Thứ Năm, 3 tháng 1, 2019

NGÀY CUỐI NĂM, NGẪM CHUYỆN CHỮ “THỜI”

Ngày 7 tháng 6 năm 1954, tại một căn nhà nhỏ ở thị trấn Wilmslow, hạt Cheshire, nằm ở Tây Bắc nước Anh, một người đàn ông nằm chết bên cạnh một trái táo cắn dở. Ông chết bởi sự kỳ thị dành cho những hành vi đồng tính luyến ái thời điểm ấy. Tên người đàn ông ấy là Alan Turing, nhà toán học thiên tài người Anh.
No photo description available.
Alan Turing được xem là “Einstein của toán học”, ông là người đã giải mã được hệ thống Enigma (cỗ máy mã hóa điện mật) của phát xít Đức. Tổng thống Mỹ Eisenhower nói rằng sự đóng góp của Turing và nhóm của ông tại Bletchley đã rút ngắn chiến tranh từ 2 - 4 năm và cứu hàng triệu con người. Alan Turing còn được đánh giá là cha đẻ của khoa học máy tính, và là một trong những người đặt nền móng cho trí tuệ nhân tạo thời hiện đại. Vấn đề ở chỗ, ông là người đồng tính tuyến ái và sống trong một xã hội xem đồng tính luyến ái là một trọng tội. Kết cục, khi bị phát hiện, cảnh sát ép ông phải chọn lựa giữa hình phạt bị “thiến hóa học” hoặc là ngồi tù. Nhà toán học đã chọn hình phạt thứ nhất để tiếp tục được nghiên cứu. Một năm liền bị tiêm hormone nội tiết tố nữ vào người đã khiến ông bị bất lực, ngực nhú lên như phụ nữ. Và một cái chết bi thảm đầy cô đơn vì chất độc xyanua đã xảy đến vào ngày 7/6/1954. Alan Turing chết trong sự lãng quên, như nhiều người ngày đó coi đấy là sự xấu hổ. Phải đến 60 năm sau, khi vấn đề đồng tính đã được chấp nhận, chính phủ Vương quốc Anh mới chính thức nói lời xin lỗi đến một trong những nhà toán học vĩ đại nhất của thế kỷ 20. Hôm nay, trên đài tưởng niệm Alan Turing, nằm ở Công viên Sackville ở Manchester có đặt một bức tượng với dòng chữ: "Cha đẻ của khoa học máy tính, nhà toán học, nhà logic, nhà lập trình thời chiến, và là nạn nhân của thành kiến". Alan Turing có thể coi là một trong những nạn nhân lớn nhất trong lịch sử của một chữ “thời”. Nếu như ông được sống với chính mình trong những ngày tháng đó, chứ không phải chết đi ở tuổi 42, thì sự phát triển của khoa học máy tính và trí tuệ nhân tạo của nhân loại đã được rút ngắn, và lịch sử hôm nay cũng đã được thay đổi.
Những nhà khoa học đi trước thời đại luôn phải gánh chịu những bi kịch. Hôm nay, một đứa trẻ cũng biết rằng trái đất quay xunh quanh mặt trời. Thế nhưng vào thế kỷ 16, 17, giáo hội đã từng đưa Giordano Bruno lên dàn hỏa thiêu chỉ vì ông nói điều đó. Thiên tài Galileo Galilei cũng nêu quan điểm trái đất quay xung quanh mặt trời và bị giáo hội kết án “dị giáo”. Vào tháng 10/1632, một phiên tòa đã được thành lập và ép buộc Galileo phải thay đổi quan điểm về “trái đất quay quanh mặt trời”, nếu không sẽ vào tù. Mãi về sau, khi khoa học đã chứng minh những gì mà Copernicus, Bruno và Galileo đã nói là đúng, thì họ đã đi rất xa và rất lâu rồi. Những lời xin lỗi mà Giáo hoàng John Paul II nói vào năm 1992 khi tuyên bố thừa nhận những sai lầm trong “vụ án Galileo” thật chỉ như là phép thắng lợi tinh thần của AQ mà thôi. Năm 1829, ở nước Nga, một giáo sư toán học khi đó mới chỉ 37 tuổi, đã đứng trước hội đồng hoàng gia để trình bày về một học thuyết hình học mới, phản biện lại một trong những tượng đài vĩ đại nhất đã tồn tại suốt 2000 năm: tiên đề V Euclid. Người trẻ tuổi đó tin rằng, trong mặt phẳng hình thành bởi một đường và một điểm không nằm trên đường đó, có thể vẽ ra vô số đường thẳng đi qua điểm đó và song song với đường thẳng ban đầu, chứ không thể là một đường thẳng như nhân loại đã tin suốt 2000 năm qua. Sau khi nghe ông trình bày suốt mấy tiếng đồng hồ, những người thuộc hội đồng chỉ dành cho ông đúng hai chữ: “thằng điên”. Nikolai Ivanovich Lobachevsky, chính là tên của vị giáo sư trẻ tuổi ấy, một thiên tài toán học, và là niềm tự hào bất tử của nước Nga hôm nay. Phải mãi hơn 50 năm sau từ lần đầu tiên mà Lobachevsky trình bày câu chuyện của mình, thì hình học không gian, hình học phi Euclid mới chính thức ra đời.
“Thời thế tạo anh hùng” chứ anh hùng không tạo nên thời thế. Khổng Minh gặp được chủ, nhưng không gặp thời, rồi mộng cũng trôi theo dòng nước. Hồ Quý Ly tham vọng cải cách nước Việt theo chiều hướng kỹ thuật từ thế kỷ XV, để rồi con thuyền đi ngược dòng thời đại đó cũng trôi xuống thác ghềnh. Đặc biệt, biến động chính trị, thay triều đổi đại luôn là ác mộng của những con người trí thức đã nhận được nền giáo dục tiên tiến nhất trong thời đại trước. Thời thế đổi thay có thể đẩy những người tinh hoa xuất chúng của chế độ trước thành những tay sửa xe đạp lành nghề của chế độ mới. Thậm chí có những luật sư, nhà giáo thành những người nông dân chân lấm tay bùn ở miền quê, và buổi tối trầm ngâm bên chén trà.
Trong cuộc chiến giữa Nguyễn Ánh và Nguyễn Huệ thế kỷ 18 có hai vị công thần, một người theo Huệ tên là Ngô Thì Nhậm (1746–1803) và người kia theo Ánh tên là Đặng Trần Thường (1759-1813). Đặng Trần Thường ban đầu cũng có ý làm quan cho nhà Tây Sơn, nhờ Ngô Thì Nhậm tiến cử. Nhưng do Ngô Thì Nhậm cho rằng ông có ý cầu cạnh nên bảo: "Ở đây cần dùng người vừa có tài vừa có hạnh, giúp vua cai trị nước. Còn muốn vào luồn ra cúi thì đi nơi khác". Cảm thấy bị sỉ nhục, ông bỏ vào Nam theo Nguyễn Ánh. Ngày đó, Nguyễn Huệ đánh đông dẹp bắc, anh hùng không ai ngăn nổi, Ngô Thì Nhậm cũng theo đó mà lên như một quân sư được nể trọng. Nhưng khi Nguyễn Huệ mất, thì đến lượt Nguyễn Ánh phản công. Đặng Trần Thường theo đó cũng lập nên bao nhiêu công trạng. Cho đến ngày Tây Sơn sụp đổ, Nguyễn Ánh giao Đặng Trần Thường chủ trì việc trừng phạt Ngô Thì Nhậm và các nhân sĩ Bắc Hà đã từng theo Tây Sơn trước đó. Thấy Ngô Thì Nhậm quỳ bên dưới, Đặng Trần Thường ra câu thách đối: "Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai." Ngô Thì Nhậm ở bên dưới khảng khái đáp lại: "Thế chiến quốc, thế xuân thu, thời đã thế, thế thời phải thế."
Anh hùng không gặp thời, nhưng nếu anh hùng mà gặp được thời, thì tự khắc với những kỹ năng được trau dồi trước đó, khi kết hợp cùng với thời đại cần mình, ắt tạo thành một tổ hợp phát triển vũ bão. Người ta gọi đó là “rồng gặp mây”. Khi lý giải về sự vĩ đại của các hiền triết thời Hy Lạp cổ đại, Các Mác đã luận giải: "Bởi thời đại đó sinh ra những con người đó." Phải, chính đặc thù của thời thế đã khiến những cá nhân mang cảm giác phải làm gì đó. Điều ấy được lặp lại sau hơn 1200 năm, với giai đoạn Phục Hưng mà Leonardo da Vinci hay Michelangelo là những đại diện tiêu biểu nhất. Sau khi “đêm trường Trung Cổ” bóp nghẹt sức sáng tạo, chúng cũng đẩy đến sự sáng tạo vô biên và tài năng bạt tụy của mỗi cá nhân khi mọi thứ được khai phóng. Những thiên tài, những tác phẩm chỉ được đánh thức bởi thời thế.
Thời đại hôm nay là thời đại mạng xã hội. Chưa bao giờ trong lịch sử loài người, khoảng cách giữa người với người được kéo đến gần nhau đến như thế. Khi chỉ bằng một màn hình vi tính, ở Hà Nội hay TP.Hồ Chí Minh vẫn có thể nói chuyện và làm bạn với New York hay Luân Đôn. Khi xưa muốn nổi tiếng phải lên tivi, lên báo đài. Còn bây giờ, mạng xã hội có thể giúp một người có chân thực tài nổi tiếng bằng những bài viết của họ, một ngòi bút mạnh có thể tạo nên sự nghiệp từ mạng xã hội, mà sự nổi tiếng trong cộng đồng không kém những ngôi sao giải trí nào. Dẫu cho trước đó, dù tài hoa bao nhiêu, những gì họ có thể làm chỉ là thổ lộ lòng mình trong các trang nhật ký. Ngược lại, cũng là mạng xã hội, đẩy ngược về phía sau những tri thức uẩn ức không theo kịp dòng chảy, giết chết những tờ báo giấy chưa kịp đình hình lại mình.
Ngày cuối năm, ngẫm về chữ thời, càng thấy con người nhỏ bé trước thời vận. Giữa cuộc đời bể dâu, trong con tạo xoay vần, người sống trên đời, chỉ xin cầu hai chữ “an nhiên”.
https://www.facebook.com/Elite.Magazine.HCM/posts/1559240247512611

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét