kashmir và đẩy lùi quân Pakistan, tháng 12 Pakistan phản công, hai bên giằng co quyết liệt đến năm 1948 Liên Hiệp Quốc đứng ra làm trung gian hòa giải, hai phe đồng ý ngưng bắn vào ngày 1/1/1949. Kết thúc xung đột lần thứ nhất.
Nói lần thứ nhất, tức là còn lần thứ hai. Năm 1958, tướng Ayub Khan tiến hành đảo chính và lên làm tổng thống. Tới cuối nhiệm kỳ, uy tín của ông này càng lúc càng sút giảm, Ayub Khan xài cái bài quen thuộc: Khi trong nước sắp sửa nội loạn thì hãy hướng sự chú ý ra bên ngoài. Thế là ngày 1/9/1965, Pakistan mở cuộc tấn công vào Kashmir bằng xe tăng, Ấn Độ không cần cứu viện Kashmir, thay vào đó họ đánh vào thủ phủ Lahore bang Punjab của Pakistan. Pakistan vội phải điều binh về chống giữ, hai bên lại giằng co bất phân thắng bại đến năm 1969 thì lại ký hiệp ước ngừng bắn và ai về nhà nấy.
Sau hai lần bị Pakistan gây hấn, Ấn Độ để bụng nhưng chưa có dịp phục thù. Năm 1970 nhân vùng phía đông của Pakistan vừa mới dính cơn bão Bohla, vì khoảng cách tréo ngoe bị cách trở bởi Ấn Độ nên công tác cứu trợ diễn ra chậm chạp. Dân chúng ở phía đông phần lớn rất nghèo và vô học, ... Dân phía đông tiến hành một cuộc bầu cử tự do và Pakistan đã ngăn cản, bắt nhốt luôn ứng cử viên thắng cử. Dân phía đông vì thế tuyên bố ly khai và tiến hành chiến tranh du kích chống lại nhà cầm quyền Pakistan ở phía đông. Ấn Độ hỗ trợ quân du kích nhiệt tình, tuy vậy chiến tranh lan rộng cũng khiến khoảng 10 triệu người chết... Thế rồi tháng 12 năm 1971, Ấn Độ chính thức gửi quân tham chiến trực tiếp, tất nhiên nước xa không cứu được lửa gần, ngày 16/12/1971 quân Pakistan tại phía đông được lệnh đầu hàng, nhà nước mới ra đời chính là Bangladesh ngày nay.
Xen giữa những lần đánh nhau với Pakistan là một cuộc chiến tranh ngắn kéo dài tầm 1 tháng giữa Ấn Độ và Trung Hoa. Dù không dài nhưng hệ lụy của cuộc chiến tranh này vẫn kéo dài đến tận ngày nay. Nguyên nhân dẫn đến việc này là do sự mập mờ về đường biên giới giữa các nước trong khu vực: Năm 1914, thống đốc Anh là McMahon định ra biên giới giữa Ấn Độ và Tây Tạng, nhưng thực chất nó không phải là một đường thẳng tuyệt đối, do nằm trên cao nguyên hơn 5000m nên thực chất đó là một vùng đệm, địa giới của nó lệch về bên Ấn hay bên Tây Tạng tùy lúc nhưng nói chung chả ai quan tâm vì lúc ấy cả Ấn lẫn Tạng đều lệ thuộc người Anh. Mọi việc chỉ bắt đầu vào khoảng năm 1950, nhắm thấy Trung Hoa của Mao sắp dứt điểm Trung Hoa Dân Quốc của Tưởng Giới Thạch, Ấn Độ vội vàng đơn phương tuyên bố đường biên giới theo đường có lợi cho họ. Dĩ nhiên Trung Hoa Dân Quốc không chấp nhận nhưng cũng ko dám lớn tiếng nhiều, dù sao hãy còn đang nội chiến.
Năm 1951, CHND Trung Hoa xua quân chiếm Tây Tạng, lấy lý do vùng này từng thuộc quyền bảo hộ của nhà Thanh từ thế kỷ 19 thì đương nhiên TQ có quyền hiện diện ở khu vực này. Nghe hơi... khiên cưỡng, nhưng có sao, Trung Hoa khi ấy đông dân nhất thế giới và hầu như lúc ấy chả nước nào trên thế giới muốn dây vào TQ... Lại nói Tây Tạng là một đất nước xưa nay sống theo lối du mục và giai cấp cầm quyền lại là tu sĩ và tăng lữ, TQ vào Tây Tạng như chỗ không người. Tuy nhiên năm 1959, con giun xéo lắm cũng quằn, người Tây Tạng vùng lên chống lại Trung Quốc. Tất nhiên, với một đội quân đông đảo, thiện chiến như TQ, Tây Tạng không có cửa đánh thắng. Lãnh đạo của Tây Tạng là đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14, sau khi chứng kiến 1 triệu người Tây Tạng bị giết, đàn áp và bắt bớ đã quyết định di cư. Tháng 6 năm 1959, 80.000 người Tây Tạng theo chân Đạt Lai Lạt Ma 14 vượt Hy Mã Lạp Sơn đến định cư tại miền Bắc Ấn Độ và chính phủ Ấn đồng ý trao cho Đạt Lai Lạt Ma quyền tỵ nạn chính trị. Trung Quốc thù cũ lại thêm hận mới nên rất cay, ngày 20/10/1962, quân Trung Quốc bất ngờ tấn công với số lượng áp đảo, đánh bật quân Ấn khỏi các vị trí tiền đồn trên tuyến biên giới. Thế giới hồi hộp lo sợ trước viễn cảnh hai nước đông dân nhất thế giới sắp xảy ra chiến tranh thì bất ngờ ngày 20/11 sau đúng 1 tháng, TQ lại đơn phương tuyên bố ngừng bắn và rút quân khỏi các vị trí đã chiếm được và quay về đường ranh giới cũ. Đây gọi là đòn "đánh dằn mặt" của TQ, về sau bài này được Bắc Kinh diễn thêm một lần nữa vào năm 1979 với VN. Mục đích của TQ không phải là vài miếng đất như cái lỗ mũi mà là để "lấy số" trong khu vực. Quả thật sau cuộc chiến này, uy tín của thủ tướng Ấn Độ Nehru xuống hơi thấp vì không tiên liệu được TQ sẽ "nổ" trước, còn Trung Quốc đánh chớp nhoáng để nắn gân Ấn Độ và nháy đèn với Pakistan. Sau cuộc chiến này, tự nhiên mối quan hệ giữa Pakistan và Trung Quốc "nồng ấm" hơn bao giờ hết.
3. CHA ĐẺ CHƯƠNG TRÌNH HẠT NHÂN ẤN ĐỘ
Homi Jehangir Bhabha (30 tháng 10 năm 1909 - 24 tháng 1 năm 1966) là một nhà vật lý hạt nhân Ấn Độ. Ông có xuất thân con nhà giàu có, được thụ hưởng nền giáo dục Anh từ nhỏ. Khi lớn lên ông du học tại đại học Cambridge và tháng 1 năm 1933, Bhabha nhận bằng tiến sĩ vật lý hạt nhân. Tháng 9 năm 1939, ông về Ấn Độ nghỉ hè, trong thời gian này thì chiến tranh thế giới bùng nổ ở Châu Âu. Bhabha quyết định không quay lại Anh nữa mà ở lại Ấn và làm việc trong Viện Khoa Học Ấn Độ. Sếp trực tiếp của ông là Ngài Chandrasekhara Venkata Raman - người Ấn Độ và người Châu Á đầu tiên nhận giải Nobel khoa học về Vật Lý năm 1930 (trước đó có Tagore nhà thơ nổi tiếng Ấn Độ giành giải Nobel văn học năm 1913).
Sau khi kết thúc chiến tranh và sau khi được Anh trao trả độc lập, Bhabha đề suất ngay với thủ tướng Nehru về chương trình nghiên cứu nguyên tử của riêng Ấn Độ dưới danh nghĩa Nhà Máy Điện Hạt Nhân. Năm 1945, chính phủ Ấn Độ xây dựng Viện nghiên cứu cơ bản Tata từ đây đào tạo các kỹ sư về vật lý hạt nhân. Năm 1954, họ thành lập Cơ quan năng lượng nguyên tử và trong cùng năm đó là Cục Năng Lượng Nguyên Tử Ấn Độ.
Tuy nhiên vấn đề quan trọng nhất không phải là con người hay các trung tâm nghiên cứu mà là nguồn nhiên liệu. Các cuộc khảo sát địa chất chỉ ra rằng trữ lượng Uranium ở Ấn Độ là rất ít. Tuy nhiên trong cái rủi lại có cái may, đấy là họ lại phát hiện ra Ấn Độ có một trữ lượng Thorium cực kỳ phong phú, chiếm tới 1/3 trữ lượng trên trái đất. Căn cứ vào tình hình đó, Tiến sĩ Bhabha xây dựng một chương trình Ba Giai Đoạn cho Điện hạt nhân của Ấn Độ. Hiểu nôm na là thay vì lò phản ứng của các nước trên thế giới thì xài Urani thì người Ấn sẽ xài Thori cộng với một vài bước chuyển hóa phức tạp hơn, vậy cho nhanh.
Lý thuyết là thế nhưng thực hiện không đơn giản chút nào. Trước hết về nhân lực, Bhabha đã thực hiện bằng nhiều cách: gửi gần 30 nhà nghiên cứu trẻ tới Pháp – nơi ông có nhiều mối quan hệ quốc tế, để học hỏi kinh nghiệm thiết kế lò phản ứng; hợp tác với Canada – nơi cung cấp thiết kế lò nước nặng CANDU và Tiến Sĩ W.B. Lewis (người thiết kế lò) là bạn cùng học ở Cambridge, để nghiên cứu chuyển giao công nghệ; và mời nhiều nhà khoa học ở Anh như Cockcroft, Blackett – nơi ông từng nhiều năm theo học đại học và làm tiến sỹ vật lý lý thuyết, tới Ấn Độ giảng dạy. Năm 1956 Ấn Độ đã trở thành quốc gia đầu tiên ngoài Liên Xô cũ đủ khả năng tự thiết kế và xây dựng lò phản ứng, đó là lò APSARA. Bốn năm sau, Ấn Độ xây dựng thành công CIRUS - lò nghiên cứu trên cơ sở lò nước nặng của Canada.
Sự nghiệp đang tiến triển tốt đẹp thì năm 1962 giữa Ấn Độ và Trung Hoa nổ ra chiến tranh như đã nói ở trên. Và Ấn Độ thua trong cuộc chiến này. 2 năm sau năm 1964, Trung Hoa đã cho nổ thành công quả bom nguyên tử đầu tiên của Châu Á. Trước tình hình đó, người Ấn không thể ngồi yên được, họ quyết tâm phải thủ sẵn "hàng nóng" khi ở cạnh một người hàng xóm ồn ào chơi bẩn. Nehru quyết định: Ấn Độ cũng phải có vũ khí hạt nhân !
4. ĐỨC PHẬT ĐÃ MỈM CƯỜI, NHƯNG...
Ấn Độ quyết tâm phát triển vũ khí hạt nhân tương đối thuận lợi vì với cơ sở, kỹ thuật và con người sẵn trong tay thì việc đem ứng dụng công nghệ hạt nhân từ dân dụng vào quân sự là chuyện trong tầm tay. Tuy nhiên, năm 1966, Tiến sĩ Bhabha đột ngột bị rớt máy bay trên đường sang Paris dự một hội nghị. Cái chết của ông làm chương trình năng lượng nguyên tử của Ấn Độ có trục trặc đôi chút nhưng không thể làm gián đoạn toàn bộ. Cuối cùng, vượt qua bao khó khăn gian khổ, bất chấp GDP dân trong nước ở ngấp nghé ngưỡng nghèo, dân vẫn còn đói nhăn răng, Ấn Độ thử thành công quả bom nguyên tử có sức công phá ngang với quả bom ở Hiroshima vào ngày 18/5/1974 tại bãi hoang mạc Thar. Ngày hôm đó là ngày Phật Giác Ngộ, thủ tướng Ấn lúc đó Indira Gandhi đã nhận được một lời nhắn “Đức Phật đã mỉm cười” từ các nhà khoa học tiến hành cuộc thử nghiệm.
Tuy nhiên, kinh phật đã dạy: Thành phật, thành ma, một niệm mà ra. Phật đã mỉm cười nhưng cũng làm cho quỷ dữ tức tối. Ngay sau khi Ấn Độ thử thành công bom nguyên tử, Pháp và Canada rút hết chuyên gia nguyên tử về nước, thu hồi các công nghệ của họ, nhưng đó chưa phải tất cả: Pakistan tất nhiên không thể chấp nhận được việc kẻ thù sát sườn có bom nguyên tử mà mình lại không. Thủ tướng Pakistan lúc đó Bhutto đã tuyên bố đại loại như: Ấn Độ đã có bom nguyên tử thì Pakistan cũng phải có, cho dù toàn dân có phải ăn cây cỏ hay nhịn đói đi nữa!
Rất tuyệt vời, Pakistan lúc đó có một kỹ sư trẻ tên là Abdul Qadeer Khan. Anh này là kỹ sư luyện kim đang làm việc tại tập đoàn Urenco - Hà Lan. Trong quá trình làm việc, anh này được thuyên chuyển đến bộ phận chuyên nghiên cứu các kim loại phóng xạ, mà cụ thể là Urani. Năm 1974, qua một người bạn, Khan biết chính phủ Pakistan cũng đang muốn phát triển vũ khí hạt nhân bèn tự mình ứng cử với thủ tướng Bhutto. Dù cơ quan năng lượng nguyên tử Pakistan nhận định rằng chuyên môn và nghề nghiệp anh này không phù hợp nhưng cuối cùng Bhutto vẫn dành cho anh ta một cuộc gặp. Sau cuộc gặp đó Abdul Qadeer Khan chính thức trở thành giám đốc chương trình phát triển vũ khí nguyên tử của Pakistan. Dù sau đó chính trường Pakistan có rối như canh hẹ, bao nhiêu đời thủ tướng được lập lên rồi đổ xuống thì chương trình hạt nhân của Pakistan vẫn chưa bao giờ ngừng lại. Năm 1998, Pakistan thử nghiệm thành công bom nguyên tử, chính thức bước vào "ngôi đền của những huyền thoại", và các bạn biết không? Trong suốt những năm 1980s, Trung Quốc liên tục cử chuyên gia và cố vấn quân sự sang Pakistan với danh nghĩa hỗ trợ Afghanistan chống quân đội Liên Xô, dù thực chất họ làm gì, có dính tới vũ khí hạt nhân hay không thì ... có trời biết.
Thế giới thêm một phen ngã ngửa trước Abdul Qadeer Khan khi năm 2002, Lybia chấp nhận xuống nước, từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân và từ đó lộ ra rằng Abdul Qadeer Khan đã ... bán công nghệ hạt nhân không chỉ cho Lybia mà còn cho ... Bắc Hàn. Chuyện Lybia tôi ko kể nữa, các anh chị biết cả rồi, giờ nó như đống rác, mặc dù trước đây nó giàu nhất nhì Châu Phi. Còn Bắc Hàn thì đã quá muộn để dừng lại, năm 2009 họ thử thành công vũ khí hạt nhân và gần 10 năm sau đó kiên quyết nói "không" với những đề nghị từ bỏ từ phía cộng đồng quốc tế, để rồi mới tháng 8 năm 2018 vừa rồi, Kim Joong Un đường hoàng sánh vai ngang với Trump để ngồi đàm phán về 1 bán đảo Triều Tiên không vũ khí hạt nhân...
=.=.= Bách Hiểu Sinh =.=.=
Theo Chuyện Đông chuyện Tây

Hình minh họa:
Hình 1: Ngay một bản đồ du lịch cũng tô đỏ khu vực "Không nên lai vãng" ở Ấn Độ.
Hình 2: VKHN của Ấn Độ.


https://www.facebook.com/tuan.buianh.3597/posts/1051733918348142

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét