Thứ Hai, 21 tháng 1, 2019

LOÀI BẠCH TUỘC ĐI HOANG TRÊN BIỂN ĐÔNG

Mấy nghìn năm lịch sử, Tổ quốc chúng ta “bao phen chồn ngựa đá”, bao lần khói lửa chiến chinh giày xéo non sông, bao lần nhà tan cửa nát, bao người ngã xuống vì tổ quốc, vì nền hòa bình đất nước. Máu và nước mắt đã đổ xuống hàng nghìn năm nay để giữ lấy độc lập, tự do, giữ lấy từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc. Tổ quốc trên hết, dân tộc trên hết và hòa bình trên hết. Chúng ta phải xác tín điều đó để tồn tại trong thế giới đầy rẫy những tham vọng và hiểm nguy khi bước qua thế kỉ XXI này. Và giờ đây, Tổ quốc chúng ta ở biển Đông đang ngày đêm mỏi ngóng chúng ta, những người con yêu nước trong bối cảnh lịch sử mới. 

Kết quả hình ảnh cho BIÊN GIỚI VIỆT – TRUNG

Trong phần nhỏ này, tôi muốn nói đến mối đe dọa an ninh lớn nhất đến từ bên ngoài là Trung Quốc. Trong lịch sử, người hàng xóm khổng lồ này luôn nhòm ngó thòm thèm, muốn giựt lấy để thỏa mãn những toan tính của họ. Riêng việc thâu chiếm biển Đông là cả một chiến lược mà Trung Quốc thực hiện từ nửa sau thế kỉ XX đến nay và ngày càng đẩy tình hình căng thẳng, nghiêm trọng.
Diễn biến mấy năm trở lại đây với tình hình ngày càng nóng lên ở biển Đông, những đợt sóng ngầm thi thoảng lại rộ lên khiến đất nướcViệt Nam ta phải liên tục đối mặt với nhiều mối quan ngại về chiến lược phát triển tương lai của đất nước. Những sự kiện tàu lạ, tuyên bố chủ quyền biển đảo mà đối thủ truyền kiếp ngàn năm của chúng ta. Một chuỗi những hành động táo tợn nhất từ trước tới nay của Trung Quốc trong vấn đề chủ quyền lãnh hải, gây tổn hại đến quan hệ giữa hai nước. Con rồng đã thức giấc, thực sự vươn mình để quẫy đuôi đạp sóng. Truyền thống “viễn giao cận công” của giới chính trị Trung Quốc từ xưa đến nay luôn là phương châm chiến lược. Diễn biến sự kiện trong những năm đầu thế kỉ này đã chứng minh điều đó. Dĩ nhiên, nếu một chú rồng hành động như vậy thì nó đã tự biến mình thành loài bạch tuột đáng sợ đi hoang, ứng xử hẹp hòi và thiếu văn minh
Các hành động trên biển của Trung Quốc nhiều năm qua đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với các vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, vi phạm luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 mà Trung Quốc là quốc gia thành viên, đi ngược lại Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) giữa Trung Quốc và các nước ASEAN, gây ảnh hưởng tiêu cực đến quan hệ giữa hai nước và làm tổn thương tình cảm hữu nghị vốn có giữa nhân dân hai nước. Từ Chính phủ cho đến những người dân thường đã lên tiếng phản đối hành vi bất chấp luật pháp quốc tế, hành vi phi nghĩa của Trung Quốc. Những khẩu hiệu đã giương lên, nhiều người xuống đường, cực lực phản đối hành vi “không thể chấp nhận được của Trung Quốc.
Ví dụ trong diễn biến trên biển Đông, Trung Quốc sẵn sàng bỏ ra hàng triệu USD mỗi ngày để duy trì giàn khoan HD - 981 có trị giá hơn 1 tỷ USD và lực lượng tàu bè bảo vệ. Chúng ta có thể nhận thấy rằng quyết định triển khai giàn khoan dường như là một “quyết định chính trị” chứ không phải là “quyết định kinh tế”. Việc đặt giàn khoan HD-981 đồng thời cũng tuyên bố sự hiện diện của các tàu quân sự có mặt trên biển, trong vùng lãnh hải thuộc chủ quyền Việt Nam, và đó là một tiền lệ mà trước đây chưa từng có trong các tranh chấp những năm gần đây trên biển Đông.
Nhiều hành động đơn phương khác của Trung Quốc tại biển Đông là sự leo thang đáng lo ngại, đã làm căng thẳng lên tình hình khu vực. Tham vọng của Bắc Kinh là vô cùng lớn và có thể đi xa hơn nữa theo cách riêng bất chấp luật pháp quốc tế và uy tín quốc gia của họ, mà mục đích cuối cùng là độc chiếm biển Đông, khu vực tranh chấp và là một “khoảng trống quyền lực” lớn ở Đông Nam Á. Một lần nữa, chủ nghĩa Đại Hán với tham vọng bá quyền thật sự là nỗi lo lớn không chỉ của đất nước chúng ta, mà cả thế giới. Tôi cảm thấy rất xúc động khi đông đảo đồng bào yêu nước đã xuống đường biểu tình, mitting phản đối Trung Quốc ở trong nước và nước ngoài. Hơn lúc nào hết, chúng ta phải đoàn kết nhau lại, thắp sắng tinh thần dân tộc để. Chúng ta phải đoàn kết, mạnh mẽ lên tiếng phản đối và sẵn sàng đáp trả mọi hành động và ý đồ ngang ngược của Trung Quốc, gìn giữ bằng mọi giá những phần da thịt thiêng liêng của tổ quốc.
*
Lịch sử ghi nhận rằng, đứng đầu thế giới là giấc mơ trăm năm của Trung Quốc, tiếp nối nhau duy trì lí tưởng ấy từ Tôn Trung Sơn, Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình. Thứ chủ nghĩa mà họ cổ súy chính là chủ nghĩa đứng đầu thế giới. Người Trung Quốc cho rằng, đã đến thời đại Trung Quốc “mở mày mở mặt” với thế giới, thời đại “quan niệm giá trị Trung Quốc” định hướng thế giới. Họ xác định rằng, “muốn trỗi dậy hòa bình cần trỗi dậy quân sự”. Chính thứ chủ nghĩa dân tộc, nước lớn của Trung Quốc đã làm nóng lên tình hình khu vực và thế giới trong bối cảnh hiện tại.
Do đó, có thể nói rằng, đường lối đối ngoại của Trung Quốc trong tiến trình lịch sử hiện đại là một thứ đường lối khá giảo hoạt, đánh tráo giá trị lịch sử và hiện trạng dân tộc. Năm 1924, Tôn Trung Sơn đã nói rõ lí lẽ của dân tộc Trung Quốc trong “chủ nghĩa tam dân” với nền hòa bình thế giới, rằng: “...dùng sức mạnh của dân tộc để bênh vực kẻ yếu trên thế giới, đây mới được coi là sứ mệnh của chúng ta” . Chủ nghĩa tam dân của Tôn Trung Sơn khi ấy được nhân dân Trung Quốc và các nước nhược tiểu trên thế giới hoan nghênh. Sau này, Mao Trạch Đông từng tuyên bố trước Đảng Cộng sản Trung Quốc năm 1962 về cách ứng xử của ông trước quốc tế: “Đất nước của chúng tôi là quốc gia chủ nghĩa xã hội, không phải là quốc gia chủ nghĩa tư bản, vì thế một trăm năm hay một vạn năm, chúng tôi cũng không xâm lược kẻ khác” . Nhưng Mao Trạch Đông đã quên cuộc chiến Triều Tiên (1950-1953), quên các hành vi xâm lấn biên giới Ấn Độ (1962), xung đột quân sự với Liên Xô (1962, 1969) đổ không ít máu và câu nói đầy kiêu mạn vào năm 1965 “Chúng ta phải giành lấy cho được Đông Nam Á... gió đông thổi bạt gió tây”. Đặng Tiểu Bình vào ngày 29/5/1984 đã phát biểu: “Trung Quốc vĩnh viễn không xưng bá, vĩnh viễn không ức hiếp kẻ khác”. Khi đó, Đặng Tiểu Bình đã quên cuộc chiến biên giới Việt Trung (1979), mà không ai khác chính Trung Quốc là kẻ đi xâm lược.
Với một nước lớn như Trung Quốc, việc sử dụng những quy luật chính trị để gìn giữ sự tồn vong của một chính thể được họ nắm vững và áp dụng một cách triệt để. Trong đó, việc đưa mâu thuẫn, khó khăn đất nước ra bên ngoài với một kẻ đối đầu cụ thể là việc được thực hiện nhiều lần trong lịch sử. Chúng ta không thể quên được cuộc xâm lược của nhà Tống vào nước ta năm 1076-1077, xuất phát từ sự bất ổn của triều đình nhà Tống. Biến pháp Vương An Thạch chủ trương xâm lược nước Việt để lấy lại sự cân bằng cho Đại Tống bằng một cuộc chiến. Nhưng họ đã “bị đánh tơi bời” bởi đạo quân Lý Thường Kiệt uy dũng. Cuộc chiến năm 1979 do Đặng Tiểu Bình chủ trương “dạy cho Việt Nam một bài học” cũng không nằm ngoài quy luật đó. Và họ đã trả giá đắt cho cuộc chiến kéo dài gần 1 tháng này. Dường như đó là một định mệnh với “người hàng xóm nhiều tật xấu” để rồi cho đến hôm nay Trung Quốc vẫn chưa từ bỏ những ý đồ xâm phạm chủ quyền lãnh hải, lãnh thổ của các nước láng giềng, trong đó có Việt Nam.
Nhưng chúng ta nên nhớ rằng, Trung Quốc là một quốc gia có truyền thống lục địa, bằng chứng là trước cuộc chiến tranh Nha phiến với Anh (1840), Trung Quốc luôn đặt vấn đề quốc phòng hàng đầu là giữ vững nền an ninh lãnh thổ tại lưu vực lưỡng hà Hoàng Hà - Trường Giang, xem đó là sự sống còn của dân tộc Trung Hoa. Từ khi lập quốc đến nay, Trung Quốc chưa bao giờ được gọi là đế quốc biển. Sự thiếu vắng truyền thống lịch sử này chính là một rào cản lớn cho một nước lớn có tham vọng hướng biển như Trung Quốc hiện nay. Sự cách biệt này nếu so với tiến trình xác lập chủ quyền biển của các nước phương Tây hãy còn cách một khoảng lớn. Những tên tuổi như Trịnh Hòa, hạm đội Bắc Dương chỉ là những đốm mờ nhạt trong lịch sử hàng hải thế giới.
Cho đến lúc này, Trung Quốc vẫn đặt sự toàn vẹn của quyền lợi lục địa hơn là những mối bận tâm khác như quyền lợi biển. Giữ gìn đại lục là chiến lược muôn đời của Trung Quốc. Một nhà nghiên cứu chiến lược Trung Quốc, Lưu Minh Phúc, giảng viên Đại học Quốc phòng Bắc Kinh nhận định rằng: “Văn hóa chiến lược của Trung Quốc luôn là một dạng văn hóa bảo vệ lục địa theo mô hình phòng ngự, chứ không phải giành giựt quyền lực biển theo mô hình tấn công. Điều này đã quyết định tính khu vực, tính lục địa, tính hướng nội của tính cách quốc gia Trung Quốc” . Hiện tại, Trung Quốc đối mặt hàng chục về vấn đề nội chính như sự bất ổn chính trị trong nội bộ lãnh thổ, các vùng tự trị Tây Tạng, Tân Cương, các cuộc khủng bố, sự chia rẽ trong Đảng Cộng Sản Trung Quốc, tình trạng tham nhũng, phân hóa giàu nghèo và đặc biệt là tình trạng ô nhiễm môi trường đe dọa sức khỏe và tự nhiên... Hàng chục vấn đề đối ngoại cũng làm Bắc Kinh đau đầu như: tranh chấp lãnh hải với Nhật Bản, vấn đề Đài Loan, vấn đề biển Đông, tranh giành ảnh hưởng của Mỹ ở khu vực và thế giới, hàng hóa Trung Quốc bị quốc tế tẩy chay...
Trung Quốc do vậy đang đứng trước những bờ vực, những nguy cơ tiềm ẩn đe dọa sự tồn tại của một chính thể thống nhất. Những hành động của Bắc Kinh vì thế rất thận trọng, lèo lái theo cách an toàn nhất để bảo toàn cục diện. Họ muốn những mâu thuẫn ở đại lục ra bên ngoài để đoàn kết khối thống nhất trong nước. Tổ chức Khủng hoảng quốc tế (ICG) công bố báo cáo khẳng định Trung Quốc liên tục có các hành vi gây hấn trên biển Đông và biển Hoa Đông không chỉ để đòi chủ quyền vô lý mà còn nhằm “chuyển lửa ra bên ngoài”. Những hành động khiêu khích ở vùng biển tranh chấp với Nhật Bản, Việt Nam và các nước khác là cả một chiến lược để kích động tinh thần dân tộc của họ. Và cũng cần nhớ câu của Niccolò Machiavelli: “Số phận cũng vậy thôi, sẽ thể hiện sức mạnh tàn bạo khi không gặp sự kháng cự; và số phận sẽ tấn công những nơi nó biết không hề đắp đê hay đào kênh” .
Chúng ta phải cẩn trọng với các hành động khiêu khích của Trung Quốc, nhất là những hành động đang diễn ra trên biển Đông để tránh mắc phải một “mẻ lưới giăng sẵn”. Bắc Kinh thường tận dụng những cơ hội “nóng” để làm những điều họ muốn. Chúng ta không nên đi theo vết xe đổ của “sự đã rồi” như những lần trước đây.
*
Binh pháp “Sự đã rồi” thiên biến vạn hóa, sau một đêm có thể thay đổi cả giang sơn bằng sự tấn công chớp nhoáng và nhảy lên vũ đài quốc tế bằng khẩu điệu hàm hồ của “kẻ mạnh chơi bẩn”. “Sự đã rồi” đó tính từ thời điểm sau Thông cáo Thượng Hải có thể kể đến các ví dụ sau: Ngày 19//1974, lợi dụng tình hình chiến tranh Việt Nam có nhiều sơ hở, Hải quân Trung Quốc phát động tiến công quần đảo Hoàng Sa (lúc này do quân đội Sài Gòn trấn giữ) và chỉ trong một ngày chiếm được toàn bộ quần đảo. Dư luận chính quyền ở Miền Nam lên tiếng, quốc tế lên án nhưng “sự đã rồi” đã diễn ra. Mọi chuyện đều chỉ là sự phản ứng kéo vô vọng. Tháng 2/1979, Trung Quốc phát động tấn công toàn bộ vùng biên giới phía Bắc. Chỉ trong vòng 1 tháng gây cho đất nước chúng ta nhiều thiệt hại về người và của ở các tỉnh biên giới, đồng thời chiếm đóng nhiều vị trí then chốt về quân sự ở Tây Bắc. Lúc đó, dư luận quốc tế, đặc biệt Liên Xô và các nước XHCN lên án gay gắt nhưng “sự đã rồi” cũng vừa kịp mượn cớ dạy bài học để học thêm nhiều bài học. “Sự đã rồi” gần đây nhất là trận chiến ở Trường Sa tháng 3/1988. Trung Quốc một lần nữa ngang nhiên cho tàu chiến đánh chiếm các bãi đá ngầm, đảo của chúng ta ở Trường Sa bất chấp công ước và dư luận quốc tế, gây thêm vết nhơ trong quan hệ hai nước. Rõ ràng binh pháp “sự đã rồi” của Trung Quốc là một tuyệt chiêu “ăn vụng thô bạo”, đã nuốt mất hẳn sự lịch sự cần thiết của một nước lớn.
“Nước chúng ta, nước những người chưa bao giờ khuất” trước bất kì thế lực ngoại xâm bạo tàn nào. Lịch sử đã chứng minh điều đó. Và luôn nhớ câu nói các bậc tiền nhân: “Một tấc đất của tiền nhân để lại, cũng không được để lọt vào tay kẻ khác” (vua Trần Nhân Tông).
Và lòng yêu nước tự thân nó không phải là một sản phẩm độc quyền cho mỗi cá nhân, tổ chức nào. Lòng yêu nước đến từ tâm khảm của những người con Việt sống dưới mái nhà tổ quốc có chung bổn phận gắn liền với trách nhiệm.
https://www.facebook.com/levu.truonggiang.3/posts/3095801860446030

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét